Ngay từ lúc Bộ GD-ĐT công bố điểm thi THPT Quốc gia 2018, dư luận đã hoài nghi về điểm số bất thường tại Hà Giang, Sơn La, Nghệ An... Nếu như giám đốc tất cả các sở GD-ĐT địa phương trên cả nước đều im lặng thì ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang vẫn khẳng định với báo chí một câu chắc nịch: "Mọi khâu coi thi, chấm thi của Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang đều được thực hiện rất nghiêm ngặt, còn điểm thi thế nào phụ thuộc vào bài làm của thí sinh. Nghi vấn được diễn đàn mạng nêu là việc của họ, còn chúng tôi đã thực hiện rất đúng quy chế".
Cuối cùng thì cả nước cũng sốc và bàng hoàng về việc 114 thí sinh với 330 bài thi đã được ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang nâng điểm.
Không ít thí sinh được tặng thêm 20 điểm; cá biệt có em được tăng đến 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Dư luận thật sự hoang mang bởi cách đó mấy ngày, trong cuộc họp báo thông tin về kỳ thi THPTQG 2018, Bộ vẫn khẳng định: "Kỳ thi THPTQG 2018 diễn ra nhẹ nhàng và thành công tốt đẹp. Không có cán bộ vi phạm kỷ luật, số lượng thí sinh vi phạm quy chế rất ít. Kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn và đúng quy chế".
Trong khi các trường đại học trên cả nước đang tiến hành công tác tuyển sinh thì các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đang tiếp tục kêu gọi các thí sinh tiếp tục tố cáo gian lận và nghi vấn về tiêu cực điểm thi tại các địa phương.
Vụ việc có thể chưa dừng lại tại Hà Giang khi ngày 18/7/2018, Bộ GD-ĐT tiếp tục ban hành quyết định thanh tra điểm thi cao bất thường tại Lạng Sơn và Sơn La.
Chuyện gian lận điểm thi tại Hà Giang và có thể ở cả Sơn La, Lạng Sơn đã, đang và sẽ còn gây rất nhiều tổn thương tâm lý đến toàn xã hội. Ai giúp chúng ta lấy lại niềm tin vào giáo dục, niềm tin vào lẽ phải? Ai sẽ là người bù đắp những tổn thương tâm lý cho mấy chục triệu học sinh sinh viên? Ai bù đắp những tổn thương mất mát cho những thầy cô ngày đêm tận tụy trên bục giảng?
Làm sao có thể lấy lại niềm tin đã mất của ngành giáo dục, vào những kỳ thi được đánh giá là nghiêm túc, công bằng nhất... Và kỳ thi THPT Quốc gia 2019 phải làm gì để vực dậy niềm tin?
Còn rất nhiều nỗi lo
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các tiêu cực có thể xảy ra cho kỳ thi THPTQG 2019, thầy Lê Phạm Thành, giáo viên giảng dạy môn Hóa học cũng đã chia sẻ thật lòng với chúng tôi một số thông tin hữu ích.
Tất cả những vấn đề này, có những vấn đề thuộc phạm vi của bộ, cũng có vấn đề nằm ngoài chủ quan của bộ. Hy vọng Bộ GD-ĐT thật sự cầu thị, lắng nghe và rút kinh nghiệm để lấy lại niềm tin cho hàng triệu thí sinh, phụ huynh.
Đầu tiên, kỳ thi hiện nay chưa thật sự công bằng? Có quá nhiều khâu có thể "can thiệp" bởi yếu tố con người:
Khâu ra đề: Trước khi thi, bộ đã công bố đề tham khảo với mục đích giúp giáo viên và học sinh định hướng việc ôn thi.
Tuy nhiên, đề thi năm nay khiến mọi người ngã ngửa vì quá khó! Khó và lạ đến mức hầu hết học sinh đều nói “đừng bao giờ tin đề tham khảo của Bộ…”.
Bên cạnh đó, đề thi còn có những kiến thức chưa thực sự chuẩn, quá khó, quá nặng về tính toán, dẫn đến hầu hết thí sinh không thể hoàn thành bài thi trong thời gian quy định. Khi đó, thay vì “làm bài” thí sinh sẽ chọn phương án “khoanh bừa” khiến tính phân loại của kỳ thi trở nên ít tin cậy hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà dư luận cho rằng, kỳ thi năm nay chủ yếu dùng để “phân loại mức độ may mắn của thí sinh !”.
Ngoài ra, với cách xây dựng đề thi như hiện nay (4 mã đề gốc, mỗi mã đảo thành 6 phiên bản khác thứ tự câu và đáp án) làm cho độ khó giữa các mã đề chưa thực sự tương đương. Vẫn có hiện tượng mã đề này dễ hơn, mã đề khác khó hơn…
Đó là chưa nói đến việc thông tin một số người "biết trước cấu trúc" thậm chí "nội dung đề", "phím" trước cho học sinh của mình, gây mất công bằng ngay từ khâu ôn luyện... Năm nào cũng có những thông tin xì xào, thậm chí có người còn mạnh miệng tuyên bố mình là người “ra đề” để lôi kéo học sinh?
Video: Làm rõ việc 2 thanh tra vắng mặt trong buổi quét bài thi ở Hà Giang
Khâu trông thi: Câu hỏi đặt ra là có địa phương nào lại muốn coi thi "chặt thật sự" khi những thí sinh đang ngồi dưới kia lại chính là con em địa phương mình? Kết quả thi phản ánh chất lượng giáo dục của tỉnh, ảnh hưởng đến thành tích thi đua?
Qua dư luận, thầy Lê Phạm Thành cũng cho biết một số thông tin như sau: Trộn học sinh giỏi với học sinh yếu kém để “cứu nhau” khi làm bài; Đánh số báo danh và phát đề không đúng quy trình nhằm cố tình xếp học sinh ngồi theo đúng ý muốn, thậm chí có cùng một đề (cùng nội dung đề, chỉ khác thứ tự) để học sinh hỗ trợ nhau; Trông thi không chặt, cố tình làm ngơ để học sinh trao đổi bài, thậm chí là đưa đáp án cho nhau chép…
Khâu chấm bài: Hiện ở hầu hết các môn, học sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm, tô bằng bút chì, nên việc tẩy xóa, can thiệp sau thi hoàn toàn có thể xảy ra nếu quy trình giám sát không chặt.
Vụ việc ở Hà Giang là một minh chứng sống cho khâu này. Ngoài ra, bài tự luận bị ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố con người, đặc biệt là tâm trạng của người chấm, nên chuyện chấm chặt – chấm lỏng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Chưa kể, quy trình chấm không được tuân thủ nghiêm túc (có dư luận cho biết, quy định của Bộ là chấm 3 vòng độc lập, nhưng thường chỉ có một người chấm, người còn lại chỉ việc ký và … nhận tiền!).
Chúng tôi cũng đã đặt câu hỏi, tính phân hóa của kỳ thi THPT Quốc gia thời gian qua có thực sự đảm bảo, có đáp ứng được việc vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH?
Thầy Lê Phạm Thành thẳng thắn thừa nhận, sau kỳ thi vừa rồi, rất nhiều giáo viên và chuyên gia cho rằng “đề khó là tốt” vì “giúp phân hóa thí sinh”, tuy nhiên tôi và rất nhiều đồng nghiệp trên cả nước lại không nghĩ như vậy. Thử nhìn lại chất lượng đề thi của 2 năm gần đây:
Năm 2017: Đề thi quá dễ nên chủ yếu "phân hóa mức độ cẩn thận khi làm bài".
Năm 2018: Đề thi quá khó, nên kích thích các thí sinh khoanh bừa, chủ yếu "phân hóa mức độ ... may mắn" !
Theo tôi, năm 2017 và cả 2018 này, rất nhiều học sinh giỏi sẽ bị "trượt oan" vào các trường tốp trên, trong khi nhiều bạn khác có học lực khá lại "đỗ oan" nhờ lụi hên xui. Lý do là số câu hỏi ít, thời gian làm bài ít, lại thực hiện cho 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, dẫn đến áp lực cho người ra đề. Độ phân hóa của đề thi đã thực sự không tốt do các nguyên nhân trên!
Video: Toàn cảnh sai phạm chấm thi chấn động ở Hà Giang
Một số kiến nghị
Kỳ thi THPT Quốc gia 2017, cả nước sốc vì cơn mưa điểm 10. Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 cả nước sốc vì vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang. Ngẫm lại, không ai dám chắc là kỳ thi THPT Quốc gia 2017 không có những tiêu cực qua một vài kẽ hở trong kỳ thi THPT mà bộ cần phải chấn chỉnh và rút kinh nghiệm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sắp tới.
Thứ nhất, quy định phân bố cán bộ các trường đại học trung ương về địa phương coi thi. Bộ cần kiểm soát chặt chẽ tình trạng này, rà soát tất cả các điểm thi xem việc phân bố đúng tỷ lệ chưa, tránh tình trạng có những hội đồng thi chỉ toàn là giáo viên THPT địa phương.
Bộ GD-ĐT cần tăng cường kiểm soát việc các địa phương sắp xếp bố trí các thí sinh thi tại các địa điểm thi như thế nào. Nên sắp xếp thí sinh cùng một cụm theo thứ tự chữ cái. Hạn chế đến mức thấp nhất các học sinh cùng lớp, cùng trường ngồi chung một phòng thi.
Thứ hai, phải kiểm tra chặt chẽ sơ đồ đánh số báo danh và phát đề, tránh tình trạng các địa phương qua mắt bộ và làm theo chủ đích của mình. Yêu cầu các địa phương nộp sơ đồ đánh số báo danh, sơ đồ thi về bộ sau kỳ thi.
Thứ ba, với các môn thi thành phần trong môn KHTN (gồm Vật lý, Toán học, Hóa học) hoặc môn KHXH (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), cần có phiếu trắc nghiệm riêng cho mỗi môn thi thành phần ở mỗi môn thi tổ hợp. Hiện nay, cả sáu môn thành phần trong cả 2 môn tổ hợp có 6 đề riêng nhưng phiếu đánh trắc nghiệm mỗi môn tổ hợp một phiếu nên khi thi, bài thi tổ hợp đã lộ ra các kẽ hở chết người:
Khi hết thời gian làm bài thi môn thành phần thi trước, cán bộ coi thi thu đề thi lại, nhưng đề thi không được quản lý chặt chẽ như bài thi; Cần niêm phong đề thi như túi đựng bài thi. Nếu không thì đây có thể một là kẽ hở rất lớn phát sinh tiêu cực. Sẽ có thể xuất hiện nhóm người làm bài thi hộ từ những cái đề thi đã thu về, nguy hiểm hơn nếu nhóm người làm bài thi hộ có thể là lãnh đạo, cán bộ điểm thi.
Thí sinh gian lận viết câu khó ra mặt sau của phiếu trả lời trắc nghiệm, làm lan sang thời gian của môn thi thành phần sau (vì môn thi sau thí sinh này chỉ thi với mục đích để xét tốt nghiệp), sau đó trong thời gian làm bài thi tiếp theo, thí sinh xem lại và tô tiếp đáp án, xóa đề bài viết bằng bút chì sau phiếu trắc nghiệm trước khi nộp phiếu trả lời trắc nghiệm cho giám thị phòng thi.
Thứ 4, nên chăng điều chỉnh cấu trúc đề thi cho hợp lý hơn: Thay vì thi 40 câu trắc nghiệm, đa phần nặng tính toán và thiếu tính thực tế, có thể tăng số lượng câu hỏi lên 100 câu, là những câu hỏi ngắn hoặc cực ngắn, ít tính toán nhưng chứa hàm lượng kiến thức nhiều hơn? Mỗi môn thi thành phần thuộc tổ hợp môn KHTN hoặc KHXH nên dành một buổi. Bổ sung phương án “phạt” bằng cách trừ điểm câu làm sai, câu sai có thể trừ 1/4 số điểm của câu đúng nhằm hạn chế vấn đề “khoanh bừa”.
Thứ 5, Bộ GD-ĐT cần sớm công khai các điều chỉnh nhỏ của kỳ thi THPT quốc gia 2019 sớm. Đồng thời cũng công bố lộ trình thi cử cho 4-5 năm tới, cân nhắc điều chỉnh phương thức tổ chức thi đảm bảo “công bằng” và “khách quan” hơn, như: Tổ chức thi trên máy tính; bỏ thi tốt nghiệp, chỉ tổ chức kỳ thi ĐH; Trả kỳ thi tuyển sinh ĐH về các trường tự tổ chức.
Hi vọng Bộ GD-ĐT sẽ nghiêm túc đánh giá, kiểm điểm mọi khâu và có sự điều chỉnh hợp lý, công bố những điều chỉnh nhỏ sớm nhất để kỳ thi THPT QG từ 2019 trở đi thực sự nghiêm túc, công bằng, phân hóa, trả lại niềm tin cho nhân dân và chọn được những nhân tài thực sự cho đất nước!
Bình luận