Giáo sư Carl Thayer: QUAD không phải là 'NATO châu Á'

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 20/11/2021 17:56:00 +07:00
(VTC News) -

Thảo luận về ASEAN và ‘bộ tứ kim cương’ QUAD trong cấu trúc khu vực, chuyên gia nhận định QUAD không phải là NATO châu Á.

Theo các chuyên gia tại Hội thảo quốc tế Biển Đông hôm 19/11, ASEAN đứng ở trung tâm nơi các nhóm khu vực mới nổi đang xuất hiện. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược trên thế giới và nhiều thách thức an ninh cả truyền thống lẫn phi truyền thống nảy sinh, tìm cách tương tác hiệu quả trong và ngoài khu vực có thể giúp ASEAN tăng cường tính trung tâm cũng như đóng góp cho hòa bình và ổn định.

QUAD không phải là ‘NATO châu Á’

Nhóm Đối thoại an ninh tứ giác QUAD, hay ‘bộ tứ kim cương’ gồm 4 nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Australia hình thành năm 2007, sau các nỗ lực cứu trợ thiên tai tại Ấn Độ Dương. Đến 2017, 4 nước “hồi sinh” cơ chế QUAD tập trung vào các vấn đề như an ninh hàng hải, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như các vấn đề đầu tư và phát triển khác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Giáo sư Carl Thayer: QUAD không phải là 'NATO châu Á' - 1

QUAD gồm 4 nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Australia. 

Nổi lên trong thời điểm cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên căng thẳng, nhiều ý kiến cho rằng QUAD là một phần nỗ lực của Mỹ để ứng phó với Trung Quốc. Bên cạnh đó, thông tin về khả năng mở rộng của nhóm làm dấy lên những đồn đoán về một liên minh tương tự NATO ở châu Á.

Tuy nhiên, ông Carl Thayer, chuyên gia Đại học New South Wales, Australia nhìn nhận QUAD là một “mạng lưới ngoại giao". "QUAD không phải là NATO châu Á mà là diễn đàn trao đổi chiến lược và hướng đến các hợp tác thực tiễn tích cực”.

Nhìn lại quá trình phát triển và các chương trình nghị sự của QUAD trong thời gian gần đây, ông Thayer nhận xét, QUAD đã trở nên thể chế hóa như một phần của cấu trúc an ninh khu vực và chuyển sang giải quyết thêm nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống. Việc thể chế hóa này vẫn đang diễn ra và hiện tại, QUAD bổ sung cho các quan hệ hợp tác song phương và đa phương khác của các thành viên.

Ông Rizal Sukma từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Indonesia thì cho rằng, nên xem QUAD là hệ quả của cạnh tranh Mỹ Trung, một phản ứng của Mỹ trước những gì mà nước này cho là thách thức từ Trung Quốc, cũng như các nước thành viên QUAD có các mục đích chiến lược khác.

Ông nói: “Đã có nhiều tranh luận về việc các tác động đến khu vực sẽ diễn ra thế nào, đặc biệt là những tác động với ASEAN. Khi một cường quốc ngoài khu vực có phản ứng của riêng họ trước chính trị nước lớn, ASEAN ở trong áp lực ngày càng tăng phải chứng tỏ sự phù hợp của mình trong trật tự khu vực mới nổi...

Tôi cho rằng ASEAN có thể vượt qua thách thức và duy trì tính trung tâm của mình, xem QUAD là cơ chế bổ sung, thay vì cạnh tranh với các tiến trình khu vực của ASEAN. Hai bên hoàn toàn có thể làm việc với nhau theo các cách thức phù hợp với Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bao trùm”.

Giáo sư Carl Thayer: QUAD không phải là 'NATO châu Á' - 2

Các đại biểu và chuyên gia tại Hội nghị quốc tế Biển Đông.

ASEAN + QUAD?

Các chuyên gia bình luận ASEAN và QUAD có thể tìm cách làm việc hiệu quả với nhau, trong nhiều lĩnh vực quan tâm chung như giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống.

Chuyên gia Thayer đề xuất cân nhắc hình thành một cơ chế giữa ASEAN và QUAD. “Nhìn lại bức tranh với ASEAN làm trung tâm và xung quanh là các nhóm “tiểu đa phương” (hợp tác giữa một số lượng nhỏ quốc gia) như hiệp ước an ninh giữa Australia và Mỹ, thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc có sự tham gia của Singapore, Malaysia, Australia (FPDA), đối thoại an ninh ba bên Mỹ, Nhật, Australia, QUAD và liên minh mới AUKUS (Anh, Mỹ, Australia),... chúng ta có thể nhớ lại ASEAN+3 là một cơ chế đã được thành lập để giải quyết các vấn đề kinh tế giữa ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy cũng có thể có một cơ chế ASEAN+4 giữa ASEAN với QUAD”.

Ông Sukma cho rằng ASEAN cần thúc đẩy tính hiệu quả của các cơ chế sẵn có, đồng thời có thể xem xét nâng tầm cơ chế thượng đỉnh Đông Á (EAS). Ngoài ra, ASEAN cần những kế hoạch chiến lược và chắc chắn hơn để đối phó với các thách thức địa chính trị và đảm bảo lợi ích của mình.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp