"Tôi cảm thấy rất sốc khi biết tin học sinh của trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) hứng 231 cái tát và phải nhập viện", Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chia sẻ với VTC News.
"Dưới góc độ giáo dục, đó là hành động dã man, phản giáo dục, thể hiện sự thất bại của nền giáo dục", luật sư Cường nói.
Ở góc độ pháp lý, theo luật sư Cường thì đó hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định không cho phép giáo viên dùng bạo lực với học sinh trong bất kỳ hình thức kỷ luật nào. Trường hợp giáo viên có thể không trực tiếp đánh nhưng khuyến khích, chỉ đạo hay xúi giục người khác đánh học sinh thì đó là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích.
“Pháp luật không cho phép giáo dục sử dụng hành động bạo lực dã man như vậy, nhất là đối với một đứa trẻ. Bất kỳ lý do gì, giáo viên cũng không được phép đánh học sinh, cũng như không được sử dụng bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến các em. Nếu giáo viên không kiềm chế và cư xử như vậy thì không xứng đáng đứng trên bục giảng”, Luật sư Cường nói.
Giáo viên đang nhồi vào đầu học sinh tư tưởng bạo lực
Theo luật sư Cường, vụ việc vừa xảy ra không chỉ học sinh bị đánh là nạn nhân, mà những em học sinh bị cô giáo biến thành công cụ đánh bạn là nạn nhân thứ hai.
Việc này thể hiện sự dung túng, nuôi dưỡng mầm mống bạo lực trong tâm hồn các em khi đang độ tuổi phát triển về nhân cách. Hơn nữa, giáo viên đang nhồi nhét vào đầu học sinh tư tưởng sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề là rất nguy hiểm và không đúng với chính sách giáo dục Việt Nam.
Luật sư Cường cho hay, gia đình học sinh bị tát có thể làm đơn trình báo đến cơ quan công an đề nghị xem xét về hành vi cố ý gây thương tích hoặc làm nhục người khác. Khi đó, công an sẽ vào cuộc xác minh làm rõ, có thể đưa nạn nhân đi giám định thương tật và đưa ra biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Vụ việc của giáo viên ở Quảng Bình này gây chấn động dư luận, làm ảnh hưởng xấu tới đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục. Vì vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ, xử lý nghiêm. Giáo viên hành động không kiềm chế như vậy thì cần xem xét tư cách, trình độ, năng lực, phẩm chất của giáo viên cũng như hiệu trưởng - người quản lý trực tiếp giáo viên đó.
Bộ Giáo dục cần xem lại việc tuyển dụng giáo viên
Liên tiếp xảy ra bạo lực học đường thời gian qua, đặc biệt trường hợp giáo viên hành hung học sinh như trên, luật sư Cường cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem lại việc tuyển dụng, bồi dưỡng để xác định những giáo viên sử dụng bạo lực với học sinh là đối tượng giáo viên nào, cơ sở đào tạo ra giáo viên đó ra sao. Có nhiều trường hợp giáo viên không được đào tạo chính quy bài bản, học ngành khác hay những giáo viên đó tuyển dụng không đúng.
Ngày 19/11, học sinh N. nói tục tại sân trường và bị đội cờ đỏ nghe thấy, ghi lại. Cô N.T.P.T - giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh bắt cả lớp, mỗi người tát vào má em N. 10 cái để phạt.
Tổng số học sinh lớp là 27 học sinh thì có 23 học sinh tát vào má em N. Cô giáo quy định người nào tát không mạnh thì sẽ bị phạt ngược lại 10 cái, nên học sinh nào cũng tát vào mặt em N. khá mạnh.
Do quá đau, em N. văng tục thì tiếp tục bị cô T. tát thêm một cái nữa. Tổng số học sinh này phải hứng chịu là 231 cái tát.
Trở về nhà, N bị sưng hai má, nóng ran, khó ăn uống nên người nhà đưa em nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Dinh Mười (huyện Quảng Ninh). Đến sáng 23/11, em N. được ra viện nhưng không dám đi học vì tâm lý chưa ổn định.
Lý giải về hành động, cô giáo nhận lỗi và cho biết đó là hành vi trong lúc nóng nảy. "Nhà trường đang xây dựng chuẩn mức độ II, các tiêu chí thi đua rất ngặt nghèo. Trong khi, thành tích lớp 6.2 thường xuyên ở cuối bảng nên tôi bị áp lực", cô N nói. “Tôi rất hối hận về việc làm của mình, mong gia đình em N. tha lỗi. Tôi hứa sẽ không tái phạm”.
>>> Đọc thêm: Hàng loạt vụ giáo viên bạo hành học sinh gây chấn động ở Việt Nam
Bình luận