• Zalo

Giao trẻ cho 'ác mẫu: Vì sao nguy hiểm vẫn làm?

Thời sựThứ Bảy, 21/12/2013 11:19:00 +07:00Google News

(VTC News)– Hiện TP.HCM có đến 15 KCN, KCX với hơn 1.000 doanh nghiệp, nhưng mới chỉ có duy nhất 1 nhà trẻ nên buộc các gia đình đem con đi gửi tư thục...

(VTC News) – Hiện TP.HCM có đến 15 KCN, KCX với hơn 1.000 doanh nghiệp, nhưng mới có duy nhất 1 nhà trẻ nên buộc các gia đình phải đem con đi gửi ở những nhà trẻ tư thục dù biết không an toàn...

Thông tin được ông Hồ Xuân Lâm – Trưởng ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) chia sẻ với báo giới, ngay sau khi sự việc bảo mẫu bạo hành trẻ em xảy ra tại nhóm trông trẻ tư thục Phương Anh (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức).

Theo báo cáo mới nhất của Hepza cho biết, hiện nay, trên toàn địa bàn TP.HCM có 15 khu công nghiệp, khu chế xuất với sự có mặt của hơn 1.000 doanh nghiệp, và hàng trăm ngàn công nhân. Thế nhưng, cho đến nay, chỉ mới có duy nhất 1 nhà trẻ với sức chứa 150 trẻ được thành lập.

Hepza đã có rất nhiều dự án xây nhà trẻ để phục vụ cho các công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn, nhưng qua một thời gian dài cho đến nay, mọi dự án vẫn "án binh bất động”, dù rằng quỹ đất dành cho phục vụ các công trình công ích đã có từ năm 2010.

bảo mẫu, bạo hành, nhà trẻ.
Việc xây thêm nhà trẻ trong khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ hạn chế tối đa việc công nhân gửi trẻ ở cơ sở tư thục, gây nên cảnh bảo mẫu bạo hành trẻ. 
Đến tháng 8/2011, đề án này mới được lãnh đạo UBND TP.HCM chấp thuận, nhưng đã hơn 2 năm qua, dự án vẫn chưa thể khởi động được.

Đại diện lãnh đạo Hepza thông tin: Hầu hết những doanh nghiệp nằm trong Hepza đều được thành lập từ những năm 90. Khi đó, hoàn toàn không có quy định phải có nhà ở và trường mầm non cho công nhân, nhưng nay thì đó là yêu cầu cần phải được ưu tiên.

Để tìm được quỹ đất để xây nhà trẻ cho công nhân, lãnh đạo Hepza phải tìm những nơi nào đất trống, nhiều cây xanh. Đến thời điểm hiện tại, Hepza đã tìm được 6 địa điểm để xây nhà trẻ, tại các khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Tân Tạo, khu chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2, Tân Tạo.

Dù vậy, ông Lâm khẳng định: Việc xây dựng, đưa vào hoạt động một nhà trẻ tại những nơi này là điều vô cùng khó khăn, mà Hepza làm mãi vẫn không được.

“Chẳng hạn, chúng tôi có dự án 3 trường mầm non đã khởi động, dự kiến đưa vào hoạt động vào đầu năm học 2014 – 2015, nhưng làm trầy trật mãi vẫn không xong. Hồ sơ gửi đi phải chạy lòng vòng hết cơ quan này sang cơ quan nọ…” – ông Lâm ngán ngẩm cho biết.

Cũng theo ông Hồ Xuân Lâm, Hepza không từ chối trách nhiệm xây dựng nhà trẻ cho công nhân tại các khu chế xuất – khu công nghiệp, nhưng vấn đề ở đây là cần có cơ chế, phương pháp để thực hiện.

“Nếu không, Hepza cũng chỉ biết câm nín mà thôi, không thể làm được gì hết…” – ông Lâm nhấn mạnh.

Hiện Hepza đã có kiến nghị xin trích lại % số thuế mà các doanh nghiệp tại Hepza hằng năm phải đóng cho Cục thuế TP.HCM để tiến hành chăm lo cho đời sống công nhân. 

"Đồng thời, trong vấn đề này, cần một sự chung tay, giúp sức của toàn bộ các Sở, ban ngành có liên quan của TP.HCM như Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở GD&ĐT TP.HCM, chứ một mình Hepza thì hoàn toàn không thể làm nổi", ông Lâm nói.

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn