Thông tin này được công bố trong báo cáo mới đây của Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI). Alex Joske, tác giả báo cáo và là nhà nghiên cứu của ASPI cho rằng chính phủ các nước phương Tây và các trường đại học thiếu thận trọng khi đang phải đối mặt với chiến dịch cài cắm các nhà khoa học dưới danh nghĩa du học sinh của quân đội Trung Quốc.
"Tôi chưa từng thấy bất cứ trường đại học nào thừa nhận rủi ro này. Họ không thực sự thực hiện các bước để công khai phân biệt hợp tác có lợi với Trung Quốc và hợp tác với quân đội Trung Quốc", ông này phân tích.
Kể từ năm 2005, hơn 2.500 nhà khoa học và các kỹ sư quân sự Trung Quốc có liên hệ với quân đội nước này đã tới làm việc ở Anh, Mỹ, Australia.
"Các nhà khoa học làm việc trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược và mới nổi như vật lý lượng tử, xử lý tín hiệu, mật mã, công nghệ định vị và phương tiện tự điều khiển", báo cáo cho biết.
Tờ PLA Daily của Trung Quốc từng miêu tả việc nhiều học giả trong nước được đi học và nghiên cứu ở nước ngoài là "hái hoa ở nước ngoài để về làm mật ở Trung Quốc".
Theo báo cáo của ASPI, các "du học sinh" này được che giấu thân phận tới từ các cơ quan nghiên cứu quân sự tại Trung Quốc và trong hồ sơ cho thấy có quan hệ với các trường đại học dân sự, viện nghiên cứu ở Trung Quốc, một số trong đó thậm chí còn không tồn tại.
Ông Joske mô tả phương thức mới này của Bắc Kinh là một sự tấn công quân sự học thuật giúp Bắc Kinh lấy được thông tin về các vũ khí nhạy cảm và nghiên cứu truyền thông từ nước ngoài như một cách làm tổn hại tới lợi ích chiến lược của phương Tây.
"Gần như tất các nhà khoa học quân sự được quân đội gửi ra nước ngoài đều là thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ thường về nước đúng hạn thay vì nán lại ở quốc gia du học", báo cáo cho hay.
Năm 2015, một tờ báo khoa học của Trung Quốc viết về một dự án hợp tác giữa Đại học Quốc gia về Công nghệ Quốc phòng của quân đội Trung Quốc và Đại học Cambridge. Bài viết cho biết cái bắt tay giữa 2 trường đại học đã tạo ra thế hệ siêu chuyên gia máy tính tiếp theo cho Trung Quốc và cuối cùng “tăng cường sức mạnh quốc gia trong các lĩnh vực quốc phòng, truyền thông, chống gây nhiễu cho hình ảnh và điều hướng chính xác cao”.
Bình luận