11h Kết thúc buổi giao lưu. |
Độc giả Mai Hoàng (40 tuổi, Cần Thơ):Hiện nay công nghệ này đang triển khai mạnh nhất tại những rạp chiếu phim nào tại Việt Nam, và khi xem thì khán giả có cần kính không? Th.s Phạm Hoàng Minh: Chắc chắn khi khán giả vào xem phim tại rạp thì cần đến kính 3D để có thể xem phim. Công nghệ 3D không dùng kính chỉ có thể áp dụng cho các màn hình kích thước bé như máy tính, TV, chưa có công nghệ 3D không dùng kính nào áp dụng được cho máy chiếu và màn chiếu lớn. Công nghệ CoopLab 3D được triển khai tại các rạp chiếu phim Nhà nước tại các tỉnh lẻ như Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ và các rạp tư nhân như Hải Dương, Pleiku, Đồng Hới, v.v... Ngoài ra, còn có ở rất nhiều các phòng chiếu phim dạng cà phê phim 3D, phòng chiếu phim mini, khu vui chơi giải trí. |
Độc giả Hòa Hợp (30 tuổi - Phú Thọ):Các nhà khoa học Việt có rất nhiều sáng tạo KHCN tốt, vậy các trường học nói chung của VN có những chuyên ngành đào tạo như khoa học sáng chế, sáng tạo để kích thích nhu cầu của người Việt không, thưa ông? TS. Phan Quốc Nguyên: Có nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa các môn học kích thích sự đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sáng chế vào các trường học. Hiện nay, đã có một số trường đại học của Việt Nam đưa môn học về sở hữu trí tuệ, trong đó có sáng chế và môn học về phương pháp luận sáng tạo vào giảng dạy. Tuy nhiên, hoạt động này chưa được phổ biến đại trà tại tất cả các trường đại học, nhất là các trường đại học kỹ thuật. Do vậy, trong thời gian tới, các trường kỹ thuật cần chú trọng hơn đến môn học này. |
Độc giả Hoàng Phan (34 tuổi- Đồng Tháp): Nhà bác tôi treo khá nhiều ảnh 3D nhập khẩu với giá khá đắt. Với công nghệ này muốn trang trí cho gia đình thì chi phí như thế nào, tính theo mét vuông hay kích thước tranh ảnh chuẩn? Th.s Phạm Hoàng Minh: Chi phí bao gồm 2 phần: thiết kế 3D từ ảnh gốc 2D của khách hàng từ 400 - 800 nghìn đồng tùy vào độ phức tạp của mẫu, in ảnh 3D tính theo cỡ 40x60 là 750 nghìn đồng, đối với 60x80 là 1 triệu 500 nghìn. Kích cỡ lớn nhất mà chúng tôi có thể in là 80x120 cm. Nếu mua mẫu có sẵn hoặc in từ tấm thứ hai của mẫu khách hàng yêu cầu thì không cần trả chi phí thiết kế 3D. |
Độc giả Đỗ Hương (32 tuổi- Hải Phòng):Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chuyển giao công nghệ cho các kết quả nghiên cứu, ứng dụng thành công trong thực tiễn, để phát triển công nghệ 3D của TS Phạm Hoàng Minh rộng hơn ra thị trường, theo ông cần làm gì? TS. Phan Quốc Nguyên: Thông thường, để phát triển công nghệ và ứng dụng thành công ra thị trường, các bước sau cần được thực hiện: |
Độc giả Mai Anh (30 tuổi – Lạng Sơn):Ông có đề xuất các chính sách hay cơ chế quản lý mới nhằm phát triển lĩnh vực công nghệ này ? TS. Phan Quốc Nguyên: Theo tôi, pháp luật và chính sách nhà nước đã khá đầy đủ và phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta cần có các cơ chế triển khai cụ thể hơn nữa các chính sách này nhằm hướng tới việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ, sản xuất thử nghiệm và hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế trong lĩnh vực công nghệ này. |
Độc giả Đình Tiến (32 tuổi – Bắc Giang):Tôi được biết sản phẩm này đã giành một số giải thưởng có uy tín, vậy đó là những giải thưởng gì thưa ông? Hiện nay CoopLab 3D có được sự hợp tác đầu tư từ cơ quan, đơn vị nào? Th.s Phạm Hoàng Minh: Chúng tôi đã đạt được giải nhì sáng tạo kỹ thuật toàn quốc VIFOTEC năm 2012 – 2013 cho sản phẩm hệ thống chiếu phim 3D công nghệ phân cực. Giải thưởng góp phần giúp chúng tôi xây dựng thương hiệu một sản phẩm công nghệ chất lượng cao của Việt Nam đi từ phòng thí nghiệm tới thị trường. Giúp khẳng định với khách hàng tiềm năng rằng đó là sản phẩm tự nghiên cứu của Việt Nam và có các thành phần cốt lõi được sản xuất tại Việt Nam với chất lượng đã được kiểm chứng. Hiện nay chưa có đơn vị đầu tư trực tiếp vào Cooplab3D. Chúng tôi đang kinh doanh dựa vào vốn tự có của bản thân. Thực tế, chúng tôi cũng có sự hợp tác dài hạn với các nhà cung cấp và khách hàng lớn. Ví dụ như Công ty Hoàng Đạo cung cấp máy chiếu cho rạp phim 3D, các rạp chiếu phim tại các tỉnh thành có đầu tư hệ thống chiếu phim 3D, Tập đoàn quốc tế The Grand Hồ Tràm đầu tư lắp đặt phòng chiếu phim 3D cho resort 5 sao tại Vũng Tàu. |
Độc giả Tiến Đạt (43 tuổi – Hải Phòng):Theo ông, hiện nay sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung có xu hướng hào hứng với nghiên cứu khoa học sáng tạo, hay chỉ đơn thuần là thích ứng dụng các công nghệ mới của nước ngoài? TS. Phan Quốc Nguyên: Tôi đã tham gia vào BGK quốc tế chấm giải tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ quốc tế, ví dụ: Triển lãm sáng chế và kiểu dáng quốc tế tại Đài Loan, cuộc thi sáng chế châu Âu Euroinvent, cuộc thi sáng chế và sáng tạo thế giới tại Hàn Quốc, các cuộc thi sáng chế dành cho thanh thiếu niên quốc tế tại Canada, Croatia, Malaysia, Hong Kong v.v... . Tôi thấy rằng, các bạn trẻ rất đam mê sáng tạo, trong đó có các bạn trẻ Việt Nam. Chúng ta cần tạo ra các sân chơi phù hợp cho các em học sinh, sinh viên thể hiện sự đam mê, sáng tạo của mình. Tôi tin rằng, các em học sinh sinh viên Việt Nam rất thông minh và đam mê sáng tạo, thể hiện ở những giải thưởng cao đem về từ những cuộc thi sáng tạo kỹ thuật trẻ quốc tế này. |
Độc giả Quốc Anh (32 tuổi – Đồng Nai):Tiềm năng phát triển của công nghệ 3D tại thị trường Việt Nam hiện nay so sánh với các công nghệ khác? TS. Phan Quốc Nguyên: Hiện nay, công nghệ này đã được phát triển tại các nước công nghiệp trên thế giới. Công nghệ của nhóm tác giả đang sử dụng có xu thế phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh tại thị trường Việt Nam. |
Độc giả Hương Ly (37 tuổi – Nghệ An):Nếu để định giá công nghệ này trên thị trường khi có nhà đầu tư, ông nhận định thế nào? TS. Phan Quốc Nguyên: Có rất nhiều phương pháp định giá công nghệ khác nhau đang được áp dụng trên thế giới, trong đó có 3 phương pháp đang được sử dụng nhiều nhất. Thứ nhất là phương pháp định giá theo cách tiếp cận chi phí. Thứ hai là phương pháp định giá theo cách tiếp cận thị trường. Thứ ba là phương pháp định giá theo cách tiếp cận thu nhập. Với mỗi công nghệ, tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể sẽ có những phương pháp định giá phù hợp. Việc này cần phải nhờ các chuyên gia tư vấn và định giá công nghệ. |
Độc giả Thanh Hoa (30 tuổi- Phú Thọ):Thưa ông, chi phí đầu tư cho máy tính xem được 3D như thế nào? Vì hiện tại ở nhà các con tôi rất hào hứng với xem bằng kính 3D. Nếu với công nghệ này có thể lắp được vào máy tính thì việc lắp đặt có phức tạp không? Nếu bạn đã có sẵn 1 màn hình máy tính phù hợp thì bạn chỉ cần mua thêm 1 tấm phụ kiện Para3D. Tấm phụ kiện đó được gắn trực tiếp lên phía trước màn hình, như vậy có thể xem phim 3D mà không cần đeo kính. Chi phí của tấm đó là từ 500 - 800 nghìn đồng tùy kích thước màn hình của bạn. Hiện nay, đang có 2 kích thước cho máy tính laptop và 4 kích thước cho máy tính để bàn. Nguồn phim 3D có thể tải miễn phí trên các trang mạng. Phần mềm xem phim 3D là KMplayer rất thông dụng và có thể tải miễn phí từ trên mạng. |
Độc giả Phan Thanh (40 tuổi, Đà Nẵng):Đánh giá của khách hàng với sản phẩm công nghệ mới này? Th.s Phạm Hoàng Minh: Trước tiên phải khẳng định không phải 100% công chúng đều thích thú với hiệu ứng 3D, có khoảng ¼ là không hứng thú hoặc cảm thấy khó thích nghi khi xem phim 3D hay ảnh 3D. Còn với những người đã thích công nghệ 3D, có thể khẳng định là các sản phẩm của chúng tôi có chất lượng hiệu ứng 3D rất cao: rõ nét, dễ nhìn, gây ấn tượng mạnh. Nếu đặt cạnh sản phẩm tương đương của đơn vị khác (ảnh 3D, hệ thống chiếu phim 3D) sẽ thấy rõ sự khác biệt. Chất lượng và sự am hiểu sâu về công nghệ là lợi thế cạnh tranh của chúng tôi. |
Độc giả Quỳnh Chi (25 tuổi, Hà Nội):Kì vọng của công ty về các dòng sản phẩm hiện tại? Th.s Phạm Hoàng Minh: Với 3 dòng sản phẩm đang có, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng khách hàng tiềm năng: |
Độc giả Hoàng Hải (27 tuổi – Quảng Bình):Yếu tố nào đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp ? TS. Phan Quốc Nguyên: Có khá nhiều yếu tố có vai trò quan trọng cho sự thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong số đó, yếu tố đổi mới sáng tạo là một trong những yếu quan trọng nhất. Khởi nghiệp ở đây không phải khởi sự kinh doanh thông thường mà cần có những tài sản trí tuệ nhất định để hỗ trợ việc khởi nghiệp. Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhân tố quan trọng giúp cho doanh nghiệp thành công trong thời đại kinh tế tri thức, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ cần được chú trọng hàng đầu. Ngoài ra, để thành công, doanh nghiệp khởi nghiệp cần có chiến lược phát triển sản phẩm và dịch vụ, mô hình kinh doanh phù hợp, luôn luôn chú trọng quản trị đổi mới sáng tạo. |
Độc giả Văn Long (28 tuổi-TP.HCM):Mô hình này được ứng dụng cho đối tượng khách hàng như thế nào? Sản phẩm được đưa ra thị trường từ khi nào? Chi phí đầu tư và lợi ích của nó mang lại cho khách hàng? Th.s Phạm Hoàng Minh: Mỗi dòng sản phẩm 3D của chúng tôi có đối tượng khách hàng riêng và giá trị riêng. Ảnh nổi 3D lenticular ra thị trường từ 2005, là sản phẩm dành cho đại chúng. Hiệu ứng chiều sâu 3D gây ấn tượng mạng về thị giác và đem lại một sức hấp dẫn đặc biệt cho bức tranh, bức ảnh. Ảnh 3D phong cảnh hay hội họa có thể làm quà tặng, làm tranh trang trí cho nội thất. Ảnh cưới 3D, ảnh gia đình 3D là một gia vị khác lạ cho cuộc sống của bạn. Ảnh 3D quảng cáo sản phảm là một ý tưởng lôi cuốn và thú vị dành cho các nhà tiếp thị. Hệ thống chiếu phim 3D phân cực được thương mại hóa từ năm 2010, khi đó, trào lưu phim 3D đang bùng nổ dẫn đến cơ hội đầu tư lắp đặt phòng chiếu phim 3D trên khắp các tình thành để phục vụ nhu cầu người dân. Rất nhiều nhà đầu tư đã tìm đến chúng tôi, từ các bạn trẻ muốn khởi nghiệp, các rạp chiếu phim nhà nước ở tỉnh cho đến cả một số công ty, tập đoàn. Chúng tôi đã lắp được trên 90 phòng chiếu phim 3D ở 34 tỉnh thành, cũng là đơn vị duy nhất ở Việt Nam nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ phân cực, và nội địa hóa tức tự chế tạo được các thành phần cốt lõi như màn chiếu bạc, bộ lọc phân cực. Para3D là giải pháp xem phim 3D với chi phí rẻ trên máy tính cá nhân. Việc loại bỏ cặp kính 3D khi xem là một ưu điểm nổi bật. Chất lượng hiệu ứng ở mức khá, bằng khoảng 80% so với xem TV 3D. Đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên, những người đã có sẵn máy tính và chỉ cần đầu tư thêm một số tiền nhỏ để sở hữu một chiếc máy tính 3D. |
Độc giả Anh Linh – 28 tuổi – TP.HCM: Ở góc độ chuyên gia về Chuyển giao công nghệ, ông nhận thấy triển vọng phát triển các sản phẩm 3D này trong tương lai? TS. Phan Quốc Nguyên: Các sản phẩm 3D này đã được phát triển thời gian trước tại một số nước trên thế giới. Hiện nay, các sản phẩm này đang được người tiêu dùng yêu thích. Tuy nhiên, dưới góc độ là chuyên gia về chuyển giao công nghệ, tôi thấy rằng, việc sử dụng các sản phẩm 3D này có vẻ như là một trào lưu. Do vậy, để có thể phát triển các sản phẩm này tại Việt Nam thì những nhà sản xuất cần nhanh chóng bắt kịp xu thế, đa dạng hóa sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm tối đa để có thể thương mại hóa được nhiều hơn trong thời gian trào lưu thịnh hành. |
Độc giả Nguyễn Hùng (36 tuổi – Đà Nẵng): Nếu so sánh giữa việc nhà khoa học chuyển giao công nghệ cho đối tác với việc họ tự khởi nghiệp để phát triển sản phẩm của mình, ông thấy phương thức nào tốt hơn? TS. Phan Quốc Nguyên: Có rất nhiều hình thức thương mại hóa công nghệ được sử dụng trên thế giới và Việt Nam. Thông thường, nhà khoa học là chủ sở hữu công nghệ có thể lựa chọn một số hình thức sau: Thứ nhất là tự mình thương mại hóa công nghệ. Thứ hai là chuyển giao quyền sở hữu công nghệ. Thứ ba là chuyển giao quyền sử dụng công nghệ. Thứ tư là góp vốn bằng quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng công nghệ để kinh doanh. Thứ năm là thế chấp quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng công nghệ để kinh doanh v.v... Mỗi hình thức thương mại hóa công nghệ đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định, tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng nhà khoa học là chủ sở hữu công nghệ, sẽ có những hình thức thương mại hóa công nghệ phù hợp. Việc này cần phải có sự tư vấn của các chuyên gia về thương mại hóa và chuyển giao công nghệ. |
Độc giả Hoàng Lâm (38 tuổi- Hà Nội): Những khó khăn trong quá trình nghiên cứu/ quá trình khởi nghiệp của công ty? Th.s Phạm Hoàng Minh: Đây là sản phẩm có tính mới cao ở thời điểm bắt đầu nghiên cứu. Năm 2005 tại Việt Nam hầu như chưa ai biết đến công nghệ 3D, trên thế giới cũng chưa phát triển mạnh công nghệ này. Do đó, tài liệu tra cứu, nguồn cung cấp vật tư thiết bị như vật liệu lenticular, lõi polimer phân cực,… đều khan hiếm, khó tìm. Công nghệ 3D là sản phẩm thuộc dòng giải trí, không được coi là hướng nghiên cứu ưu tiên nên rất khó xin kinh phí từ các đề tài nghiên cứu. Chủ yếu chúng tôi tự đầu tư. Khó khăn chống sao chép khi đã hình thành thị trường. Ví dụ từ năm 2009 đã có làn sóng tranh 3D giá rẻ nhập lậu từ Trung Quốc, năm 2001 các đơn vị cạnh tranh làm hệ thống phim 3D phân cực. Đặc điểm chung là các đơn vị đó không tự sản xuất, mà chỉ nhập ngoại thiết bị (ví dụ như màn chiếu bạc) hay sản phẩm cuối (ví dụ như tranh 3D) từ Trung Quốc. Quy trình được sao chép mà không có hiểu biết bài bản dẫn đến chất lượng và tính ổn định đều thấp, chỉ lấy giá rẻ làm lợi thế cạnh tranh. |
