Nhật Bản cần nhường nhịn Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và xác định Trung Quốc vẫn là nguy cơ tiềm ẩn chiến tranh số 1, đồng thời cũng là chiếc chìa khóa để Nhật Bản phục sinh đế chế Mặt Trời.
Trong cuốn sách đầu tiên “Vấn đề lãnh thổ phía Bắc” từng nhận giải thưởng phê bình Jiro Osagiri 8 năm trước, giáo sư Akihiro Ivasita thuộc Trung tâm nghiên cứu Slavơ, Đại học Hokkaido đã đưa ra lý thuyết về "hai hòn đảo cộng với alpha", không bao hàm sự thu hồi trở lại tất cả 4 hòn đảo thuộc Kuril.
Giáo sư Akihiro Ivasita |
Tác giả lần thứ hai xới lại vấn đề này sau 8 năm trong một cuốn sách mới "Chìa khóa giải quyết các vấn đề tranh cấp các vùng lãnh thổ phía Bắc, Takeshima và Senkaku".
Trong cuốn sách mới này, ông đưa ra ba nguyên tắc có thể được áp dụng để giải quyết các vấn đề các vùng lãnh thổ phía Bắc, đảo Takeshima và Senkaku, đồng thời đưa ra những bước hành động cụ thể và chi tiết.
Giáo sư Akihiro Ivasita đề xuất các phương pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề Takeshima và Senkaku. Ba nguyên tắc được đặt ra là: Đưa lịch sử ra khỏi vấn đề tranh chấp; chấp nhận phương án 50/50, phương án này đã được đặt ra trong cuốn sách trước; ưu tiên tối đa các lợi ích của người địa phương và ngư dân.
Ông Ivasita đưa ra đề xuất như "cuộc cách mạng ý thức" ở Nhật Bản, đó là sự tha thứ đối với hành vi chiếm giữ toàn bộ chuỗi đảo Kuril sau đại chiến thế giới II. Kế hoạch cụ thể để đưa lịch sử ra khỏi những tranh chấp lãnh thổ là bước chuẩn bị cơ bản cho một cuộc đối thoại lịch sử với các nước láng giềng và khu vực, sau đó sử dụng quan điểm cơ bản này làm giảm ảnh hưởng của vấn đề lịch sử với lãnh thổ có liên quan.
Nhưng vấn đề hóc búa nảy sinh, nếu như Nhật Bản có thể bỏ qua cho Nga, liệu Trung Quốc và Hàn Quốc có tha thứ cho Nhật Bản?
Vấn đề lịch sử là một chiếc gậy có hai đầu, nếu như đè quá nặng đầu này, đầu kia sẽ đập ngược trở lại. Đối với Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc, Nhật Bản là kẻ thù trong chiến tranh, thực dân đế quốc và là kẻ xâm lược trong quá khứ. Cách tiếp cận vấn đề này khiến cho các cuộc đàm phán trở nên vô cùng khó khăn.
Giáo sư Ivasita đưa ra hai phương án về đường biên giới trên biển và trên đất liền trong khu vực lãnh thổ phía Bắc. Mục đích chính là phát triển kinh tế dựa trên sự hợp tác hữu nghị với Nga và các nước khác trên khu vực lãnh thổ đặc biệt này, khu vực do không xác định được đường biên giới đã rơi vào tình trạng suy sụp.
Quần đảo Kuril |
Phương án A là khu vực biển xung quanh Kunashir và khu vực xung quanh Tomari ở phía tây được xác định một vùng hải cảng tự do.
Phương án B là vẫn để đảo Shikotan thuộc quyền Nga quản lý nhưng đòi hỏi từ Nga vùng nước đặc quyền kinh tế phía bắc của hòn đảo Kunashir.
Đây không phải là phương án “hai đảo cộng anpha” (anpha ở đây được hiểu như là lợi ích kinh tế) nhưng chi phí đầu tư khôi phục lại tình trạng kinh tế của đảo sẽ thấp hơn, đồng thời vùng nước của Shiretoko sẽ được mở rộng.
Về quần đảo Takeshima tranh chấp với Hàn Quốc, vấn đề về chủ quyền lãnh thổ nên để dành đến thời điểm cuối cùng, sau khi đã giải quyết những vấn đề liên quan đến quần đảo Kuril, cũng như công nhận quyền sử dụng không gian biển của Hàn Quốc xung quanh quần đảo đó, nhằm mục đích thiết lập "hòa bình trên biển chủ quyền".
Với quần đảo Senkaku, cần xây dựng một quỹ bảo vệ thiên nhiên hoang dã trên đảo với một nửa là nguồn ngân sách quốc gia, một nửa là của tư nhân nhằm biến các đảo này trở thành một phần của tài sản tư nhân. Điều đó phản ánh nguyện vọng của người dân Nhật ở khu vực Miyako và Yaeyama, đồng thời ngăn chặn sự rối loạn trong hiệp ước về đánh bắt thủy hải sản giữa Nhật Bản và Đài Loan, đã được ký kết vào tháng 4.2013.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư |
Sau khi đề xuất được đưa ra, một làn sóng chỉ trích, nhục mạ đã đổ lên đầu giáo sư Ivasita được gói gọn trong một tập sách với cái tên cực kỳ nặng nề “Kẻ phản bội”.
Nhưng theo vị giáo sư này, việc thu hồi Kuril từ tay cường quốc như Nga là điều không tưởng và số lượng những người ủng hộ việc thu hồi bốn hòn đảo này đã là thiểu số. Sự ra đời của cuốn sách của ông Ivasita đã gây lên hàng loạt những cuộc tranh cãi nảy lửa.
Thực tế giáo sư Ivasita thông qua những nghiên cứu của mình đã nêu lên một vấn đề khá hóc búa mà xã hội Nhật Bản phải giải quyết: Đó là dấu ấn nặng nề của lịch sử đen tối của những năm đầu thế kỷ 20, một đất nước không có sức mạnh quân sự mà chủ yếu dựa vào chiếc ô bảo hộ của Mỹ, tính dân tộc và chủ nghĩa dân tộc dựa trên ý thức về đế chế Mặt Trời của người dân Nhật Bản, những xung đột liên quan đến Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Trong mớ hỗn độn sự kiện, giáo sư nhận thấy một điểm rất yếu của Nhật Bản, đó là yếu tố lịch sử. Và cũng chính từ yếu tố lịch sử này, ông xác định đối tượng nguy hiểm nhất hiện nay đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Nhật Bản chính là Trung Quốc.
Những lý luận phức tạp của giáo sư Akihiro Ivasita có thể đơn giản hóa hơn bằng 3 giải pháp:
Giải pháp Một: Bằng mọi biện pháp hòa bình xây dựng mối quan hệ hữu nghị với Nga nhằm khai thác thế mạnh phát triển kinh tế vùng Viễn Đông và quần đảo Kuril, sử dụng chính sự tranh chấp quần đảo làm thế mạnh để đưa vùng Viễn Đông và quần đảo Kuril thành bàn đạp, chỗ dựa và che chắn hậu phương phía Bắc của nước Nhật. Với một hình thức nào đó (chủ quyền, tỷ lệ 50/50 và các giả thuyết khác nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế và an ninh chính trị phía Bắc của Nhật Bản).
Quần đảo Takeshima |
Những hoạt động ngoại giao gần đây của Nhật Bản như cuộc gặp của thủ tướng Abe với tổng thống Putin kết thúc bằng tuyên bố chung mang tính lợi ích phát triển kinh tế và đàm phán hòa bình trong vòng bí mật, đề xuất cùng phát triển 4 hòn đảo thuộc quần đảo Kuril dưới sự quản lý của luật pháp Nga được Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga Igor Morgulovym đưa ra trong thời gian họp với thứ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản ông Masaji Matsuyama trong cuộc họp song phương được tổ chức ngày 20.6.2013 tại Sant - Petersburg.
Nhật Bản đã từ chối ý tưởng này, vì nó được hiểu chủ quyền trên các hòn đảo tranh chấp là thuộc Nga. Phía Nhật đề nghị Moscow xem xét lại ý tưởng của mình. Tất cả những sự kiện đó đã xác định một hướng đi mới trong quan hệ Nga – Nhật. Theo nguyên tắc số một của ông Akihiro Ivasita, vấn đề lịch sử với Nga không nặng nề, có thể dễ dàng để sang một bên trong xã hội Nhật Bản (đánh giá như một sự tha thứ cho Nga).
Giải pháp Hai: Do có những dấu ấn đen tối trong lịch sử với Hàn Quốc, vấn đề tranh chấp lãnh thổ sẽ được đưa vào giai đoạn đấu tranh sau cùng. Hàn Quốc và Nhật Bản cùng là đồng minh của Mỹ, vấn đề tranh chấp lãnh thổ sẽ được giải quyết theo một giải pháp 3 bên hoặc song phương tùy theo sức mạnh kinh tế và quân sự Nhật Bản sau này. Nhưng trước mắt, theo giáo sư cần xây dựng một khu vực khai thác biển hòa bình và làm nhòa đi những vết đen lịch sử bằng những hành động củng cố tình hữu nghị.
Giải pháp Ba: Cũng từ dấu ấn lịch sử, cả Đài Loan và Trung Quốc đều tham gia vào hoạt động đòi thu hồi Senkaku (Điếu Ngư), trong điều kiện hiện nay, thật sự bất lợi cho Nhật Bản do Đài Loan cũng là đồng minh được sự bảo hộ của Mỹ và nền kinh tế Mỹ đang gặt hái những lợi ích từ Trung Quốc. Nếu tình hình tiếp tục diễn ra do dấu ấn lịch sử từ thời kỳ quân phiệt Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, và Trung Quốc – Đài Loan cùng bắt tay đấu tranh đòi Senkaku, điều đó có thể dẫn đến xung đột vũ trang gây tổn thất cho cả hai bên và sự nghiệp phát triển thành cường quốc độc lập của Nhật cũng kết thúc.
Do đó phương án tối ưu là xây dựng mối quan hệ hòa bình với Đài Loan trên lĩnh vực khai thác hải sản nhằm ngăn chặn sự xâm nhập quá khích của ngư dân Trung Quốc vào khu vực Senkaku, ngăn chặn một sự đổ bộ đã rồi. Đồng thời tư nhân hóa một phần để bảo vệ môi trường sẽ tranh thủ cộng đồng quốc tế và ngăn chặn sự xâm hại dẫn đến một cuộc tấn công xâm lược. Thời gian đang ủng hộ Nhật Bản.
Trong ba phương án mang tính hòa bình trên, vấn đề đối phó Trung Quốc vẫn mở rộng cho con đường phát triển lực lượng quân sự Nhật Bản nhằm chống lại những nguy cơ từ phía Trung Quốc. Trong cả ba phương án (nguyên tắc Akihiro Ivasita) hoàn toàn không có Trung Quốc.
Điều đó có nghĩa là đối với Nhật Bản, Trung Quốc vẫn là nguy cơ tiềm ẩn chiến tranh số 1, đồng thời cũng là chiếc chìa khóa để Nhật Bản phục sinh đế chế Mặt Trời.
Theo Tiền Phong
Bình luận