• Zalo

GS Nguyễn Minh Thuyết: Cần xem xét truy cứu trách nhiệm của phụ huynh thí sinh gian lận điểm thi

Giáo dụcThứ Năm, 21/03/2019 15:26:00 +07:00Google News

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng không chỉ có hình thức xử phạt với thí sinh gian lận thi cử ở Hòa Bình mà còn cần xem xét trách nhiệm phụ huynh có liên quan.

Sở GD&ĐT Hòa Bình đã cập nhật danh sách lên hệ thống phần mềm và sẽ cung cấp cho các trường có thí sinh của địa phương đang theo học để rà soát và có hình thức xử lý. Nhưng đến nay danh sách 64 thí sinh được nâng điểm vẫn được Sở này giữ kín, có thể như bà Phó giám đốc Sở từng nói nếu công bố danh sách sẽ làm "tổn thương" thí sinh. 

Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, bất cứ ai làm sai đều phải chịu trách nhiệm với việc làm của mình. Tất cả các thí sinh gian lận điểm ở Hòa Bình đều đủ 18 tuổi, tức là tuổi phải chịu trách nhiệm đầy đủ. Vì vậy, cơ quan phụ trách thi cần công bố danh sách những thí sinh sai phạm.

Tuy nhiên, theo GS Thuyết, việc công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng là không nên. Các cán bộ ngành giáo dục phải xem xét và tư vấn cho UBND tỉnh để quyết định công bố ở mức độ phù hợp.

thisinh2

(Ảnh: VnExpress) 

Danh sách này có thể công bố trong phạm vi trường bởi các em vi phạm quy chế thi cử, gian lận điểm không thể nói các em không biết chuyện này, cũng không thể nói các em không tham gia hay không đồng tình với việc này. Về nguyên tắc phải công khai tên tuổi, sai phạm, ai sai người đó phải chịu trách nhiệm.

Ông Thuyết cho rằng, thí sinh gian lận đang ngồi trên giảng đường đại học nên tự giác xin thôi học.

"Đó là cách mà người trung thực phải làm. Nhưng phía nhà trường vẫn phải có kỷ luật, chứ không phải chỉ người vi phạm xin thôi học là đủ", GS Thuyết nói.

Cần có chế tài tước quyền thi 2 năm với thí sinh gian lận

Theo ông Thuyết, sự việc gian lận thi cử không đơn giản là việc công bố hay không công bố mà cần nghiên cứu quy chế để có kỷ luật nghiêm hơn. Tùy theo mức độ vi phạm, thí sinh phải bị đình chỉ thi từ một đến vài năm. Không có chuyện năm nay gian lận, bị phát hiện, rồi năm sau lại thi bình thường.

Đáng tiếc là quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2018 đã bỏ quy định “tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm”, trong đó có lỗi “để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức” đã áp dụng suốt từ năm 2013 đến năm 2017. Sau khi bỏ quy định này thì các vụ gian lận lớn đã xảy ra ở một số địa phương.

"Kể cả những em được nâng điểm không nhiều, khi chấm lại đủ điểm đỗ đại học cũng vẫn phạm lỗi và cần bị tước quyền học ở các trường ngay trong năm học này”, ông Thuyết nói.

Từ đó, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cần khôi phục lại chế tài tước quyền học, tước quyền thi ít nhất 2 năm đối với hành vi gian lận thì mới mong khôi phục được trật tự thi cử. Còn nếu làm sai mà xuề xòa, “thương các cháu", hoặc nghĩ các cháu không biết về chuyện này thì những quan điểm đó chỉ đạt được yêu cầu nhân văn với riêng các cháu đó, nhưng lại có tính răn đe của pháp luật và thiếu nhân văn với những thí sinh khác.

"Nếu dung túng hoặc nương tay với chuyện gian lận thi cử thì chúng ta sẽ góp phần làm rối loạn kỷ cương, phép nước và sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực không chất lượng", giáo sư Thuyết nói. 

Xem xét trách nhiệm của phụ huynh

Đối với phụ huynh học sinh có liên quan đến vụ việc, các cơ quan điều tra cần phải xem tác động, can thiệp, hành động "chạy" điểm của họ đến đâu. Nếu đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì truy cứu, bởi đưa hối lộ là một trong các tội hình sự.

Nếu vi phạm ở mức cao hơn như tham gia tổ chức với những người ở trong ban thư ký thì phải chịu trách nhiệm cao hơn. Còn trong trường hợp không đến mức như vậy thì phải xem xét việc xử phạt vi phạm hành chính.

Cơ quan điều tra cũng cần gửi thông tin đến đoàn thể, cơ quan nơi các vị phụ huynh này công tác để có biện pháp xử lý hành chính và đoàn thể.

Với các thí sinh bị "tước" cơ hội học tập tại trường do sai phạm trên, ông Thuyết cho rằng vẫn có thể xem xét để các các em có cơ hội học tập. Sinh viên năm thứ nhất các trường đại học mới vào học từ tháng 10 đến nay. Những thí sinh bị trượt "oan" được gọi bổ sung vẫn có thể đuổi kịp chương trình. 

Ngày 11/3/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại phường Phương Lâm, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Ngày 12/3/2019, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT công bố kết luận điều tra của Bộ Công an về vụ việc tiêu cực thi cử tại Hòa Bình.

Cụ thể, có 64 thí sinh (63 thí sinh của 2018, 1 thí sinh của 2017) đã được can thiệp thay đổi điểm thi. Trong đó, 56 thí sinh với 140 bài thi trắc nghiệm đã bị thay đổi điểm. Môn được nâng điểm cao nhất là 9,25 điểm. Đặc biệt có thí sinh được tăng điểm 3 môn cao nhất là 26,45 điểm.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu Sở GD&ĐT Hòa Bình cập nhập lại điểm của 64 thí sinh lên hệ thống phần mềm quản lý thi để rà soát kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018, 2017.

Đồng thời, Bộ yêu cầu Sở cung cấp thông tin về điểm thi trong danh sách thống kê cho Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp. Các trường sẽ cập nhật, rà soát kết quả và đưa ra hình thức xử lý.

Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn