Cuối tháng 8, mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng thương mại cổ phần tương đối ổn định. Thế nhưng sang đầu tháng 9, một vài ngân hàng rục rịch điều chỉnh tăng. Trong đó ấn tượng nhất phải kể đến ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank).
Kể từ 5/9, Viet Capital Bank áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, lãi suất tại ngân hàng này tăng vọt từ 7,8%/năm hồi cuối tháng 8 lên 8,2%/năm. Hiện tại 8,2%/năm là mức lãi suất cao nhất toàn hệ thống ngân hàng và cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Gần đây, mức lãi cao nhất là 8,4%/năm.
Mức “trần” 8,2%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng. Đặc biệt ở kỳ hạn này, Viet Capital Bank không đưa ra bất cứ quy định nào với khoản tiền gửi. Trong khi đó, ở kỳ hạn 12 tháng, Viet Capital Bank chỉ áp dụng lãi suất 7,4%/năm nhưng điều kiện đi kèm là khách phải gửi tiết kiệm trên 500 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 1 kỳ hạn khác mà Viet Capital Bank áp lãi suất cao 7,8%/năm. Đó là kỳ hạn 12 tháng. Và tất cả khách hàng đều được nhận mức lãi suất này mà không phải tuân thủ thêm điều kiện nào đi kèm.
Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng ghi tên mình vào danh sách tăng lãi suất. Nếu cuối tháng 8, mức “trần” tại VPBank là 7,9%/năm. Nhưng kể từ 1/9, mức trần này tăng lên 8%/năm.
Để nhận được lãi suất 8%/năm, khách hàng phải gửi tiền tiết kiệm từ 5 tỷ trở lên ở kỳ hạn 36 tháng. Còn với kỳ hạn thấp hơn 24 tháng, khách hàng có thể nhận lãi suất 7,9%/năm.
Không tăng lãi suất nhưng cả ngân hàng Quốc Dân (NCB) và ngân hàng Xây dựng (CB) đều duy trì chính sách lãi suất cao 8%/năm. Trong nhiều tháng gần đây, 8%/năm là mức kỷ lục của lãi suất huy động.
Mặc dù trên website của mình, ngân hàng CB duy trì biểu lãi suất có hiệu lực từ 3/12/2015 với mức lãi suất cao nhất chỉ là 7,3%/năm nhưng tại các chi nhánh CB, mức lãi suất cao nhất được niêm yết là 8%/năm.
Còn tại NCB, thông tin này được công khai trên website. Theo đó, mức lãi suất cao nhất tại NCB là 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng. Niêm yết ở mức thấp hơn, các kỳ hạn 18 tháng và 36 tháng có lãi suất lần lượt là 7,8%/năm và 7,5%/năm.
Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) hứa hẹn là một trong các ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ cụ thể không được công bố. Khách hàng phải trực tiếp liên hệ với ngân hàng và phải gửi số tiền từ 100 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, ở kỳ hạn 37 tháng, TPBank cũng dành mức lãi suất khá cao cho khách. Đó là 7,9%/năm. Ở kỳ hạn này, TPBank không quy định “trần” số tiền gửi.
Các ngân hàng thương mại cổ phần còn lại không tăng lãi suất nhưng tiếp tục duy trì chính sách lãi suất cao. Lãi suất cao nhất tại VietABank, Eximbank và Oceanbank lần lượt là 7,7%năm, 7,5%/năm, và 7,4%năm.
Các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước vẫn đứng ngoài “cuộc đua” lãi suất với các ngân hàng thương mại cổ phần. Theo đó, lãi suất cao nhất tại Vietcombank, BIDV và VietinBank lần lượt là 6,5%/năm, 7,2%/năm và 7%/năm.
Không chỉ áp dụng mức lãi suất cao ngất ngưởng, các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ còn dùng nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút tiền gửi từ người dân.
Cụ thể, song song với mức lãi suất cao kỷ lục 8,2%/năm, Viet Capital Bank còn tung ra 2 chiêu khuyến mại gửi tiết kiệm tích lũy "Ngôi sao nhỏ” nhận quà tặng hấp dẫn và nhận quà hấp dẫn khi gửi “Tiết kiệm Tích lũy An Phúc”.
Mặc dù huy động với lãi suất cao nhất thị trường nhưng Viet Capital Bank lại đẩy mạnh hoạt động cho vay khi áp dụng chương trình cho vay với lãi suất rất thấp, chỉ từ 66%/năm trở lên.
Bình luận