• Zalo

Giao lưu trực tuyến: Thành công không chờ đại học

Thời sựThứ Tư, 30/07/2014 02:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Chương trình Giao lưu trực tuyến chủ đề “Thành công không chờ Đại học” do VTC Academy & VTC News phối hợp tổ chức.

(VTC News) - Vào 15h chiều nay, ngày 30/7, Trung tâm Công nghệ và Nội dung số VTC- VTC Academy phối hợp cùng Báo điện tử VTC News tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến “THÀNH CÔNG KHÔNG CHỜ ĐẠI HỌC” để làm sáng rõ cơ hội lập nghiệp và thành công ngoài con đường Đại học.

Chương trình Giao lưu trực tuyến chủ đề “Thành công không chờ Đại học” do VTC Academy & VTC News phối hợp tổ chức diễn ra từ 15h, chiều nay (30/7) tại VTC News và VTC Academy.

Buổi giao lưu trực tuyến đang được thực hiện tại hai đầu Hà Nội và TP.HCM với sự tham gia của các khách mời:

Hà Nội:

1. TS Nguyễn Lê Minh- Nguyên Phó ban chương trình quốc gia về việc làm, Chuyên gia tư vấn của TỔ chức Lao động Quốc tế ILO.

2. Ông Đỗ Tuấn Anh-CEO & Founder- công ty Appota. Do công tác nước ngoài đột xuất nên anh Đỗ Tuấn Anh sẽ trả lời các câu hỏi trực tuyến từ nước ngoài


TPHCM:

1. Ông Phí Anh Tuấn-Phó chủ tịch Hội tin học Tp. Hồ Chí Minh.

2. Ông Đào Trường Giang-Giám đốc VTC Online thị trường miền Nam.

3. Bà Tạ Thị Kim Ngân-HR Manager- công ty FPT Software.

4. Ông Võ Huy Giáp- 3D Animator, Quản lý khối ngành 3D - VTC Academy Hồ Chí Minh

5. Lý Giám Tiền- Quán quân Project Runway mùa thứ 2 (2014).
 Đang giao lưu trực tuyến "Thành công không chờ đại học" ở TP.HCM
15h, chương trình giao lưu bắt đầu.

- Hồ Hoàng Lâm (Đà Nẵng): Cháu chào chú, cho cháu hỏi để xin việc trong lĩnh vực CNTT có nhất thiết phải có bằng tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học? Nếu cháu không có thì cháu cần phải làm gì để được làm trong lĩnh vực này?

TS Nguyễn Lê Minh: Theo tôi được biết, CNTT được coi là "hạ tầng của hạ tầng" và đang là mũi nhọn trong quá trình hiện đại hóa công nghiệp hóa của bất cứ Quốc gia nào.

CNTT đã thâm nhập vào trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế xã hội, từ sản xuất đến dịch vụ và có những đặc thù có tính chuyên ngành.

Vì vậy, để trở thành 1 cán bộ CNTT thường đòi hỏi việc đào tạo công phu và yêu cầu có trình độ từ Cao đẳng trở lên. Muốn học tốt CNTT cần phải có tư duy logic toán (tôi nói là tư duy toán chứ không nhất thiết là phải giỏi toán) và có trình độ Tiếng Anh tốt.

Nếu bạn yêu CNTT và bạn học CNTT thì cơ hội việc làm rất lớn. Tôi biết từ nay đến năm 2020, ta cần có năm, sáu chục vạn cán bộ CNTT.
TS Nguyễn Lê Minh- nguyên Phó ban chương trình quốc gia về việc làm, chuyên gia tư vấn của Tổ chức  Lao động Quốc tế ILO chụp ảnh cùng đại diện VTC Academy
- Lê Bích Huyền (Long An): Với phần thực hành mà tôi tự liên hệ với công ty ngoài VTC có được không?

Anh Võ Huy Giáp (VTC Academy): Trung tâm rất khuyến khích học viên tham gia học hỏi môi trường làm việc thực tế của các doanh nghiệp hiện tại, học viên chỉ cần đảm bảo lượng kiến thức và kết quả học tập tại VTCA theo đúng tiêu chuẩn.

- Vũ Văn Phong
(TP.HCM): Chào Lý Giám Tiền, tuy đã được vinh danh Quán quân Project Runway Việt Nam mùa thứ 2 cách đây 2 tuần nhưng mình vẫn muốn gửi đến bạn lời chúc mừng thành công. Không biết cảm xúc sau 2 tuần có khác cảm xúc lúc nhận giải vào ngày 6/7 không? Tiền có thể bật mí “bí quyết” để Tiền đạt được thành công tại Project Runway mùa thứ 2?

NTK Lý Giám Tiền: Cảm ơn lời chúc mừng của bạn, Giám Tiền vẫn còn nguyên cảm xúc của đêm trao giải vì niềm vui, sự bất ngờ và những điều tuyệt vời mà giải thưởng này đang mang đến cho Tiền, suốt thời gian sau chương trình Tiền vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm từ mọi người và trên hết một kế hoạch, một chặng hành trình mới lại mở ra, đầy thú vị và thử thách hơn đang chờ đón Tiền.

Tiền đã từng thất bại ở mùa giải đầu tiên, và có thể nếu không nói ra mọi người cũng không biết đến chuyện này đúng không?! (cười). Từ những thất bại sẽ dạy cho bạn cách để thành công.

Tiền là một ví dụ điển hình, bạn đừng ngại làm, ngại cống hiến và thể hiện niềm đam mê cũng như khả năng của mình.Cứ làm hết sức một ngày nào đó bạn sẽ đạt được những điều mình mong muốn.

- Hoàng Lan:Tôi là phụ huynh và cũng là người yêu thích về CNTT rất muốn hướng con mình vào nghề này, nhất là khi thấy báo chí trích dẫn lời của phó thủ tướng Vũ Đức Đam: CNTT là một trong những ngành cần tập trung tạo đột phá. Vậy, đại diện cho các doanh nghiệp hùng mạnh trong lĩnh vực này, anh chị có thể cho tôi biết về cơ hội, xu hướng của ngành này được không?

Chị Tạ Thị Kim Ngân (FPT Software): Theo tôi thì đây là xu hướng cũng đã có từ lâu, tuy nhiên về phía doanh nghiệp theo tôi đánh giá thì vẫn còn một nguồn khá lớn các em Sinh viên tốt nghiệp và có định hướng tìm việc tại các doanh nghiệp nên mức độ ảnh hưởng không cao.
Chị Tạ Thị Kim Ngân - Trưởng bộ phận Nhân sự Công ty FPT Software 
- Hà Ly (Đồng Tháp): Em không có bằng cấp gì cả, vậy doanh nghiệp các anh/chị có tuyển dụng em không?. Anh chị có niềm tin khi tuyển dụng những nhân sự không bằng cấp hay không?

Anh Đào Trường Giang (VTC Online):
Rất cảm ơn bạn đã quan tâm, nhưng vì câu hỏi của bạn cung cấp quá ít thông tin, lại dành cho cả mấy doanh nghiệp chúng tôi nên rất khó để trả lời cho bạn.

Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng bằng cấp không phải là yếu tố ưu tiên trong doanh nghiệp chúng tôi khi tuyển dụng, bạn có thể truy cập website công ty VTC Online tại địa chỉ https://online.vtc.vn/ để tìm hiểu thêm về những lĩnh vực mà chúng tôi đang hoạt động, nếu nhận thấy khả năng và đam mê của mình phù hợp với lĩnh vực nào trong đó thì hãy liên hệ với chúng tôi, và chúng ta sẽ trao đổi thêm để hiểu về nhau hơn trước khi quyết định.

- Trần Vũ:
Trong vấn để tuyển dụng và nhu cầu sử dụng nhân sự, doanh nghiệp anh/ chị gặp khó khăn ra sao trong việc tìm kiếm người phù hợp về chuyên môn?

Anh Đỗ Tuấn Anh (Appota):Công ty thường gặp khó khăn trong việc tìm chuyên gia về kỹ thuật và người triển khai trực tiếp các công việc (executive) một cách hiệu quả.

Đối với chuyên gia kỹ thuật, những người này thường đòi hỏi quyền lợi khá cao hoặc không chuyển công ty vì có nhiều quyền lợi gắn với công ty đó.

Đối nghịch với vị trí đó là nhân sự triển khai trực tiếp công việc, hiểu rõ về chuyên môn, chủ động tìm hiểu và triển khai một cách có trách nhiệm. Để có được điều này, các bạn executive phải có kinh nghiệm thực chiến chứ không phải là “lý thuyết” trong trường đại học. Do vậy khi phỏng vấn nhiều nhân sự trình bày “lý thuyết”, chúng tôi không muốn tuyển dụng vì sợ sự rủi ro về chi phí cơ hội.
Ảnh Đỗ Tuấn Anh (Appota) đang trả lời trực tuyến từ nước ngoài 
- Tạ Kim Giang (Hà Nội): Bạn thành công khi mới 18 tuổi, trong khi các bạn cùng tuổi đang sống trong thời gian lo lắng và hồi hộp chờ điểm thi Đại học- Cao đẳng. Bạn nghĩ gì về câu nói: “Đại học không phải con đường duy nhất để thành công!”?

NTK Lý Giám Tiền: Thực ra, nếu có điều kiện, Tiền vẫn muốn được đi học, vì những kiến thức nền là điều rất quan trọng ai cũng cần phải có. Tuy nhiên, đại học cũng không phải là con đường duy nhất để thành công.

Theo Tiền, yếu tố quan trọng là phải xác định đâu là niềm đam mê của bản thân và dành thời gian nghiên cứu về nó, đó cũng là việc học.
 
- Hoàng Nhật Huyền Kha (Cần Thơ): Tôi thấy báo chí ca ngợi Việt Nam hiện là thị trường game lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là một trong 10 thị trường game online có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Vì sao có kết quả này thưa ông?. Hiện nay cả nước có bao nhiêu doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp game, ông có nắm được nhu cầu nhân lực của ngành này tại Việt Nam thế nào không?.

Anh Phí Anh Tuấn(Phó chủ tịch Hội tin học TP.HCM): Một trong đặc điểm của dân số Việt Nam là trẻ, tỷ trọng thanh thiếu niên trong cơ cấu dân số là rất lớn. Họ là những người làm quen với các thiết bị mới nhất là các thiết bị di động như máy tính bảng, smartphone… Nhu cầu của con người ngoài học tập còn có giải trí. Với số lượng người dùng lớn như vậy game ở Việt Nam phát triển mạnh cũng là điều dễ hiểu.

Tôi không có số liệu về các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực game, về cá nhân tôi không chống đối phát triển ngành công nghiệp game nhưng không ủng hộ. Nhất là thế hệ trẻ Việt Nam cần được cổ súy nghiên cứu học tập tiếp cận khoa học kỹ thuật sẽ có ích hơn nhiều.
Ông Phí Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội tin học TP.HCM đang giao lưu trực tuyến cùng VTC Academy tại TP.HCM
- Đặng Đại (An Giang): Những lĩnh vực như lập trình di động hay lập trình game, thiết kế game hay làm hiệu ứng phim ảnh, không phải là lĩnh vực quá phổ biến tại Việt Nam, nếu không nói nó là lĩnh vực “thiểu số” (có nghĩa rất ít người biết). Anh chị đánh giá thế nào về lĩnh vực này trong sự phát triển kinh tế chung của đất nước hiện nay?

Anh Đỗ Tuấn Anh (Appota): “Thiểu số” không đồng nghĩa với việc ít người biết, mà có thể còn do việc đó khó và người lao động chưa đủ trình độ hoặc chưa được trang bị đủ kiến thức để có thể tham gia vào lĩnh vực đó. Một lý do phải kể đến nữa là quy luật cung-cầu của thị trường, khi có cung ắt cầu sẽ tự chạy theo để đáp ứng.

Ví dụ khi có thị trường rất cần phát triển ứng dụng hay game cho mobile, ắt sẽ có sinh viên tìm hiểu về lập trình cho mobile và ắt sẽ kéo theo sự ra đời các trung tâm, trường học, các khóa ngắn hạn đào tạo về lập trình mobile.

Còn tất cả các ngành vừa nêu đều mang lại giá trị rất lớn cho xã hội bởi nó vẫn là ngành kinh tế chất xám cũng như rút ngắn khoảng cách về công nghệ của Việt Nam với các quốc gia khác.
Khách mời nhận hoa của ban tổ chức chương trình giao lưu
- Nguyễn Văn Hồng: Được biết anh Giáp học ở bên nước ngoài về, Anh Giáp học ở trường nào? nước nào? Tại sao anh lại thích và phải sang tận nước ngoài để học về 3D Animation?

Anh Võ Huy Giáp (VTC Academy): Mình học ở Canada và Mỹ. Ở Canada thì mình học Pixel Blue Studio, ở Mỹ thì mình học chuyên ngành Animation của Animation Mentor. Lúc sang Canada mình không có ý định học về 3D, sau đó mình phát hiện và yêu thích 3D từ đó mình theo học ngành này.

- Pe tiêu:Trước tình hình chất lượng đào tạo của ĐH-CĐ tại Việt Nam không sát thực tế, FPT Soft có tính đến việc “đặt hàng” đào tạo nhân lực tại một đơn vị đào tạo nào hay không? Đơn vị đó là đơn vị nào? Tại sao FPT Soft lại lựa chọn đơn vị đó?

Chị Tạ Thị Kim Ngân (FPT Software):
Thực tế chất lượng đào tạo chuyên ngành CNTT của các trường ĐH-CĐ đã trang bị kiến thức nền tảng cho các em sinh viên.

Doanh nghiệp như FSOFT chúng tôi chỉ cần đào tạo bổ sung trong thời gian ngắn những kiến thức bổ sung về quy trình, cách thức làm việc trong dự án thực tế...Những kiến thức đào tạo này khá chuyên sâu theo từng doanh nghiệp mong muốn.

FPT Software hiện đang có chương trình chuyển giao chương trình đào tạo đầu vào cho sinh viên mới tốt nghiệp thay vì học tại FSOFT sẽ được học ngay tại trường ĐH ngay từ năm 3-4. Tại TP.HCM, chúng tôi đã liên kết với 6 trường ĐH để thực hiện chương trình Campulink này.

- Trà Thị Hoa:Xin chào các anh chị đại diện doanh nghiệp VTC Online, FPT Software, Appota. Doanh nghiệp các anh chị đều là những công ty tên tuổi trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Vậy, anh chị có thể nói rõ về lĩnh vực công nghệ mà doanh nghiệp mình đang hoạt động và phát triển?, Cơ hội của lĩnh vực này đem lại cho doanh nghiệp của các anh chị cụ thể như thế nào?

Anh Đỗ Tuấn Anh(Appota): Hiện Appota đang là đơn vị tiên phong và dẫn đầu tại Việt Nam cung cấp nền tảng phân phối ứng dụng mobile một cách toàn diện cho các nhà phát triển ứng dụng và phát hành game, giúp phân phối hiệu quả đến cộng đồng sử dụng smartphone lớn nhất Việt Nam.

Appota đang hợp tác với hơn 10.000 nhà phát triển ứng dụng và phân phối ứng dụng của họ tới cộng đồng 15 triệu người sử dụng Smartphone tại khu vực Đông Nam Á.
TS Nguyễn Lê Minh cho rằng đại học không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công
- Nguyễn Mai Hương (Hà Nội): Thưa bác, là người làm trong tổ chức lao động thế giới, bác có nghĩ mọi lao động cần có bằng Đại học (ít nhất là bằng Cao đẳng) thì cuộc sống mới tốt, mới có được nghề nghiệp nuôi thân tốt hay không?. Người lao động hiện nay tại Việt Nam cần trang bị những gì để đảm bảo cho mình một công việc tốt và nuôi sống được bản thân, nêu không được học Đại học- Cao đẳng?

TS Nguyễn Lê Minh: Tôi đã có dịp làm việc ở 1 số nước công nghiệp thì thấy thanh niên ở đấy không "máu me" Đại học lắm. Ví dụ ở Đức khi học đến cuối cấp 2 chỉ có khoảng 50% học tiếp lên cấp 3, còn rẽ đi học nghề công nhân kĩ thuật luôn. Đến khi tốt nghiệp THPT, cũng chỉ có khoảng gần nửa thì vào Đại học, còn thì lại rẽ đi học nghề.

Mới đây, 1 đoàn học sinh lớp 12 của Đức sang Việt Nam giao lưu với bàn bè cùng lứa. Đoàn có 10 bạn, hỏi ra mới biết 9 bạn sẽ đi học nghề, 1 bạn sẽ thi Đại học, và bạn ấy lại là người Đức gốc Việt.

Chắc bạn biết nếu cứ học Đại học mới thành công thì làm gì có Bill Gate, làm gì có Steve Jobs! Còn ở Việt Nam ta, ông Đoàn Nguyên Đức, ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai, người đầu tiên của Việt Nam có máy bay riêng, làm gì có bằng Đại học.

Nếu sau này bạn muốn là người thành đạt, bạn phải có nghề, say mê với nghề đó, cần cù, chuyên nghiệp, có tác phong công nghiệp tốt, nắm vững 1 số kĩ năng mềm cơ bản nhất (thuyết trình, giao tiếp ứng xử, làm việc nhóm...).

- Đăng Nguyễn:Các bạn học tại trung tâm của VTC Academy sau khi hoàn thành khóa học có được làm việc tại VTC Online không?
Ông Đào Trường Giang - Giám đốc VTC Online thị trường miền Nam
Anh Đào Trường Giang (VTC Online): Như tôi đã trả lời câu hỏi của một bạn ở trên, học viên VTC Academy hiện nay có rất nhiều cơ hội việc làm để lựa chọn và VTC Online không còn là cơ hội duy nhất của các bạn nữa.

Tất nhiên, chúng tôi vẫn luôn chào đón tất cả các bạn, và để trở thành nơi mà các bạn chọn lựa, bản thân chúng tôi cũng phải nỗ lực để làm cho doanh nghiệp của mình trở nên hấp dẫn hơn.

- Ngô Đức Huy:Gửi ông Đỗ Tuấn Anh: Anh có nhận xét gì hiện trạng ngành Game hiện nay? Và làm game có phãi là nghành nghề HOT trong tương lai? Sau "hiện tượng" Flappy Bird rất nhiều bạn trẻ học làm Game, nhiều bạn bạn đang làm cho công ty cũng nghỉ làm và lập studio. Ông có nghĩ rằng chính điều này sẽ
phá hỏng thị trường?


Anh Đỗ Tuấn Anh (Appota): Như mình đã trao đổi ở trên, mình rất khuyến khích có thêm các startup mới để tạo sự đột biết cho toàn ngành nói chung, các bạn/nhóm đã dũng cảm theo đuổi đam mê của mình là điều rất đáng trân trọng. Nhưng mình cũng có lời khuyên cho các team startup mới là nên chọn lọc các ý tưởng thật kỹ lưỡng và hạn chế “copy-cat” thì mới thực sự tạo ra giá trị cho team của mình. Còn về ngành Game hiện nay thì đang có sự chuyển dịch lớn từ PC sang mobile, nên các studio cũng cần cân nhắc điều này.


- Nguyễn Mai Hương:Trong việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nặng theo sự hướng dẫn của cha mẹ. Ông có thể cho lời khuyên cho các bậc phụ huynh trong việc định hướng con cái làm sao các cháu có thể nghe theo mình mà lại thực sự tốt cho các con và đúng sở thích của chúng?

TS. Nguyễn Lê Minh: Đây là một nhận xét đúng, bố mẹ nào mà chẳng yêu con, thương con mong muốn cho con nên người. Nhưng trong lĩnh vực hướng nghiệp, một số phụ huynh học sinh lại rơi vào trạng thái cực đoan, muốn ép con đi theo những ngành nghề mà mình nghĩ rằng phù hợp với chúng, phù hợp với sự mong muốn thành đạt cho chúng. Hậu quả là có sự mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái trong lĩnh vực chọn nghề.

Qua kinh nghiệm thực tế, chúng tôi thấy sự thành đạt của một con người trong lĩnh vực nghề nghiệp có 1 điều kiện tiên quyết là sự đam mê đối với nghề nghiệp đó. Cho nên, phụ huynh nên tôn trọng sự đam mê của con cái đối với nghề nghiệp mà nó muốn lựa chọn (thanh niên bây giờ rất nhiều thông tin, rất nhạy cảm với các thông tin trong lĩnh vực nghề nghiệp, việc làm).

Bố mẹ có thể trao đổi thêm với con, coi như 1 dòng thông tin để tham khảo, mà không nên ép buộc con cái theo ý mình. Rất vui là hiện nay đã có nhiều cuộc nói chuyện, trao đổi giữa các chuyên gia về lao động, việc làm, hướng nghiệp với phụ huynh học sinh đạt hiệu quả tốt.
Theo TS Nguyễn Lê Minh, muốn thành công, các bạn trẻ cần làm nghề một cách chuyên nghiệp và trang bị cho mình những kỹ năng mềm cần thiết 
- Phan Minh Thu:Tôi muốn biết ngành Hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D (3D Animation & VFX) là ngành thế nào?

Anh Võ Huy Giáp (VTC Academy): – Hoạt hình 3D (Animation): Học về chuyển hoạt nhân vật và bối cảnh, các nội dung chính bạn học và làm trong lĩnh vực này: Anatomy ( chuyên về giải phẫu), Acting (diễn xuất), Rigging (gắn xương), Lip sync (hát nhép), Classical & Advanced Animation…

– Hiệu ứng hình ảnh (Visual FX Artist): Học về cách tạo ra các hiệu ứng cho các cảnh quay không có thật, nguy hiểm, tốn kém,…. Những nội dung chính được học: Fundamental VFX (cơ bản/ nền tảng về VFX), Camera Projection (xử lý máy chiếu, máy quay), Rendering (xuất phim/ hình ảnh), Compositing (tổng hợp và tạo hiệu ứng bằng các phần mềm như AE, nuke…)

- Hà Anh Thái (Cà Mau): Nói về tin học, hay nói về máy tính người ta nghĩ đến lập trình hay phần mềm, chứ ít nói đến thiết kế 3d hay thiết kế hiệu ứng. Nhưng mấy năm gần đây tôi thấy các ngành này bắt đầu được nhắc đến, có phải Việt Nam đang trở thành thị trường có nhiều cơ hội để phát triển nó? Ông có thể nói rõ cơ hội của 2 ngành này? Đào tạo mảng này tại Việt Nam đã có chưa, ông có thể kể tên các đơn vị đào tạo đó?

Anh Phí Anh Tuấn(Phó chủ tịch Hội tin học TP.HCM): Câu hỏi của bạn rất thú vị. Đúng là khi nói đến ngành phần mềm chúng ta liên tưởng đến lập trình ứng dụng khác nhau. Tuy nhiên với sự phát triển mạnh của các phần mềm thiết kế , xử lý đồ họa chuyên dụng đã làm thay đổi cơ bản một số ngành sản xuất film hoạt hình, quảng cáo.

Việc xây dựng các sản phẩm này chuyển hẳn sang xử lý trên máy tính. Nhu cầu thị trường quảng cáo sử dụng hình ảnh 3D cũng như các hiệu ứng âm thanh, hình ảnh và phối hợp giữa âm thanh và hình ảnh rất lớn và đòi hỏi sự sáng tạo cả về nghệ thuật cũng như sử dụng công cụ trên computer.

Từ nhu cầu này mà bạn thấy chúng được nhắc đến và là một trong những ngành mới nổi. Việc đào tạo mảng này tôi nhớ là cũng đã hình thành trước đây được một thời gian, trong đó có VTC Academy là đơn vị mới đào tạo về ngành này.


- Vũ Văn Phong:
Chào Lý Giám Tiền, tuy đã được vinh danh Quán quân Project Runway Việt Nam mùa thứ 2 cách đây 2 tuần nhưng mình vẫn muốn gửi đến bạn lời chúc mừng thành công. Không biết cảm xúc sau 2 tuần có khác cảm xúc lúc nhận giải vào ngày 6/7 không? Tiền có thể bật mí “bí quyết” để Tiền đạt được thành công tại Project Runway mùa thứ 2?
 Lý Giám Tiền (ngoài cùng bên phải) - Quán quân Project Runway mùa thứ 2
NTK Lý Giám Tiền: Cảm ơn lời chúc mừng của bạn, Giám Tiền vẫn còn nguyên cảm xúc của đêm trao giải vì niềm vui, sự bất ngờ và những điều tuyệt vời mà giải thưởng này đang mang đến cho Tiền, suốt thời gian sau chương trình Tiền vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm từ mọi người và trên hết một kế hoạch, một chặng hành trình mới lại mở ra, đầy thú vị và thử thách hơn đang chờ đón Tiền.

Tiền đã từng thất bại ở mùa giải đầu tiên, và có thể nếu không nói ra mọi người cũng không biết đến chuyện này đúng không?! (cười). Từ những thất bại sẽ dạy cho bạn cách để thành công. Tiền là một ví dụ điển hình, bạn đừng ngại làm, ngại cống hiến và thể hiện niềm đam mê cũng như khả năng của mình.Cứ làm hết sức một ngày nào đó bạn sẽ đạt được những điều mình mong muốn.

- Lê Thùy Khánh Hương:Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho chính doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, không ít các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo, ông đánh giá thế nào về hướng đi này của các doanh nghiệp? và sự khác nhau của đào tạo giữa doanh nghiệp với đại học là như thế nào?

TS Nguyễn Lê Minh: Không chỉ trong lĩnh vực CNTT mà nhiều Doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác thường trực tiếp tổ chức đào tạo nhân lực cho Doanh nghiệp mình.

Đây là hiện thực đã có từ lâu ở nhiều nước công nghiệp. Ưu điểm của nó là Doanh nghiệp hiểu rằng họ đang cần những CBCNV như thế nào, đòi hỏi những tố chất gì để có thể nhanh chóng hòa nhập vào hoạt động của Doanh nghiệp mình.

Vì lẽ đó đối với các trường ĐH- CĐ chuyên nghiệp cũng đòi hỏi phải luôn luôn bám sát những yêu cầu của Doanh nghiệp, duy trì mối quan hệ mật thiết với Doanh nghiệp thì mới có thể bảo đảm cho sản phẩm của mình- sinh viên tốt nghiệp- đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Anh Phí Anh Tuấn (Phó chủ tịch Hội tin học TP.HCM) đang trả lời trực tuyến 
- Trần Thành Chung: Hiện nay các sinh viên tốt nghiệp khối ngành CNTT nói chung và lập trình, thiết kế đồ họa nói riêng có xu hướng tự lập nhóm để star-up hoặc mở mini studio thì có ảnh hưởng đến kế hoạch tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng của các doanh nghiệp lớn trong ngành?

Anh Đỗ Tuấn Anh (Appota): Làm startup trong lĩnh vực công nghệ là tốn kém ít chi phí nhất (có thể không cần mặt bằng, sở vật chất khang trang…) nên theo quan điểm của tôi rất nên khuyến khích việc lập các nhóm startup vì mang lại nhiều cái lợi:

Thứ nhất là nhân lực máu lửa, khát khao để tạo ra một sản phẩm có ích và có chỗ đứng nên sẽ có sự đột phá về năng lực chuyên môn.

Thứ hai là có thể sản sinh ra những doanh nghiệp mới đạt đến tầm khu vực nếu ý tưởng thực sự tốt. Tuy nhiên tỷ lệ các startup thành công khá thấp nên các doanh nghiệp lớn sẽ luôn có cơ hội để đón đầu nhân sự.

Với Appota thì chúng tôi khuyến khích và đầu tư luôn cho các team Startup có ý tưởng tốt (như gần đây là đầu tư vào Joy Entertainment, một studio chuyên về game tại TP.HCM) cũng là 1 giải pháp để có nhân sự một cách gián tiếp.

- Quỳnh Giao:Theo dõi sự phát triển của VTC Online, tôi thấy với vai trò là một nhà phát hành, VTC Online đang đẩy mạnh các thể loại game trên mobile. Anh có thể nói rõ cơ hội và tại sao lại lựa chọn hướng phát triển này? Game PC có được VTC Online quan tâm?

Anh Đào Trường Giang (VTC Online): Đã trải qua 6 năm phát hành các sản phẩm, ứng dụng trên PC và đạt được những thành công nhất định. Nhưng không vì điều ấy mà chúng tôi bỏ qua các cơ hội mới, đặc biệt là cơ hội đối với các ứng dụng trên Mobile.

Như bạn có thể dễ dàng nhận thấy, giá thành của các thiết bị smartphone, máy tính bảng ngày càng hạ trong khi cấu hình lại mạnh hơn. Bên cạnh đó là giá cước truy cập Internet trên di động sẽ còn tiếp tục hạ trong khi tốc độ lại cao hơn. Những điều này cho thấy một xu hướng bùng nổ mạnh mẽ các ứng dụng và trò chơi trên thiết bị di động trong thời gian tới.

Chúng tôi rất hào hứng đón nhận cơ hội này, nhưng cũng không quên tiếp tục đầu tư giữ vững thế mạnh của mình trên PC, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu đến cộng đồng rất nhiều sản phẩm ứng dụng trên nền tảng PC lẫn Mobile, rất mong sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ của bạn.

- Nguyễn Đức Thịnh:Kính gửi chú Võ Huy Giáp, ngành 3D có thật sự đang phát triển ở Việt Nam, con muốn học ngành đó còn có những yếu tố gì?

Anh Võ Huy Giáp (VTC Academy): Ngành 3D thực sự đang phát triển nhưng còn thiếu rất nhiều nguồn nhân lực. Vì vậy, nhiều công ty đã đầu tư vào Việt Nam nhưng rút lui vì không có đầy đủ nhân lực.

Trong tương lai ngành này sẽ còn phát triển mạnh hơn. Để học 3D phải có mắt mỹ thuật, nếu không là thiên tài thì phải kiên nhẫn tập luyện (ví dụ như vẽ tay, xem phim ảnh để phân tích cách bố trí cảnh, cách người ta đặt ánh sáng...)

Ông Võ Huy Giáp - Trưởng khối ngành 3D, VTC Academy 
- Nguyễn Nhật Tân:Appota có bước phát triển rất nhanh và mạnh trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ, lọt vào top 9 công ty khởi nghiệp đáng được đầu tư nhất Đông Nam Á. Lý do Appota đạt được thành công là gì, yếu tố nhân sự sẽ góp bao nhiêu % trong sự thành công đó?

Anh Đỗ Tuấn Anh (Appota):Thực sự là Appota chỉ đạt được sự thuận lợi bước đầu chứ không dám nói là thành công. Sự thuận lợi này hoàn toàn là tại nhân 100%! Chúng tôi kiên trì với triết lý làm việc cố gắng, chăm chỉ và không trông chờ vào may mắn mà phải tạo ra sự may mắn cho chính mình.

- Nguyễn Nguyễn:Ở Việt Nam, việc có bằng cấp rất quan trọng, nhất là những người nổi tiếng, nếu có bằng cấp chắc chắn họ sẽ được nhìn nhận tích cực hơn, là một người không bằng cấp, Tiền có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

NTK Lý Giám Tiền: Là một nhà thiết kế, Tiền không nghĩ việc có bằng cấp là một việc quá quan trọng trong sự nghiệp của mình, bởi rất nhiều những nhà thiết kế nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung, họ cũng không có bằng cấp nhưng họ vẫn thành công và khẳng định được tên tuổi của họ trong lĩnh vực mà họ đang theo đuổi.

Nói như vậy cũng không có nghĩa là việc học tập là không quan trọng. Tiền vẫn học mỗi ngày dù không theo bất cứ trường lớp nào. Tuy nhiên, từ việc học ở thực tế, kinh nghiệm Tiền có niềm tin hơn vào con đường mình đang đi. Hiện tai sau chương trình Project Runway Vietnam Tiền cũng đang gấp rút học thêm ngoại ngữ để chuẩn bị cho khóa học sắp tới tại Paris, theo giai thưởng dành cho quán quân Project Runway Vietnam.
NTK Lý Giám Tiền không nghĩ việc có bằng cấp là một việc quá quan trọng trong sự nghiệp của mình 
- Phương Thủy (Bến Tre): Em được biết VTC Academy là đơn vị đào tạo theo đơn đặt hàng của VTC Online. Xin anh cho biết tiêu chí nào để VTC Online lựa chọn một đơn vị đào tạo sẽ đào tạo nguồn lực cho doanh nghiệp mình?. Anh chị đặt hàng VTC Academy tuyển dụng bao nhiêu nhân sự?

Anh Đào Trường Giang (VTC Online): Thời gian đầu khi mới thành lập, chúng tôi đã đặt hàng VTC Academy đào tạo rất nhiều vị trí chuyên gia công nghệ cho mình, chúng tôi còn phân công các giám đốc công nghệ của mình dành thật nhiều thời gian làm việc cùng với bộ phận đào tạo của VTC Academy để góp ý xây dựng khung chương trình đào tạo cho gần với nhu cầu của doanh nghiệp nhất.

Sau đó, khi theo dõi quá trình đào tạo tại VTC Academy cũng như tham dự những buổi báo cáo bảo vệ đề án của học viên, chúng tôi đã đề nghị được tuyển dụng 100% số học viên tốt nghiệp của VTC Academy về doanh nghiệp của mình. Thời gian đó chúng tôi đã ký cam kết tuyển dụng với tất cả các học viên ngay khi các bạn bước chân vào học tập tại đây.

Nhưng đến nay, ngoài VTC Online đã có thêm rất nhiều công ty công nghệ khác nhìn thấy chất lượng đào tạo của VTC Academy và đặt vấn đề hợp tác.

Theo đề nghị của VTC Academy, chúng tôi đã đồng ý gỡ bỏ thế độc quyền này để mở rộng cơ hội cho tất cả các bên.

Các bạn học viên tại VTC Academy hôm nay có rất nhiều lựa chọn công việc tại các doanh nghiệp công nghệ chứ không riêng VTC Online nữa, và chúng tôi chỉ còn quyền được ưu tiên tuyển dụng đối với các bạn, bình đẳng như những doanh nghiệp khác có tham gia hợp tác cùng VTC Academy.

- Hoàng Lan (Bình Thuận): Tôi là phụ huynh và cũng là người yêu thích về CNTT rất muốn hướng con mình vào nghề này, nhất là khi thấy báo chí trích dẫn lời của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: CNTT là một trong những ngành cần tập trung tạo đột phá. Vậy, đại diện cho các doanh nghiệp hùng mạnh trong lĩnh vực này, anh chị có thể cho tôi biết về cơ hội, xu hướng của ngành này được không?

Chị Tạ Thị Kim Ngân (FPT Software): Tôi chia sẻ một số thông tin về cơ hội trong ngành CNTT.

- Trước tiên đây là ngành học đang có cơ hội việc làm và phát triển hàng đầu tại Việt Nam khi khối lượng các dự án đầu tư, tìm kiếm nguồn lực công nghệ thông tin từ nước ngoài vào Việt Nam không ngừng gia tăng. Ngoài ra, CNTT cũng là ngành mũi nhọn của Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay.

- Chọn học CNTT, sinh viên Việt Nam có rất nhiều cơ hội được tham gia sân chơi lớn trên toàn cầu vì lĩnh vực này có công việc phù hợp tại nhiều quốc gia trên thế giới đồng thời tham gia những dự án có khả năng thay đổi sâu sắc đến đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam ngành công nghệ thông tin đang có xu hướng đưa việc thuê gia công phần mềm, lắp ráp điện tử và cả nghiên cứu phát triển đến các nước đang phát triển.

Việt Nam có cơ hội được các công ty đa quốc gia lựa chọn làm cơ sở thứ hai để dự phòng cho các thị trường ưu tiên hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ.

Hiện tại Việt Nam cũng đang có nhiều dự án từ các công ty này. Do đó, các bạn sinh viên theo học ngành CNTT có thể lạc quan về tương lai của mình. Khi ra trường, các bạn học ngành CNTT có thể trở thành những lập trình viên, kỹ sư mạng, quản trị mạng, kỹ sư viễn thông… với thu nhập cạnh tranh, hấp dẫn và nhiều cơ hội làm việc toàn cầu.

- Nguyễn Chí Khang:Sau khi học xong ở VTCA tôi có thể liên thông hay học lên cao học được không?

Anh Võ Huy Giáp (VTC Academy): Với chứng nhận của BTEC bạn có thể liên thông tại 100 quốc gia trên thế giới đã công nhận. Về trường cụ thể, bạn có thể tham khảo thêm thông tin tại địa chỉ: http://academy.vtc.vn/baiviet/1781/gioi-thieu-btec.aspx.

- Nguyễn Thị Thủy:Việt Nam thì có nhiều trường Đại học, Cao đẳng, đào tạo về CNTT lại càng không thiếu. Nhưng các doanh nghiệp vẫn lên tiếng về thiếu nhân lực, hàng ngày trên các trang kiếm việc nhu cầu tuyển nhân lực ngành này lúc nào cũng nhiều. Vậy có phải doanh nghiệp và nhà trường đang không có sự liên kết để đào tạo nguồn lực? Đào tạo tại ĐH-CĐ một kiểu, doanh nghiệp lại cần kiểu khác? Vậy trách nhiệm thuộc về ai? người lao động đóng vai trò thế nào trong kết quả này?

TS Nguyễn Lê Minh: Với tốc độ phát triển của Khoa học công nghệ hiện nay, chắc chắn sẽ có một độ "trễ" nhất định giữa cơ sở đào tạo với thực tiễn của doanh nghiệp.

Song, điều đó không phải là rào cản chủ yếu hạn chế cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Các bạn trẻ cần hiểu rằng bên cạnh chuyên môn chính đã được đào tạo, còn cần phải có những tố chất phù hợp với hoạt động của mình trong thực tế.

Nhiều khi doanh nghiệp không tuyển được người, chỉ vì tác phong làm việc, phản ứng trước những tình huống cụ thể của sinh viên còn kém cỏi.

Điều này yêu cầu các cơ sở đào tạo cần kịp thời bổ sung những nội dung cần thiết ngoài chuyên môn chính cho sinh viên( ví dụ kĩ năng mềm, văn hóa nghề...) mặt khác sinh viên cũng cần tự trau dồi cho mình những nội dung trên, và cuối cùng các doanh nghiệp cũng không nên quá cầu toàn khi tuyển dụng.


- Bùi Văn Lâm (TP.HCM): Là người trong ngành, chắc ông không khỏi tự hào về hiện tượng lập trình viên Nguyễn Hà Đông đem về cho ngành lập trình game nói riêng và lập trình di dộng nói chung của Việt Nam. Ông có nghĩ Việt Nam còn nhiều người như Nguyễn Hà Đông? Ông đánh giá thế nào về xu hướng ngành lập trình di động tại Việt Nam trong thời gian tới?

Anh Phí Anh Tuấn(Phó chủ tịch Hội tin học TP.HCM): Câu chuyện Nguyễn Hà Đông là một hiện tượng khá thú vị về sự “thất thường” của thị trường khai thác trong môi trường Internet. Rất nhiều sản phẩm được tải lên App Store và bị quên lãng nhưng chỉ cần một cú huých nào đó sản phẩm sẽ bùng nổ tăng trưởng với tốc độ không thể hình dung ra.

Chúng ta tự hào về Nguyễn Hà Đông nhưng cũng cần cung cấp thông tin cho các bạn trẻ hiểu được mặt thuận lợi cũng như việc cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực này.

Thành công của Đông sẽ có ảnh hưởng tích cực đến rất nhiều các bạn trẻ và làm gia tăng số lượng lập trình viên lập trinh game trên Mobile. Sẽ có nhiều bạn thất bại nhưng sẽ là sự gia tăng nguồn lực đáng kể cho các công ty phát triển hoặc gia công cho thị trường thế giới trong lĩnh vực này.


- Hà Ly: Em không có bằng cấp gì cả, vậy doanh nghiệp các anh/chị có tuyển dụng em không?. Anh chị có niềm tin khi tuyển dụng những nhân sự không bằng cấp hay không?

Anh Đào Trường Giang (VTC Online): Rất cảm ơn bạn đã quan tâm, nhưng vì câu hỏi của bạn cung cấp quá ít thông tin, lại dành cho cả mấy doanh nghiệp chúng tôi nên rất khó để trả lời cho bạn.

Tuy nhiên tôi có thể khẳng định rằng bằng cấp không phải là yếu tố ưu tiên trong doanh nghiệp chúng tôi khi tuyển dụng, bạn có thể truy cập website công ty VTC Online tại địa chỉ https://online.vtc.vn/ để tìm hiểu thêm về những lĩnh vực mà chúng tôi đang hoạt động, nếu nhận thấy khả năng và đam mê của mình phù hợp với lĩnh vực nào trong đó thì hãy liên hệ với chúng tôi, và chúng ta sẽ trao đổi thêm để hiểu về nhau hơn trước khi quyết định.

Anh Đỗ Tuấn Anh (Appota): Đối với Appota thì Bằng cấp là tiêu chí thứ 5 xếp sau tiêu chí kinh nghiệm thực chiến về chuyên môn, khả năng thích nghi, khả năng tự học hỏi và khả năng team work. Do vậy, khi phỏng vấn thì vấn đề bằng cấp không ảnh hưởng nhiều lắm tới cuộc trao đổi.

- Dạ Ly (Cần Thơ): Là những doanh nghiệp lớn, có hướng phát triển toàn cầu, vậy thì doanh nghiệp anh chị dựa vào năng lực của sinh viên hay chỉ dựa vào môi trường mà sinh viên được đào tạo để đánh giá tuyển dụng?

Anh Đào Trường Giang (VTC Online): Chắc chắn là chúng tôi dựa vào năng lực của ứng viên đầu tiên, chứ không phải là môi trường đào tạo. Bất kỳ môi trường đào tạo nào cũng có những bạn giỏi và những bạn chưa giỏi, điều ấy tùy thuộc vào tố chất, đam mê, và sự cố gắng của mỗi cá nhân, những điều này không hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của đơn vị đào tạo.

Với kinh nghiệm tuyển dụng, tất nhiên chúng tôi cũng có những đánh giá của riêng mình về những đơn vị đào tạo có tỷ lệ ứng viên tốt hơn các đơn vị khác, nhưng điều này chỉ là một yếu tố nhỏ để tham khảo chứ chưa bao giờ mang tính chất quyết định.

Anh Đỗ Tuấn Anh (Appota): Tùy vào từng vị trí tuyển dụng chúng tôi sẽ có những yêu cầu khác nhau nhưng để đánh giá toàn diện được một ứng viên thì năng lực chuyên môn hay môi trường đều cần phải quan tâm để xem có phù hợp với công ty hay không về mặt chuyên môn cũng như văn hóa doanh nghiệp.

Như đã trả lời ở trên, tiêu chí kinh nghiệm thực chiến về chuyên môn được Appota xếp vào đầu tiên trong tuyển dụng. Đối với các bạn có kinh nghiệm như vậy sẽ toát ra ngay được khả năng của mình trong buổi phỏng vấn đầu tiên.

- Hoàng Anh (Cần Thơ): Có thể nói Lý Giám Tiền là người may mắn khi làm được đúng đam mê của mình, vậy bạn có lời khuyên nào với các bạn đang và sẽ phải làm công việc không đam mê, không sở thích?

NTK Lý Giám Tiền: Với Tiền, được làm việc đúng với niềm đam mê của mình không hẳn là một điều may mắn, mà đúng hơn là một sự lựa chọn. Dù có làm theo đúng sở thích, niềm đam mê của mình thì Tiền cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn và nỗ lực để được sống với niềm đam mê đó.

Theo Tiền, bạn nên xác định lại niềm đam mê của mình, và cố gắng đi theo niềm đam mê đó, bởi nếu không làm đúng đam mê của mình, thì bạn sẽ gặp nhiều rất khó để vượt qua những thử thách trong công việc và rồi một ngày nào đó bạn sẽ tiếc nuối và tự hỏi vì sao mình không làm công việc mà mình yêu thích. Không có việc gì là quá muộn cả.

Cuối cùng lời khuyên thật sự mà Tiền muốn dành cho bạn chính là hãy tìm kiếm ra niềm đam mê và theo đuổi nó. Chúc bạn thành công trong thời gian tới.

- Quốc Tuấn: Năm 2014 hiện tượng Game Mobile Flappy bird của Nguyễn Hà Đông đã gây hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng game Việt, vậy với cương vị là nhà phát hành Game, VTC Online có định hướng và thay đổi gì trong định hướng phát triển của mình?

Anh Đào Trường Giang (VTC Online): “Hiện tượng Flappy Bird” đã khiến chúng tôi phải nhìn nhận và đánh giá lại nhiều điều. Ở góc độ nhà phát hành dịch vụ, chúng tôi phải chấp nhận rằng kinh doanh quảng cáo trong game/ứng dụng là một yếu tố đáng để cân nhắc. Ở góc độ nhà sản xuất, chúng tôi dành nhiều thời gian hơn khi xem xét các ứng dụng đơn giản, dễ chơi và dễ cuốn hút thay vì chỉ tập trung cho các sản phẩm lớn và có mức độ phức tạp cao như thời gian trước, ngoài ra chúng tôi cũng lưu tâm hơn đến việc xây dựng các yếu tố giúp sản phẩm có thể tự quảng bá thông qua mạng xã hội. Cảm ơn bạn vì một câu hỏi hay.

- Nguyễn Thị Trúc Khuyên:Khi biết thông tin về những ngành đào tạo này trong lúc phân vân không biết nên thi đại học lại hay không thấy hay và đúng em nói với bố mẹ thì bố em không tin tưởng về những thông tin trên mạng lắm liệu lấy lý do gì để bố mẹ tin vsf cho em theo đào tạo ngành CNTT ạ?

Anh Phí Anh Tuấn (Phó chủ tịch Hội tin học TP.HCM):
Trong ngành CNTT có một tấm gương không biết có sáng không là Bill Gate. Bill Gate đã bỏ đại học để tự nghiên cứu và lập ra Microsoft. Sau này khi thành công Bill Gate có khuyên mọi sinh viên là không nên bỏ học ngang chừng... như ông.

Bill Gate cũng như Steve Jobs là những thiên tài mà thiên tài thì chỉ có một vài người, nếu bạn thấy mình thật sự có tài năng thì nên theo đuổi ý tưởng của bạn. Còn không thì tôi khuyên bạn nên hoàn thiện hết chương trình đại học.

Trường đại học và cao đẳng là nơi tập trung vào đào tạo kiến thức, nguyên lý nền tảng cũng như phương pháp luận để các bạn sau này khi ra trường có thể tiếp cận được “nghề” yêu cầu từ môi trường làm việc của mình. Nắm càng kỹ nguyên lý và phương pháp luận sẽ giúp bạn đi đường dài trong hành trình nghề nghiệp.

- Nguyễn Công Minh:Cho tôi hỏi về đề thi đầu vào VTCA như thế nào ạ?

Anh Võ Huy Giáp (VTC Academy): VTC Academy được chia thành 2 ngành chính: ngành thiết kế và ngành lập trình. Đối với đề thi ngành thiết kế 3D, bạn sẽ phải thi 2 phần là phần trắc nghiệm kiến thức mỹ thuật và phần đề thi môn vẽ tay.

Đối với ngành lập trình, bạn sẽ phải trải qua 3 phần thi, phần đề thi toán Gmat, phần đề thi IQ, và phần đề thi tiếng anh. Để biết thêm thông tin, bạn vui lòng vào website của VTC Academy, mục tuyển sinh sẽ thấy đề thi mẫu của hai ngành trên.

Link website:
- Đề thi mẫu khối ngành lập trình
- Đề thi mẫu khối ngành 3D

- Nguyễn Thế Vinh
(Lâm Đồng): Xin chào bạn Lý Giám Tiền mình biết đến bạn là một nhà thiết kế tài năng qua project runway 2014 .Mặc dù bạn nhỏ tuổi nhưng lại rất tài năng vậy bạn có thể chia sẻ cho mình biết làm thế nào để một người chưa từng được đào tạo bài bản về thời trang có thể có thể thành công sớm không?

NTK Lý Giám Tiền:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã theo dõi chặng hành trình của Tiền tại Project Runway Vietnam, dù Tiền chưa thật sự được đào tạo bài bản ở bất cứ trường lớp nào nhưng Tiền xác định rất rõ niềm đam mê và định hướng của mình từ rất sớm.

Tiền muốn mình có thể khẳng đinh được niềm đam mê đó nên đã tìm đến Project Runway để trải nghiệm, thử sức với chính mình. Ngay từ mùa đầu tiên Tiền đã tham gia dự thi nhưng đã thất bại ngay từ vòng đầu, từ thất bại của mùa giải đó Tiền về nhà tập may, vẽ mẫu, học hỏi thêm kinh nghiệm và quyết tâm quay trở lại để "phục thù".

Tiền may mắn là quán quân của cuộc thi. Tiền nghĩ việc quan trọng nhất chính là xác định được mục tiêu và nỗ
lực để đạt được đó. Cũng như tìm kiếm những cơ hội để khẳng định mình.

- Trương Phương:Sinh viên ra trường đi tìm việc, vậy mà đầu vào rất nhiều công ti cần kinh nghiệm từ 1 đến 3 năm. Vậy thì làm sao sinh viên mới ra trường có cơ hội làm việc.

Chị Tạ Thị Kim Ngân (FPT Software): Với FSOFT, hàng năm công ty đều tuyển cả ngàn sinh viên mới tốt nghiệp trên cả nước nên các bạn mới tốt nghiệp hoàn toàn có cơ hội để gia nhập công ty.

Ngoài FSOFT, các công ty lớn hiện tại cũng có chương trình tuyển dụng và đào tạo sinh viên mới tốt nghiệp thay vì chỉ tuyển dụng những vị trí có kinh nghiệm. Lý do trước tiên là đội ngũ nhân viên mới ra trường rất trẻ, sáng tạo và dám nghĩ dám làm.

Lý do thứ hai phù hợp với ngành công nghệ hiện đại điều đầu tiên cần một đội ngũ nhân viên trẻ, năng động…và còn rất nhiều lý do cần và nên tuyển dụng các bạn sinh viên mới ra trường. Các em cần xem thêm thông tin tuyển dụng trên thị trường để có sự chuẩn bị tốt nhất cho bản thân trước khi ứng tuyển và ứng tuyển thành công nhé.

- Phạm Văn Hùng: uy không cần bằng cấp vẫn thành công, nhưng không học thì  làm sao có thể thành công được? Ông nghĩ sao về câu nói này? Nhiều người cho biết ở các môn trường đại học chúng ta học được rất nhiều điều nên chúng ta có thể thành công qua cách học thì dễ dàng hơn?

Anh Đào Trường Giang (VTC Online): Chúng ta phải thống nhất với nhau rằng, nói “Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công” không có nghĩa là không phải học. Chẳng có con đường dễ dàng nào có thể đưa ta đến với thành công, nó là kết quả của cả quá trình nghiên cứu, học hỏi, lao động và cố gắng không ngừng.

Vấn đề ở đây là bên cạnh việc chọn Đại học, các bạn cũng có thể lựa chọn những con đường khác phù hợp với đam mê và khả năng của mình. Tại các trường Đại học và Cao đẳng, sinh viên được đào tạo kiến thức nền và phương pháp tự nghiên cứu chứ không đi vào chuyên sâu, trong khi mỗi doanh nghiệp lại có nhu cầu nhân sự chuyên sâu theo những vị trí nhất định.

Lĩnh vực CNTT cũng là ngành liên tục có các sự thay đổi, nâng cấp về công nghệ, bởi vậy cho dù đã được đào tạo kiến thức nền hay chưa, những người theo đuổi ngành này vẫn phải thường xuyên tự nghiên cứu và học hỏi để có thể thích nghi với nhu cầu công việc của mình.

- Nguyễn Mai Hương:Trong vấn đề thất nghiệp của 72,000 cử nhân, thạc sĩ mà báo chí đưa tin tại Việt Nam vừa rồi, ông thấy mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp hiện nay ra sao và trách nhiệm của nó là gì trong việc giải quyết việc làm cho người lao động?

TS Nguyễn Lê Minh: Tôi xin đưa lại thông tin là có những 164.000 cử nhân thất nghiệp cơ đấy. Nguyên nhân có nhiều, như phần trên tôi đã trả lời.

Nhưng liên quan đến câu hỏi của bạn, tôi muốn nhấn mạnh đến việc đào tạo có tính chất thương mại của 1 số trường, đào tạo những nghề mà mình có, chứ không đào tạo những nghề mà xã hội cần. Điều này, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, lao động đã biết và đang cố gắng khắc phục.

- Phạm Hoàng Nam: Chú Minh ơi, cháu học Đại học đã 2 năm rồi, nhưng cháu thật sự vẫn không biết mình có phù hợp với nghề đang học hay không? Theo chú cần phải dựa vào yếu tố nào của bản thân để có thể biết được khả năng của mình phù hợp nghề nghiệp gì? Lựa chọn được ngành nghề phù hợp, theo chú phải làm thế nào?

TS Nguyễn Lê Minh: Có 5 yếu tố để chọn được 1 nghề phù hợp với bản thân:

1. Vừa với trình độ (học vấn).
2. Vừa với khả năng.
3. Vừa với tính cách.
4. Vừa với sức khỏe.
5. Vừa với điều kiện kinh tế( các loại chi phí khi theo học).

Trường hợp của bạn không phải là cá biệt: có người chọn nghề theo phong trào (adua), có người chọn nghề do sức ép của gia đình...

Tôi đã gặp 1 sinh viên khoa Tự động hóa ở 1 trường Đại học kỹ thuật lớn của Hà Nội. Bạn ấy cũng đã học đến năm thứ 2 và tỏ ra chán học. Với lời khuyên của tôi, bạn ấy đã dũng cảm chuyển sang học ngành Điện tử, phù hợp với sự ưa thích của mình.

Ở TP.HCM, có bạn do yêu cầu của gia đình đã thi đậu vào ĐH Luật, hết năm thứ 1 bạn quyết tâm thi lại vào khoa Tiếng Anh của ĐH KHXH và Nhân văn.

Bây giờ ngoài Tiếng Anh, bạn ấy còn biết mấy ngoài ngữ khác vì bạn ấy rất mêngoại ngữ. Bạn ấy vừa đoạt giải Nhất trong cuộc thi dành cho người nước ngoài viết 1 đoạn văn bằng tiếng Italia. Bạn ơi, hãy đi theo sự đam mê của mình dựa trên 5 cái "vừa" nói trên.

- Phan Vũ Quý:Mình được biết là VTC Academy có đào tạo ngành 3D Animation & VFX,thì nó dành cho những người có đam mê nghệ thuật cũng như là vẽ hình đep,nhưng mình lại ko có tố chất đó liệu mình có thích hợp để học cái đó không? (dù rằng mình thích sản phẩm của họ làm ra). Ngành này mình chỉ thấy nước ngoài họ làm thôi chứ ở Việt Nam mình ko thấy có công ty nào làm về mảng này, liệu có dể kiếm việc làm không? Nếu học ngành này thì công ty nào ở Việt Nam sẽ tuyển dụng,cho mình bít cụ thể công ty đó?

Anh Võ Huy Giáp (VTC Academy): Lúc anh theo ngành này anh thực sự cũng không có tố chất, hay nói đúng hơn là anh cũng không biết là anh có tố chất hay không. Anh theo học và nhờ rèn luyện mà anh trở nên khá hơn qua thời gian. Thế anh nghĩ thì đầu tiên là phải có đam mê và rèn luyện.

Hiện tại ở VN có một vài công ty như Kantana (Thái Lan), Sparx (Pháp), Digital Work (Nhật), Bluer Production (Việt Nam) và nhiều công ty TVC của Việt Nam và nước ngoài làm về mảng này. Về việc làm thì hiện tại đang thiếu nhân lực khá nhiều.

- Nguyễn Ngọc Huỳnh (Bến Tre): Trong lập trình Mobile khóa dài hạn khác ngắn hạn như thế nào?

Anh Võ Huy Giáp(VTC Academy): Đối với khóa dài hạn, học viên được đào tạo từ cơ bản đến nâng cao và trang bị đầy đủ kiến thức cả 3 hệ điều hành đang được sử dụng rộng rãi hiện nay. Được cam kết tuyển dụng ngay từ đầu. Được trải nghiệm qua các project. Học viên được đào tạo bài bản để trở thành chuyên gia trong ngành.

Khóa ngắn hạn: Học viên tham gia update công nghệ, bổ sung kiến thức, tìm hiểu chuyên môn. Học viên chỉ được cấp chứng chỉ.

- Phạm Văn Hoàng (Đồng Nai): Anh chị đại diện cho những doanh nghiệp lớn của Việt Nam vậy theo anh chị tiêu chí và tố chất như thế nào để thành người thành công trong lĩnh vực CNTT và có tiêu chí gì có thể vào làm tại các doanh nghiệp lớn như: VTC, FPT...?

Chị Tạ Thị Kim Ngân (FPT Software): Người thành công trước hết cần có đam mê lĩnh vực mình theo đuổi và nỗ lực hết mình trong học tập và công việc để đạt kết quả tốt nhất có thể. Để vào làm tại các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực CNTT thì trước tiên cần các bạn có năng lực phù hợp với vị trí tuyển dụng.

Trong quá trình ứng tuyển, phỏng vấn, các bạn cần thể hiện khả năng của mình một cách tốt nhất và chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là sự lựa chọn phù hợp nhất cho vị trí cần tuyển dụng của công ty.

- Lê Thái Hòa:Cho em hỏi anh Đỗ Tuấn Anh! Em đã được gặp anh tại buổi chia sẻ về startup Việt Nam cách đây 2 tháng. Và em được biết anh học Sử của đại học Xã hội Nhân văn. Vậy lý do gì và suy nghĩ của anh như thế nào khi chọn con đường CNTT? Và khi anh có ý tưởng startup thì bên cạnh có sự giúp đỡ của ai không ạ? Những người đi trước chẳng hạn. Em cảm ơn ạ!

Anh Đỗ Tuấn Anh (Appota): Cảm ơn câu hỏi thú vị của em! Anh học 2 ngành này là sở thích được đi lại và tìm hiểu về văn hóa, đồng thời mong muốn trở thành một nhà báo nhưng duyên nợ với ngành công nghệ từ lúc còn trên ghế nhà trường nên đến giờ chưa “dứt” được.

Ngay từ khi học cấp 3 (năm 1994), anh đã làm quen với khởi nghiệp trong ngành CNTT bằng việc tổ chức lớp dạy phần mềm soạn thảo văn bản BKED cho 6 “học viên” đã đi làm, với máy tính đi thuê.

Cũng rất may là khởi nghiệp nhưng có chút lãi. Nhưng 4 startup sau đó thì có lúc lãi, có lúc lỗ nhưng cuối cùng đều phá sản. Các ý tưởng này đều xoay quanh công nghệ (Và một chút báo chí) đều do mong muốn và hoài bão của bản thân mình. Cũng may là anh đã lao vào làm để đến khi thành lập Appota có một chút kinh nghiệm và tránh được nhiều sai lầm không đáng có.

- Nguyễn Mai Hương:Thưa ông, hiện nay CNTT được xác định là cần tạo sự đột phá để đưa nền kinh tế phát triển, ông có thể đưa ra lời khuyên gì cho các bạn trẻ chưa hiểu gì về ngành này để có thêm thông tin mà lựa chọn hướng nghề nghiệp?

Anh Đào Trường Giang (VTC Online): Theo tôi, đột phá ở đây cần hiểu là chúng ta sẽ tập trung nguồn lực để đưa ngành CNTT đi lên, phát triển tương xứng với tiềm năng của nó. Về vĩ mô, tài nguyên thiên nhiên khai thác mãi cũng sẽ cạn kiệt và không phải là chiến lược phát triển bền vững cho các quốc gia.

Ngược lại, ngành CNTT thì tài nguyên gần như duy nhất của nó là tri thức con người, sự phát triển của CNTT cũng sẽ giúp chúng ta đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/9/2010 cũng đã có những mục tiêu thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc đầu tư, hỗ trợ để ngành CNTT-TT bứt phá trong thời gian tới, với kỳ vọng đóng góp 8-10% GDP vào năm 2020. Đạt được những mục tiêu của Đề án này chính là sự đột phá của ngành CNTT.

Người Việt Nam vốn thông minh, sáng tạo và cần cù, hoàn toàn phù hợp với lĩnh vực phát triển CNTT. Nhờ sự hỗ trợ của môi trường Internet ngày nay, mọi sản phẩm tốt của người Việt đều có cơ hội tiếp cận với người dùng trên toàn thế giới, ngoài CNTT có lẽ chẳng có ngành nào lại có được thuận lợi lớn đến thế. Tôi cho rằng đây là cơ hội lớn cho các bạn trẻ để nắm bắt và định hướng nghề nghiệp cho mình.

- Nguyễn Danh Khiêm:Theo em thấy thì Đại học không phải là con đường duy nhất để đến thành công, nhưng lại là con đường ngắn nhất. Những người thành công mà không cần bằng đại học thường thì ngoài tố chất còn phải có nguồn kinh phí khởi nghiệp. Ở nước ta khi mà gia đình vẫn chuộng bằng đại học hơn thì đam mê của chúng e phải đi lên từ bàn tay trắng. Vậy thì e phải bắt đầu từ đâu để có thể tự kiếm nguồn kinh phí để khởi nghiệp ạ?

TS Nguyễn Lê Minh:
Ai bảo em Đại học là con đường ngắn nhất? Ở Sóc Trăng vừa qua có bạn không học Đại học, khởi nghiệp với 5 triệu đồng bằng cách mua 50 đõ ong rồi mày mò nghiên cứu di chuyển chúng về những nơi có nhiều hoa mật.

Chỉ sau ít lâu, anh đã có thu nhập gấp nhiều lần so với sinh viên Đại học ra trường vài năm. Với sự say mê nghiên cứu về con ong, và các loại sản phẩm từ mật ong, anh đang ngày càng ăn nên làm ra . Còn câu chuyện khởi nghiệp thì lại có 1 giáo trình dài, nguồn kinh phí có thể từ nhiều kênh: tiết kiệm của bản thân, hỗ trợ của gia đình, huy động của bạn bè, người thân.

Hơn nữa để trở thành 1 doanh nhân còn cần hàng loạt tố chất nữa: cần cù học hỏi, kiên trì, chấp nhận rủi ro...

- Đoàn Thị Hồng Hân:
Trong vấn đề tuyển dụng, anh/chị quan tâm về điều gì đối với 1 ứng viên (bằng cấp, trường đào tạo,...)? Làm sao để đánh giá năng lực ứng viên? Và nếu ứng viên ứng tuyển với văn bằng 2 thì có những bất lợi gì không?

Chị Tạ Thị Kim Ngân (FPT Software):
Trong tuyển dụng, có nhiều yếu tố để doanh nghiệp quan tâm đối với 1 hồ sơ ứng viên như bằng cấp, kết quả học tập, kinh nghiệm thực tế, kỹ năng làm việc & giao tiếp... Mỗi doanh nghiệp sẽ có cách thức tuyển chọn ứng viên phù hợp cho đơn vị mình thông qua việc đánh giá năng lực ứng viên qua hồ sơ, thi tuyển và phỏng vấn trực tiếp tại doanh nghiệp.

Nếu chỉ cần văn bằng phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, tôi nghĩ không có khác biệt đối với văn bằng 2, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT thì ngoài văn bằng, kỹ năng làm việc thực tế sẽ được đánh giá cao hơn trực tiếp qua các vòng tuyển chọn.

Phan Duc Nguyen:Chào bạn Lý Giám Tiền. Bạn là người đầu tiên mà qua các chương trình truyền hình thực tế mà mình muốn đặt câu hỏi. Khi bạn được gọi tên trở thành quán quân NTK 2014 thì ngay lúc đó người duy nhất bạn muốn chia sẻ và nghĩ tới là ai? Câu hỏi thứ 2 là: Ai là người đã dẫn bạn tới với con đường NTK thời trang? Cảm ơn bạn. Chúc bạn thành công.

NTK Lý Giám Tiền: Người Tiền nghĩ đến đầu tiên là mẹ, suốt thời gian tham gia cuộc thi Tiền đã nghĩ rất nhiều về gia đình của mình. Dù khoảng thời gian lúc trưởng thành Tiền phải sống xa gia đình, làm nhiều việc khác nhau để bươn chải cuộc sống, tự lâp từ sớm. Nhưng chính điều đó lại giúp Tiền trưởng thành nhiều hơn. Nên khi có được thành công Tiền cảm thấy hạnh phúc lắm. Muốn chia sẻ với mẹ ngay. Muốn khoe với mẹ và dành món quà đặc biệt này để tặng mẹ.

Thực ra không ai dẫn dắt Tiền đến với nghề thiết kế. Từ nhỏ Tiền đã thích cắt may và từ đó thích tìm hiểu về thời trang, thích vẻ mẫu, mọi thứ đến rất tự nhiên mặc dù trong gia đình không có ai làm thời trang hay nhà thiết kế cả.

- Cung Văn Hoàng: Cháu vừa mới thi đại học xong, nhưng điểm đại học không được như mong muốn, bố mẹ cháu rất buồn vì việc có thể cháu sẽ không đỗ Đại học như ước nguyện của bố mẹ. Cháu lại thấy đây là 1 cơ hội để học nghề mà cháu yêu thích là Đồ họa, nhưng bố mẹ cháu muốn dù gì cũng phải có 1 tấm bằng mới có thể xin được việc, cháu nên thuyết phục như thế nào để bố mẹ không bắt cháu đi học Đại học năm sau nữa mà đi học nghề trong năm nay ạ?

TS Nguyễn Lê Minh: Là người rất tâm đắc với công tác hướng nghiệp, tôi hoan nghênh quyết định của cháu. Trước hết cháu cần hiểu rằng bố mẹ chỉ mong muốn cho cháu thành đạt, nhưng cách hiểu của bố mẹ là chỉ vào Đại học mới nên người thì chưa đúng đâu.

Đã có những anh chị có thể học ở phổ thông rất giỏi, thi vào Đại học đỗ liền, nhưng vì ngành học không phù hợp với mình, sau này dù có việc làm cũng không có gì nổi trội. Không ít người đã trở thành 1 loại cán bộ " sáng vác ô đi, tối vác về".

Cháu hãy trao đổi với bố mẹ thông tin ấy, và nói để bố mẹ biết rằng: Con sẽ thành đạt nếu con đi theo cái nghề mà con yêu thích( nếu có thể nên nhờ 1 số bạn bè, thầy cô giáo...) đến nói chuyện thêm với bố mẹ.

- Đỗ Nhựt Minh: Chúng ta có thể nói con đường đến tương lai không cần đại học, điều đó hoàn toàn đúng, vì có rất nhiều người thành công từ 1 nghề thành thạo, tuy nhiên thực tế vấp phải là mức học phí của các ngành
hiện đại quá cao, ví dụ như ngành tin học, học phí trung bình là 3tr/tháng, trong khi đó 2tr/năm cho đại học cùng ngành, như vậy, nếu thi trượt đại học, cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa học nghề cũng không rộng mở (em không đề cấp đến vấn đề học bổng khi học nghề, vì không phải học sinh nào cũng có khả năng đạt học bổng).

Anh Võ Huy Giáp (VTC Academy): Bạn nên tìm hiểu trực tiếp vào một ngành mà bạn đang quan tâm, phù hợp với sở trường của mình. Theo anh được biết, hiện tại có nhiều đơn vị đào tạo về các khối ngành mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin có những hỗ trợ cho học viên khi tham gia nhập học.

Cụ thể tại VTC Academy khi các bạn tham gia nhập học nếu có khó khăn về học phí thì có thể tham gia chương trình Quỹ đầu tư phát triển giáo dục VTCE để được vay 50% học phí với lãi suất 0 đồng trong suốt quá trình học, hoặc tham gia các chương trình ưu đãi về học phí.

- Nguyễn Khương Duy: Cháu chào chú. Cháu rất đam mê học về Thiết kế 3d-đồ họa,lập trình game... Nhưng tình hình của cháu hiện nay là: không có bằng Đại học, không biết về tiếng anh. Vậy liệu cháu có thể theo học được không ạ? Cháu xin cảm ơn chú!

Anh Võ Huy Giáp (VTC Academy):
Chương trình hôm nay là "Thành Công không chờ Đại Học" đã nêu lên ý nghĩa bạn thành công không cần có bằng đại học. Vì bản thân chú cũng không có bằng Đại học. Về tiếng Anh thì ở VTC Academy có đào tạo tiếng anh chuyên ngành về các môn đang có ở VTCA. Nên nếu cháu muốn theo học thì
chú khuyến khích cháu đến tham quan VTC Academy để được hiểu rõ hơn.

- Đỗ Nhựt Minh: Xin chào anh Lý Giám Tiền, em vẫn còn ấn tượng với bộ trangphục anh thiết kế trong cửa hàng đồ bơi, sang trọng và sắc sảo. Xin chúc mừng anh đã đoạt quán quân sau bao nhiêu cố gắng. Em xin hỏi anh, để thành công trong công việc, và theo đuổi ước mơ của mình, ngoài việc đam mê, thì mình còn cần thêm kỹ năng nào nữa, ví dụ: anh có thể đam mê thiết kế thời trang, nhưng để theo nghề, và trở nên nổi bật anh còn cần chú ý đến những khả năng nào khác, để hun đúc nên một tài năng thật sự. Vì ngoài anh, còn có nhiều thí sinh đồng hành trong cuộc thi, em nghĩ ai trong số họ cũng đam mê, nhưng chỉ anh thành công hơn cả. Bí quyết của anh là gì?

NTK Lý Giám Tiền:
Thật ra bộ trang phục mà bạn đang đề cập được làm từ những miếng đế lót nồi và đế lót ly cũng như kết hợp cùng với những chiếc phao bơi màu đỏ.

Tiền kết hợp và làm ra bộ trang phục đó. Quay trở lại với câu hỏi của bạn, quả thật các thí sinh được vào ngôi nhà chung của Project Runway mọi người đều phải vượt qua rất nhiều những thử thách khác nhau do vậy họ cũng giống như Tiền, cũng đam mê, nhiệt huyết và có tài năng trong lĩnh vực thời trang.

Vì vậy, có thể nói chiến thắng của Tiền phần vì may mắn nữa. Với Tiền sau chương trình cũng chỉ mới là sự khởi đâu, như chị Trương Ngọc Ánh có chia sẻ với thời trang hôm nay có thể bạn là người thành công, nhưng ngày mai bạn vẫn có thể thất bại. Do vậy, Tiền cũng không ngừng cố gắng và nỗ lực hết mình trong chặng hành trình phía trước.

- Huỳnh Anh Khoa (Cần Thơ): Thưa Tiến sỹ, hiện tại thì tình trạng các bạn sinh viên, thạc sỹ ra trường rất nhiều bạn chưa có được công việc đúng theo chuyên môn của mình, vậy bác có lời khuyên gì cho các bạn trẻ để tình trạng này giảm bớt?

Ts Nguyễn Lê Minh:
Phần trên tôi đã phân tích nguyên nhân của tình trạng này, và nhà nước đang có nhiều biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng phải cố gắng rèn luyện để triệt tiêu những điểm yếu của mình: tác phong làm việc, tinh thần kỉ luật, cần cù, không ngại khó, ngại khổ, quên ngay tư tưởng đốt cháy giai đoạn, chỉ muốn nhanh chóng thành đạt, kiếm được nhiều tiền.

Trong trường hợp chưa làm đúng việc theo chuyên môn của mình, hãy cố gắng làm tốt công việc được giao, coi như 1 dịp để rèn luyện bản thân, có thêm trải nghiệm trong quá trình lao động. Và cũng đừng quên, luôn luôn ôn luyện để duy trì và hoàn thiện chuyên môn mình đã được đào tạo, chuẩn bị sẵn sàng " phất cờ" khi cơ hội đến.

- Trần Quốc Thắng:Em xem rất nhiều phim hoạt hình nhưng hoạt hình Việt vẫn chưa có một sự khởi sắc nào. Em muốn hỏi là liệu trong thời gian sớm nhất thì phim hoạt hình đồ họa Việt sẽ có một bước phát triển mới chứa ạ? Liệu có phải do kinh phí quá cao không hay do một vấn đề khác?

Anh Võ Huy Giáp (VTC Academy): Hiện tại có những phim ngắn của VN được đánh giá khá tốt như Dưới Bóng Cây, Cô Bé Bán Diêm và một số khác.

Nguyên nhân chưa khởi sắc vì kỹ thuật của mình không bằng nước ngoài vì chi phí đầu tư khá lớn và chúng ta cũng chưa nắm được các kỹ thuật đang có trên thế giới.

Hiện tại VTC Acadamy đang có chuyên ngành 3D Animation VFX để nâng cao kỹ thuật về làm phim hoạt hình. Đặc biệt là chuyên ngành Animation (diễn hoạt) được VTC Academy tập trung rất mạnh vì phim hoạt hình VN hiện nay rất yếu về phần diễn hoạt.

Nói riêng về kinh phí thì vấn đề này rất quan trọng. Như anh có đề cập bên trên thì các bạn trẻ tiếp xúc với ngành này là chính. Mà các bạn trẻ thì không có tài chính để làm phim mà không thu lại được lợi nhuận. Hiện tại có các công ty của nước ngoài nhưng nhân công là người Việt Nam như Sparx (Pháp), Digital Works (Nhật) đã thực hiện khá nhiều hoạt hình nói riêng và animation nói chung rất tốt. Nhưng thuần túy VN thì hy vọng trong tương lai sẽ có nhà đầu tư.

- Hoàng Anh (Cần Thơ): Có thể nói Lý Giám Tiền là người may mắn khi làm được đúng đam mê của mình, vậy bạn có lời khuyên nào với các bạn đang và sẽ phải làm công việc không đam mê, không sở thích?

NTK Lý Giám Tiền: Với Tiền, được làm việc đúng với niềm đam mê của mình không hẳn là một điều may mắn, mà đúng hơn là một sự lựa chọn. Dù có làm theo đúng sở thích, niềm đam mê của mình thì Tiền cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn và nỗ lực để được sống với niềm đam mê đó.

Theo Tiền, bạn nên xác định lại niềm đam mê của mình, và cố gắng đi theo niềm đam mê đó, bởi nếu không làm đúng đam mê của mình, thì bạn sẽ gặp nhiều rất khó để vượt qua những thử thách trong công việc và rồi một ngày nào đó bạn sẽ tiếc nuối và tự hỏi vì sao mình không làm công việc mà mình yêu thích. Không có việc gì là quá muộn cả.

Cuối cùng lời khuyên thật sự mà Tiền muốn dành cho bạn chính là hãy tìm kiếm ra niềm đam mê và theo đuổi nó. Chúc bạn thành công trong thời gian tới.

XEM THÊM CÁC CÂU HỎI VÀ CÂU TRẢ LỜI TẠI ĐÂY
http://academy.vtc.vn/giaoluu/Home/Exchange/1


Chương trình Giao lưu trực tuyến 30/7
Chương trình giao lưu được tổ chức nhằm giúp phụ huynh, thí sinh của kỳ thi ĐH-CĐ 2014, các bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực Công nghệ và Nội dung số, có được thông tin đa chiều: từ chuyên gia tư vấn của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, Hội tin học Việt Nam, các doanh nghiệp triệu đô tại Việt Nam; từ ý kiến của những gương mặt trẻ nổi tiếng về quan điểm “Thành công không chờ Đại học”, VTC Academy & VTC News phối hợp tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến với các nội dung được làm sáng tỏ:

(1) Thực trạng và nhu cầu của thị trường việc làm tại Việt Nam.

(2) Các ngành nghề triển vọng tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết kế thời công nghệ và nội dung số.
(3) Vấn đề nhân lực và nhu cầu tuyển dụng trực tiếp từ các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực Công nghệ và Nội dung số.
(4) Môi trường đào tạo có sự liên kết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp mạnh mẽ, đào tạo những ngành học là xu hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Chương trình Giao lưu trực tuyến 30/7 

 
Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

Đại diện các Hiệp hội việc làm và công nghệ thông tin

1.    TS.Nguyễn Lê Minh- nguyên Phó ban chương trình quốc gia về việc làm, chuyên gia tư vấn của Tổ chức  Lao động Quốc tế ILO.
 2.    Ông Phí Anh Tuấn- Phó chủ tịch Hội tin học Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ và nội dung số

1.    Ông Đào Trường Giang- Giám đốc VTC Online thị trường miền Nam.
3.    Bà Tạ Thị Kim Ngân- HR Manager- công ty FPT Software
4.    Ông Đỗ Tuấn Anh, CEO & Founder- Công ty Appota

Đại diện đơn vị đào tạo các ngành học là xu hướng kinh tế

Ông Võ Huy Giáp- 3D Animator, Quản lý khối ngành 3D tại VTC Academy Hồ Chí Minh

Đại diện gương mặt trẻ thành công không chờ bằng đại học


Chương trình có sự tham gia của người việt trẻ bước ra từ thành công đỉnh cao của chương trình truyền hình thực tế Project Runway 2014, Nhà thiết kế 18 tuổi Lý Giám Tiền - Quán quân Project Runway mùa thứ 2 (2014).
 
Nhà thiết kế Lý Giám Tiền (trái) - Quán quân Project Runway 2014 bật mí về việc thành công không chờ đại học tại chương trình Giao lưu trực tuyến 30/7
Tại Việt Nam, Đại học và Cao đẳng (ĐH & CĐ) luôn là hệ giáo dục được mọi gia đình, mọi người đều quan tâm và muốn đạt được. Tuy nhiên, trước thực trạng đáng báo động hiện nay: tỷ lệ thất nghiệp của lao động trình độ ĐH & CĐ tăng cao và liên tục.

Theo báo cáo của  Bộ LĐ-TB&XH & Tổng cục Thống kê trong quý IV-2013: cả nước có 900.000 người thất nghiệp (tăng 48.000 người so với cùng kỳ 2012), trong đó có đến 72,000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.

Lý giải cho hiện trạng này, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng quan trọng nhất là chất lượng đào tạo trong các trường ĐH, CĐ chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp.

Mặt khác, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp...”

Bên cạnh thực trạng trên, xã hội cũng đã, đang và luôn luôn phản ánh một thực tế khác, nhưng đa phần lại “không dễ dàng” tiếp nhận, đó là: ĐH&CĐ không phải là con đường duy nhất để dẫn đến thành công. Nếu “Thành công bị trì hoãn” ở cánh cửa này, sẽ còn rất nhiều lựa chọn khác..

Tham gia chương trình Giao lưu trực tuyến “Thành công không chờ Đại học” còn mang lại cơ hội lớn cho những người tham gia đăng ký trực tuyến và đặt câu hỏi cho khách mời trước chương trình

(1) Cơ hội nhận các suất học bổng lên đến 60.000.000 VNĐ của các ngành học được doanh nghiệp săn đón nhất hiện nay: Thiết kế 3D Game, Hiệu ứng hình ảnh và Hoạt hình 3D, Lập trình Game, Lập trình ứng dụng di động.

(2) Cơ hội nhận 04 suất học bổng trị giá 4.000.000 VNĐ cho các khóa học hàng đầu về lập trình và thiết kế gồm: Lập trình iOS, Lập trình Android, Lập trình Windowns phone, Thiết kế thương hiệu.

Đại diện của VTC Academy - đơn vị phối hợp tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến “Thành công không chờ Đại học” chia sẻ: “Kỳ thi ĐH- CĐ năm 2014 đã khép lại, nhưng việc định hướng nghề nghiệp tương lai đúng đắn và phù hợp cho các bạn trẻ vẫn tiếp tục diễn ra. Chương trình nhằm giúp các bậc phụ huynh và học sinh, các bạn trẻ thêm thông tin tham khảo bổ ích và ý nghĩa thực tế cao, để có thể đưa ra được những lựa chọn nghề nghiệp tốt nhất, để có một tương lại chắc chắn hơn”.



P.V
 
Bình luận
vtcnews.vn