Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố phương án và đề thi minh họa các môn cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.
Cho đến nay, nhiều trường học đang phân tích độ khó dễ, khối lượng kiến thức ở các lớp học có trong đề thi minh họa để có phương án giảng dạy, ôn tập cho học sinh đạt kết quả cao nhất.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng trường THPT Tây Hồ cho biết, sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án và đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn phổ biến rộng rãi đến toàn giáo viên, học sinh biết.
Sau đó, nhà trường sẽ họp, cho các giáo viên phân tích đề thi minh họa xem nội dung kiến thức lớp 10, 11, 12 đến đâu để có hoạt động ôn luyện cho các em để đạt kết quả thi cao nhất.
Là giáo viên dạy Ngoại ngữ, cô Trần Thị Thanh Hương, trường THPT Xuân Đỉnh, huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhận xét, đề thi minh họa môn Ngoại ngữ chủ yếu là nằm trong chương trình lớp 12.
Vì học tập và ôn luyện Ngoại ngữ đòi hỏi có thời gian và cẩn thận từng cấu trúc câu, ngữ pháp nên để học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi, cô Thanh Hương đề xuất là Sở GD&ĐT các địa phương hết học kỳ I cho giáo viên giảng dạy xong chương trình học tập lớp 12.
Còn cả học kỳ II là thời gian để giáo viên tập trung ôn luyện kỹ hơn học sinh. Chứ như hiện nay phải hết tháng 4, đầu tháng 5 mới xong chương trình học lớp 12 nên rất khó khăn với giáo viên trong việc ôn tập cho học sinh một cách hiệu quả.
Mặt khác, đến cuối tháng 6 là bắt đầu diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia thì như vậy học sinh chỉ có gần 2 tháng ôn luyện sẽ rất vội vàng, chưa đạt được chất lượng như mong đợi.
Đồng ý với đề xuất cho học sinh ôn thi THPT Quốc gia sớm hơn, giáo viên khác ở một trường THPT của Hà Nội cho rằng, hiện nay, tại một số trường của các thành phố lớn có tổ chức giảng dạy 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 12. Buổi sáng, học sinh học chính khóa; buổi chiều là giáo viên có thể ôn thi cho học sinh.
Tuy nhiên, đa phần ở nhiều nơi, cơ sở vật chất trường học còn thiếu thốn nên chưa đủ điều kiện để học sinh học 2 buổi/ngày nên việc ôn luyện cho các em còn hạn chế.
Video: Bộ sách giúp thí sinh tránh bẫy trong thi THPT quốc gia
Để ôn luyện hiệu quả, Bộ GD&ĐT có thể cho học sinh ôn luyện từ tháng 3 hàng năm thay vì đến hết tháng 4, đầu tháng 5 học hết chương trình lớp 12 mới ôn tập. Điều này cũng sẽ giảm được lo lặng của xã hội được tình trạng học thêm-dạy thêm tràn lan mà học sinh vẫn có thêm thời gian để ôn tập các môn thi tốt hơn.
Bên cạnh mở rộng thời gian ôn tập, để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, khách quan Bộ GD&ĐT cần tăng cường kiểm soát sát sao ở công tác coi thi, chấm thi để tránh gian lận, tiêu cực.
Trong kỳ thi có hàng nghìn hội đồng thi nên khó có thể để mỗi phòng 1 máy camera quan sát việc coi thi. Vì vậy, Bộ cần có thêm những quy định chặt chẽ ngay từ công tác coi thi để ngăn chặn thí sinh gian lận, mang tài liệu, nhờ người khác làm hộ đề.
Bình luận