Hơn 330 bài của 114 thí sinh được "phù phép" bằng cách tải toàn bộ những đáp án thi THPT quốc gia về máy và sau đó chuyển sang phần mềm Ecxel, lưu ở trong máy. Trong quá trình quét xử lý trắc nghiệm, sau khi quét được file ảnh để chuyển sang file Excel, ông Lương ở Hà Giang sao chép đáp án dán vào file text.
Còn ở Sơn La, theo thông tin từ tổ rà soát của Bộ GD-ĐT, 1 trong 6 sai phạm của vụ việc là sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi, chưa biết đem đi đâu và ai cho phép.
Video: Kỹ sư điện hiến kế chống gian lận thi cử
Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD- ĐT, cho rằng có hai kẻ hở nguy hiểm có thể dẫn tới gian lận trong thi trắc nghiệm.
Đầu tiên, nếu thi tự luận, trước khi chấm, bài thi được cắt phách, không biết của thí sinh nào. Nếu cẩn thận hơn dồn túi 2 lần thì "thánh" cũng không biết được bài của ai thì thi trắc nghiệm không như vậy.
"Phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách. Bất kỳ ai cũng có thể biết phiếu trả lời này là của ai và tìm ra phiếu của 1 thí sinh A, B, C nào đấy. Đây là một lỗ hổng mà tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi còn công tác. Cái phiếu đó và quy trình chấm hiện nay rất thích hợp cho việc 1 trường ĐH tổ chức thi vì họ không dính đến con cháu nào cả, cếu có cũng hãn hữu. Còn thi tại địa phương thì quy trình thì phiếu này là không phù hợp, nhất là khâu chấm, kiểm dò", ông Ngọc cho biết.
Lỗ hổng thứ hai theo ông Ngọc là việc chấm thi THPT quốc gia được thực hiện tại địa phương. "Tôi đảm bảo những người chấm là người địa phương như ông Lương sẽ bị áp lực rất lớn, bởi ở khía cạnh nào đấy họ có nhiều mối quan hệ. Chẳng lẽ khi được nhờ vả lại không làm. Người cùng địa phương là làm tại địa phương kiểu gì cũng có những mối quan hệ riêng tư", ông Ngọc cho hay.
Theo ông Ngọc, minh chứng này đã thể hiện rõ. Khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Giang trả lời không biết, nhưng khi sự việc phơi bày, nhiều thí sinh được "phù phép" bài thi là con ông cháu cha, con của cán bộ.
"Máy móc, quy trình có chặt chẽ như thế nào nhưng con người có mục đích thì cũng dẫn tới sai phạm. Nếu nói "con người" thì động chạm tới không tin tưởng cán bộ, vì vậy để khách quan hãy đem bài thi về một trường đại học chấm cho đỡ tiêu cực", ông Ngọc đề xuất.
XEM TOÀN BỘ VỤ VIỆC TẠI ĐÂY
Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng một Sở GD-ĐT phía Nam, cho biết có một "lỗ hổng" rất lớn nằm thanh tra cử tới. Mỗi cụm thi có 2 giảng viên đại học vào cắm chốt nhưng có những người nhận quyết định thanh tra và chỉ biết đi đến địa điểm.
"Đúng ra, phải tập huấn nghiệp vụ cho các thanh tra, để họ biết phải làm những việc gì, biết nhiệm vụ cụ thể của mình như thế nào. Nhưng đội ngũ này không được tập huấn nghiệp vụ, đây là yếu tố cơ bản dẫn tới hiệu quả thanh tra không rõ", ông cho hay.
Trưởng phòng khảo thí này kể thêm: "Ở cụm thi của chúng tôi có 2 thanh tra là giảng viên của trường ĐH tới. Chúng tôi tạo điều kiện cho họ làm việc, nhưng họ không biết làm gì. Vì vậy có thanh tra Bộ cũng như không. Còn chúng tôi đã tập huấn trước đó (buổi tập huấn dành cho các Sở và đại diện các trường đại học), lực lượng PA 83 đã tập huấn chuyên nghiệp nên làm việc hiệu quả. Thanh tra Bộ chỉ đóng vai trò cho đủ".
Theo ông, đây là lý do dẫn tới hai cán bộ thanh tra của Trường ĐH Tân Trào nghỉ việc khi thanh tra chấm thi ở Hà Giang. "Tôi không biết hai cán bộ này là ai, nhưng Bộ yêu cầu xử lý nghiêm thì cũng phải nhìn nhận lại khuyết điểm của mình", ông nói.
Ông Huy (đã được đổi tên), cán bộ tuyển sinh lâu năm ở một trường đại học cho biết, có những lỗ hổng có thể bị can thiệp, nếu người thực hiện cố ý, đồng thời quy trình không được giám sát chặt chẽ.
"Thứ nhất, việc không dồn túi bài thi nên dễ dàng biết được thí sinh cần quan tâm ở điểm thi nào, dẫn tới túi bài thi nào để can thiệp, có thể sẽ tô lại trước khi quét do có thông đồng với nhau. Thứ hai, ở khâu lưu trữ dữ liệu, dữ liệu gửi về Bộ là dạng text, không phải file ảnh scan nên cán bộ chấm thi hoàn toàn can thiệp vào file text để sửa đáp án.
Ngay khâu lưu trữ trong đĩa cứng, nếu cố ý thì người chấm thi cũng lấy phiếu trắc nghiệm (dù có chữ ký) làm lại, sau đó scan và lưu sẵn trong ổ cứng của đĩa. Như vậy, chỉ cần chép vô thay thế sau khi scan bài trong túi niêm phong là xong ", ông Huy cho hay.
Theo ông, nếu phương án tô lại đáp án thì thư ký, bảo vệ và ban chấm bỏ qua các quy trình kiểm tra chéo. Còn phương án sửa ở dạng text thì ban chấm, thanh tra, an ninh bỏ qua quy trình. Phương án thay thế file thì khi lôi bài ra kiểm tra mới phát hiện và cán bộ chấm, cán bộ coi thi và giám sát thông đồng sẽ bỏ qua.
Về phần mềm chấm thi, ông Huy phân tích, việc ghép đáp án ra điểm không có vấn đề, nhưng việc scan chuyển từ file ảnh thành file text để chấm rất dễ can thiệp. Mặt khác, việc sửa lỗi bài thi trong quy trình cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới sửa bài thi.
Đối với công tác thanh tra, ông cho rằng thanh tra chỉ giám sát, kiểm tra xem thùng bài còn nguyên hay không, túi bài nguyên hay không trước khi scan phiếu trắc nghiêm. Thanh tra cũng không cho đem bài thi ra khỏi khu vực chấm thi, niêm phong túi bài thi đã scan phiếu chấm, theo sát từng công đoạn chấm, kể cả mở máy tính. Nhưng những hoạt động này chỉ nhìn bên ngoài chứ không thao tác trực tiếp trên máy tính nên không khó bị cán bộ chấm thi có kỹ năng "qua mặt".
"Thật ra thì địa phương không thích thanh tra của Bộ lắm. Nếu cố ý họ sẽ cô lập vì có ai ưa thanh tra đâu. Sở nào tốt thì cho thanh tra vào ngồi làm nhiệm vụ. Sở nào ghét thanh tra thì kệ", ông Huy nói.
Ông Huy đề xuất: "Để không xảy ra tình trạng như Hà Giang, có thể tập trung bài thi theo khu vực và cử một nhóm trường đại học đến để chấm. Chấm trắc nghiệm rất nhanh, cán bộ đại học chẳng có lý gì để sai phạm. Còn chấm tự luận thì áp dụng tương tự ở khâu làm phách sau đó giao bài về Sở chấm và nhập điểm. Dữ liệu điểm tập trung ở Bộ và sau đó gửi về địa phương".
Video: Công bố điểm thật của 42 thí sinh sau khi chấm thẩm định
Bình luận