• Zalo

Giáo sư Đại học Cornell: 'Tôi tự hào trở thành Hiệu trưởng đầu tiên của VinUni'

Giáo dụcThứ Bảy, 11/05/2019 16:05:00 +07:00Google News

Theo GS Rohit Verma, đầu tư vào giáo dục đỉnh cao là con đường đầu tư thiết thực nhất cho tương lai mọi quốc gia.

“Chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam cần có những trường đại học xuất sắc, là bệ phóng để tạo ra  những nhà lãnh đạo có tầm nhìn, có khát vọng, và năng lực để  có thể dẫn dắt xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng và hùng mạnh dựa trên nền tảng của tri thức và khoa học công nghệ. Đầu tư vào giáo dục đỉnh cao là con đường đầu tư thiết thực nhất cho tương lai mọi quốc gia”- GS Rohit Verma, Viện trưởng phụ trách Đối ngoại của trường Kinh doanh Cornell SC Johnson, vừa được Cornell biệt phái sang Việt Nam làm hiệu trưởng VinUni, chia sẻ với phóng viên trong cuộc trò chuyện về tương lai của VinUni

Kiến tạo VinUni thành đại học xuất sắc tại Việt Nam

- Với vai trò là Hiệu trưởng đầu tiên của VinUni, Giáo sư có thể chia sẻ về bản thân và kỳ vọng của ông trong nhiệm vụ biệt phái tại Việt Nam?

Hơn 25 năm làm việc trong lĩnh vực khoa học hàn lâm, tôi đã có cơ hội giảng dạy và nghiên cứu ở nhiều đại học hàng đầu tại các quốc gia như Đức, Úc, Na Uy, Phần Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông… Nhưng tôi có thể nói rằng VinUni là một cơ hội đặc biệt, chỉ có một lần trong đời – cơ hội tham gia vào việc kiến tạo VinUni thành đại học xuất sắc tại Việt Nam.

Anh 1

Một đại học xuất sắc phải là nơi trao cơ hội cho các sinh viên thực hiện được giấc mơ chinh phục thế giới của mình. 

Sau khi tốt nghiệp kỹ sư ở Ấn Độ, tôi nhận được học bổng để học thạc sỹ tại Mỹ. Những ngày đầu tiên cũng hết sức khó khăn vì tôi nói tiếng Anh chưa tốt, và cách học ở Mỹ rất khác với Ấn Độ. Tôi đã hết sức may mắn vì gặp được một giáo sư tuyệt vời, người đã chỉ cho tôi thấy rằng khoa học là chìa khóa cho mọi ước mơ, nhưng không ai khác ngoài tôi phải tìm được chìa khóa và tự mở cánh cửa ước mơ  của mình.

Khi tiếp xúc với các học sinh lớp 12 ở Việt Nam, tôi dường như thấy lại tuổi trẻ của mình, nhìn thấy những gương mặt đại diện cho một thế hệ đầy triển vọng và nhiệt huyết. Tôi tin tưởng tiềm năng của tuổi trẻ  là vô hạn. Một đại học xuất sắc phải là nơi trao cơ hội cho các sinh viên và có các giáo sư đỡ đầu giúp sinh viên thực hiện được giấc mơ chinh phục thế giới của mình.

- Xin Giáo sư cho biết bối cảnh học thuật thế giới và Việt Nam có ảnh hưởng thế nào đến sự hình thành và phát triển VinUni?

Mục tiêu của học thuật giờ đây không còn là tạo ra một thế hệ trí thức biết nhiều, nhớ nhiều kiến thức nữa. Mạng internet phát triển khiến việc tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn bao giờ hết, trong khi khối lượng kiến thức tăng rất nhanh. Đơn cử như trong ngành y, việc nhân đôi kiến thức trong lĩnh vực khoa học sức khỏe xảy ra cứ sau 10 tuần, và chẳng mấy chốc, nó sẽ diễn ra trong một thời gian ngắn hơn nhiều. Về cơ bản, điều đó có nghĩa là không ai có thể và cần phải ghi nhớ kiến thức. Chỉ có kiến thức thì không thể hy vọng trở thành chuyên gia. Sinh viên cần học cách nhận biết vấn đề và  giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Đó là một trong các xu hướng lớn nhất của bối cảnh học thuật thế giới.

Trong thập kỷ vừa qua,  Việt Nam đã tăng trưởng liên tục ở tốc độ cao, trở thành một quốc gia xuất khẩu có vị thế. Là một đất nước mà người dân  có thu nhập ngày càng cao hơn, sống lạc quan và có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ.

Tuy nhiên ở một góc độ khác, với số lượng sáng chế, phát minh còn thấp, Việt Nam chưa phải là một quốc gia đóng góp cho nền kinh tế tri thức.  Nhiều ngành kinh tế trọng điểm đầy tiềm năng như du lịch, công nghệ cao, y tế, nông nghiệp thông minh… chưa được khai thác tối ưu, chưa có vị thế dẫn dắt trên thế giới. Các vấn đề lớn như ô nhiễm môi trường, giao thông công cộng, sức khỏe cộng đồng… ngày càng trở nên thách thức và cần có các quyết sách chiến lược để giải quyết.

Đó cũng chính là bối cảnh hình thành của ĐH VinUni, vì chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam cần có những trường đại học xuất sắc, là bệ phóng để tạo ra những nhà lãnh đạo có tầm nhìn, có khát vọng, và năng lực để có thể dẫn dắt xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng và hùng mạnh dựa trên nền tảng của tri thức và khoa học  công nghệ.

Đầu tư vào giáo dục đỉnh cao là con đường đầu tư thiết thực nhất cho tương lai mọi quốc gia.

- Mấu chốt cho sự thành công của một đại học xuất sắc là sự khác biệt mang đến giá trị. Vậy, điểm khác biệt của VinUni là gì, thưa Giáo sư?

Anh 1.2 opt1

Một buổi tọa đàm trao đổi giữa doanh nghiệp và các giáo sư VinUni về các ứng dụng của nghiên cứu vào trong lĩnh vực sức khỏe, đô thị thông minh và quản lý khách sạn. 

Trước hết là sự khác biệt về chương trình. VinUni cho phép các ngành công nghiệp tham gia vào chương trình dạy ở mức độ cao nhất.

Tiếp đến, VinUni nhất quán quan điểm về tính chất liên môn đa ngành trong các tín chỉ, chứng chỉ. Tôi có những ví dụ rất xuất sắc về những sáng tạo đột phá liên ngành như: những thành tựu trong việc sử dụng phân tích big data trong giáo dục, các ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp thông minh, hay việc đưa robotics, trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ  cho việc chăm sóc sức khoẻ v.v.

Thông qua mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Cornell - Penn, và sắp tới đây là 50 Đại học mục tiêu trong chương trình 1.100 học bổng chúng tôi sẽ kết nối được với mạng lưới giáo sư, giảng viên từ nhiều đại học ưu tú trên thế giới, tạo thành một hệ sinh thái học thuật ở tầm quốc tế mà người hưởng lợi trước hết là các sinh viên VinUni. 

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng sự khác biệt của VinUni sẽ đến từ chất lượng sinh viên.  Chúng tôi sẽ áp dụng phương pháp tuyển sinh bằng đánh giá toàn diện như của các Đại học Ivy để tìm được các sinh viên  tiềm năng nhất.

Với các nỗ lực đó, tôi tin tưởng rằng cộng đồng SV của VinUni sẽ là một cộng đồng đại diện cho các tri thức trẻ Việt Nam,  tư duy khác biệt & hành động khác biệt, đạt được các thành tựu ước mơ của mình.

- Là một lãnh đạo chuyên môn ưu tú của Đại học Cornell, Giáo sư có thể nói rõ hơn vai trò cốt lõi của Đại học Cornell và Pennsylvania trong việc tạo ra cơ hội phát triển trí tuệ, sự nghiệp cho sinh viên VinUni?

Cũng như nhiều  Đại học Ivy Leaguea khác, chúng tôi có niềm tin mãnh liệt về sứ mệnh của giáo dục là kiến tạo giá trị để phụng sự con người.

Theo đó,  việc học không chỉ dừng lại ở chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, ghi nhớ, kiểm tra mà còn rèn luyện cho họ khả năng nhìn và phân tích các vấn đề trong thế giới thực, thúc đẩy họ giải quyết các vấn đề phức tạp mang tính đa ngành bằng nhiều cách tiếp cận đa chiều.

Giảng viên chủ yếu đóng vai trò sẽ điều phối, điều chỉnh sự tham gia của các khối ngành và cộng đồng trong quá trình kết hợp với sự phát triển chuyên môn cho sinh viên.

Một lợi thế đáng kể của các trường đại học Ivy là có một hệ sinh thái gắn kết các tri thức hàng đầu thế giới và một mạng lưới cựu sinh viên rất mạnh, gồm rất nhiều tỷ phú, nhà lãnh đạo, và chính khách hàng đầu.

Khi một sinh viên tốt nghiệp từ hệ thống này, họ sẽ trở thành một phần của mạng lưới xuất sắc, nhận giá trị từ thế hệ sinh viên trước đây. Đến lượt họ, không chỉ biết tận dụng mạng lưới này mà họ sẽ  trao  đi những giá trị khác như một cách đền đáp, chẳng hạn tự nguyện hiến tặng tài chính cho nhà trường, tình nguyện giảng dạy trong trường hoặc giải quyết vấn đề cộng đồng nơi  họ thuộc về.

Tôi tin rằng đây là những kinh nghiệm quý giá mà Cornell & Pennsylvania có thể chia sẻ lại cho VinUni.

“Nhập khẩu” mô hình phát triển đại học và lợi thế của người đi sau

- Sẽ có băn khoăn rằng: liệu việc “nhập khẩu” mô hình phát triển đại học ở quốc gia khác có thật sự phù hợp với môi trường và kỳ vọng giáo dục đại học Việt Nam hay không? Xin cho biết ý kiến của Giáo sư về vấn đề này.

Tôi cho rằng đó là một sai lầm nếu nghĩ rằng ta có thể mang một mô hình từ quốc gia này để nhân bản y hệt ở một quốc gia khác. Những gì xảy ra ở Mỹ, Châu Âu, Úc hay Singapore chưa chắc đã có thể áp dụng hoàn toàn cho Việt Nam, nhưng rõ ràng chúng ta có thể học hỏi đúc rút kinh nghiệm từ họ. Và chúng ta có lợi thế vượt trội của người đi sau.

Anh 1.2 otp3 4

 

Nhìn vào các quốc gia như Israel, Singapore, Hàn Quốc cách đây vài thập kỷ, cũng tương tự như Việt Nam, họ từng thiếu đầu tầu kinh tế trọng điểm, thiếu ngành công nghiệp chủ lực… Nhưng, họ đã phát triển rất thành công, trở thành mẫu hình cho nhiều quốc gia khác. Các quốc gia này đều có điểm chung là đầu tư có trọng tâm và quyết liệt vào chất lượng nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt quan tâm tới  giáo dục đại học và phổ thông.

Họ đã khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới vượt qua khuôn khổ các viện nghiên cứu.  Họ đã tạo được một môi trường thuận tiện cho sự hợp tác đa chiều, giữa doanh nghiệp - đại học, giữa khối doanh nghiệp nhà nước - tư nhân, giữa công nghiệp - dịch vụ… Dựa vào những điển hình đó, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể làm điều tương tự ở Việt Nam.

- Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò của tập đoàn Vingroup đối với dự án VinUni?

Tôi cho rằng Vingroup có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của Đại học VinUni, trước hết là xây dựng một tầm nhìn và khát vọng bằng chính câu chuyện thành công của họ.

Thường chúng ta có định kiến rằng người Việt rất thông minh, nhưng ở trong nước thì không phát triển được, phải ra nước ngoài thì mới thành công. Câu chuyện của Vingroup là một nguồn cảm hứng mãnh liệt về việc người Việt có thể đạt được những kỳ tích khiến bạn bè quốc tế khâm phục và những thành công tầm cỡ thế giới ngay trên đất nước của mình.

Bên cạnh đó, Vingroup đóng góp nguồn tài chính dài hạn cho VinUni, để xây dựng cơ sở vật chất, nền tảng CNTT, đầu tư vào chương trình và trang trải chi phí để có thể thu hút được các giáo sư giỏi nhất về Việt nam. Vingroup cũng là nhà tài trợ cho Chương trình 1.100 học bổng bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ cho người Việt du học tại các trường Đại học hàng đầu thế giới, các dự án nghiên cứu khoa học hợp tác với 54 Đại học tại Việt Nam và các hoạt động của CLB STEM diễn ra tại các trường THPT trên toàn quốc.  Ngoài cam kết về tài chính, sự kết nối với hệ sinh thái đa dạng của ngành công nghiệp thuộc tập đoàn Vingroup là một yếu tố hết sức quan trọng của VinUni.

Anh 3 3

Giáo sư Verma thị sát công trường xây dựng VinUni.

Cùng với thời gian, việc hợp tác của VinUni sẽ liên tục được mở rộng với các trường đại học trong và ngoài nước, cũng như các doanh nghiệp, tổ chức, các hệ sinh thái công nghiệp của Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.

- Một câu hỏi cuối cùng, thưa Giáo sư, dựa vào những yếu tố nào để chúng ta có thể tin tưởng vào mục tiêu trở thành Đại học xuất sắc của VinUni?

Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào sự thành công của VinUni, dựa vào các yếu tố sau đây:

Thứ nhất, VinUni có sự hỗ trợ và cam kết lớn từ Vingroup; Thứ hai, VinUni có tiềm năng và đang làm tất cả để  thu hút được những sinh viên xuất sắc tại Việt Nam và khu vực; Thứ ba, VinUni là đại học duy nhất trong khu vực có sự hỗ trợ dài hạn từ 2 trong số những trường đại học hàng đầu thế giới là Cornell và Pennsylvania.

Cuối cùng, và điều quan trọng nhất là niềm tin sâu sắc ở nội lực của đội ngũ VinUni. Tôi hết sức tin tưởng vào các thành viên sáng lập, các nhà khoa học và giảng viên của VinUni. Chúng tôi có một kế hoạch hành động cụ thể, nhịp độ làm việc  khẩn trương và  ý chí kiên cường, bền bỉ. Mỗi ngày chúng tôi lại đón nhận được những chuyên gia học thuật mới, đội ngũ mỗi ngày lại lớn mạnh hơn và sẽ là chất xúc tác lớn  nhất cho sự thành công của VinUni.

Vâng, xin chân thành cảm ơn Giáo sư!

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn