• Zalo

Giáo viên: Lịch sử là môn gỡ điểm cho thí sinh trong kỳ thi lớp 10 Hà Nội

Tuyển sinhThứ Tư, 17/03/2021 10:44:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Năm thi 2019, phổ điểm môn Lịch sử trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 tại Hà Nội cao kỷ lục nên nhiều giáo viên cho rằng môn học này sẽ gỡ điểm cho các sĩ tử.

Sở GD&ĐT Hà Nội mới đây công bố Lịch sử là môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022. Thông tin này khiến nhiều phụ huynh và học sinh cảm thấy hoang mang vì môn học này vẫn bị đánh giá là học thuộc, khó lấy điểm.

Tuy nhiên nếu nhìn vào bảng tổng hợp kết quả thi lớp 10 công lập năm 2019-2020 sẽ thấy phổ điểm môn Lịch sử cao kỷ lục và là môn gỡ điểm cho các sĩ tử. Cụ thể trong 84.908 thí sinh dự thi có tới 25% thí sinh đạt 8-9 điểm, 951 em đạt 10 điểm. Môn Lịch sử cũng là môn duy nhất không có thí sinh bị điểm 0 và gần 90% số bài thi trên trung bình. Trong khi đó, môn Toán có tới 156 bài bị điểm 0, môn Ngữ văn có 56 bài điểm 0.

Giáo viên: Lịch sử là môn gỡ điểm cho thí sinh trong kỳ thi lớp 10 Hà Nội - 1

Thí sinh không nên quá lo lắng vì môn Lịch sử.

Cô giáo Hà Thị Minh Trang, giáo viên Lịch sử, trường THCS Ban Mai (Hà Nội) cho rằng, phụ huynh và học sinh không nên hoang mang khi Lịch sử là môn thi thứ 4. Thay vào đó, các em nên có chiến lược ôn tập và thi hiệu quả môn học này. Theo kinh nghiệm từ kỳ thi năm 2019-2020, nếu thí sinh có phương pháp làm bài đúng đắn, Lịch sử hoàn toàn là môn có thể gỡ điểm cho sĩ tử.

Để ôn tập môn học này hiệu quả, học sinh không nên chỉ học thuộc trong sách vở mà hãy phát triển năng lực tư duy. Để đơn giản hóa nội dung bài học, giải quyết vấn đề quá tải kiến thức, các em nên ôn tập bằng sơ đồ tư duy. Cách thức này giúp học sinh ghi nhớ được các sự kiện lịch sử và phát huy tối đa khả năng ghi nhớ của não bộ thông qua hình ảnh, màu sắc.

Ngoài ra, học sinh nên ôn tập bằng cách luyện các dạng đề. Các sĩ tử có thể lên trên mạng và tải xuống các mẫu đề, sách tham khảo. Thời gian bắt đầu luyện đề nên rơi vào khoảng 1 tháng trước khi thi. Một điều quan trọng khi ôn tập môn Lịch sử là học sinh nên bám sát và nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa. Lấy sách giáo khoa làm kiến thức cơ bản để từ đó phát triển những kiến thức nâng cao.

Khi làm bài thi, các sĩ tử nên phân bổ thời gian hợp lý, câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Các em cần đọc kỹ câu hỏi đề tìm từ khóa và có thể dùng phương pháp loại trừ để tìm đáp án đúng nhất. Cuối giờ nên rà soát phiếu tô đáp án và không được bỏ sót câu hỏi.

TS Lê Thị Thu Hương (Đại học Thủ đô Hà Nội) đánh giá, việc Sở GD&ĐT lựa chọn môn Lịch sử có thể gây bất ngờ với học sinh nhưng đây không phải là môn học quá khó để đạt điểm cao.

Để có kết quả cao môn Lịch sử, thí sinh nên đọc kỹ sách giáo khoa và nắm chắc các kiến thức cơ bản. Đồng thời hiểu rõ các sự kiện lịch sử, trả lời được những câu hỏi ở cuối mục, cuối bài. Trong quá trình ôn tập, các sĩ tử cần phân bổ thời gian hiệu quả chia theo 2 phần là Lịch sử Việt Nam (chiếm 2/3) và Lịch sử thế giới (chiếm 1/3). Hai tuần trước khi thi, các sĩ tử nên tập trung ôn tập dạng đề tổng hợp kiến thức Lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.

Theo thông báo của Sở GD&ĐT Hà Nội, môn Lịch sử sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, khách quan. Thời gian làm bài là 60 phút và chia theo nhiều mã đề trong cùng một phòng thi. Thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm và được chấm bằng phần mềm máy tính. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 dự kiến được tổ chức vào ngày 29-30/5/2021 với sự tham gia của gần 91.000 học sinh.

VŨ NINH
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp