• Zalo

Giao lưu trực tuyến: Xử lý hình sự hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN

Kinh tếThứ Năm, 22/03/2018 15:00:00 +07:00Google News

Từ 15h chiều nay, 22/3, Báo điện tử VTC News tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến nhằm cung cấp các thông tin về việc hình sự hóa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm tư nhân (BHTN).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Trong đó có quy định, các hành vi cố ý trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là tội phạm và bị xử lý hình sự.

Như vậy, từ ngày 1/1/2018, mọi hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN đều có thể bị xử lý hình sự, phạt tiền, thậm chí phạt tù.

Những kết quả đáng kể thu được sau 2 tháng kể từ khi luật có hiệu lực; số doanh nghiệp vi phạm bị xử lý; những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý hình sự các đơn vị, doanh nghiệp… có hành vi vi phạm, trốn đóng, gian lận bảo hiểm cho người lao động... sẽ là một số vấn đề nổi bật được các chuyên gia của BHXH sẽ giải thích và làm rõ trong cuộc giao lưu này.

Khách mời là ông Nguyễn Hòa Bình (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

chuc mung

Ông Đức Kế (Phó Phòng Nội dung báo điện tử VTC News) thay mặt lãnh đạo tòa soạn tặng hoa khách mời (trái) là ông Nguyễn Hòa Bình (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam). (Ảnh: Lệ Chi)

Đúng 15h, giao lưu trực tuyến bắt đầu:

- Tôi được biết, kể từ ngày 01/01/2018, trốn đóng, gian lận BHXH, BHYT, BHTN sẽ bị xử lý hình sự. Vậy, cụ thể các tội được quy định trong Bô luật Hình sự như thế nào, thưa ông?

Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018 đã quy định các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, cụ thể như sau:

  1. Điều 214 quy định về Tội gian lận BHXH, BHTN

  a) Các hành vi gian lận BHXH, BHTN:

Hành vi chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 10 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng trở lên mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), 353 (Tội tham ô tài sản) và 355 (Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) của Bộ luật Hình sự, gồm:

  - Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ BHTN lừa dối cơ quan BHXH;

  - Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH, BHTN.

  b) Chế tài xử phạt

  Tùy trường hợp sẽ bị áp dụng các chế tài sau:

  - Bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm nếu chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.

  -  Bị phạt tiền từ 100 triệu đồng  đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu phạm tội một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm.

  - Bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 500 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên.

  - Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

  2. Điều 215 quy định về Tội gian lận BHYT

  a) Các hành vi gian lận BHYT:

Hành vi chiếm đoạt tiền BHYT từ 10 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng trở lên mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các Điều 174, 353 và 355 của Bộ luật Hình sự, gồm:

  - Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;

  - Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ BHYT trái quy định.

  b) Chế tài xử phạt

  Tùy trường hợp sẽ bị áp dụng các chế tài sau:

  - Bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm nếu chiếm đoạt tiền BHYT từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.

  - Bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm.

  - Bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chiếm đoạt tiền BHYT 500 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên.

  - Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

  3. Điều 216 quy định về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động

  a) Hành vi:

Gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây: Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người lao động trở lên.

  b) Chế tài xử phạt

  -  Cá nhân: Bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm nếu: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm và trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

  Pháp nhân thương mại: Bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng;

  - Cá nhân: Bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phạm tội 02 lần trở lên; Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.

  Pháp nhân thương mại: Bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng;

  - Cá nhân: Bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.

  Pháp nhân thương mại: Bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng.

  - Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

29472706_1882630571747335_8032233187398647808_n

 Ông Nguyễn Hòa Bình (ngồi giữa) đang giao lưu trực tuyến với độc giả VTC News. (Ảnh: Lệ Chi)

- Làm thế nào để biết mình đang là nạn nhân của hành vi trốn đóng, gian lận BHXH, BHYT, BHTN?. Dấu hiệu nhận biết giúp phát hiện những thủ đoạn hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH là gì, thưa ông?

a) Dấu hiệu nhận biết hành vi trốn đóng BHXH:

- Gồm các dạng hành vi: Hành vi của người sử dụng lao động không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động; Hành vi đóng không đủ số lao động và số tiền phải tham gia BHXH, BHYT; Hành vi của người sử dụng lao động tuy tham gia BHXH cho người lao động nhưng không nộp tiền cho cơ quan BHXH đúng thời hạn mặc dù họ đã khấu trừ tiền đóng BHXH từ tiền lương của người lao động và hành vi của người sử dụng lao động không đóng BHXH đúng tiền lương, tiền công theo quy định cho người lao động.

- Theo quy định tại Điều 18, Luật BHXH năm 2014, người lao động có quyền: “Được cấp và quản lý sổ BHXH” (Khoản 2); “Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng BHXH; định kỳ hằng năm được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng BHXH hội” (Khoản 7).

Tương ứng với quyền của người lao động, Luật BHXH năm 2014 cũng quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động (Điều 21) và trách nhiệm của cơ quan BHXH (Điều 23) như sau:

+ Trách nhiệm của người sử dụng lao động: “Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng BHXH của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu” (Khoản 7) và “Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của người lao động do cơ quan BHXH cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật BHXH” (Khoản 8).

+ Trách nhiệm của cơ quan BHXH: “Hằng năm, xác nhận thời gian đóng BHXH cho từng người lao động; cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện BHXH khi người lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu” (Khoản 6) và “Hằng năm, cung cấp thông tin về việc đóng BHXH của người lao động để người sử dụng lao động niêm yết công khai” (Khoản 7).

Như vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình về BHXH, đảm bảo người sử dụng lao động tham gia BHXH cho mình đúng quy định pháp luật, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động, người lao động có thể tự kiểm tra, quản lý quá trình tham gia BHXH của mình bằng các cách sau:

ong Binh 3

 Ông Nguyễn Hòa Bình tại buổi giao lưu với độc giả chiều 22/3. (Ảnh: Lệ Chi)

+ Tự quản lý sổ BHXH.

+ Yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng BHXH khi có nhu cầu.

+ Định kỳ 6 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng BHXH.

+ Định kỳ hàng năm được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH.

+ Tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN thông qua Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc trực tiếp liên hệ với cơ quan BHXH.

b) Dấu hiệu nhận biết hành vi gian lận BHXH, BHYT, BHTN:

Hành vi gian lận qua việc làm sai lệch hồ sơ, làm giả giấy tờ, hồ sơ để hưởng các chế độ BHXH, BHYT trái pháp luật. Những hành vi gian lận BHXH, BHYT có thể do một cá nhân thực hiện một cách độc lập để cho chính mình được hưởng chế độ BHXH, BHYT.

Tuy nhiên, những hành vi này cũng có thể do một nhóm người thực hiện như trong hành vi tổ chức làm giả, làm sai lệch một số lượng lớn hồ sơ của nhiều đối tượng khác nhau nhằm chiếm đoạt tiền  quỹ BHXH, BHYT. Những hành vi gian lận này, trước hết gây thiệt hại cho quỹ  và qua đó gián tiếp gây thiệt hại cho quyền lợi hợp pháp của người lao động tham gia BHXH, BHYT.

- Tôi từng là nạn nhân của hành vi gian lận BHXH. Công ty vẫn thu tiền đóng BHXH của tôi hàng tháng trong 2 năm liên tiếp và thông báo rằng đã đóng đủ theo quy định.

Tuy nhiên, sau 2 năm tôi nghỉ việc có hỏi sổ BHXH để đóng tiếp ở cơ quan mới nhưng công ty kia dùng dằng mãi không trả sổ cho tôi được. Mãi sau này kế toán công ty cho biết do công ty còn nợ bảo hiểm nên không có sổ cho tôi. Dù vậy, công ty này vẫn không trả lại phần tiền đã trừ từ lương để đóng BHXH nhưng không đóng cho tôi. Trong trường hợp này công ty này vi phạm tội nào? Tôi có thể khởi kiện được không?

Trường hợp này, công ty cũ của bạn đã có dấu hiệu trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động.

Tuy nhiên, để xác định hành vi của công ty đó có cấu thành tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định tại Điều 216  Bộ luật Hình sự năm 2015 hay chưa cần xác minh thêm các dấu hiệu khác như:  đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, số tiền trốn đóng, số người bị trốn đóng….

Để bảo vệ quyền, lợi ích của mình, trong trường hợp này người lao động có thể chủ động khởi kiện công ty đó ra Tòa để bảo vệ lợi ích của mình.

ong nguyen hoa binh 4

 

- Khi nào người lao động nên khởi kiện doanh ngiệp trốn đóng BHXH? Thủ tục, các bước khởi kiện doanh nghiệp, tổ chức trốn đóng BHXH thế nào cho đúng luật, thưa ông?

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tranh chấp giữa cá nhân người lao động và người sử dụng lao động về BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH, về BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT, về BHTN theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Vì vậy, trường hợp người lao động thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại khi người sử dụng lao động trốn đóng BHXH thì người lao động có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho công đoàn cơ sở làm người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trình tự thực hiện như sau:

Bước 1: Ủy quyền cho công đoàn cơ sở (nếu có)

Theo quy định tại Khoản 8, Điều 10, Luật công đoàn thì tổ chức công đoàn có trách nhiệm “Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền”.

Bước 2: Gửi đơn khởi kiện

        - Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

  + Nộp trực tiếp tại Tòa án;

  + Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

  + Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

- Tình hình nợ đọng BHXH đến nay như thế nào, thưa ông?

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 02/2018, tổng số nợ BHXH là 10.000 tỷ đồng, trong đó số nợ từ 1 tháng đến 6 tháng là trên 5.500 tỷ đồng, nợ trên 6 tháng là 4.400 tỷ đồng. Số nợ đọng này giảm so với trước đó.

khach moi 5

 

- Trong thời gian tới BHXH Việt Nam tiếp tục xử lý các trường hợp vi phạm, gian lận BHXH, BHYT, BHTN như thế nào?

- Trên cơ sở chức năng thanh tra chuyên ngành được giao, cơ quan BHXH sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra tại các đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH, BHYT để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, thu hồi nợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; nếu phát hiện vi phạm trốn đóng BHXH, BHYT, cơ quan BHXH sẽ xử phạt hành chính, nếu đơn vị sử dụng lao động nào vẫn cố tình chây ì, cơ quan BHXH sẽ chuyển hồ sơ sang phía cơ quan điều tra để xử lý hình sự tội danh này.

- Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ nếu phát hiện hành vi gian lận BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan BHXH sẽ thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phối hợp cung cấp thông tin để kịp thời xử lý.

- Theo dõi thường xuyên thông tin đóng BHXH để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

- Căn cứ tùy từng trường hợp cụ thể về mức độ, doanh nghiệp có khó khăn không hay vẫn hoạt đồng bình thường để cân nhắc việc khởi kiện.

- Phối hợp với công đoàn cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

-Thông tin, phản ánh tới cơ quan BHXH về hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Để kịp thời ngăn chặn những hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, trong thời gian tới, cơ quan BHXH có những giải pháp gì, thưa ông?

Giải pháp trước mắt chúng tôi sẽ tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về 3 điểm mới... đến toàn bộ công chức, viên chức trong ngành, đơn vị sử dụng lao động và các cơ quan liên quan để thực hiện tốt, hiệu quả, ngăn chặn hành vi trốn đóng, gian lận BHXH thường xảy ra trong thực tế.

Tổ chức tập huấn chuyên sâu về kỹ năng chuẩn bị hồ sơ, quy trình thủ tục, làm các bước chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, dấu hiệu, hành vi quy định tại 3 điều luật trên.

Chúng tôi đã ký quy chế tích cực chủ động phối hợp với tổng cực cảnh sát trong việc phát hiện, xử lý các hành vi trốn đóng, gian lận BHXH theo quy chế được kỹ giữa 2 ngành. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng phát huy hiệu quả quy chế này để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động cũng như đảm bảo quyền an sinh, xã hội của mọi công dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nhóm PV
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn