Trường Tiểu học Châu Hạnh 1, thuộc huyện nghèo miền núi nghèo Qùy Châu của tỉnh Nghệ An gần như 100% học sinh đều là người dân tộc Thái. Hơn 80% các em ở đây thuộc diện con em hộ nghèo, điều kiện hết sức khó khăn.
Một số giáo viên của trường Tiểu học Châu Hạnh 1 cho biết, cứ khoảng 9h sáng, những giáo viên nào không có tiết dạy lại xắn tay cùng nhau vào bếp để lo bữa ăn cho các cháu. Mỗi người một việc, cô thì thổi lửa, cô khác vo gạo, cô chế biến thực phẩm... để kịp bữa ăn trưa cho các cháu.
Nói về lý do hình thành chương trình "Bữa trưa tình thương", cô Võ Thị Thúy - Hiệu trưởng trường Tiểu học Châu Hạnh 1 cho biết: “Mỗi buổi trưa, chúng tôi thường bắt gặp hình ảnh các em học sinh nhỏ ở lại trường không có chỗ ăn, chỗ ngủ. Nhiều em phải ăn mì tôm sống, có em nhịn đói… lại phải tha thẩn, ngủ gật, ngủ gà chỗ này chỗ kia... cả buổi trưa để chờ đến buổi chiều học tiếp... Thương vô cùng".
"Nhà trường đã họp bàn đưa ra giải pháp tổ chức “Bữa cơm tình thương” và đã được 100% giáo viên ủng hộ" - cô Thúy cho biết.
Được biết, việc nấu cơm miễn phí buổi trưa cho học sinh ở đây tuy mới đi vào hoạt động, bếp núc còn đơn giản, nhiều vật dụng còn thiếu thốn nhưng các giáo viên vẫn lo bữa ăn cho các em học sinh rất chu đáo.
Một học sinh chia sẻ: "Những năm học trước, cháu ở lại buổi trưa chỉ ăn tạm cài gì đó là được. Có bạn ăn xôi, bạn cơm nắm hoặc khoai, sắn, thậm chí có bạn nhai gói mì tôm sống hoặc nhịn đói... Nhưng năm nay được các cô nấu cho ăn cơm, bữa thì có cá, bữa thịt, trứng, đậu phụ...các cháu thấy rất ngon. Bữa trưa ăn xong chúng cháu còn được các cô sắp xếp chỗ ngủ trưa".
Một giáo viên tâm sự, bước đầu triển khai chương trình này nhà trường đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí bếp nấu, phòng ăn, phòng ngủ cho các em. Nhưng nhà trường đã sửa chữa lại phòng học cũ để làm nơi ăn ngủ cho các con, đồng thời, phụ huynh ủng hộ ngày công để làm vườn sau sạch, làm sạp ngủ cho các con.
Toàn thể giáo viên trường đóng góp để mua bếp gas, nồi cơm điện…, mỗi tháng trích tiền lương góp 50.000 ngàn đồng/người ủng hộ chương trình. Tuy mới hình thành nhưng mô hình “Bữa cơm tình thương” đã dần hoạt động ổn định.
Anh Lô Xuân Vân – Hội trưởng Hội phụ huynh Trường Tiểu học Châu Hạnh 1 (người dân tộc Thái) tâm sự: "Trước đây hầu hết các hộ gia đình có con em học ở đây đều phải tự túc bữa trưa. Bởi thế nhà nào cũng chuẩn bị đồ ăn sẵn từ sáng sớm để các em mang theo, nhưng không phải em nào cũng có bữa ăn đàng hoàng".
Đầu năm học này nghe nhà trường thông báo các thầy cô giáo ở đây tự bỏ tiền túi ra để mua gạo, thực phẩm về nấu cơm miền phí cho các em ăn trưa nên, ai nấy đều rất mừng.
"Sắp tới Ban phụ huynh trường sẽ vận động phụ huynh đóng góp cùng nhà trường nhằm duy trì hoạt động này” - anh Lô Xuân Vân chia sẻ.
Một phụ huynh khác ở bản Khe My chia sẻ: "Hầu hết các gia đình ở đây đều rất nghèo, lại suốt ngày lại phải vào rừng kiếm sống, đến tối mới về. Trong khi đó nhiều em học sinh ở xa cách trường học 7-8 cây số. Có các cô giáo lo bữa trưa đảm bảo chất lượng cho các cháu, để phụ huynh được an tâm, tập trung lo kinh tế, ai cũng phấn khởi".
Vi deo: Cù Lao Chàm lớp học 1 trò 1 cô
Bình luận