Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin một cuộc mua bán lan đột biến (lan var) giữa vườn lan var Đất Mỏ (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) với 4 cá nhân trị giá gần 300 tỷ đồng. Cụ thể, Lá non Pleiku được bán với giá hơn 20 tỷ, Lá non Cờ đỏ giá 18 tỷ và 1 ky Hồng chương chi có giá 15 tỷ.
Đáng chú ý, 3 cá nhân gồm FB Nguyễn Văn Minh, FB Nguyễn Tiến Hưng và vườn lan var Đất Mỏ chi nhánh Hải Phòng mua của vườn lan var Đất Mỏ cây lan Ngọc Sơn Cước với tổng giá trị 250 tỷ đồng.
Thông tin về cuộc mua bán đã nhận được nhiều nghi vấn cho rằng đây chỉ là chiêu trò thổi giá, làm giá ảo và không có thật.
250 tỷ mua cả vườn lan
Ngày 22/3, anh Bùi Hữu Thanh (33 tuổi) - chủ vườn lan var Đất Mỏ - nói với Zing cuộc mua bán lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ là có thật. Tuy nhiên, anh Thanh cho biết số tiền trên là để mua cho toàn bộ 5.000 cây lan giống.
Giao dịch được thực hiện tại nhà riêng ở phường Mạo Khê, nhưng vườn lan được nuôi trồng ở phường Kim Sơn, tất cả đều thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
“Số tiền 250 tỷ là cho toàn bộ 5.000 cây giống lan đột biến nhà vườn cung cấp cho bên mua trong một năm, không phải là một cây lan. Chúng tôi đã ký biên bản thỏa thuận về giá bán và có trách nhiệm nuôi trồng thành công mới bàn giao cho bên mua”, anh Thanh nói.
Chủ vườn lan này cho biết thêm em trai là Bùi Hữu Giang đại diện vườn lan var Đất Mỏ đã ký văn bản thỏa thuận với ông Nguyễn Tiến Hưng (trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng) về việc mua bán lan đột biến và được đại diện văn phòng công ty luật TNHH Nguyễn Linh chứng thực.
Theo văn bản thỏa thuận, vườn lan var Đất Mỏ cung ứng cho bên mua 5.000 giống cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước trong vòng một năm.
Vườn lan phải thực hiện chăm sóc, nuôi trồng các mầm để phát triển thành cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước. Số tiền được bên mua trả dần trong suốt thời gian bên bán nuôi trồng.
Về nguồn gốc, cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước (cây mẹ) do vườn lan thu mua được giống cây của người dân ven đường và tự chăm sóc sau đó tách chiết từ mắt lan (ky) trên thân và ươm mầm thành nhiều cây (cây con).
Toàn bộ số giống lan tiếp nhận đều là sản phẩm nông nghiệp không qua sơ chế, chế biến và không thuộc danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Sẵn sàng nộp các loại thuế
Anh Thanh cho biết thêm trong vài ngày qua cơ quan chức năng gồm công an, cơ quan thuế, chính quyền đã xuống vườn lan để làm việc, trong đó có vấn đề truy thu thuế. Tuy nhiên, đây là sản phẩm nông nghiệp nên cơ quan thuế chưa xác định được số thuế và danh mục thuế phải nộp sau khi thực hiện giao dịch này.
“Quan điểm của tôi là thực hiện theo quy định của pháp luật, khi cơ quan thuế tính toán được số thuế phải nộp thì tôi sẽ thực hiện theo đúng nghĩa vụ với Nhà nước”, anh Thanh nói.
Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Công an thị xã Đông Triều, cho biết cơ quan đã cử cán bộ phối hợp cùng cơ quan thuế điều tra, xác minh sự việc.
“Hiện tại chúng tôi chưa nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong trường hợp người mua hoặc người bán có đơn tố cáo có dấu hiệu lừa đảo thì cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra”, ông Sơn nói.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết muốn làm rõ những giao dịch này có phải nộp thuế hay không, cần xác định cụ thể người bán lan có đăng ký giấy phép kinh doanh hay không.
Theo vị này, trường hợp chủ cây lan đột biến là cá nhân kinh doanh có hoạt động mua đi bán lại lan thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Trường hợp người bán đơn thuần là nông dân trồng lan, giò lan đáp ứng đủ điều kiện là sản phẩm nông nghiệp không qua sơ chế, chế biến thì không phải nộp thuế.
Còn trường hợp nữa, nếu xác định đó là tài sản, người bán tài sản (ở đây không phải là bất động sản) thì không phải chịu thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác.
Bình luận