Độc giả Hoài Thương (25 tuổi – Phú Thọ):Cụm từ “Doanh nghiệp khởi nghiệp” đang được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây trên các phương tiện truyền thông, vậy ông có thể cho biết nhà nước hiện có những chính sách gì khuyến khích phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay? TS. Phan Quốc Nguyên: Chúng ta đã có chương trình phát triển KHCN, một số chính sách nhằm thúc đẩy ươm tạo doanh nghiệp KHCN và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN. Cụ thể là các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Hiện nay, Chính phủ đang thiết lập các cơ chế hỗ trợ cụ thể doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. |
Độc giả Trung Nghĩa (40 tuổi – Hải Dương): Ưu điểm của sản phẩm này là gì, thưa ông? Những lợi ích mà nó mang lại cho khách hàng là gì? Th.s Phạm Hoàng Minh, đại diện CoopLab 3D: Ưu điểm chung của cả 3 dòng sản phẩm đó là: Tính mới, Chất lượng cao và Khả năng ứng dụng cao. Tính mới: Khi sản phẩm ra thị trường thì chưa có đơn vị nào khác ở Việt Nam có sản phẩm tương tự. Một thời gian sau cũng có các đơn vị khác sao chép theo nhưng chất lượng và tính đồng bộ thấp hơn nhiều. Riêng Giải pháp xem phim 3D không dùng kính trên máy tính vẫn là sản phẩm duy nhất ở Việt Nam và cả trên thế giới. Chất lượng cao: Chất lượng vượt trội so với các sản phẩm tương tự ở thị trường Việt Nam. Là sản phẩm thuộc dòng “nhìn là thấy” nên chất lượng rất dễ kiểm chứng, nhìn là thấy liền, tốt xấu đặt cạnh nhau là thấy ngay sự khác biệt. Khả năng ứng dụng cao: bằng chứng về độ hấp dẫn của sản phẩm chính là đều đã được thương mại hóa thành công ở các mức độ khác nhau |
Độc giả Tiến Hùng (37 tuổi – Yên Bái): Thưa ông, hiện nay Nhà nước có những cơ chế gì để khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng sản phẩm vào thực tiễn? TS. Phan Quốc Nguyên: Chúng ta đã có luật KHCN sửa đổi năm 2013, luật chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017, chính phủ đã có chiến lược phát triển KHCN đến năm 2020, chương trình phát triển thị trường KHCN đến năm 2020, chương trình phát triển công nghệ cao, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia... Trong các luật và chính sách trên, có rất nhiều quy định nhằm hỗ trợ việc phát triển KHCN, ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào đời sống. Theo tôi, những chính sách và luật pháp của chúng ta rất tiến bộ, phần nào đã tương thích được với các quy định quốc tế. Tuy nhiên, cần phải có những kế hoạch triển khai cụ thể nhằm phát triển KHCN nói chung và thúc đẩy chuyển giao công nghệ nói riêng. |
9h Buổi giao lưu bắt đầu. |
Qua buổi giao lưu trực tuyến, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng với CoopLab 3D để tìm hiểu thêm về 3 dòng sản phẩm công nghệ 3D, từ đó hợp tác chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng công nghệ này.
Tham dự giao lưu trực tuyến có Th.S Phạm Hoàng Minh, đại diện CoopLab 3D, và TS. Phan Quốc Nguyên – Chuyên gia Chuyển giao Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
CoopLab 3D là đơn vị tiên phong của Việt Nam tự nghiên cứu một cách toàn diện và đã đưa ra thị trường rất thành công nhiều dòng sản phẩm về hình ảnh 3D. Trực thuộc Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, CoopLab 3D được nhà nước đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm về quang học, nhằm góp phần nghiên cứu và sản xuất những sản phẩm 3D với chất lượng tương đương quốc tế.
3 dòng sản phẩm công nghệ 3D đã được thương mại hóa:
1. Ảnh nổi 3D lenticular
Đưa ra thị trường từ 2005, Ảnh nổi 3D lenticular đã thu hút sự chú ý lớn của truyền thông. Là công nghệ tạo hiệu ứng 3D stereoscopic trực tiếp nhờ khả năng tách hình của tấm lenticular. Sản phẩm của CoopLab 3D có chất lượng hình ảnh 3D rất rõ nét, được thị trường đón nhận. Ứng dụng làm tranh trang trí nội thất, làm quà tặng, ảnh 3D chụp người (ảnh cưới 3D, ảnh gia đình 3D), ảnh 3D quảng cáo sản phẩm.
2. Hệ thống chiếu phim 3D công nghệ phân cực
Được nghiên cứu từ năm 2006 và thương mại hóa từ 2010, khi trào lưu điện ảnh 3D bùng nổ. CoopLab 3D đã lắp đặt 90 phòng chiếu phim 3D công nghệ phân cực phục vụ kinh doanh chiếu phim tại 34 tỉnh thành.
Là đơn vị duy nhất đã sản xuất, nội địa hóa thành công các thành phần cốt lõi của 3D phân cực như màn chiếu bạc, filter phân cực. Nhờ đó đã được vinh danh đạt giải nhì sáng tạo kỹ thuật toàn quốc VIFOTEC 2014.
3. Para 3D - giải pháp xem phim 3D không cần kính trên LCD PC
Mới ra thị trường từ 2015, hướng đến đối tượng là các tín đồ điện ảnh muốn xem phim 3D tại nhà. Là công nghệ 3D không sử dụng kính 3D và có chi phí thấp, Para 3D là thiết bị gắn kèm rất độc đáo có thể biến máy tính của bạn thành một chiếc máy tính 3D.
Tại buổi giao lưu trực tuyến, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về công nghệ này và hoạt động thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ của các nhà khoa học Việt Nam. Ngoài ra, nhiều vấn đề khác đang được dư luận quan tâm như tiềm năng phát triểncủa công nghệ 3D tại thị trường VN hiện nay trong sự tương quan so sánh với các công nghệ khác; định giá công nghệ này trên thị trường để doanh nghiệp đầu tư; thuận lợi và khó khăn trong khởi nghiệp trong lĩnhvực công nghệ 3D; các chính sách, cơ chế quản lý mới để phát triển lĩnhvực công nghệ này,…
Trước những vấn đề nêu trên, vào 9h ngày 13/12/2017, các khách mời của chương trình giao lưu trực tuyến sẽ trực tiếp trao đổi và giải đáp thắc mắc của các độc giả quan tâm.
Kính mời độc giả đặt câu hỏi cho buổi giao lưu trực tuyến tại email: [email protected]
Để biết thêm thông tin chi tiết, độc giả truy cập website http://cooplab3d.com hoặc https://www.facebook.com/cooplab3d.
Bình luận