1. "Tôi không quan tâm các em có thích tôi hay không"
Dạy học không chỉ là hoạt động trao đi kiến thức mà là sự bồi đắp, xây dựng mối quan hệ giữa người với người. Giáo viên không nên phớt lờ thái độ hoặc suy nghĩ của học sinh về mình.
Nếu không yêu quý giáo viên, học sinh sẽ tìm cách chống đối khiến việc dạy học không hiệu quả. Ngược lại, khi thầy cô được yêu quý, việc dạy học sẽ trở nên đơn giản, thú vị và dẫn đến những thành công lớn cho cả thầy và trò.
2. "Em không thể làm việc này"
Thay vì phủ nhận khả năng của học sinh, giáo viên nên khuyến khích và ủng hộ các em trong mọi lĩnh vực. Các nhà giáo dục không phải thầy bói dự đoán tương lai mà là người mở cánh cửa dẫn đến tương lai cho những người trẻ tuổi.
Sự ảnh hưởng của người thầy lên học trò rất lớn. Khi nói học sinh "không thể làm việc này", giáo viên đã đặt ra giới hạn và khiến các em ngừng cố gắng chinh phục ước mơ, khát vọng. Thay vào đó, giáo viên nên chỉ ra con đường rèn luyện để các em chạm đến thành công.
3. "Em thật lười biếng"
Việc liên tục chê bai lười biếng sẽ ăn sâu vào tâm trí học sinh. Chẳng mấy chốc, các em sẽ biến lười biếng thành một phần của mình. Thay vì chỉ trích, giáo viên nên tìm hiểu lý do học sinh không hoàn thành nhiệm vụ đề ra và cùng thảo luận, đưa ra giải pháp khắc phục.
4. "Tại sao em không nghe giảng?"
Giáo viên thường đặt câu hỏi này cho những học sinh lơ mơ, không tập trung vào bài học và thường hỏi trước cả lớp. Buộc trả lời sẽ khiến các em cảm thấy xấu hổ trước mặt thầy cô và bạn bè, nảy sinh cảm giác sợ hãi.
Ngoài ra, nó còn làm mất thời gian của lớp vì nhiều học sinh ấp úng, không chịu trả lời câu hỏi. Bầu không khí học tập của cả lớp sẽ bị giảm sút, ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy.
5. "Tôi không nghe thấy em nói gì"
Nhiều học sinh tính cách nhút nhát, khi phát biểu nói rất nhỏ khiến giáo viên không thể nghe thấy. Tuy nhiên, lời bình luận như vậy không thể khiến các em tự tin và nói to hơn. Thay vào đó, nó có thể trở thành trò cười trong lớp hoặc khiến học sinh càng trở nên sợ hãi, nhút nhát khi nghĩ đến môn học của bạn.
6. "Đây là một câu hỏi đơn giản"
Giáo viên phải sẵn sàng trả lời câu hỏi của học sinh về bài tập hoặc nội dung bài giảng trên lớp, dù đó là câu hỏi rất đơn giản. Các em luôn được khuyến khích đặt câu hỏi, phát biểu ý kiến cá nhân, nhưng điều này không chỉ đúng với những vấn đề hóc búa. Các câu hỏi trong bài giảng là rất quan trọng, giúp giáo viên đánh giá khả năng nhận thức và trình độ của học sinh.
Khi giáo viên nhận xét câu hỏi đơn giản và từ chối trả lời, nó sẽ đánh vào sự tự tin của học sinh, khiến em này không dám đặt câu hỏi trong những lần tiếp theo. Các em trong lớp vì thế cũng trở nên dè dặt, cân nhắc khi muốn đặt câu hỏi.
7. "Tôi không bao giờ cho điểm 10"
Nhiều giáo viên sử dụng câu nói này để ám chỉ mình đặt kỳ vọng cao, tính cách nghiêm khắc, không chấp nhận sự lười biếng, thụ động. Tuy nhiên, câu nói này có thể phản tác dụng. Học sinh sẽ nản lòng, ngừng cố gắng hết sức có thể vì tin rằng dù các em có nỗ lực, thầy cô cũng không bao giờ cho điểm cao.
Thay vào đó, giáo viên nên liên tục đưa ra nhận xét, phản hồi bài tập, bài kiểm tra của học sinh để thể hiện sự kỳ vọng. Thầy cô không nên đánh giá học sinh chỉ qua điểm số mà việc trao đổi, tương tác cũng rất quan trọng.
8. "Tôi thấy bạn A làm rất tốt"
Giống như việc bố mẹ so sánh con với những đứa trẻ khác, việc giáo viên so sánh một em có thành tích tốt với phần còn lại của lớp là phản tác dụng. Về phía lớp học, nhiều em sẽ cảm thấy bất bình vì sự nỗ lực không được công nhận. Số khác cảm thấy ghen tị, từ đó có thể nảy sinh hành vi bắt nạt, ỷ lại vào bạn học giỏi.
Học sinh được khen ngợi có thể không thoải mái với sự tán dương như vậy. Nếu là người hướng nội, việc nhận được sự chú ý của mọi người xung quanh chỉ khiến em bối rối.
Nếu muốn truyền cảm hứng học tập cho học sinh, giáo viên có thể khen ngợi bài tập của một em nhưng giấu tên. Thay vì ca ngợi cá nhân, hãy nhận xét những điểm nổi bật trong bài làm để các em khác đối chiếu với phần bài tập của mình và thay đổi.
Bình luận