• Zalo

Giật mình "dám nghĩ dám làm" kiểu 9x

Bạn đọc viếtThứ Hai, 09/08/2010 10:02:00 +07:00Google News

(VTC News) – “Dám nghĩ dám làm” không có nghĩa là các em nhảy vào lửa và chết cháy trong đó, bay từ trên nóc nhà xuống để làm siêu nhân đâu, 9x!

(VTC News) – “Dám nghĩ dám làm” không có nghĩa là các em dám nhảy vào lửa và chết cháy trong đó. “Dám nghĩ dám làm” không có nghĩa là các em bay từ trên nóc nhà xuống để làm “siêu nhân” và tàn tật suốt đời.

 

Phải nói trước rằng tôi vốn không hề có ác cảm với 9x. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, tôi biết trong số các em, có những người đang làm được những điều mà 8x của tôi chưa làm nổi. Các em say mê, hoài bão, các em dám nghĩ, dám làm, dám thử thách, các em sớm gặp hái thành công. Các em giỏi công nghệ, giỏi kinh doanh, đam mê nghệ thuật, các em khẳng định bản thân trên nhiều lĩnh vực. Tôi yêu quý và tự hào về 9x, trong đó có em trai của tôi.

 

Nhưng có những lúc, 9x làm tôi lo lắng, làm tôi thảng thốt. Cái tư tưởng “dám nghĩ dám làm” của các em đã được đẩy lên cao, cao quá, đến mức các em làm trước cả khi kịp nghĩ xem mình đang thực sự làm gì.

 

Đầu tháng, tôi giật mình với teen Hà Thành và màn “lạy gấu bông” kinh điển. Hàng chục bạn trẻ giữa đường xì xụp lạy một con gấu bông, bất chấp ánh mắt của người đi đường. Nói đúng hơn, ánh mắt của người đi đường làm các em thích thú, vì mục tiêu của các em là vậy: tạo sự ngạc nhiên. Nhưng clip được tung lên, các em chỉ nhận được sự chỉ trích nặng nề của cộng đồng mạng. Có lẽ thấm thía, chua cay nhất là một bình luận tôi đọc được trên mạng: đời các em lạy ông bà, tổ tiên, cha mẹ được bao nhiêu lần, mà kéo nhau ra đường lạy một con gấu bông. Các em đã lên mạng, lên báo xin lỗi, nói rằng các em “chưa đầu tư”, “chưa chuẩn bị kĩ”. Không, không ai khắt khe đến nỗi không cho các em cơ hội thanh minh. Cá nhân tôi thậm chí nghĩ rằng, các em không cần xin lỗi: các em không gây rối trật tự xã hội, không động chạm gì đến tính mạng, danh dự, tài sản của ai.

 

 Trước khi thực hiện mission này, tất cả các em có nghĩ mình đang làm gì?


Nhưng, đúng là các em có lỗi, có lỗi với chính mình, có lỗi với những người đã cho các em ăn học. Trước một hành động bất kì, các em không nghĩ xem mình làm như vậy để làm gì sao? Không phải 1, 2 em, mà là một nhóm. Không phải những đứa trẻ con nghịch ngợm, mà là những thanh niên đã nhiều năm ngồi trên ghế nhà trường, có đủ những kiến thức cần thiết, nhiều em trong số đó đang là sinh viên, những người nắm chìa khóa tương lai của xã hội này. Điều gì sẽ xảy ra, nếu clip đó được hưởng ứng? Và tệ hơn nữa, điều gì sẽ xảy ra nếu các em vận hành tương lai cho xã hội bằng những ý tưởng “ngẫu hứng” kiểu như thế, rồi xin lỗi?

 

Giữa tháng, tôi giật mình vì cô bé 14 tuổi Sài thành đăng tin “tuyển” bạn trai làm xôn xao cư dân mạng. Em đã nhờ bạn lên báo để đính chính em không làm việc đó, ai đó đã ghét, đã “bỏ bom” em. Nhưng với những người “rỗi việc” vì trót quan tâm 9x như tôi, bỏ thời gian đọc hết 40 trang đầu tiên của topic trên diễn đàn nguồn, khả năng đó hình như là… quá thấp. Cái cách em tranh luận, phản hồi… đủ để người ta hiểu rằng chính kiến của em là nhất quán; cái cách em biến mất khi câu chuyện nổ bùm trên mặt báo, kéo theo sự vào cuộc của phụ huynh, cùng với lời thanh minh mịt mờ sau đó chỉ càng khẳng định rằng: lại một 9x không hiểu hết việc mình làm.

 

 Một bài học cho việc phơi bày bản thân trên thế giới ảo

Em là một cô bé xinh xắn, tất nhiên chẳng đến nỗi như em tự tin khẳng định trên diễn đàn, nhưng em xứng đáng có một người bạn trai tốt. Em muốn người yêu biết “một chút” tiếng Anh, hiểu biết “một chút” về một số lĩnh vực, nghiêm túc, người lớn “một chút” trong tình cảm, không cần giàu có nhưng không đến nỗi đi bộ, có ngoại hình tương xứng với em. Tôi tự hỏi, có gì là “quá quắt”, là “ảo tưởng”, là đòi hỏi quá cao trong những tiêu chí đó?

