Theo truyền thông Trung Quốc, sau khi một số học sinh phải nhập viện vì đau bụng dữ dội, bác sĩ phát hiện trong dạ dày các em có nhiều vật lạ, bao gồm giấy, túi nhựa, vỏ nhãn. Các em cho biết bị giáo viên phạt ăn rác vì quên đổ rác.
“Thầy giáo hỏi hôm nay ai trực nhật, nhưng không bạn nào trả lời. Thầy bảo nếu không nói, chúng em phải ăn hết số rác này. Thầy đứng bên cạnh, em không dám không ăn. Có ít nhất 10 bạn bị bắt ăn rác như em”, một học sinh sợ hãi kể lại.
Những hình phạt như tra tấn bị lên án
Vụ việc trên một lần nữa khiến dư luận phản đối giáo viên áp dụng hình phạt như tra tấn học sinh.
Đầu tháng 10, cảnh sát Malaysia vào cuộc điều tra sau khi nhận tin báo về việc một giáo viên tiểu học dập ghim vào tai học sinh vì không làm bài tập. Theo Asiaone, nữ giáo viên dập ghim vào tai trái, khiến nạn nhân chảy máu.
Cùng khoảng thời gian này, báo cáo từ cảnh sát Indonesia cho biết Fanly Lahingide (14 tuổi ở Manado) cùng 5 bạn đến muộn 25 phút. Giáo viên phạt các em chạy vòng quanh sân trường. Đến vòng thứ hai, Fanly gục ngã. Em nhanh chóng được đưa tới bệnh viện nhưng đã tử vong.
Cũng tại Indonesia, tháng 3/2018, dư luận phẫn nộ về việc học sinh tiểu học bị phạt liếm nhà vệ sinh 12 lần, vì quên làm bài tập về nhà.
“Con trai tôi phải liếm nhà vệ sinh 12 lần. Đến lần thứ tư, nó bắt đầu nôn mửa”, mẹ nam sinh đau lòng kể lại.
Tháng 2/2017, một giáo viên ở Ấn Độ bị cáo buộc tấn công, xúc phạm nữ sinh, khi bắt em này cởi đồ trước lớp vì không làm bài tập. Sau đó, cô giáo bắt nữ sinh bán khoả thân đi khắp sân trường trong hai tiếng. Thậm chí, nữ giáo viên còn quay video như một lời đe doạ, nếu còn tái phạm, sẽ phát tán trên mạng.
Tháng 11/2015, cộng đồng mạng xôn xao trước vụ việc hai giáo viên mầm non ở miền bắc bang Vargas, Venezuela, dùng kim đâm vào mông học sinh vì nghịch ngợm, không nghe lời.
Cũng trong năm đó, một học sinh 4 tuổi ở bang Florida, Mỹ, bị cô giáo phạt dùng tay vớt giấy trong bồn cầu. Nguyên nhân ban đầu được xác định là em dùng quá nhiều giấy khi đi vệ sinh nên bị cô phạt.
Đầu tháng 1/2013, giáo viên tại trường trung học ở thành phố Gamagori, tỉnh Aichi, Nhật Bản, phạt hai học sinh uống axit pha loãng chỉ vì làm thí nghiệm thất bại.
Trước buổi học, thầy giáo tuyên bố, nếu ai không thể hoàn thành sẽ phải uống axit clohydric. Hai học sinh làm thí nghiệm thất bại bị thầy giáo ép phải uống hết cốc đựng đầy chất lỏng. Một em không thể chịu nổi, đã nhổ ra. Trong khi đó, học sinh còn lại bị buộc phải uống hết.
Chỉ vì không nghe lời hướng dẫn của giáo viên thể dục, một số học sinh trường THCS Tây Hương (Thâm Quyến, Trung Quốc) bị phạt đi bằng hai tay. Mặt sân quá cứng khiến bàn tay của nhiều em bị xây xước nặng. Thậm chí, có em còn bị chảy máu, bong tróc da, theo SCMP.
Giáo viên vướng lao lý, học sinh ám ảnh cả đời
Sau khi vụ việc phạt học sinh ăn rác bị phanh phui, giáo viên liên quan bị bắt giữ, điều tra. Hiệu trưởng và hiệu phó nhà trường cũng bị cách chức vì có hành vi lấp liếm, che giấu vụ việc nghiêm trọng này.
Bị người nhà nạn nhân tố cáo, giáo viên phạt nữ sinh khoả thân cũng lao đao vì vướng vào luật pháp. Cảnh sát địa phương cho biết nữ giáo viên này có thể bị phạt tiền và đối mặt với mức án 5 năm tù giam, vì có hành vi tấn công và xúc phạm nữ sinh.
Khác với hai trường hợp trên, nhiều vụ việc vẫn chưa được xử lý thoả đáng. Trường hợp giáo viên phạt học sinh đi bằng hai tay vẫn chỉ dừng lại ở những lời lên án của cộng đồng mạng. Giáo viên liên quan không bị xử phạt, nạn nhân chỉ nhận được tiền thuốc men và lời xin lỗi từ phía nhà trường.
Phản hồi trước hình phạt hai học sinh Nhật Bản uống axit, Phòng Giáo dục Gamamori giải thích axit đã được pha loãng, không gây ảnh hưởng sức khoẻ học sinh. Đồng thời, đơn vị này khẳng định sẽ cân nhắc đưa ra hình thức kỷ luật nghiêm đối với giáo viên mắc sai phạm.
Trong khi đó, phạt học sinh liếm nhà vệ sinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khoẻ và tâm lý trẻ, nhưng giáo viên chỉ bị thuyên chuyển công tác.
Khi bị phanh phui, những hình phạt phản cảm của giáo viên nhanh chóng trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận. Nó khiến hình ảnh của một bộ phận giáo viên không còn mẫu mực trong mắt người dân.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, phạt ăn rác, khoả thân, uống hoá chất không phải là cách duy nhất để trách phạt học sinh. Điều quan trọng là giáo viên cần nắm rõ điều gì khiến các em cư xử không đúng mực, từ đó có biện pháp phù hợp.
“Thay vì trách phạt trong cơn giận dữ, giáo viên cần bình tĩnh, cùng học sinh trò chuyện, chỉ ra vấn đề và tìm hướng giải quyết phù hợp”, bà Sarah O’Boyle, Hiệu trưởng trường Tiểu học Galton Valley, Anh, nhấn mạnh.
Bình luận