Theo dữ liệu năm 2014 của World Bank, chi phí để duy trì một thuê bao di động tại Việt Nam là 4,53 USD/tháng. Theo xếp hạng, Việt Nam là nước có giá cước viễn thông rẻ thứ 18 trên thế giới, chỉ xếp sau nhiều quốc gia Nam Á và châu Phi.
Năm 2014 cũng là khoảng thời gian các nhà mạng lớn mới chuyển từ mức khuyến mại 100% cho thuê bao trả trước về mức 50%, còn các nhà mạng nhỏ đưa ra những chương trình ưu đãi về giá để cạnh tranh, khỏa lấp điểm yếu hạ tầng.
Tháng 3 năm 2018, người dùng liên tiếp đón nhận những thông tin siết chặt việc khuyến mại cước, khuyến mại data và nhiều khả năng con số 4,53 USD/tháng để duy trì thuê bao di động mà World Bank đánh giá năm 2014 sẽ tăng lên đáng kể trong năm 2018.
Siết khuyến mãi trả trước về 20%
Theo Thông tư số 47 ngày 29/12/2017 của Bộ TTTT về quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, từ 1/3, các thuê bao di động trả trước chỉ nhận mức khuyến mãi tối đa 20%. Thuê bao trả sau được áp dụng mức tối đa 50%.
Bộ khẳng định Thông tư 47 được ban hành với tinh thần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ di động, đảm bảo an toàn, an ninh xã hội cũng như để đảm bảo quyền lợi và thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau, hạn chế cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Nhiều năm trở lại đây, loại hình thuê bao trả trước nhận được nhiều ưu đãi từ nhà mạng, dẫn tới phát sinh tình trạng SIM rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác. Ngược lại, các thuê bao trả sau lại "chịu nhiều thua thiệt", dù điều kiện ràng buộc phức tạp hơn và sử dụng trong thời gian dài.
Tuy nhiên, người dùng di động lại đón nhận thông tin trên với nhiều sự tiếc nuối. Anh Văn Khoa (Hoàng Mai, Hà Nội), chủ một thuê bao MobiFone, chia sẻ bức xúc về việc dường như người dùng đang bị bắt ép chuyển sang thuê bao trả sau, dù loại thuê bao này đi kèm nhiều rắc rối.
"Thuê bao trả sau từ lâu cước cao hơn thuê bao trả trước, lại phải đăng ký rườm rà, trả cước phức tạp hơn, không dễ dàng kiểm soát được lượng cước sử dụng tối đa cũng như không linh hoạt như thuê bao trả trước. Tôi nghĩ cần cho người dùng quyền được lựa chọn, thay vì sử dụng chính sách để ép buộc", anh Khoa chia sẻ.
Giống như anh Khoa, phần đông người dùng di động chưa sẵn sàng để chuyển sang sử dụng thuê bao trả sau. Con số rõ ràng nhất để chứng minh điều này là trong ngày 28/2, ngày cuối cùng các nhà mạng khuyến mãi 50% giá trị thẻ nạp cho thuê bao trả trước, các nhà mạng đều ghi nhận doanh số tăng vượt trội.
Vinaphone công bố doanh thu tăng gấp 4 lần các ngày khuyến mại khác, dù nhà mạng này chỉ khuyến mại 50% cho một lượng thuê bao nhất định. MobiFone cũng cho hay đã có tổng cộng 10 triệu lượt khách hàng của nhà mạng nạp thẻ, doanh thu tăng gấp 20 lần ngày bình thường và gấp 3 lần ngày khuyến mãi 50% giá trị nạp thẻ trước đây.
Hệ thống phân phối thẻ nạp của Viettel cũng đón nhận lượng thẻ nạp tăng đột biến, dẫn tới nhiều thời điểm trong ngày xảy ra tình trạng quá tải, phải tăng tải để phục vụ nhu cầu nạp thẻ chiều và tối ngày 28/2.
SIM rẻ bị yêu cầu dừng bán
Ngày 7/3, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) có văn bản gửi Công ty Cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile, yêu cầu dừng triển khai bộ hòa mạng thuê bao trả trước Thánh SIM, vì có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về quản lý giá cước viễn thông.
Đây là loại thuê bao gây được hiệu ứng xã hội tốt từ một nhà mạng được xem là "nhỏ con" tại thị trường viễn thông Việt. Vietnamobile lựa chọn chiến lược cạnh tranh về giá bằng bộ hòa mạng Thánh SIM. Tuy nhiên, hiện giá cước của Thánh SIM đang bị cơ quan chức năng cho là có dấu hiệu vi phạm các quy định về giá cước.
Giá bán lẻ một bộ hòa mạng Thánh SIM chỉ 40.000 đồng. Khách hàng mua và sử dụng được ngay 4GB data 3G tốc độ cao mỗi ngày, tổng dung lượng data tốc độ cao chu kỳ 30 ngày là 120GB.
Để duy trì ưu đãi trên, người dùng chỉ cần nạp tiền vào tài khoản tối thiểu 20.000 đồng. Với mức nạp càng cao, ưu đãi về data sẽ càng lớn. Bên cạnh đó, cước nghe gọi của gói này chỉ là 680 đồng/phút cho cả nội mạng và ngoại mạng, thấp nhất trên thị trường hiện nay.
Các gói 3G phổ biến nhất của Viettel, MobiFone hay Vinaphone hiện có mức giá khoảng 70.000 đồng cho 600-700 MB dung lượng tốc độ cao trong một tháng. Đồng nghĩa giá data của Thánh SIM rẻ gấp khoảng 1.000 lần các gói 3G trên.
Chia sẻ với báo chí, bà Elizabete Fong, Tổng giám đốc của Vietnamobile, cho rằng nhà mạng đã "đầu tư mạng 3G phủ sóng toàn quốc. Sau đó, Vietnamobile thực hiện thăm dò ý kiến khách hàng và kết quả khách hàng trả lời cần sử dụng dịch vụ dữ liệu như cuộc sống của họ.
"Vì vậy chúng tôi đưa ra gói cước này. Ở Việt Nam tỷ lệ dùng dữ liệu vẫn còn rất thấp. Vietnamobile muốn đẩy tỷ lệ người dùng dữ liệu lên bằng gói cước Thánh SIM", Tổng giám đốc của Vietnamobile nói.
Video: Dừng khuyến mại 50% thẻ nạp cho thuê bao di động trả trước, người dân nói gì?
Bà cũng khẳng định không có chuyện nhà mạng đang bán lỗ để phá giá. Bà Fong chia sẻ nhà mạng "muốn có cạnh tranh công bằng và muốn dịch vụ khác biệt hơn các nhà mạng khác tại Việt Nam. Chúng tôi không thể nào làm hết mọi thứ mà không liên quan đến hiệu quả. Chúng tôi đã tính toán để có hiệu quả nhất có thể".
Vietnamobile sẽ phải báo cáo về Bộ TT&TT trước ngày 13/3 về các dữ liệu kinh doanh liên quan đến bộ hòa mạng Thánh SIM. Trước khi có quyết định của cơ quan chức năng, bộ hòa mạng này sẽ bị yêu cầu dừng bán. Chỉ trong 1 tháng đầu ra mắt, Vietnamobile khẳng định đã bán được 1 triệu bộ hòa mạng Thánh SIM.
Nhà mạng Vietnamobile vừa nhận công văn của Bộ TT&TT yêu cầu dừng triển khai bộ hòa mạng thuê bao trả trước Thánh SIM, do vi phạm quy định về quản lý giá viễn thông.
Bình luận