 

Nhưng tôi thấy thương em, trong cái cách em làm. Nếu em thực sự tìm một người bạn trai trên diễn đàn theo cách ấy, thì em quá ngây thơ và thiếu kinh nghiệm sống. Nếu em chỉ muốn khẳng định bản thân, muốn gây shock, thì em lại càng đáng thương hơn: em quá nhỏ để lường trước được tính hai mặt của việc “tự lăng xê” trên mạng, và em đã phải trả giá bằng cái nhìn khác đi của bạn bè, bị cộng đồng mạng lên án, bị cha mẹ trách mắng. Còn nếu, như cái xác suất rất, rất nhỏ kia, em bị bạn nào đó “bỏ bom”, thì 9x ơi, các em hãy nhìn lại xem, có phải cái phần bản thân mà các em đang thi nhau phơi bày trên thế giới ảo kia chỉ khiến người ta thất vọng về sự trống rỗng trong tâm hồn các em không? Và trong tất cả các tình huống, tôi đều thấy buồn cho cách các em “định giá” cuộc sống và hành động của chính mình.

 

Lần giật mình thứ 3… Tôi không muốn nhắc đến em trong một bài viết như thế này. Trên nhiều báo, nhiều diễn đàn, người ta khen ngợi em, lấy em ra làm gương cho các bạn 9x quen được nuông chiều, không biết tiết kiệm, không biết quý trọng đồng tiền. Em là cậu bé mang 21 triệu tiền xu đi mua laptop.


Em có quyền tự hào, vì em có trong mình một trong những phẩm chất tốt đẹp nhất của người Việt Nam, tính tiết kiệm. Em có quyền tự hào khi đã kiên trì theo đuổi giấc mơ của mình, và hiện thực hóa được nó. Tôi khâm phục em, vì quyết tâm hiếm có của em. Nhưng với tôi, sẽ thật đáng ngại nếu em trai tôi, một 9x, hành động như em.

  

 Em rất đáng khâm phục, nhưng...

Tôi không phải chuyên gia dinh dưỡng, nên sẽ không góp ý với em rằng việc bỏ ăn sáng trong suốt 3 năm liền sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, sự phát triển và kết quả học tập của em, một cậu bé đang tuổi lớn. Tôi chỉ đặt vấn đề với tư cách một người có con em cùng lứa tuổi em: em cần một chiếc Vaio 21 triệu để làm gì? Ngay cả nếu em là một thiên tài máy tính, với giá laptop hiện nay, một chiếc Acer, Asus, Hp trên 10 triệu đồng với chip Core i3 là quá thừa để em làm nên lịch sử cho cả một nền công nghiệp. Còn với những cậu bé lớp 9 thông thường khác (theo tôi, em là một trong số đó), mà máy tính không làm gì nhiều hơn việc lướt web (cứ cho là tìm tài liệu học hành), chơi games, xem phim, nghe nhạc và vài ứng dụng học tập; thì một chiếc netbook dưới 5 triệu đã là không còn gì để phải phàn nàn.

 

Tất nhiên, các bạn sẽ phản biện: em ấy tiết kiệm được tiền, em ấy thích làm gì với tiền là quyền của em ấy. Thì đúng, tôi không có quyền can thiệp, mà tôi cũng đâu can thiệp. Nhưng tôi thấy buồn. Tôi thấy buồn khi một cậu bé gia cảnh khó khăn, cả nhà 4 người sống trong “căn phòng chật chội, ẩm thấp rộng chừng 16m­2” (như báo mô tả) mà khi tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn là hơn 16 triệu đồng lại chỉ nghĩ đến mua một chiếc laptop thật đẹp, thật “xịn” cho bản thân. Em có nghĩ số tiền đó là bao nhiêu tô bún riêu mẹ em bán mỗi ngày, là bao nhiêu mồ hôi của bố em đã đổ ra? Tôi thấy buồn khi 9x của chúng ta đang ngày càng ích kỉ, vô tình trước ngay cả những người thân yêu nhất, hi sinh vì các em nhiều nhất.

 

Tất nhiên, các bạn sẽ phản biện: dùng Vaio là một trải nghiệm hoàn toàn khác, và em ấy có quyền say mê Vaio, cũng như nhiều người khác say mê Macbook. Vâng, chẳng ai phủ nhận Vaio, Macbook là những trải nghiệm máy tính tuyệt vời, cũng như chẳng ai phủ nhận Lamborghini là một trải nghiệm siêu xe tuyệt vời. Nếu ngày mai, em ấy thích một chiếc Lamborghini như của anh Cường Đôla, liệu em ấy có bắt đầu tiết kiệm tiền để mua nó không, khi mà siêu xe ấy chẳng có tác dụng gì hơn với em so với một chiếc xe đạp điện hay xe bus? Cũng như chiếc Vaio 21 triệu đồng không làm gì được hơn cho em so với chiếc netbook 5 triệu. Và xa nữa, điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả 9x đều làm bằng được những thứ mình thích, mà không cần nghĩ điều đó có thực sự cần thiết hay không, có phù hợp với hoàn cảnh của mình hay không?

