Đêm nay, khoảng 7 triệu đồng bào công giáo trên cả nước sẽ chính thức đón mừng Thiên chúa giáng sinh. Suốt cả tháng nay, không khí đón Giáng sinh, đón ngày Lễ trọng của đồng bào công giáo đã rộn ràng, đã lan tỏa từ thành phố đến các miền quê xa xôi.
Trên mạng xã hội, TS Phạm Huy Thông, phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết công giáo Hà Nội viết: “Mấy ngày nay, dẫn đoàn lãnh đạo Thành phố Hà Nội đi chúc mừng Giáng sinh khắp các quận, huyện, thị xã của thành phố, mừng biết bao khi nhiều giáo xứ có nhà thờ mới như Đại Bằng, Chu Chàng, Cao Bộ, Vân Đình.... Nhiều nơi có nhà mục vụ khang trang như Bái Xuyên, Sơn Miêng, Thạch Bích, Lâm Thượng.... Khắp nơi chuẩn bị hoan ca cho Đêm Vọng Giáng sinh. Thật vui!”
Niềm vui của một trí thức công giáo thủ đô, một người luôn tất bật để làm cầu nối giữa đạo với đời, thật giản dị nhưng cũng thật ấm áp.
Giáng sinh năm nay, như thường lệ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại dành thời gian đi thăm hỏi, động viên giáo dân ở khắp các vùng miền trong cả nước như Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tòa Giám mục Giáo phận Vinh, Tòa Giám mục Giáo phận Xuân Lộc ( Đồng Nai), Tòa Giám mục Cần Thơ, Tòa giám mục Bùi Chu…
Xúc động biết bao khi đồng bào công giáo thủ đô nhân dịp này còn nhận được lời thăm hỏi ân cần và lẵng hoa chúc mừng từ người lãnh đạo cao nhất đất nước- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Khi đến thăm Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chuyển lời thăm hỏi ân cần đó.
“Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với Giáo hội công giáo nói chung và Tổng giáo phận Hà Nội nói riêng” như lời của Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam Vũ Văn Thiên.
7 triệu đồng bào Công giáo, chiếm khoảng 8% dân số, có mặt ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Trong kháng chiến cũng như trong hòa bình và dựng xây đất nước, người công giáo luôn là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc, cùng chung sứ mệnh và sẻ chia ngọt bùi với Tổ quốc, với nhân dân. Nếu như trước kia, đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam đã góp phần làm giàu thêm cho văn hóa Việt Nam thì nay, người công giáo lại được Nhà nước trân trọng thông qua những hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, từ thiện bác ái, khuyến học, khuyến tài…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bộn bề công việc quốc gia đại sự vẫn không quên gửi thư chúc mừng đồng bào công giáo mỗi dịp Lễ Thiên chúa giáng sinh, đồng thời kêu gọi các giáo dân hãy vì “Tổ quốc trên hết, Dân tộc trên hết” mà ủng hộ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trên tinh thần “thật thà tôn trọng tín ngưỡng tự do”, Người đã luôn thực hành nguyên tắc “vì đại cục” để kiên trì thực hiện đoàn kết giữa Giáo và Lương trong suốt những năm kháng chiến và kiến quốc.
Theo Người, dù là ai, nói thế nào và bằng phương cách gì, theo tôn giáo nào thì cũng vẫn thuộc về một dân tộc, vẫn không ngoài một khát khao được sống trong độc lập, tự do, hòa bình và được mưu cầu hạnh phúc.
Tinh thần “ Tổ quốc trên hết, Dân tộc trên hết” đã được thể hiện rất rõ trong Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam khi khẳng định: “Là Hội thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước…”.
Gần 40 năm qua, đường hướng của Thư chung 1980 đã đem lại cho Giáo hội Việt Nam một trang sử mới, tạo ra bầu không khí sống động có thể hàn gắn những vết thương trong quá khứ để lại, là cơ hội, là điều kiện để người Công giáo Việt Nam tiếp tục dấn thân phục vụ đất nước và Giáo hội trong giai đoạn mới.
“Tổ quốc không của riêng ai, tương lai đất nước phụ thuộc vào hành động yêu nước của mỗi người Việt Nam hòa hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Chỉ có như vậy, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mới sớm trở thành hiện thực.
Bình luận