Chuông báo điện tử vang lên lúc 9h50, lớp học online của GS Zhang Li (ĐH Thanh Hoa) bắt đầu.
"Chào các em, các em nghe được thầy nói không? Nếu không nghe được, các em báo lại trong nhóm chat nhé", trợ giảng Hu Jiazhong, lên tiếng.
"Chào thầy", các sinh viên đáp lời. Mọi chuyện có vẻ suôn sẻ.
"Buổi sáng tốt lành. Hôm nay, chúng ta sẽ nói về nội dung rất quan trọng trong Hiệu ứng Lượng tử: Siêu dẫn. Trước hết, hãy bắt đầu với hàm sóng BCS", GS Zhang mở đầu buổi học và mở bản trình chiếu Powerpoint.
Phòng dạy học của ông không rộng, chỉ có hai giá sách ở góc và chiếc bàn cũ kỹ kê cạnh cửa sổ, bày biện nhiều thứ, từ đèn bàn kiểu cũ, điện thoại đến sách. Trong không gian nhỏ đó, chiếc máy tính đặt giữa phòng thực sự bắt mắt.
Ông bắt đầu dạy học trực tuyến từ ngày 20/2, khi hàng loạt trường học ở Trung Quốc đóng cửa vì dịch Covid-19, sinh viên phải ở nhà nhằm hạn chế virus corona lây lan.
Vị giáo sư 95 tuổi hiện công tác tại khoa Kỹ thuật Điện tử, ĐH Thanh Hoa - ngôi trường hàng đầu Trung Quốc. Ông là giáo sư nhiều tuổi nhất ở trường với hơn 70 kinh nghiệm giảng dạy.
GS Hu Jiazhong, trợ giảng khoa Vật lý, ở bên cạnh để hỗ trợ GS Zhang. Hu Jiazhong bắt đầu công tác tại ĐH Thanh Hoa vài tháng trước. Ông nhận bằng tiến sĩ từ Viện Công nghệ Massachusetts.
Thầy Hu hướng dẫn GS Zhang cách dùng nền tảng trực tuyến để livestream và cùng ông dạy sinh viên môn Cơ học Lượng tử.
"Em chọn khóa của GS Zhang và GS Hu. Thời gian này, hai thầy cùng dạy học, em rất bất ngờ", Zhang Zhongchi, sinh viên khoa Vật lý, chia sẻ khi đang tự cách ly tại nhà ở Tấn Trung, Sơn Tây.
Nam sinh giải thích hai giáo sư có phong cách dạy học khác nhau. GS Zhang thường đưa ra bài giảng nghiêm ngặt, logic rõ ràng và thích đưa ra quan điểm từ lịch sử. Trong khi đó, GS Hu ưu tiên đề cập công nghệ, nghiên cứu hiện tại và có nhiều ý tưởng mới.
Zhongchi cho rằng hai giáo sư kết hợp giảng bài giúp lớp hiểu bài dễ dàng và đầy đủ hơn.
Việc GS Zhang Li tiếp tục công việc dạy học ở tuổi 95 khiến nhiều sinh viên nể phục. Trò chuyện với phóng viên CGTN, ông cười, tự nhận tư duy không còn nhanh nhạy như hồi trẻ.
Ông nói thêm lớp học trực tuyến rất tốt, đặc biệt với sinh viên. Trong lớp học truyền thống, các em thường ngại nêu câu hỏi. Khi học online, phần lớn sinh viên sẵn sàng đưa ra thắc mắc, giảng viên có thể trả lời ngay lập tức. Hơn nữa, họ có thể dễ dàng giao lưu, trao đổi quan điểm với bạn học.
"Sinh viên phải dám nghĩ, dám đặt câu hỏi", GS Zhang liên tục nhấn mạnh.
Ông cho rằng tư duy tốt, dám nêu vấn đề là tố chất cần thiết của người làm khoa học, đặc biệt các nhà nghiên cứu trẻ. Sau vài buổi dạy học trực tuyến, ông đã hoàn toàn thích ứng với phương pháp giảng dạy online.
Bình luận