 

Giữa cái “muốn” và cái “cần” là cả một khoảng cách, tại sao không dạy cho các em điều đó, mà lại khuyến khích các em hướng tới những giá trị tầm thường? Phải khuyến khích, chắp cánh cho ước mơ, nhưng cái ước mơ đó phải thực sự biết bay. Cái ước mơ đó không thể chỉ lê lết trên mặt đất với những niềm vui, khát vọng thuần túy vật chất, như là niềm kiêu hãnh có được một chiếc Vaio sang trọng trong ánh mắt thèm muốn của bạn bè đồng trang lứa. Giá như thay vào chiếc máy tính 21 triệu không hề cần thiết kia, em dùng những đồng tiền xu đó học một khóa lập trình, hay một ngoại ngữ nào đó, hay dành dụm để bớt gánh nặng cho cha mẹ khi mình vào đại học…, có lẽ em đã nêu một tấm gương tuyệt vời bao nhiêu cho bạn bè cùng trang lứa. Còn giờ đây, tôi khâm phục em, nhưng tôi cũng xiết bao lo lắng cho 9x các em, tôi lo lắng về cái cách báo chí tung hô các em, cách dư luận nhìn nhận hành động của các em.

 

Không, tôi không trách các em. Tôi trách mình, trách người lớn chúng tôi không thể cho các em những giá trị quan đúng đắn về cuộc sống, không tập cho các em biết suy nghĩ một cách đúng nghĩa. Chúng tôi cố giữ các em trong những khuôn mẫu bảo thủ, giáo điều, đẩy các em sang bên kia “chiến tuyến” với những khoảng cách thế hệ sâu hun hút, khiến các em thấy mình xa lạ với quá khứ, với những người đi trước, không thể sẻ chia, không thể nương tựa; khiến niềm kiêu hãnh và sức trẻ trong các em trở thành sự “nổi loạn”, khiến các em hiểu và nhìn nhận cái cũ thuần túy là lạc hậu. Chúng tôi hô hào giải phóng các em trên cái nền trống trơn, để các em tự mình mày mò tìm đường, tự bơi, tự nổi, chới với vì đứt gãy giá trị, vì thiếu điểm tựa truyền thống, các em vội vàng vơ lấy những giá trị bên ngoài tràn vào để bù lấp cái trống trải ấy. Nếu may mắn, nếu bản lĩnh, các em sẽ tìm được những chân giá trị, những đột phá; nhưng đa số những đứa trẻ của chúng ta không làm được điều đó – không phải tất cả chúng đều là những thiên tài. Và quan trọng hơn, chính người lớn chúng tôi cũng lắm khi phù phiếm không phân biệt được giá trị thật và ảo, không phân biệt được cái cần và chưa cần, nên và không nên… Để Việt Nam là nước nghèo đến nỗi có nơi trẻ con phải đu dây qua sông đi học, nhưng xa xỉ thì chẳng kém ai trên thế giới. Để cả xã hội thi nhau nói những lời xin lỗi muộn màng. Chúng tôi cũng… Có quá nhiều điều mà chúng tôi chưa xứng đáng để nêu gương cho các em học theo.

 

Ừ, thì thôi, hãy tìm đường đi cho mình, 9x! Hãy làm tốt hơn chúng tôi. “Dám nghĩ dám làm”, nhưng trước hết, các em đừng hiểu “nghĩ” chỉ đơn giản là nghĩ đến: các em phải thực sự tư duy về nó, trăn trở về nó, phải đủ hiểu về nó; phải có can đảm, nhưng cũng phải có đủ năng lực để thực hiện và chịu trách nhiệm về nó. “Dám nghĩ dám làm” không có nghĩa là các em dám nhảy vào lửa và chết cháy trong đó. “Dám nghĩ dám làm” không có nghĩa là các em bay từ trên nóc nhà xuống để làm “siêu nhân” và tàn tật suốt đời. “Dám nghĩ dám làm” là dám hi sinh, mất mát, nhưng không phải làm tổn thương bản thân và những người yêu quý, tin tưởng mình vì những điều vô nghĩa.

 

Nhân loại tiến lên nhờ dám nghĩ, dám làm. Nghĩ đúng nghĩa và làm đúng cách. Em thấy không, 9x, nhân loại đã có áo chống cháy và máy bay rồi đấy!

 

Minh Trang

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Còn bạn, bạn nghĩ gì về 9x hiện nay? Bạn có tâm tư, trăn trở gì với giáo dục nước nhà, với nhận thức của giới trẻ về cộng đồng? Người lớn hay bản thân 9x có trách nhiệm lớn nhất trong những vấn đề mà báo chí đã nêu? Hãy bày tỏ quan điểm của bạn qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về [email protected]. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn