• Zalo

Giáo sư Nguyễn Bá Đức bày cách chế ngự ‘đại dịch’ ung thư

Sức khỏeThứ Sáu, 08/01/2016 07:49:00 +07:00Google News

GS – TS Nguyễn Bá Đức, phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam chia sẻ cách chế ngự ‘đại dịch’ ung thư.

(VTC News) – GS TS Nguyễn Bá Đức, phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam chia sẻ cách chế ngự ‘đại dịch’ ung thư.

Hơn 200 loại ung thư (UT) đến từ môi trường sống

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định UT là nạn dịch đã xảy ra trong hiện tại. Ước tính mỗi năm trên toàn cầu có hơn 14,1 triệu người mới mắc và 8,2 triệu người chết do ung thư, trong đó gần 70% là ở các nước đang phát triển.

Hiện, khoảng 23 triệu người đang sống chung với ung thư. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời thì con số này sẽ lên tới 30 triệu vào năm 2020.

Bệnh nhân ung thư tại viện K3
Bệnh nhân ung thư tại viện K3
Trong cuốn sách Cẩm nang phòng trị ung thư, GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư TP. HCM cho biết: Năm 2030, sẽ có xấp xỉ 21,4 triệu ca mới và 13,2 triệu ca chết. Trong đó, ung thư phổi và ung thư vú có tỉ lệ cao nhất.

Chia sẻ về căn bệnh quái ác này, GS – TS Nguyễn Bá Đức, phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho rằng: Trước đây người ta thường dùng ‘đại dịch’ cho những căn bệnh truyền nhiễm có tính lây lan cao.

Tuy nhiên, vì tỷ lệ người mắc bệnh tăng nhanh chóng và mang tính bùng phát nên người ta đã gọi như vậy và khả năng còn tăng cao nữa nếu không có biện pháp kiểm soát các yếu tố gây bệnh.

GS Đức khẳng định, 80% tác nhân gây ung thư từ bên ngoài gồm các yếu tố nhiễm vi khuẩn HPV, virus viêm gan B. Ô nhiễm môi trường như khói thuốc lá, bụi khói công nghiệp, hậu quả của chất độc da cam trong chiến tranh và đặc biệt là ô nhiễm thực phẩm khiến nhiều người mắc bệnh.

Thuốc lá gây 30% ung thư ở người; 40% ung thư do ô nhiễm từ thực phẩm. Các nhà khoa học đã vạch mặt chỉ nguyên nhân gây ung thư ở thực phẩm là: nhiều thuốc bảo quản, thuốc kích thích tăng trọng, cách chế biến thực phẩm, thói quen ăn nhiều đồ chiên, rán cháy gây bệnh rất khó để định rõ.

Lối sống thiếu lành mạnh cũng gây bệnh ung thư như rượu chè, lười tập thể dục…Hơn nữa, tuổi thọ càng cao thì yếu tố nguy cơ ung thư cũng cao theo vì căn bệnh này thường gặp ở người già. Khi sức đề kháng kém cũng dễ mắc ung thư.



Chế ngự ung thư cách nào?

Liệu ‘đại dịch’ ung thư có phải do chính những người Việt ‘đầu độc’ lẫn nhau? Nhiều người biết là độc nhưng vẫn ngâm hoa quả vào thuốc diệt cỏ, dùng chất tạo nạc salbutamol cho thịt lợn…

Về nguyên nhân được dự đoán góp phần gây ra đại dịch ung thư này, GS Đức cho rằng, cần phát huy vai trò của nhà nước và sự tự giác của cá thể trong cộng đồng.

GS Nguyễn Bá Đức trong chương trình truyền hình trực tiếp về bệnh nhân ung thư vừa diễn ra tối 14/12
Đối với mỗi cá nhân, nếu sống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng cơ thể sẽ giảm nguy cơ ung thư.Trong y học có nhiều phương pháp để tăng sức đề kháng từ cây, con. Khi sức đề kháng của cơ thể tốt thì bệnh tật sẽ không tấn công và phát tác. Nếu sức đề kháng giảm thì bệnh phát tác rất nhanh.

Khi bị bệnh, cần sớm điều trị. Bác sỹ điều trị dựa trên từng cơ địa, giới tính, lứa tuổi giai đoạn bệnh để điều trị sao cho hài hòa để phát huy được mặt mạnh của từng phương pháp nhưng giảm thiểu tác dụng không mong muốn (tác dụng phụ).

Khi khối u còn nhỏ, chưa di căn, phương pháp tốt nhất là phẫu thuật, loại trừ khối u ra khỏi cơ thể. Phương pháp này áp dụng cho ung thư da, ung thư  đại tràng, vú, dạ dày và nhiều loại UT khác. Nếu phát hiện sớm cắt đi là khỏi. Nhưng tiếc một điều là bệnh ung thư thường diễn ra âm thầm và khi phát hiện thì khối u đã to và di căn xa.

Phương pháp nữa là xạ trị chiếu tia xạ vào vùng có ung thư lan rộng, không mổ được hoặc sau mổ mà chưa lấy hết được tế bào ung thư.

Phương pháp dùng thuốc: Khi tế bào ung thư phát tán và di căn thì cần phải uống thuốc, tiêm thuốc, dù tế bào ẩn ở đâu thuốc cũng đến. Đây là phương pháp điều trị với bệnh ung thư toàn thân như ung thư máu hoặc những loại UT dễ di căn, bệnh đã ở thời kì di căn nhiều nơi.

Hiện nay, đã có thuốc điều trị trúng đích, tìm đến tế bào ung thư để tấn công, tiêu diệt mà không gây hại đến những tế bào lành. Như vậy, thuốc này có hiệu quả cao hơn và độc hại ít hơn vì nó chọn đúng chỗ để tấn công. Tuy nhiên, muốn dùng thuốc này, bệnh nhân cần xét nghiệm để biết có phù hợp khi dùng thuốc hay không.

GS Đức nói: Không phải một người bệnh ung thư lúc nào cũng phải dùng 4 phương pháp này. Thầy thuốc sẽ lựa chọn, từng loại ung thư và giai đoạn ung thư để chọn phương pháp điều trị phù hợp. Thậm chí, phối hợp vài phương pháp trên một bệnh nhân.


Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn