• Zalo

Giáo viên đi dạy 10 năm, lương cũng chỉ bằng phụ hồ

Diễn đànThứ Tư, 27/01/2021 11:05:43 +07:00Google News
(VTC News) -

Hệ số lương giáo viên cao nhất là 6,78 tương đương gần 11 triệu đồng/tháng, cũng chỉ băng lương phụ hồ, trong khi lại yêu cầu nhiều bằng cấp.

Gần 15 năm đi dạy, cô giáo Nguyễn Thị Lan (Sóc Sơn, Hà Nội) đang nhận mức lương gần 11 triệu đồng/tháng, tương đương với hệ số lương 6,78. Đây cũng là mức lương cao nhất một giáo viên tiểu học có thể nhận.

Mức thu nhập này có thể cao hơn nhiều so với giáo viên mới ra trường. Nhưng trên bình diện chung, lương của cô Lan vẫn thấp so với các ngành nghề khác. Chẳng hạn, mức lương phụ hồ công trình một tháng cũng trên dưới 10 triệu đồng, có thưởng Tết, lại không yêu cầu nhiều bằng cấp.

Trong khi đó, được mức lương kịch khung phải là giáo viên tiểu học hạng I, bằng đại học, đầy đủ các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp… chưa kể thâm niên trong ngành ít nhất trên 10 năm và phải kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau. 

Một tuần cô Lan phải làm hơn 40 đầu việc từ công tác chuyên môn đến các hoạt động đoàn-hội, tổ chức sự kiện, phục vụ hậu cần, văn nghệ…và nhiều việc không tên ở trường. Những tháng cao điểm tuyển sinh, thầy cô phải làm thêm nhiệm vụ coi thi, chấm thi, ra đề. Tháng Tết phải trực tại trường vài buổi không lương… Vất vả như vậy nên cô Lan cho rằng lương bản thân nhận không tương xứng với công sức bỏ ra.

“Mức lương gần 11 triệu đồng cũng chỉ bằng lương công nhân. Mà công nhân thì không cần bằng cấp, còn giáo viên phải giỏi lắm đi làm khoảng 10 năm mới nhận được lương hệ số 6,78. Tôi nghĩ mức lương giáo viên đang nhận quá thấp so với khối lượng công việc phải hoàn thành. Đây cũng là lý do nhiều giáo viên bỏ nghề và sinh viên không lựa chọn ngành sư phạm”, cô Nguyễn Thị Lan nói.

Giáo viên đi dạy 10 năm, lương cũng chỉ bằng phụ hồ - 1

Mức lương thấp, áp lực công việc lớn là lý do nhiều giáo viên trẻ phải bỏ nghề. (Ảnh: V.N)

Đi làm 5 tháng, thầy Nguyễn Minh Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) ngán ngẩm khi nhận mức lương 3,7 triệu đồng/tháng, tương đương hệ số lương 2,34. Thầy Tuấn nhiều lần nghĩ đến chuyện bỏ nghề.

Dù lương thấp nhưng khối lượng công việc thầy phải làm tương đối nhiều, không thua kém gì giáo viên lâu năm. Theo quy định thời gian làm việc của giáo viên tiểu học có định mức là 23 tiết (khoảng 4-5 buổi/ tuần). Tuy nhiên gần như ngày nào thầy cũng ở trường đến tối mịt mới về. Nam giáo viên làm các việc khác như nghiên cứu khoa học, soạn giáo án, tham gia bồi dưỡng chứng chỉ tin học, tiếng Anh, chấm bài, hoạt động phong trào, hội họp, sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề.

Bên cạnh mức lương cố định, giáo viên mới ra trường như thầy Tuấn vẫn phải sống dựa vào chu cấp của gia đình. Học sinh ở đây cũng không có nhu cầu học thêm và giáo viên không có nhiều thời gian rảnh rỗi nên họ hầu như không có thu nhập ngoài nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

Trong lứa sinh viên tốt nghiệp cùng thầy Tuấn, lác đác vài người theo nghề sư phạm. Đáng tiếc thủ khoa của lớp sau khi đi dạy khoảng 2 tháng đã bỏ việc và xin vào một công ty truyền thông.

Thầy Nguyễn Minh Tuấn cho biết, thực tế những người trong ngành như chúng tôi hiểu rằng nghề giáo không phải là công việc hấp dẫn về lương bổng, vì thế nếu không giải quyết được bài toán lương cho giáo viên thì ngành này rất khó để tuyển được người tài.

Giáo viên đi dạy 10 năm, lương cũng chỉ bằng phụ hồ - 2

Giáo viên hơn 10 năm thu nhập cũng chỉ bằng lương phụ hồ, khiến thầy cô phải làm nhiều công việc để mưu sinh. (Ảnh: V.N)

Liên quan đến mức sống của giáo viên, ở góc độ quản lý, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng muốn nâng cao chất lượng của giáo viên trước hết phải nâng lương cho thầy cô.

Chất lượng của ngành giáo dục được quyết định bởi đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên đời sống của giáo viên Việt Nam còn rất thấp. Tại một số quốc gia rất coi trọng đội ngũ giáo viên. Mức lương của họ có thể nuôi sống được một gia đình. Ở nước ta, lương giáo viên mới ra trường chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, không đủ lo cho cuộc sống của họ chứ đừng nói đến chuyện tích lũy mua nhà, mua xe.

Ngoài việc lương thấp, nghề giáo cũng là công việc chịu nhiều áp lực từ lãnh đạo, phụ huynh, học sinh, xã hội. “Tôi cho rằng nếu không nâng lương cho giáo viên thì khó đảm bảo chất lượng của ngành này. Việc nâng lương cho giáo viên là hoàn toàn thỏa đáng với công sức thầy cô bỏ ra, PGS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ. 

Vũ Ninh
Bình luận