Thời gian qua, xuất hiện nhiều vụ phụ huynh hành hung giáo viên khiến dư luận phẫn nộ. Trước sự việc, Th.S Văn học Nguyễn Thị Loan (giáo viên trường THCS Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình) thông qua VTC News, bày tỏ quan điểm cá nhân xung quanh vấn đề này.
Hành hung giáo viên là sự sỉ nhục truyền thống dân tộc
Tôi tâm đắc câu nói: “Không kính thầy thì không làm thầy được?”. Tuy nhiên, hiện thực xã hội ngày nay quá phũ phàng, phụ huynh hành hung giáo viên như “cơm bữa”.
Cô giáo tiểu học ở Long An bị phụ huynh bắt quỳ gối xin lỗi vì trước đó “trót dại” phạt học sinh khiến các con sợ không dám đến trường, cô giáo mầm non ở Nghệ An bị phụ huynh đánh đập đến suýt sảy thai chỉ vì bị nghi ngờ làm học sinh tím chân.
Giáo viên là một công dân được pháp luật bảo vệ, dù bất cứ lý do gì, không ai có quyền gây áp lực bắt cô phải quỳ gối, không ai có quyền chà đạp thân thể các cô như vậy.
Ở góc nhìn khác, sự chà đạp đó còn khiến hình ảnh nhà giáo – một nghề vốn được mệnh danh là cao quý nhất trong các nghề cao quý không còn được vẹn nguyên.
Ai cũng biết “Cha nghiêm thì sinh con hiếu thảo, thầy cô nghiêm khắc thì học trò mới lễ phép”. Mong muốn của nhà giáo là học trò của mình trưởng thành, ngoan ngoãn nên mới có những cách giáo dục riêng.
Tôi nghĩ nếu giáo viên không một lần trách phạt học sinh thì không khác gì người nông dân trồng lúa mà không chăm sóc.
Phụ huynh ngày càng không tôn trọng giáo viên, đối xử với họ như kẻ thù, như vậy, thử hỏi vị thế của người thầy có còn được tôn trọng trong tâm trí thế hệ học sinh nữa không? ngành giáo dục nước nhà sẽ đi về đâu?
Chà đạp, sỉ nhục giáo viên cũng đồng nghĩa với việc chà đạp lên truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc ta.
Phụ huynh như côn đồ
Nếu như phải dùng từ "phụ huynh côn đồ" có lẽ quá xúc phạm phụ huynh nhưng xin lỗi các bậc cha mẹ học sinh, tôi xin được dùng từ này với những phụ huynh không hiểu luân thường đạo lý đã ra tay hành hung giáo viên.
Thật buồn khi lẽ ra phụ huynh phải cảm ơn giáo viên vì đã dạy dỗ con mình thì lại hành xử như những tên côn đồ, coi thường pháp luật, coi thường đạo lý.
Theo tôi, giáo viên có phạt hay trách mắng học sinh thì phụ huynh cũng không có tư cách xử phạt hay hành hung giáo viên như vậy.
Ngoại trừ hành vi bạo lực đối với học sinh, còn trong các trường hợp khác, phụ huynh phải thông cảm, chia sẻ hơn với giáo viên về phương pháp của họ.
Nếu không đồng tình với hành xử của giáo viên, phụ huynh có thể góp ý với giáo viên, nhà trường. Điều này sẽ khiến giáo viên cảm thấy được tôn trọng, thoải mái hơn để tự điều chỉnh hành vi của mình.
Thiết nghĩ, khi xã hội coi trọng đồng tiền thì đồng nghĩa đạo lý làm người bị xem nhẹ. Phải chăng có một bộ phận phụ huynh chỉ coi nhà trường như cái chợ, là nơi trao đổi, mua bán kiến thức. Khi không hài lòng với "cuộc trao đổi" thì lập tức thể hiện bằng nắm đấm, bằng sự đe dọa.
Nỗi sợ hãi của những người dạy học
Hàng loạt vụ việc giáo viên bị hành hung cho thấy sự xuống cấp, suy thoái của ngành giáo dục nước nhà. Nghề giáo không còn được tôn kính như trước. Người làm nghề dạy học không tránh khỏi tâm lý hoang mang, sợ hãi.
Nhiều giáo viên băn khoăn khi không biết phải sử dụng phương pháp dạy học gì để không động chạm đến những “cô chiêu cậu ấm“ mà học sinh vẫn ngoan, vẫn chăm chỉ học tốt. Thật khó cho giáo viên chúng tôi muốn làm hết trách nhiệm của mình với học sinh cũng không được.
Giáo viên – những người tận tụy ngày đêm lo soạn giảng, tháng ngày đón thanh tra với hàng gánh hồ sơ sổ sách, bước ra cổng trường lo cơm áo không xong còn sợ phụ huynh hành hung.
Tôi tự hỏi, không biết Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có trăn trở khi thấy hàng loạt giáo viên bị hành hung và sỉ nhục như thế không?
Tôi thống thiết mong Bộ hãy bảo vệ giáo viên cả về thể xác lẫn tinh thần, không thể để hiện tượng phụ huynh coi nhà trường như chốn vô luật pháp, muốn là có thể xông đến đánh đập, hạ nhục giáo viên bất cứ lúc nào, để những nhà giáo như chúng tôi có thể toàn tâm toàn ý dốc sức cho sự nghiệp trồng người. Bên cạnh đó, pháp luật cần xử lý nghiêm đối với những hành vi côn đồ.
Làm giáo dục thì phải giáo dục toàn diện mới cung cấp cho xã hội những lớp người văn minh, có ích. Ngoài giáo dục trong nhà trường, các vị phụ huynh hãy là tấm gương cho các con em mình. Đừng để người làm nghề dạy học phải chịu cực hình từ phụ huynh học sinh, nỗi ám ảnh đó khó có thể khiến nhà giáo yên tâm làm tròn trách nhiệm.
Video: Tát cảnh cáo học trò quậy phá, thày giáo bị người nhà học sinh đánh gãy mũi
Bình luận