Hằng ngày cứ đến 16h30, anh Phùng Quang Khải (SN 1980, Thanh Xuân, Hà Nội) lại vội vàng di chuyển từ chỗ làm đến cổng trường Tiểu học Nguyễn Trãi, lấy vị trí đẹp, đỗ xe chờ đón con tan học. Trường của con nằm trên dãy phố nhỏ, lượng người qua lại đông đúc nên anh phải tranh thủ đến sớm để chọn vị trí dễ đánh xe ra vào.
Dù nhà trường luôn phối hợp với các cơ quan chức năng điều phối giao thông giờ tan tầm nhưng tình trạng ách tắc, lộn xộn vẫn diễn ra mỗi ngày.
"Nhà cách trường chưa đầy 3km nhưng ngày nào hai bố con cũng chật vật mãi mới về đến nơi, hôm sớm thì hết chừng 20 phút, hôm tắc đường mất gần 1 tiếng đồng hồ", anh Khải nói.
Theo anh Khải, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc cổng trường xuất phát từ sự bất cập giữa nhu cầu đưa đón con đi học với hạ tầng giao thông khu vực cổng trường. Cùng với đó, ý thức văn hóa giao thông của học sinh và nhiều phụ huynh còn hạn chế, tình trạng dừng đỗ xe lộn xộn trên vỉa hè, lòng đường khá phổ biến.
Các trật tự viên tham gia hỗ trợ giao thông của phường còn mỏng, không đủ người để ngày nào cũng bố trí giám sát, xử phạt. Vì thế, giao thông khu vực cổng trường luôn ùn tắc, khiến nhiều phụ huynh ám ảnh mỗi giờ đưa đón.
Do đặc thù công việc, vợ chồng chị Phan Hoa (SN 1984, Hà Đông, Hà Nội) không thể sắp xếp về sớm đón con mỗi ngày. Thời gian đầu, chị thường dặn con sau giờ tan học đứng chờ ở trong khuôn viên trường, chờ mẹ tan làm sẽ đến đón, nhưng lúc nào chị cũng trong tâm trạng thấp thỏm mỗi giờ tan trường.
"Không ít lần tôi đi đón thì bắt gặp con đang nô đùa với bạn ở cổng trường, trong khi nhiều phương tiện qua lại, nhốn nháo không an toàn", chị nói.
Để đảm bảo an toàn cho con, vợ chồng chị thống nhất trích ra 3 triệu mỗi tháng thuê bác xe ôm đầu ngõ. Quyết định này đã giúp chị tiết kiệm được 2 tiếng mỗi ngày khi không phải di chuyển từ cơ quan đến trường con và ngược lại.
Hình ảnh ô tô nối đuôi nhau, nhích từng mét, những chiếc xe máy đỗ tràn lan từ lòng đường lên vỉa hè, học sinh len lỏi qua dòng xe tấp nập mỗi giờ tan trường khiến chị Hoa và nhiều phụ huynh thấy mệt mỏi.
Theo thống kê, thành phố Hà Nội hiện có tổng cộng 152 vị trí cổng trường học trong tình trạng ùn tắc giao thông và nguy cơ mất an toàn mỗi giờ tan học. Trong đó khu vực nội thành 108 vị trí, ngoại thành 44 vị trí.
Để khắc phục tình trạng này, một số trường đang áp dụng mô hình cổng trường an toàn mới đạt hiệu quả tốt. Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông) phối hợp với lực lượng chức năng quận bố trí phân luồng, tạo lối đi bộ riêng cho học sinh. Trường này nằm ngay mặt đường cạnh ngã tư giao với hồ Văn Quán, nơi xe cộ thường xuyên qua lại tấp nập.
Khu vực cổng trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Đông) sau khi áp dụng phân làn. (Ảnh: Hiểu Lam)
Mô hình cổng trường an toàn được nhiều phụ huynh ủng hộ và cho rằng việc đưa đón con em vào giờ tới lớp, tan trường được thuận lợi, an toàn hơn.
Không chỉ phụ huynh, học sinh cũng vui mừng hơn từ khi cổng trường xuất hiện các làn đường, khu vực dành riêng cho các em. Đỗ Trọng Tâm (học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du) chia sẻ, từ khi có mô hình mới, em yên tâm đi về một mình sau buổi học, không còn sợ mỗi khi tự sang đường như trước.
Ngoài trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông) hiện còn có trường trường tiểu học - THCS- THPT Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) và trường mầm non, tiểu học, THCS Sài Sơn (huyện Quốc Oai) đang áp dụng thanh công mô hình này.
Ông Tạ Đức Giang, Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông Thành phố Hà Nội đánh giá, mô hình phân làn trước cổng trường học khu vực đông dân cư bước đầu áp dụng thành công ở một số cơ sở giáo dục. Dự kiến, sau thời gian thí điểm, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ đánh giá kết quả, sẽ có những điều chỉnh phù hợp, xem xét nhân rộng mô hình trên địa bàn thành phố.
Mô hình trường học an toàn được áp dụng ở trường Tiểu học Nguyễn Du.
Bình luận