Giáo sư Trần Ngọc Anh đang là giảng viên ngành Quản trị công và Kinh tế tại Đại học Indiana, trường hiện xếp hạng số 1 tại Mỹ về Quản trị công. Trong 15 năm qua, anh đã tích cực tìm cơ hội để tham gia hợp tác với các cơ quan trong nước giúp đưa kiến thức của anh, các đồng nghiệp ở Mỹ và trên thế giới đóng góp cho Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống quản trị công hiệu quả.
Mong mỏi cống hiến cho quê nhà
Chia sẻ với VTC News tại diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024" (VGLF) ở Paris, Pháp, GS. TS Trần Ngọc Anh cho biết, những nỗ lực của anh trong hỗ trợ Việt Nam được chia thành 3 nhóm nhiệm vụ chính. Đầu tiên là tổ chức các chương trình đào tạo để các cán bộ trẻ, các cán bộ quản lý lãnh đạo của nước ta được tiếp cận những kiến thức mới, nắm bắt những gì đang xảy ra trên thế giới.
Thứ hai, anh cùng các đồng nghiệp đã tiến hành các phân tích chính sách để có sự chia sẻ và báo cáo với các cơ quan, các vị lãnh đạo trong nước để xem có thể sử dụng được những phân tích này. Họ tập hợp lại thành một nhóm các chuyên gia người Việt và người nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam, có khả năng và hiểu về Việt Nam để đóng góp vào các vấn đề về chiến lược, chính sách.
Cuối cùng, nhóm của anh tham gia hỗ trợ phát triển, đưa ra một số sáng kiến cụ thể hỗ trợ nhà nước.
“Ví dụ như khi Văn phòng Chính phủ, TP.HCM, một số địa phương, bộ, ngành có sáng kiến xây dựng hệ thống quản trị hay là những sáng kiến nâng cao dịch vụ công cho người dân, chúng tôi tham gia trực tiếp cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác hỗ trợ cho cơ quan nhà nước. Chúng tôi đã thực hiện việc này gần 20 năm nay rồi. Rất vui vì ở nước mình, mọi người rất cầu thị mặc dù kiến thức của chúng tôi ko đủ sâu về Việt Nam nhưng các anh chị rất cởi mở, lắng nghe, kể cả những vị lãnh đạo cao cấp”, GS Trần Ngọc Anh tâm sự.
Chia sẻ về những nỗ lực của mình, GS Trần Ngọc Anh tâm sự động lực để anh tiếp tục đi học và trở lại cống hiến cho quê hương là lòng biết ơn đối với đất nước, gia đình, những người đã nuôi nấng, tạo điều kiện cho anh.
“Là người Việt Nam lớn lên trong xã hội Việt Nam, được xã hội, nhà nước, người dân, cho cơ hội được học hành, đấy là một cái may mắn của cá nhân tôi. Cũng như những người bạn khác, có may mắn, có điều kiện học ở nước ngoài, chúng tôi luôn nghĩ rằng mình cần làm gì đó ít hay nhiều để đóng góp cho những người hiện chưa có cơ hội như chúng tôi. Đó cũng là động lực của các anh chị em ở nước ngoài, như diễn đàn hôm nay. Đấy là tấm lòng, tâm huyết của mọi người ở Mỹ nói riêng và các nước khác nói chung”, GS Trần Ngọc Anh nói.
Chú trọng lĩnh vực quản trị công
Theo chia sẻ của GS Trần Ngọc Anh, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045. Anh nhận xét đây là mục tiêu rất tham vọng, nhằm giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình. Qua nghiên cứu, GS Trần Ngọc Anh nhận định để thoát được cái bẫy đó, Việt Nam cần có hệ thống quản trị tốt. Quản trị là chìa khoá đưa Vệt Nam chuyển sang một bệ phóng mới, đi theo con đường của những nước thoát bẫy thu nhập trung bình.
“Nhưng chúng ta còn rất ít thời gian, dân số chúng ta sẽ đi vào giai đoạn già hoá trong 20 năm nữa. Từ giờ đến lúc ấy nếu không chuyển mình nhanh chóng, chúng ta không thể ước mơ trở thành các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nếu quyết tâm đạt dược mục tiêu thành nước phát triển như đã đề ra, chủ đề của nhiệm kỳ đại hội lần tới, cần phải coi lại chủ đề về quản trị và quản trị công vì đó là chìa khoá cho nền kinh tế có thể cất cánh và đạt được những mục đích đã đề ra”, anh nhấn mạnh.
Xã hội nào cũng có khu vực của người dân, nhà nước và các nhà khoa học, 3 trụ cột này cần làm việc, hợp tác chặt chẽ, cuối cùng để phục vụ người dân. Trong đó, Nhà nước có nguồn lực, nhiệm vụ và quyền để cung cấp dịch vụ cho người dân.
Các dịch vụ quan trọng nhất bao gồm hệ thống pháp luật, môi trường kinh doanh, và các dịch vụ khác như giáo dục, y tế, kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường. Đây là những yếu tố quan trọng nhất mà khu vực tư nhân không thể tự làm. Do đó, vai trò quản trị công của nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trong các vai trò đó, vai trò xây dựng và thực thi hệ thống luật pháp minh bạch, công bằng là một trong những nền tảng then chốt, giúp giảm chi phí giao dịch để người dân và doanh nghiệp phát triển. Đây cũng là động lực phát triển kinh tế đất nước. Để tạo đà cho sự phát triển này, GS Trần Ngọc Anh cho rằng nhà nước nên thực hiện những việc cốt lõi, quan trọng nhất. Để làm được những việc này, nhà nước sẽ cần phối hợp với cộng đồng trí thức.
Các nhà khoa học, từ đó, trở thành điểm tựa để hỗ trợ, tham vấn, tư vấn cho nhà hoạch định chính sách. Với vai trò của mình, các nhà khoa học là những người thực hiện nghiên cứu, tận dụng những phát hiện, tìm tòi và kiến thức của mình để cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách, cho xã hội để có quyết định, chiến lược, cách làm.
Cũng theo GS Trần Ngọc Anh, có rất nhiều trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và nhiều nhà khoa học nước ngoài mong muốn cống hiến, đóng góp cho Việt Nam mà không thu lại lợi nhuận. Do đó, để tận dụng tối đa nguồn lực này, GS Trần Ngọc Anh cho rằng cần giải quyết vấn đề cốt lõi là tạo ra cơ hội đóng góp hiệu quả.
Hiện tại, các tổ chức trong nước, từ các doanh nghiệp, đến đại học, bệnh viện, mọi tổ chức tham gia ở Việt Nam vẫn chưa tao được các cơ hội thu hút trí tuệ người Việt trên toàn cầu bởi vì họ bị mắc trong những cơ chế bó hẹp.
“Đây là cái cần giải quyết, trong đó không chỉ cần thay đổi một chính sách mà là một hệ thống cơ chế, quy định”, anh Trần Ngọc Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng về cuộc sống vật chất, Việt Nam có thể phát triển song song cả về mặt kinh tế và đảm bảo cuộc sống tinh thần của người dân.
GS Trần Ngọc Anh
Tiếp tục thu hút người tài
Cộng đồng các nhà khoa học đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tham mưu, hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, theo GS Trần Ngọc Anh, nhóm này đang ngày càng thu hẹp. Trên thực tế, ngày càng nhiều người tài chuyển sang làm việc ở khu vực tư nhân vì đây là khu vực có tính năng động.
GS Trần Ngọc Anh cho biết anh xác định anh cùng các nhà khoa học trong nhóm "Diễn đàn Sáng kiến Việt Nam" chỉ có thể làm việc năng suất trong khoảng 10 năm nữa. Theo đó, thông qua sáng kiến này, anh đang nỗ lực tìm kiếm, truyền cảm hứng và nuôi nấng những tài năng thích làm việc nghiên cứu, có đầu óc phân tích, có tính đổi mới, tìm tòi, nghiên cứu.
“Mình cố gắng tìm ra những tài năng trẻ để bồi dưỡng thành những người giỏi hơn để sau này họ có thể thay thế thế hệ cũ của bọn mình”, GS Trần Ngọc Anh chia sẻ.
Bên cạnh việc đứng ra kết nối tổ chức, bản thân anh Trần Ngọc Anh cũng là một nhà nghiên cứu. Trong thời gian nghiên cứu, anh đã nhận ra một điều rằng: "Việt Nam luôn cố gắng tăng trưởng kinh tế để người dân và doanh nghiệp thu nhập cao hơn như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản. Tuy nhiên, dù đây là các quốc gia thành công về kinh tế nhưng cuộc sống của họ rất căng thẳng, thường xuyên làm việc đến tối mịt, cuộc sống mất cân bằng, tỷ lệ trầm cảm, tự sát ở một số nơi cũng cao".
Theo đó, hiến kế cho Việt Nam dưới góc nhìn của chuyên gia về quản trị công, GS Trần Ngọc Anh nhận thấy bên cạnh chuyện thúc đẩy tăng trưởng về cuộc sống vật chất, Việt Nam có thể phát triển song song cả về mặt kinh tế và đảm bảo cuộc sống tinh thần của người dân.
“Từ bài học của các nước, Việt Nam nên chọn đường đi riêng của mình, vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo cuộc sống tinh thần của người dân. Khoa học Phương Tây sẽ giúp chúng ta phát triển kinh tế và công nghệ. Triết lý phương Đông và giá trị văn hóa Việt Nam sẽ giúp chúng ta có cuộc sống tinh thần và hạnh phúc”, GS Trần Ngọc Anh kiến nghị.
Giáo sư Trần Ngọc Anh, sinh ra lớn lên ở Việt Nam. Anh từng có thời gian làm việc trong nước, công tác tại Văn phòng Chính phủ, chuyên viên ban nghiên cứu của Thủ tướng, cố vấn chính sách phát triển Kinh tế - Đổi mới.
Anh cũng là Chủ tịch nhóm "Sáng kiến Việt Nam" - một mạng lưới toàn cầu gồm các chuyên gia về chính sách phát triển cho Việt Nam. Đồng thời, anh lãnh đạo hai dự án lớn của USAID tại Việt Nam nhằm đào tạo các nhà hoạch định chính sách cấp cao và đổi mới hệ thống giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, anh cũng làm cố vấn cho các sáng kiến cải cách của chính phủ các nước, Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới, đồng thời đã sống và làm việc tại Nga, Pháp và Australia. Anh đã tham gia Học bổng Học thuật của UNDP, Chương trình Lãnh đạo Mới nổi của Quỹ châu Á và Hội đồng Nghiên cứu của Thủ tướng Việt Nam. Anh cũng là người đồng sáng lập Hiệp hội quốc tế các nhà kinh tế Việt Nam.
Bình luận