• Zalo

Gian nan hành trình tìm con của người mẹ trẻ sau ly hôn

Thời sựThứ Sáu, 13/11/2015 05:22:00 +07:00Google News

Lặn lội từ TP.HCM ra tận Hà Nội, rồi lùng sục khắp Tây Ninh nhưng người mẹ trẻ vẫn chưa thể tìm thấy con thơ 10 tháng tuổi sau khi ly hôn chồng.

(VTC News) - Lặn lội từ TP.HCM ra tận Hà Nội, rồi lùng sục khắp Tây Ninh nhưng người mẹ trẻ vẫn chưa thể tìm thấy con thơ 10 tháng tuổi sau khi ly hôn chồng.

Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Phương Dung (21 tuổi, quê Hà Nội, tạm trú phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM).

Gian nan tìm con nhỏ sau ly hôn

Ngày 8/11, thông qua luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) - người bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của chị Dung, phóng viên VTC News đã có cuộc hẹn với nhân vật ngay tại văn phòng làm việc của vị luật sư.  Vừa gặp chúng tôi, chị Dung đã than buồn và than nhớ con. 

“Anh ơi, chồng em mang con em đi rồi. Em nhớ con em lắm, các anh giúp em với”, chị Dung vừa nói vừa nấc từng tiếng, nước mắt chảy dài.
 Chị Dung trình bày cùng phóng viên VTC News

Chị Dung kể, chị và anh Q.N.S.(26 tuổi) đã kết hôn và chung sống với nhau từ năm 2014. Hai vợ chồng đã có với nhau 1 con chung tên Q.N.P.L (sinh tháng 1/2015). Tuy nhiên, sau đó đôi bên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, dẫn tới việc ly hôn. 

Theo bản án 548/2015/HNGĐ-ST của Tòa án quận Bình Tân, gia đình anh S. phải giao con là bé L. cho chị Dung trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên, trong đơn tố giác ngày 7/10/2015, chị Dung cho biết, từ ngày 28/3/2015 tới nay, gia đình anh S. đã nhiều lần đổi chỗ ở khiến chị rất khó khăn để gặp được con.

Với đôi mắt thâm quầng, vì nhiều đêm thức trắng nghĩ về con thơ, người mẹ trẻ nức nở: “Em nghe ai báo tin con em ở đâu là em chạy tới ngay, không cần biết thông tin có thật hay không. Cách đây vài tháng, nghe tin báo, em cũng đã gom góp tiền bạc để ra Hà Nội tìm con nhưng không gặp được. Sau đó, em cùng một chị gái đi Tây Ninh ròng rã tìm con 2 ngày theo tin báo nhưng vẫn vô vọng”. 

Nói xong, chị Dung chỉ vào lá đơn soạn thảo chi tiết hành trình tìm con của mình. Cụ thể, ngày 21/3/2015, chị làm đơn xin ly hôn, cũng tại thời điểm này hai người đang ly thân. Lúc đó, bé L. chỉ mới 2,5 tháng tuổi nhưng sống chung với gia đình chồng.

“Một tuần sau, trở lại nhà chồng để thăm con thì em như chết đứng khi biết gia đình họ đã chuyển chỗ ở. Em chạy khắp nơi để hỏi thông tin. Cuối cùng em cũng biết được chỗ ở mới của họ, nhưng khi em tới, họ không không giao con cho em”, chị Dung chia sẻ. 

Sau nhiều lần hòa giải bất thành, Tòa án nhân dân quận Bình Tân đã tuyên án cho chị Dung được ly hôn với anh S., và buộc anh S. phải giao bé L. cho chị Dung trực tiếp nuôi dưỡng (có hiệu lực từ ngày 25/7/2015). 

Trước thời điểm nhận con, chị Dung đã tới thăm con vào ngày 18/7 nhưng gia đình anh Sơn lại tiếp tục đổi chỗ ở. Từ đó tới nay, chị chưa thể gặp lại con mình.

Trong hành trình đi tìm con, chị cũng đã lặn lội tới xóm 7, làng Thành Vật, huyện Ứng Hòa, Hà Nội nhưng kết quả không như mong đợi. Mặc dù cơ quan Thi hành án dân sự huyện Ứng Hòa xác nhận anh S. từng mang bé L. về đây. 

Luật bất cập so thực tế?

Chia sẻ với PV về trường hợp này, luật sư Nguyễn Thạch Thảo nói: “Theo quy định hiện nay, bản án đã có hiệu lực của tòa sẽ do bên Thi hành án thực hiện. Trong trường hợp này, đương sự cần phải cung cấp địa chỉ của bị đơn thì cơ quan Thi hành án mới thực hiện được, nhưng đó là một yêu cầu khó và dường như không thể”.

“Vậy nên tôi nghĩ cần phải có sự phối hợp liên ngành. Chẳng hạn khi gặp các trường hợp như vậy, đương sự có thể làm đơn để yêu cầu cơ quan Thi hành án phối hợp cùng Công an để điều tra”, luật sự Thảo nói thêm. 

“Trước đó, Dung đã nhờ sự can thiệp của công an, nhưng với bản án đã tuyên và có hiệu lực thì việc thi hành sẽ do cơ quan Thi hành án thực hiện. Tuy nhiên, để có thể thi hành án, cơ quan này cần Dung cung cấp địa chỉ của bé L. bởi họ không có chức năng điều tra. Trong trường hợp này, rõ ràng Dung không biết bấu víu vào ai.

Sắp tới, tôi nghĩ cần phải có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp tương tự trong vấn đề giành quyền nuôi con. Vấn đề này không đơn giản chỉ như một miếng đất hay ngôi nhà có thể cưỡng chế được, mà nó còn mang ý nghĩa tình cảm thiêng liêng giữa người mẹ và người con” - luật sư Thảo giải thích.
 Bé L. hiện đã 10 tháng tuổi. Ảnh nhân vật cung cấp

Trả lời phóng viên VTC News, Phó Chi cục trưởng Thi hành án quận Bình Tân, người trực tiếp thụ lý vụ việc này, cho biết: “Dung từng trình bày con và chồng đang ở Hà Nội. Sau đó bên Thi hành án đã gửi đơn nhờ cơ quan tại đây can thiệp nhưng không thấy bé L. đâu. Trong trường hợp này, khó khăn nhất là trả lời câu hỏi “Trẻ đang ở đâu?”. Không xác định được bé L. đang ở đâu thì không thể thi hành án được. Đây là lần đầu chúng tôi gặp trường hợp như thế này”.

Phó Chi cục trưởng Thi hành án quận Bình Tân cho biết thêm, khi chị Dung nghe tin con gái đang ở đâu (có thể chưa chính xác) thì vẫn có thể làm đơn gửi tới Cục Thi hành án quận Bình Tân. Cơ quan này sẽ ngay lập tức có giải pháp ngăn chặn và hết sức hỗ trợ.

Cũng theo luật sư Thảo, ông đã từng gặp nhiều trường hợp liên quan tới quyền nuôi con. Chẳng hạn trường hợp của bà Nguyễn Thị Huệ (quê Bạc Liêu). Theo đó, bà Huệ đã nuôi nấng cháu T. suốt 9 năm trời (từ lúc 1 tháng tuổi) thay cho người em trai của mình, sau khi vợ chồng em trai ly hôn.

Tuy nhiên, bỗng một ngày, vợ của em trai là chị Tr. quay lại đòi quyền nuôi con. Dù tòa án đã phán quyết bà Huệ phải giao con cho chị Tr., nhưng chính cháu T. không muốn xa bà Huệ, đồng thời tỏ ra sợ sệt và né tránh người lạ.

Theo luật sư Thảo, với trường hợp này, chị Tr. cần từ từ chiếm được tình cảm của cháu bé thay vì một mực đòi đưa ngay cháu T. về nuôi.

Tương tự, nữ công nhân tên Ngô Bá Quyền từng phải ra tòa phân định quyền nuôi con với chồng. Lúc đó, vợ chồng chị Quyền có hai người con, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi.

Thay vì chọn nuôi người con út thì chị chọn con cả, và giải thích trước tòa rằng: Đứa trẻ 4 tuổi lanh lẹ, biết lấy lòng ông bà nội nên sẽ sống với gia đình chồng tốt hơn; trong khi đứa 8 tuổi lại khá thụ động và nhút nhát nên chị sợ có chuyện không hay.

Chính suy nghĩ mang đậm tình mẫu tử dành cho hai con, gia đình chồng đã quyết định trao cả hai người con cho chị Quyền chăm sóc. Với trường hợp của bà Huệ, thật ra việc thi hành án đến lúc này vẫn chưa thực hiện được vì cháu T. quyết tâm đòi hỏi lại với bà Huệ.

Còn trường hợp của chị Quyền, nếu gia đình chồng bất chấp mọi thứ để giữ lại hai con thì việc thi hành án cũng sẽ vô cùng khó khăn, rất may gia đình chồng đã tự nguyện giao cả hai con cho chị”, luật sư Thảo chia  sẻ.

Thùy Dung - Phan Cường

Bình luận
vtcnews.vn