“Thực ra trước khi đến lớp, tôi cũng đoán trước được tình hình, bởi ai trải qua thời sinh viên cũng hiểu. Sinh viên xa quê thì muốn tranh thủ ở nhà rốn thêm vài hôm để chơi cho đã với tâm lý 1 năm mới có 1 dịp Tết là nghỉ thật, còn hè cũng phải đi học.
Ngoài lý do đó thì vấn đề xe cộ, giá vé các phương tiện ngày Tết đã cao nhưng vẫn còn thiếu... nên có thể tạm châm chước nhiều em mấy ngày không kiếm được xe. Lớp tôi dạy đa số sinh viên ngoại tỉnh nên vắng nhiều, đặc biệt là các em ở vùng Tây Nguyên hoặc ngoài Bắc vào.
Trách thì đáng trách thật, nhưng tôi chỉ không hài lòng với những sinh viên nhà ở gần trường mà vẫn không đến lớp”, thầy Ánh tâm sự.
Hình ảnh được thầy giáo ghi lại vào đầu tiết học môn Sức khỏe môi trường vào lúc 15h15 ngày mùng 9 tháng Giêng, là buổi học đầu tiên sau Tết của Trường ĐH Đà Nẵng.
“Ảnh này tôi ghi lại lúc chính thức vào tiết học. 10 phút sau thì các em cũng lần lượt đến và rồi tổng cộng cũng được 21 em, đạt được một nửa sĩ số thường ngày. Nhưng có một số lớp khác thì vắng lắm”, thầy Ánh kể.
Hỏi cảm giác của giảng viên khi lớp học lác đác vài sinh viên như vậy, thầy giáo này chia sẻ:
“Cơ bản là mình cũng phải mở lòng ra tí, thông cảm cho các em.
Thực ra trước đó, mình cũng có thăm dò sẵn lớp rồi và gần 20 sinh viên có gửi lời xin phép nghỉ đàng hoàng. Nên mình cũng không quá buồn. Sau khi lớp dần ổn định với khoảng 20 em, mình cũng hỏi thăm về tình hình ăn Tết của các em rồi mới giảng bài. Tuy nhiên, đành phải dạy với tốc độ chậm hơn để các sinh viên có mặt từ buổi sau còn theo kịp.
Các đồng nghiệp của tôi phản ánh ngày hôm qua các lớp vẫn còn vắng nhiều, sáng nay 26/2 tôi có ghé qua thì thấy tình hình đỡ hơn”.
Đây có lẽ cũng là thực trạng chung của nhiều trường đại học trên cả nước, bởi nhiều sinh viên vẫn có tâm lý chấp nhận bỏ một hai buổi học sau Tết để kéo dài quãng thời gian xả hơi của mình.
Tuy nhiên, việc này hẳn sẽ khiến các giảng viên khó được vui và các bạn trẻ cần ý thức hơn với kế hoạch học tập của mình.
Bình luận