GS Phan Thanh Sơn Nam, Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa TP.HCM, cho hay việc bài báo khoa học để xảy ra sai sót và phải sửa đã diễn ra mấy chục năm nay. Ở lĩnh vực nghiên cứu nào cũng có phần thực nghiệm, phần thực nghiệm của bài báo lại có nhiều người làm. Khi đăng tải, bài báo cũng có mục đăng đính chính và ở lĩnh vực nào cũng có.
GS Nam xác nhận công bố của nhóm ông để xảy ra tình trạng phần phụ lục (SI) của bài có một số phổ NMR (phổ cộng hưởng từ hạt nhân, một phương pháp bổ sung quan trọng với hoá học hữu cơ) giống với NMR trong phần phụ lục của bài khác của chính nhóm này.
Lỗi này chỉ xảy ra trong phần phụ lục, phần thông tin hỗ trợ cho bài báo, tuy nhiên vẫn là sai và phải nhìn nhận điều này.
Theo GS Nam, trước khi đăng tải bài báo đã có 2 người kiểm tra và ông là người thứ 3 kiểm tra nhưng vẫn xảy ra sai sót.
“Sai chỗ nào thì sẽ sửa để làm cho đúng. Tạp chí cũng có một phần để đăng đính chính nhưng đây đúng là kinh nghiệm xương máu của tôi” – GS Nam nói.
Lần đầu tiên xảy ra tai tiếng trong nghiên cứu khoa học, GS Nam nhìn nhận ông không quá áp lực vì đây là chuyện bình thường trong nghiên cứu, nhưng sai ở đâu thì phải sửa ở đó.
“Làm nghiên cứu khoa học giống như đi trong sương mù và đi trên lớp băng rất mỏng, không biết đi đến đâu và tai nạn lúc nào do vậy phải cẩn thận”- ông nói.
Trước đó, trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia có đăng tải bài viết liên quan đến GS Phan Thanh Sơn Nam, trong đó có nội dung tố ông gian lận kết quả nghiên cứu bằng cách tái sử dụng cùng một phổ cộng hưởng từ của cùng một lần đo cho nhiều kết quả khác nhau trong một số bài báo khác nhau không liên quan.
Ngày hôm qua, GS Phan Thanh Sơn Nam cũng đã chia sẻ việc này lên trang cá nhân có hơn 5.000 người theo dõi của mình và gọi đây là kinh nghiệm xương máu.
Ông viết rằng: “Chuyện bài báo này có hình ảnh hay dữ liệu giống bài báo khác trong chính nhóm của mình kể cả trong phần SI là sai. Xưa nay tôi vẫn nhắc nhở học trò mình rằng chuyện này là sai. Nhóm tôi đã sai thì phải tự sửa lại cho đúng.
Trong các bài báo của tôi cũng như những nhóm khác, thường thì first author (tác giả chính) là người trực tiếp viết phần SI, sau đó đưa qua một thầy corresponding author (tác giả đầu mối) khác trong nhóm kiểm tra, sau khi thầy đó kiểm tra xong thì đưa qua tôi kiểm tra thêm một lần nữa. Tôi đã cẩn thận nên thường để 2 corresponding author, để 2 người corresponding author phải có trách nhiệm kiểm tra 2 vòng cho kỹ hơn. Nhưng rồi cuối cùng nhóm cũng không thoát khỏi tai nạn.
Đúng là xưa nay tôi chỉ chăm chút kỹ phần bài báo mà không chăm chút kỹ cho phần SI. Khi kiểm tra phần SI do học trò hay do thầy corresponding thứ nhất đưa sang, tôi chỉ dò lại xem phổ NMR đó có đúng với cấu trúc chất trong bài không, có đủ số lượng H và C không. Tôi đã không để ý đến việc trong các phổ này có phổ nào giống với những bài trước không là lỗi của mình.
Với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu và là người có kiểm tra lần cuối bài báo, tôi thành thật xin lỗi cộng đồng vì nhóm tôi đã để xảy ra chuyện này. Cá nhân tôi thành thật xin lỗi vì không đủ kiến thức và kỹ năng cũng như đã không tổ chức nhóm nghiên cứu thật tốt để ngăn chặn những lỗi nói trên. Tôi thành thật xin lỗi vì đã không hướng dẫn học trò kỹ hơn nữa. Bao nhiêu bằng cấp, bao nhiêu kinh nghiệm, thì tôi cũng cần phải học thêm cách làm việc cho nghiêm túc hơn nữa”- GS Nam viết.
Theo GS Nam, sau tai nạn này, nhóm của ông đã phân công tiến sĩ chịu trách nhiệm rà soát kiểm tra thật kỹ phần SI của bài báo khi công bố, ngoài những lần kiểm tra như xưa nay. Ngoài ra, các nhóm nhỏ trong nhóm của ông cũng sẽ kiểm tra chéo với nhau.
“Tôi mong rằng các bạn trẻ đang và sẽ tham gia vào nhóm nghiên cứu của mình phải đọc kỹ bài này và đừng bao giờ quên những gì tôi đã nhắc nhở. Khoa học không có chỗ cho bất cứ chiêu trò gì. Nếu không tuyệt đối làm theo những yêu cầu của mình có thể lúc nào đó bạn sẽ gây ra tai hoạ và làm liên luỵ những người khác. Một lần nữa thành thật xin lỗi mọi người, đây là lỗi của tôi” - GS Nam nói.
Bình luận