• Zalo

Giáo sư Larry Berman ca ngợi tướng Phạm Xuân Ẩn

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 05/09/2013 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nhà sử học - Giáo sư Larry Berman ca ngợi tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn là điệp viên giỏi nhất.

(VTC News) – Trong buổi ra mắt tập sách mới nhất về cuộc đời tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn bản tiếng Việt, tác giả là nhà sử học - Giáo sư Larry Berman đã ca ngợi tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn là điệp viên giỏi nhất.

Hôm qua (4/9), tại TP.HCM, đã diễn ra lễ ra mắt tập sách tái bản về cuộc đời tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn bản tiếng Việt của nhà sử học - Giáo sư Larry Berman do dịch giả Đỗ Hùng dịch.

Buổi ra mắt sách có sự tham dự của những tướng lĩnh, chỉ huy tình báo Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ: Trần Quốc Hương (Mười Hương, chỉ huy mạng tình báo chiến lược), Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang, đại tá, chỉ huy cụm tình báo H63 trực tiếp làm việc với Phạm Xuân Ẩn), Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí, thiếu tướng tình báo), Nguyễn Xuân Mạnh (Mười Nho, đại tá, nguyên trưởng phòng điệp báo Tổng cục II, Bộ Quốc phòng), bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo, điệp báo cụm H63)…

Diep vien hoa hao X6
Bìa sách Điệp viên hoàn hảo X6 .
Tập sách có tên đầy đủ là Điệp viên hoàn hảo X6 - cuộc đời hai mặt phi thường của Phạm Xuân Ẩn - phóng viên Reuters, Time, New York Herald Tribune… & tướng tình báo chiến lược Việt Nam (Perfect spy X6 - the incredible double life of Pham Xuan An, Reuters, Time, New York Herald Tribune reporter & Vietnamese strategic intelligence general) được sử gia Larry Berman ưu ái dành cho Việt Nam xuất bản ấn phẩm tiếng Việt trước cả sách gốc tiếng Anh được xuất bản ở Mỹ.

Chia sẻ với báo giới trong buổi ra mắt, sử gia Larry Berman cho biết: ‘Theo tôi, Phạm Xuân Ẩn là điệp viên giỏi nhất trong thế giới tình báo sử dụng con người.

Phạm Xuân Ẩn là điệp viên đơn tuyến, và ông chính là bằng chứng thành công nhất của ngành tình báo sử dụng con người, xuất sắc hơn cả các tình báo danh tiếng ở các nước khác.

Hãy xem sự kiện trong cuộc đời ông, thoạt đầu chính người Mỹ muốn tuyển mộ ông Ẩn để đào tạo nghề điệp viên, nhưng rồi sau chiến tranh chính cựu giám đốc CIA William Colby đã đến Việt Nam và tìm gặp ông Phạm Xuân Ẩn để học hỏi về kinh nghiệm tình báo
’.
Giao su Larry Berman
Nhà sử học - Giáo sư Larry Berman trong buổi công bố tái bản sách ngày 4/9.
Khác với bản đầu tiên năm 2007, ấn bản mới 2013 của Điệp viên hoàn hảo X6  có bổ sung lời giới thiệu của tác giả. Với tựa ‘Sáu năm sau: Hồi tưởng về điệp viên hoàn hảo, Larry Berman viết:

‘…cuộc đời của Ẩn không chỉ là một câu chuyện chiến tranh mà còn là câu chuyện về hàn gắn, về lòng trung thành với đất nước và bạn bè. Trong ấn bản mới, tôi đã thêm vào những câu chuyện và tình tiết mới mà hồi năm 2007 chưa thể kể ra.

Tôi cũng phản ánh lại việc một số độc giả dân sự và quân sự Mỹ đã phản ứng về cuốn sách của tôi cũng như về nhân vật/con người Phạm Xuân Ẩn như thế nào.

Tuy nhiên, điều làm cho ấn bản mới này trở nên rất quan trọng đó là bản dịch mới. Độc giả Việt Nam sẽ lần đầu tiên được đọc câu chuyện về cuộc đời phi thường của Phạm Xuân Ẩn như chính những gì mà ông đã kể với tôi, một người Mỹ viết hồi ký cho ông.

Điều này làm cho ấn bản của First News - Trí Việt vừa rất đặc biệt, vừa là một cuốn sách mới chứa đựng rất nhiều thông tin lần đầu tiên công bố…’.


Đặc biệt trong lần in mới này công bố bức thư xúc động của bà Thu Nhàn, vợ thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, gửi tác giả Larry Berman:
Pham Xuan An
Anh hùng Phạm Xuân Ẩn và bà Hoàng Thu Nhàn trong ngày cưới (ảnh tư liệu) 
‘Do mắt kém, tôi phải đọc cuốn sách của ông ba lần trong suốt ba ngày, dù tôi muốn đọc xong ngay lập tức: ba ngày đầy cảm xúc, ba ngày đầy nước mắt nhớ thương, đầy tình yêu và sự tiếc nuối…

Và giờ đây, mỗi lần đọc lại là tôi không cầm được nước mắt! Một ít người bạn của tôi cũng có cảm xúc như vậy… Nhưng tôi muốn đọc lại nhiều lần để nhớ về chồng tôi.

Đôi lúc, tôi cảm thấy như anh Ẩn còn sống, nhưng thật đau đớn, tôi mãi mãi không thể gặp anh ấy ở bất cứ nơi nào trong cuộc đời thực này nữa. Một nửa thân thể tôi đã chết!

Càng thêm tuổi, tôi càng thấy cô đơn khi không còn anh ấy. Đó có phải là định mệnh khắc nghiệt mà tất cả chúng ta đều phải chịu đựng trong cuộc đời này?!’.


Ngoài ra, ấn bản mới có lời giới thiệu ‘Hãy viết sự thật’ của nhà sử học Dương Trung Quốc và thay cho lời bạt là những dòng hồi tưởng vô cùng xúc động của lãnh đạo và các thành viên cụm tình báo H.63 về người đồng đội quả cảm, tài năng và quý mến của mình – nhà tình báo anh hùng Phạm Xuân Ẩn.
Phạm Xuân Ẩn (sinh ngày 12/9/1927, mất ngày 20/9/2006). Ông tham gia hoạt động cách mạng từ đầu thập niên 1950. Ông được kết nạp Đảng năm 1953 và được giao nhiệm vụ hoạt động điệp báo. Phạm Xuân Ẩn được cử sang Mỹ học ngành báo chí năm 1957 và trở về nước năm 1959, ông làm việc cho Hãng tin Reuters và sau đó là các tạp chí hàng đầu của Mỹ như Time, New York Herald Tribune …

Phạm Xuân Ẩn là thiếu tướng tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam với biệt danh X6, Trần Văn Trung, Hai Trung. Ông được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 15/ 1/1976.

Hoàng Anh

Bình luận
vtcnews.vn