LTS: Công tác thực tập của các sinh viên sư phạm là vô cùng quan trọng. Đây là những bước đi đầu tiên giúp các giáo sinh làm quen, trải nghiệm với công việc trong tương lai.
Tác giả Sông Trà cho rằng, chính những ngôi trường nơi các sinh viên chọn đi thực tập, chính những giáo viên hướng dẫn thực tập cũng có những tác động không nhỏ đến hành trình bước vào nghề giáo của các em.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Không có giấy thiệu của nhà trường, chỉ có đơn xin thực tập sư phạm của cá nhân viết theo mẫu, nhiều em sinh viên Đại học thuộc khối thể dục thể thao ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đến nhà trường chúng tôi xin được thực tập.
Tuy không đúng nguyên tắc nhưng là học sinh cũ của trường, của địa phương, là quen biết, thân tình chỗ nọ, chỗ kia, Ban giám hiệu chúng tôi đành ký tiếp nhận các em.
Từ tháng 9 đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận trên 10 trường hợp sinh viên thể dục thể thao sẽ đến thực tập sư phạm sau Tết nguyên đán.
Nếu như các trường Đại học thể dục thể thao về khâu tổ chức cho sinh viên thực tập thường thiếu bài bản, rời rạc, sinh viên tự liên hệ, tự chi trả các khoản cho nhà trường, giáo viên hướng dẫn thì các trường sư phạm công tác này được thực hiện một cách căn cơ, bài bản, có tổ chức, có bộ phận theo dõi, nắm bắt tình hình sinh viên thực tập thường xuyên.
Đến thời điểm này, các trường sư phạm đã liên hệ với các Sở, Phòng Giáo dục & Đào tạo và các cơ sở giáo dục về hoạt động thực tập sư phạm cho sinh viên các năm cuối của mình.
Nhiều năm qua, trường chúng tôi vinh dự được đón và hướng dẫn thực tập cho sinh viên sư phạm của các trường Đại học ở địa phương và trong khu vực.
Có năm, sau Tết nguyên đán, chúng tôi hướng dẫn đến 4 đoàn sinh viên thực tập ở 4 trường đại học khác nhau, với số lượng sinh viên khá đông trên 40 em, trải đều ở tất cả bộ môn văn hóa.
Thấy nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên thực tập sư phạm khá nặng nề, vất vả, một số đơn vị nhà trường tìm cách thoái thác, né tránh, không chịu nhận sinh viên đến thực tập.
Một khi nhà trường không nhận, các Sở, Phòng Giáo dục & Đào tạo và các trường sư phạm phải tìm trường khác để gửi gắm, giao trách nhiệm.
Một số thầy cô giáo lớn tuổi thường mệt mỏi, uể oải, than ngắn, than dài khi được phân công hướng dẫn giáo viên thực tập, còn các em học sinh thì lại rất hào hứng, phấn khởi khi có đoàn sinh viên về thực tập.
Có thể nói, đoàn sinh viên thực tập, toàn những giáo viên trẻ tuổi như những luồng gió mát mẻ thổi bừng lên không khí, sắc màu tươi mới nơi trường lớp, giáo viên, đặc biệt các em học sinh.
Chính cái yếu tố trẻ trung, mới mẻ của giáo sinh thực tập có khi khiến nhiều cô, cậu học trò “lãng quên” đi những thầy cô quen thuộc của trường mình.
Có những sinh viên sợ giáo viên làm “khó, dễ” với mình hoặc cho điểm thấp nên nhờ người thân, các mối quan hệ khác gửi gắm, nói giúp…
Chất lượng giáo sinh sau một thời gian thực tập cũng đủ thứ bậc như học trò vậy.
Có em kiến thức, phương pháp dạy học tốt, rất tự tin và hiệu quả trong hoạt động giáo dục chủ nhiệm và dạy học trên lớp, không hề thua kém so với các thầy cô giáo đã dạy lâu năm.
Thầy, cô giáo ở trường hỏi học được những cách tiếp cận, phương pháp dạy học mới của giáo sinh chất lượng ấy.
Song cũng có không ít em còn lúng túng, hạn chế nhiều thứ, lên lớp run rẩy, nói chẳng thành lời, giáo viên hướng dẫn mất nhiều thời gian, công sức để chỉ bày, hướng dẫn giáo sinh - đàn em về cách thiết kế bài dạy, tổ chức tiết sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần, cách bước lên lớp, sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại…
May mắn gặp được những giáo viên hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo thì giáo sinh “được nhờ”, tiến bộ nhiều mặt khi làm quen với công việc của một thầy, cô giáo tập sự.
Gặp những giáo viên lười biếng, chỉ dẫn sơ sơ, để tự giáo sinh mày mò hoặc giáo viên quá khó tính, bắt bẻ đủ thứ, chỉ toàn chê, hiếm khi khen, động viên giáo sinh thì các em phải chấp nhận mà thôi.
Quy trình, cách tổ chức thực tập sư phạm của Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ban hành, không có vấn đề phải bàn.
Vấn đề cốt lõi ở đây là ở công tác phối hợp giữa trường đào tạo và các cơ sở giáo dục nhận giáo sinh thực tập làm sao trơn tru, đồng bộ và hiệu quả, trong đó vai trò, trách nhiệm của ban chỉ đạo, các thầy cô giáo hướng dẫn được đặt lên hàng đầu.
Ban giám hiệu biết “nhìn mặt gởi vàng”, phân công những giáo viên có phẩm chất, năng lực chuyên môn tốt làm nhiệm vụ hướng dẫn thực tập.
Đối với các trường thiếu nhiệt tình trong việc chỉ dẫn giáo sinh, các trường đào tạo sư phạm cần đề xuất với Phòng, Sở Giáo dục & Đào tạo cho chọn các trường tốt, có nhiều giáo viên hết lòng vì các em giáo sinh ở những năm sau.
Thời gian tập sự được xem như viên gạch đầu tiên để giúp các giáo sinh thêm tự tin, phấn chấn khi dấn thân vào con đường, lựa chọn sự nghiệp “trồng người” của mình.
Bình luận