• Zalo

Giáo dục tuần qua: 'Nóng' chuyện học phí, chính sách tiền lương giáo viên

Tin tức - Sự kiệnThứ Bảy, 23/09/2023 09:20:31 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ GD&ĐT đề xuất chính sách tiền lương mới cho giáo viên, trường đại học tăng 20% học phí khiến sinh viên bức xúc...là những sự kiện giáo dục "hot" tuần qua.

Bộ GD&ĐT đề xuất chính sách tiền lương mới cho giáo viên

Ngày 18/9, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, đơn vị đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất chính sách tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng.

Bộ GD&ĐT đưa ra đề xuất trên với kỳ vọng phần nào giải quyết được thực trạng nhiều nhà giáo bỏ việc thời gian qua.

Bộ GD&ĐT đề xuất chính sách tiền lương mới cho giáo viên. (Ảnh minh hoạ: L.Đ)

Bộ GD&ĐT đề xuất chính sách tiền lương mới cho giáo viên. (Ảnh minh hoạ: L.Đ)

Theo thống kê, từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, hơn 40.000 giáo viên mầm non, phổ thông bỏ việc, nguyên nhân chủ yếu là do đồng lương thấp, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến 11 môn thi

Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ kỳ thi 2024 sáng 20/9, Bộ GD&ĐT thông tin, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến sẽ có 11 môn thi bắt buộc và môn tự chọn, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Trong đó, Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến sẽ có 11 môn thi bắt buộc và môn tự chọn. (Ảnh: Thi Thi)

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến sẽ có 11 môn thi bắt buộc và môn tự chọn. (Ảnh: Thi Thi)

Nội dung đề thi bám sát mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai chương trình phổ thông mới.

Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực. 

Bộ GD&ĐT dự kiến mức tăng học phí mới năm học 2023 - 2024

Bộ GD&ĐT dự thảo phương án điều chỉnh tăng học phí năm học 2023 - 2024 với bậc đại học so với năm học trước đó, bậc phổ thông giữ nguyên.

Bộ GD&ĐT nêu khó khăn, nếu học phí năm học 2023 - 2024 thực hiện theo Nghị định 81 thì mức trần sẽ tăng cao, có khối ngành tăng lên gần 100% so với năm học trước, việc này trở thành gánh nặng rất lớn với xã hội.

Nguyên nhân của việc tăng cao này do ba năm qua 2021, 2022, 2023, Chính phủ đã yêu cầu các trường đại học, các địa phương không tăng học phí so với năm 2020 nhằm hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng nặng nề trong và sau dịch COVID-19.

Như vậy, lộ trình học phí theo Nghị định 81 kể từ khi ban hành năm 2021 đến nay chưa được áp dụng, mức thu học phí đã không tăng trong 3 năm học vừa qua.

Sau nhiều ý kiến, Bộ GD&ĐT thống nhất: "Đề nghị cần tăng học phí so với năm học 2022 - 2023 nhưng có thể chậm lại 1 năm so với lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81". Với người học, việc lùi 1 năm tăng học phí so với quy định sẽ giảm áp lực về tài chính cho gia đình người học.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tăng 20% học phí khiến sinh viên bức xúc

Nhiều sinh viên bức xúc khi Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thông báo học phí chương trình chuẩn với tân sinh viên khoá 2023 dao động 13 - 16,25 triệu đồng/học kỳ (tăng khoảng 20% so với năm trước).

Thông báo tăng học phí của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. (Ảnh chụp màn hình)

Thông báo tăng học phí của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. (Ảnh chụp màn hình)

Hầu hết sinh viên đều cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các trường đại học khác không tăng hoặc chỉ tăng 7 - 10% so với năm ngoái, thì Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đưa ra mức học phí quá cao, trở thành gánh nặng lớn cho người học.

Nhà trường cũng thông báo học phí các khoá còn lại dao động 693.000 - 827.000 đồng/tín chỉ (năm ngoái mỗi tín chỉ khoảng 555.000 đến 652.000 đồng).

Ngay sau đó, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã phải tổ chức buổi gặp gỡ sinh viên để đối thoại về việc tăng học phí này.

Đại diện Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM giải thích, mức học phí khóa tuyển sinh 2023 đã được trường công bố trong đề án tuyển sinh từ hồi tháng 5/2023. Tuy nhiên, từ đó đến nay trường chưa thu vì còn chờ kết luận của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về sửa đổi Nghị định 81. Riêng chương trình chất lượng cao, trường giữ mức thu cũ 28 - 46 triệu đồng mỗi năm, như đã cam kết.

Bộ GD&ĐT lý giải đề xuất giáo viên mầm non là nghề độc hại, được nghỉ hưu sớm

Trong văn bản trả lời kiến nghị, ý kiến của giáo viên về giảm tuổi nghỉ hưu, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, giáo viên mầm non thực hiện việc việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi.

Lao động của giáo viên mầm non có những đặc thù riêng biệt, mang trách nhiệm của người thiết kế và tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng con người.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, xây dựng Thông tư ban hành Danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề. Trên cơ sở đặc thù của ngành học mầm non, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung vào danh mục đối với giáo viên mầm non.

TP.HCM không cấm kiểm tra miệng đầu giờ

Chiều 21/9, tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội của TP.HCM, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM khẳng định, khi phát biểu tại hội nghị ngày 12/9, Giám đốc Sở chỉ yêu cầu giáo viên không được kiểm tra đầu giờ một cách đột xuất, bất ngờ, không phải cấm việc kiểm tra bài đầu giờ.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM. (Ảnh: Thành Nhân)

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM. (Ảnh: Thành Nhân)

Theo ông Minh, Sở chủ trương không kiểm tra đột xuất, chứ không cấm kiểm tra miệng đầu giờ. Việc kiểm tra đột xuất, bất ngờ thường gây áp lực cho học sinh ngay từ đầu buổi học, khiến các em lo lắng... do đó không nên được thực hiện.

Nữ sinh lớp 11 Hải Phòng đánh bạn tới tấp tại hành lang

Tối 22/9, trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) báo cáo về việc nữ sinh lớp 11 đánh học sinh của trường ngay tại hành lang. Sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã mời phụ huynh của hai học sinh đến trường giải quyết vụ việc.

Từ nguyên nhân và diễn biến của sự việc, theo lãnh đạo trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, giữa hai học sinh không có mâu thuẫn trong học tập tại trường. 

Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Đức Cảnh đã kiểm điểm, yêu cầu tất cả các bộ phận nghiêm túc rút kinh nghiệm vì để xảy ra vụ việc trong nhà trường, các bộ phận liên quan báo cáo tường trình và tiếp tục kiểm điểm trách nhiệm, xem xét xử lý.

Sau sự việc, nhà trường đã nhận được đơn của bố nữ sinh đánh bạn xin cho em thôi học. 

THI THI
Bình luận
vtcnews.vn