• Zalo

Giáo trình điện tử đi trước đổi mới sách giáo khoa

Giáo dụcThứ Hai, 12/05/2014 07:38:00 +07:00Google News

(VTC News)- Một chuyên gia về học trực tuyến cho rằng có thể đổi mới ngay từ giáo trình điện tử mà chưa cần đến việc đổi mới sách giáo khoa.

(VTC News)- Một chuyên gia về học trực tuyến cho rằng có thể đổi mới ngay từ giáo trình điện tử trước khi đổi mới sách giáo khoa.

Thời gian qua, dư luận hết sức bức xúc khi Bộ GD-ĐT công bố phải dùng hơn 34.000 tỷ đồng cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng không cần thiết phải sử dụng một số tiền lớn để đổi mới sách giáo khoa trong khi chưa có một sự thay đổi thực sự trong phương pháp giảng dạy của giáo viên. Học trò cũng chưa được hưởng lợi từ việc thay đổi sách giáo khoa này.

Trả lời phỏng vấn VTC News, ông Nguyễn Hoàng Vinh, Giám đốc dự án giáo dục trực tuyến Zuni cho rằng thay vì việc tốn tiền đổi mới sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT nên cân nhắc việc đổi mới từ những bài giảng điện tử.

Cũng có cùng những ý tưởng mới, thạc sĩ giáo dục Kim Ngọc Minh- thành viên đoàn tìm hiểu “Giáo dục trong thời đại số” tại Hoa Kỳ trong tháng 4/2014 đã chia sẻ với VTC News về chủ đề “sách giáo khoa mở”. Đây là một hướng mới giúp giảm chi phí đầu tư của nhà nước và người dân cho giáo dục.

Ông Đặng Quang Hùng, Giám đốc trung tâm Hocmai.vn online
Ông Đặng Quang Hùng, Giám đốc trung tâm Hocmai.vn online 
Trả lời phỏng vấn VTC News, ông Đặng Quang Hùng, Giám đốc trung tâm Hocmai.vn online cho rằng cần phải đẩy mạnh việc dùng giáo trình điện tử trong tương lai.

-Quan điểm truyền thống là Hệ thống – chương trình- sách giáo khoa- giáo trình điện tử (bài giảng điện tử). Tuy nhiên trong khi vẫn còn đang tranh cãi về hệ thống, về chương trình và cách viết sách giáo khoa thì chúng ta có thể đổi mới ngay ở giáo trình điện tử trước không, thưa ông?

Về cơ bản, sách giáo khoa là việc cụ thể hóa chương trình. Giáo trình điện tử là một cách thể hiện các tư liệu giảng dạy trên các phương tiện điện tử.

Do đó, không nhất thiết phải có sách giáo khoa mới xây dựng được giáo trình và bài giảng điện tử.Tuy nhiên, nhất thiết phải có chương trình để biết được phạm vi, mục tiêu và yêu cầu cho việc giảng dạy.

Trong vấn đề này, tôi cho rằng việc xây dựng và công bố chương trình học là tối quan trọng.

Đối với chương trình, bên cạnh nội dung về phạm vi, mục tiêu thì cần phải gắn liền với các tiêu chí đánh giá kết quả học tập của học sinh một cách rõ ràng, khoa học, đặc biệt là phù hợp với tình hình thực tiễn.

Khi đó, Bộ có thể đẩy mạnh việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào viết sách giáo khoa, phát triển các hình thức học liệu khác nhau bao gồm cả giáo trình điện tử, miễn sao đáp ứng yêu cầu của chương trình, đảm bảo nội dung kiến thức cung cấp đủ để người học đạt được các tiêu chí về đánh giá kết quả của quá trình học tập mà chương trình tương ứng đặt ra.

- Liệu chúng ta có thể lựa chọn các giáo trình điện tử trên thế giới và Việt hóa cho phù hợp để đưa ngay vào giảng dạy trong nước để vừa tiết kiệm chi phí vừa tạo động lực cho sự thay đổi?

Như đề cập ở trên, quan trọng Bộ cần sớm hoàn thiện và công khai các nội dung liên quan đến chương trình bao gồm mục tiêu, phạm vi, các tiêu chí đánh ...

Một khi đã xác định được cái này rồi thì cứ giáo trình nào đáp ứng hoặc có thể chỉnh sửa để đáp ứng với các yêu cầu của chương trình thì hoàn toàn có thể lựa chọn.

Bản thân các giáo viên Việt Nam sẽ có cơ hội, động lực để tạo ra các giáo trình có chất lượng. Các tổ chức kinh tế, xã hội cũng sẽ tích cực hơn trong việc tham gia vào các hoạt động này, thúc đẩy việc xã hội hóa giáo dục, tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn cho người học.

Khi đó, cơ quan quản lí nhà nước có điều kiện để tập trung hơn nhằm tăng cường vai trò xét duyệt và kiểm tra, đánh giá các giáo trình, đầu sách dựa trên các tiêu chí đã đặt ra.

Có thể Việt hóa các tài liệu giáo trình điện tử trên thế giới ở một số môn học để giảng dạy ở Việt Nam
- Ông có lo sợ rằng các giáo trình điện tử của thế giới không phù hợp với giáo dục Việt Nam? 

Phù hợp hay không phải dựa vào các tiêu chí đánh giá theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục tương ứng để đánh giá.

Tôi cho rằng có nhiều học liệu điện tử của nước ngoài có thể sử dụng hoặc sửa chữa để sử dụng được như các bài giảng về khoa học tự nhiên, lịch sử thế giới, triết học, ...

- Ông có nghĩ rằng tương lai  sách giáo khoa sau khi đổi mới sẽ phải tham khảo từ giáo trình điện tử, nếu làm tốt?

Quan điểm của tôi là cái gì tốt thì đều nên tham khảo. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng do bản chất sách giáo khoa và giáo trình nói chung, giáo trình điện tử nói riêng là khác nhau.

- Những ưu điểm khi sử dụng giáo trình điện tử là gì thưa ông?

Nhìn chung thì những giáo trình điện tử tốt sẽ có những ưu điểm như trực quan sinh động, phổ cập nhanh chóng, dễ dàng thay đổi, đổi mới, tương tác với công chúng….

Tuy nhiên, không nên hiểu rằng cứ là giáo trình điện tử thì đương nhiên sẽ có đủ những ưu điểm đó mà còn phụ thuộc vào mục đích và khả năng của người làm ra giáo trình và cũng không có chuyện cứ là giáo trình điện tử thì đương nhiên có ưu điểm.

- Liệu chúng ta có nghĩ đến việc phát động một cuộc thi kêu gọi giáo viên cả nước soạn giáo trình điện tử để đổi mới cách dạy học và sau đó các tài liệu này được phổ biến trên mạng, lấy ý kiến nhận xét của cộng đồng?

Những cuộc thi như thế này thực tế đã có nhưng quan trọng là hiệu quả và tính ứng dụng đến đâu thì vẫn còn để ngỏ.

Theo tôi, nếu Bộ GD-ĐT xây dựng các chương trình học và tập trung vào vai trò quản lí nhà nước về giáo dục đồng thời khuyến khích, tạo môi trường và động lực để các giáo viên, tổ chức giáo dục, nhà xuất bản tham gia tích cực hơn vào việc viết sách, xây dựng giáo trình, đặc biệt là giáo trình điện tử thì tôi tin rằng chất lượng sách, giáo trình nói chung và sách điện tử, giáo trình điện tử nói riêng sẽ có những cải thiện đáng kể.

Có thể phát động một cuộc thi thiết kế giáo trình điện tử để các thầy cô giáo chủ động thay đổi phương pháp
Có thể phát động một cuộc thi thiết kế giáo trình điện tử để các thầy cô giáo chủ động thay đổi phương pháp
- Ông nghĩ gì về tương lai của việc sử dụng giáo trình điện tử trong hoạt động giảng dạy?

Giáo trình điện tử đã được khai thác khá nhiều tại các trường đại học trong nước và đối với các bậc học khác cũng sẽ như vậy do các tiện ích hiện hữu của nó.

Thực tế, Bộ GD-ĐT cũng đã và đang có nhiều động thái để đẩy mạnh việc sử dụng giáo trình điện tử trong công tác dạy và học. Bên cạnh đó, việc xuất hiện của nhiều tổ chức, cá nhân đang nỗ lực trong việc này sẽ góp phần thúc đẩy xu thế tận dụng sức mạnh CNTT, tạo ra và ứng dụng các học liệu điện tử trong hoạt động dạy và học.

Tuy nhiên, vẫn cần nhấn mạnh là giáo trình không thay thế được giáo viên và chất lượng giáo viên mới là yếu tố chính quyết định chất lượng giáo dục.

Xin cám ơn ông!

Độc giả có đồng ý với quan điểm của tác giả? Hãy gửi ý kiến bình luận cho chúng tôi theo ô thảo luận cuối bài viết để làm sáng tỏ vấn đề rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai đất nước này.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn