Giờ học múa, hát của lớp học ghép, điểm trường Mầm non bản Đầu Nậm Xả, xã Bum Tở, huyện Mường Tè (Lai Châu) những ngày cận tết Nguyên đán luôn vui tươi rộn rã. Cô giáo Phan Thị Dung, quê ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ nói yêu lắm những âm thanh này. 15 năm công công tác, trải qua hai ngôi trường vùng khó cũng là từng ấy năm cô Dung gắn bó với học sinh dân tộc Cống, La Hủ tại địa phương.
Cô Dung tâm sự, ngày mới lên nhận công tác, cô được phân giảng dạy ở Trường Mầm non Nậm Khao ở bên kia bờ sông Đà. Khó khăn về địa hình, thời tiết và bất đồng ngôn ngữ với học sinh dân tộc địa phương chưa bao giờ là trở ngại ngăn cô gắn bó với vùng đất này.
Mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu đã đổ xuống trong những lần băng sông, vượt núi để “gieo mầm xanh” nơi đây. Tuy nhiên, cô chưa bao giờ có ý định từ bỏ nơi này hay đi tìm công việc khác đỡ vất vả hơn, điều mà cô "ái ngại" nhất là hơn 14 năm nay, vợ chồng cô xa con ở quê.
“Cứ nghĩ đến cảnh đưa con sang tay cho ông bà, lúc đấy con còn chưa biết nói, chỉ biết mỗi từ mẹ thôi mà nước mắt cứ chảy ra. Muốn bỏ việc, nhưng nghĩ lại bao nhiêu năm đi học, bố mẹ cũng vất vả, lên trên này bây giờ cũng chỉ là mới khởi đầu thôi, tôi tự an ủi, là bước đầu nên còn nhiều khó khăn. Sau một thời gian cũng quen dần, hàng ngày được tiếp xúc với học sinh nên nỗi nhớ con cũng vơi dần đi”, cô giáo Dung chia sẻ.
Cô giáo Phạm Thị Lý, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS, quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã có gần 25 năm gắn bó, cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp "trồng người" ở huyện biên giới Mường Tè, Lai Châu. Chừng ấy năm công tác, không biết bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi, nhất là khi bệnh tật cướp đi đứa con trai duy nhất và người chồng thân yêu, bỏ lại cô đơn côi, gối chiếc.
“Từ năm 1998 đến nay, tôi về quê ăn tết được 3 lần, còn hầu như ăn tết ở đây. Không phải khó khăn lắm, nhưng vì sức khỏe nên không phải năm nào tôi cũng về quê ăn tết được. Cũng buồn, bố mẹ thì già, tết mong con cái về để xum vầy, nhưng vì sức khỏe, mình cũng còn công việc nữa nên đành chấp nhận”, cô giáo Phạm Thị Lý cho hay.
Gần 20 năm nay, cô Lý đã coi cánh học trò như con em mình, coi biên giới là quê hương thứ 2. Mỗi ngày, cô vẫn miệt mài bám trường, bám bản để thắp lên hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ học sinh của mình cuộc sống vốn rất khó khăn, vất vả và thiếu thốn.
“Nói chung, bà con rất quý mến, ở đây lâu năm rồi nên họ coi như người nhà. Tết đến, bà con dân bản, các em học sinh cũng lên trường mời cô xuống ăn tết. Tôi xuống đó giao lưu, rồi bà con cũng lên đây chơi nên nỗi buồn vơi đi phần nào. Xuống ăn tết vui cùng với bà con và nhắc nhở các em vui xuân nhưng không thể quên việc học”, cô nói.
Hiện nay, toàn ngành Giáo dục huyện biên giới Mường Tè có hơn 1.300 cán bộ, giáo viên, trong đó có hơn 400 giáo viên người miền xuôi. Họ đều là những người yêu nghề, tâm huyết, đã gắn bó với trường lớp, bản làng và có những đóng góp lớn cho thành tích của ngành giáo dục địa phương.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng chính quyền và ngành giáo dục - đào tạo địa phương cùng bà con dân bản rất quan tâm, chia sẻ để các thầy cô miền xuôi vui Tết đón xuân ở vùng cao thật ý nghĩa...
Ông Trương Quốc Hoàn, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết: “Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội của huyện rất khó khăn, nhưng tập thể cán bộ, giáo viên trên địa bàn đã hết sức cố gắng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có được kết quả đó nhờ là nhờ sự cống hiến, nỗ lực của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên người miền xuôi.
So với kế hoạch nghỉ Tết chung của cả nước, chúng tôi đã bố trí kế hoạch nghỉ Tết trước một tuần, để đảm bảo cán bộ, giáo viên người miền xuôi có điều kiện và thời gian thì về thăm người thân trong dịp Tết Nguyên đán”.
Những cành đào phai đã hé nụ, hương xuân đang tràn ngập trên khắp các sườn đồi, vạt rừng, len lỏi trong từng nếp nhà của đồng bào các dân tộc nơi đây. Trong không khí xuân vùng cao ấy, vẫn còn những tâm tư về khó khăn của giáo viên, nhưng gạt đi những trở ngại đó, mỗi thầy, cô đều đang nỗ lực từng ngày, gắn bó với trường, với lớp, với đàn em thơ, tin tưởng một ngày không xa, con chữ sẽ làm đổi thay vùng đất khó này.
Bình luận