• Zalo

Mạo danh nhà khoa học trong dự án bùn thải Vĩnh Tân: ‘Hành vi gian dối, phản khoa học, cần xử lí nghiêm’

Thời sựThứ Hai, 24/07/2017 07:35:00 +07:00Google News

Chuyên gia cho rằng, việc mạo danh các nhà khoa học trong hồ sơ tư vấn cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 vật, chất bùn thải sau nạo vét đổ ra biển là hành vi gian dối, cần phải xử lí nghiêm khắc.

Trả lời phỏng vấn VTC News, PGS.TS Nguyễn Đình Hoè, giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) khẳng định: Hành vi mạo danh các nhà khoa học trong hồ sơ tư vấn nhận chìm chất thải nhiệt điện Vĩnh Tân xuống biển là gian dối, không thể chấp nhận được, đề nghị cơ quan chức năng cần xử lí thật nghiêm khắc.

Video: Nhấn chìm chất thải nhà máy nhiệt điện xuống biển sẽ gây hậu quả khôn lường

‘Đạo danh’ là phạm tội "xúc phạm người khác"

- Vừa qua đã có một số nhà khoa học lên tiếng về việc bị mạo danh trong hồ sơ tư vấn cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 vật, chất bùn thải sau nạo vét đổ ra biển, ông nhận xét gì về vụ việc này?

Phải xử lí thật nghiêm khắc thôi.

Xử lí theo tôi cần có hai bước. Thứ nhất là quy trình làm việc của bộ phận chịu trách nhiệm đã làm nên công trình đó. Thứ hai là một tài liệu khoa học quan trọng như thế để đưa lên Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) để xét duyệt mà lại “đạo” danh như thế thì đương nhiên nó không có giá trị, là văn bản dối trá. Vì thế mà Bộ TNMT không thể cấp phép dựa trên một cái văn bản dối trá như thế được.

pgs ts nguyen dinh hoe

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe: "Hành vi "đạo" danh người khác là gian dối, phản khoa học và cần phải xử lý nghiêm".

Nếu muốn được cấp phép để nhận chìm chất thải thì phải làm văn bản khác. Văn bản đó phải trung thực, dựa trên những chứng cứ, dữ liệu khoa học rõ ràng chứ không thể cẩu thả, gian dối như thế được.

Cứ cho trước đây Bộ TNMT vô tình không quan tâm đến văn bản này có “đạo” danh hay không, nhưng bây giờ thì dư luận biết hết rồi, không thể tiếp tục giữ bản cấp phép đó. Việc cần làm lúc này là Bộ TNMT phải ngay lập tức thu hồi lại bản cấp phép rồi tính tiếp.

Các nhà khoa học bị mạo danh ngoài việc lên tiếng cũng cần có đơn gửi đến Bộ TNMT yêu cầu làm rõ và xử lí nghiêm việc này. Cá nhân tôi cho rằng hành vi “đạo” danh cũng đồng nghĩa với việc đã xúc phạm danh dự người khác, không thể chấp nhận được. Hành vi này là gian dối, phản khoa học và cần phải xử lí nghiêm khắc để mang tính răn đe.

Đe dọa hủy diệt nhiều loài sinh vật biển

- Là một chuyên gia nghiên cứu sâu về môi trường biển trong nhiều năm, ông đánh giá sự tác động từ việc nhận chìm chất thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân xuống biển đến các loài sinh vật biển nói riêng và môi trường sinh thái biển nói chung thế nào?

Trước hết phải khẳng định là việc nhận chìm cả triệu mét khối chất thải xuống biển nói trên chắc chắn là sẽ có tác động đến môi trường. Tác động như thế nào thì cần phải có đánh giá nghiêm túc chứ không thể dựa vào cái văn bản giả dối “đạo văn” như đã nói trên được.

Tôi đã viết những bài nghiên cứu khá sâu về hai thời kì của văn minh biển. Thời kì đầu thì coi biển là thùng rác khổng lồ, thời kì sau thì bảo vệ, bảo vệ môi trường rồi bảo tồn sinh vật biển.

Đối với vùng nhấn chìm chất thải nhiệt điện theo dự kiến, về vị trí địa lí thì vùng này nằm ở gần khu bảo tồn Hòn Cau của biển Bình Thuận. Tôi đã từng nghiên cứu về vùng biển này, thì đây là vùng nước trồi.

Đáy của vùng nước trồi sẽ mạnh hơn so với đáy biển của các vùng khác, nghĩa là chỉ có cát hoặc đá. Đáy bùn ở khu vực này không có đâu vì vùng nước trồi sẽ đẩy mọi thứ đi hết.

Và như vậy, do là vùng nước trồi nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến con non, đến trứng của các loài sinh vật biển như cua, tôm, cá,... nghĩa là nó sẽ ảnh hưởng ở phạm vi rộng hơn so với báo cáo, nhất là khi đây là vùng ngư trường đánh bắt hải sản lớn nhất của Việt Nam.

Nên ở đây, Bộ TNMT không thể lấy mẫu đáy để nói về số lượng loài cá hay năng suất hoặc mật độ cá thể cá trên 1 mét khối nước là bao nhiêu được.

Tôi không hiểu là Viện Hải dương học Nha Trang họ đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá cụ thể như thế nào, nhưng rõ ràng trước khi có đánh giá của Viện Hải dương học Nha Trang thì theo tôi Bộ TNMT nếu sáng suốt thì phải dừng ý định dự án này lại. Nên thu hồi ngay lại, bởi tác động đến môi trường của nó là rất khó lường.

Tôi cho rằng khi công bố kết quả báo cáo khảo sát của Viện Hải dương học Nha Trang thì phải cung cấp thông tin rộng rãi cho dư luận biết và lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học, chứ không thể mập mờ “đánh lận con đen” như hiện nay được.

Nếu quan sát các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày qua thì sẽ thấy Bộ TNMT lúc đầu thì lớn tiếng bênh vực quyết định của mình là chính xác, nhưng mà về sau thì lại nói là cấp phép nhưng chưa cấp phép nhấn chìm xuống biển. Nói thế khác gì cho người ta đăng ký kết hôn nhưng cấm người ta... ngủ với nhau.

Không có một thứ luật pháp nào trên thế giới mà lại có sự bao biện tùy hứng như vậy cả. Ở đây, rõ ràng Bộ TNMT đã rất thiếu trách nhiệm khi xem xét dự án này.

Phát triển nhiệt điện: Rẻ mà không rẻ

- Ông đánh giá thế nào về hiện trạng chung của các dự án nhiệt điện ở Việt Nam hiện nay?

Chúng ta đã xác định phát triển kinh tế phải đi đôi với bền vững, với bảo vệ môi trường. Hiện nay trên thế giới, nhiều nước cũng đã bỏ nhiệt điện. Ngay cả Trung Quốc cũng đã bỏ. Phải nói phát triển nhiệt điện là một hạ sách vì phải đánh đổi rất nhiều thứ, trong đó có môi trường.

nhietdienvinhtanonhiemmoitruong_giaoducnetvn

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Nhiệt điện gây ra ô nhiễm vì công nghệ thấp, điều đó ai cũng rõ rồi. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng hiện nay do nhu cầu về năng lượng cần cho phát triển kinh tế của Việt Nam rất là cấp bách, thủy điện thì phát triển tối đa rồi, trong khi các nguồn năng lượng khác như phát triển điện gió, mặt trời, hải triều... thì chưa có đủ khả năng để đầu tư nên ta buộc phải “bấm bụng” mà phát triển nhiệt điện.

 
Cá nhân tôi cho rằng hành vi “đạo” danh cũng đồng nghĩa với việc đã xúc phạm danh dự người khác, không thể chấp nhận được.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe

Thực tế đây chỉ là một cách nói bao biện. Rõ ràng nó mâu thuẫn với chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển kinh tế bền vững, trong đó có không đánh đổi môi trường lấy kinh tế trước mắt.

Theo tôi, chúng ta không thể phát triển nhiệt điện mãi như thế này được. Vì nhiệt điện mà chúng ta lại đi nhập than về khối lượng rất lớn, kèm với đó là xả thải lớn, rồi biến đổi khí hậu...

Tôi cho rằng chính do chưa tính hết được vấn đề hủy hoại, thậm chí mất môi trường do phát triển nhiệt điện nên nhiều người vẫn cho rằng nhiệt điện là rẻ. Thực ra nếu ở đây tính cả chi phí cho xử lý chất thải, chi phí phục hồi môi trường vì đã bị tác động bởi nhiệt điện thì chi phí không hề rẻ.

Ở đây, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về Bộ Công thương. Bộ Công thương vẫn triển khai nhiều dự án gây tác động lớn đến môi trường, dường như phớt lờ chính sách của Đảng và nhà nước là không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt.

Chính vì thế mà những chứng cớ khoa học đưa ra để chứng minh cho tính khả thi của các dự án nhiệt điện đã thiếu tính thuyết phục, không thuyết phục được ai. Tôi nghĩ đây là điều mà chúng ta phải tính toán, xem xét lại.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn