Giảm hơn 4 nghìn công chức năm 2016: Nỗ lực rất lớn của chính phủ

Thời sựThứ Hai, 21/12/2015 06:00:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực tinh giản biên chế của chính phủ.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực tinh giản biên chế của chính phủ.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016.

Theo đó, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2016 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã) là 272.916 biên chế.
Chính phủ đang rất nỗ lực trong việc tinh giản biên chế.

Như vậy, so với năm 2015, năm 2016 giảm 4.139 biên chế của các bộ, ngành và địa phương. Đây là một trong những quyết định cho thấy quyết tâm thực hiện tinh giản biên chế của Chính phủ. Được biết, theo chủ trương, từ nay tới năm 2021, bộ máy Nhà nước có thể sẽ giảm cả trăm nghìn chỉ tiêu biên chế.

Trong khi đó, theo Bộ Nội vụ, tính đến ngày 30/11/2015, đã có 14 Bộ, ngành, 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tinh giản biên chế năm 2015 và 1 Bộ, ngành, 13 tỉnh, thành phố đề nghị giải quyết tinh giản biên chế đợt I năm 2016 với số đối tượng tinh giản là 5.433 người.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn một số đại biểu Quốc hội.

Chính phủ đã nỗ lực rất lớn


Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện tinh giản biên chế công chức.

“Trước hết, tôi hoan nghênh việc Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt biên chế công chức năm 2016 giảm 4.139 biên chế so với năm 2015. Điều này cho thấy, Chính phủ đang thực hiện theo đúng lộ trình, tiến độ về việc tinh giản biên chế đã cam kết trước Quốc hội.

Qua theo dõi thì tôi được biết trong năm 2015, một số cơ quan đã giảm biên chế. Năm 2016 nếu giảm được như vậy là rất tốt. Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Chính phủ,” bà Bùi Thị An nói.

Nói về những tác động tích cực của việc cắt giảm biên chế công chức, bà An cho biết, thời gian vừa qua, chúng ta đã nói rất nhiều về tình trạng bộ máy cồng kềnh, rất nhiều công chức không làm được việc, không có tác dụng trong bộ máy nhà nước nhưng Nhà nước vẫn phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để trả lương cho nhóm công chức này.

Điều này dẫn đến tình trạng không khuyến khích được người có năng lực thực sự phát huy hết khả năng để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chính vì thế, việc tinh giản biên chế là chủ trương đúng đắn.

“Nếu không tinh giản được biên chế thì không nâng cao được hiệu quả bộ máy. Không tinh giản thì không có tiền để tăng lương cho cán bộ, cái nọ sẽ dẫn tới cái kia và sẽ làm cho bộ máy hiệu lực kém đi, năng suất cũng không có, cuối cùng là làm mất lòng tin của nhân dân.

Nếu việc tinh giản biên chế được thực hiện thì đó là một mũi tên trúng nhiều đích. Giảm biên chế là giảm người không có năng xuất lao động, không có tác dụng trong bộ máy Nhà nước. Nếu Chính phủ đánh giá đúng, giảm đúng đối tượng như vậy thì sẽ được được cử tri hoan nghênh, nhân dân hoan nghênh, uy tín của Chính phủ sẽ được nâng lên,” bà An nói.

Đại biểu Bùi Thị An cũng lưu ý rằng, để việc tinh giản biên chế có hiệu quả thì Chính phủ cần phải công khai, minh bạch trong việc thực hiện. Bên cạnh đó, Quốc hội cùng với cử tri cũng cần phải giám sát chặt chẽ vấn đề này. Chúng ta cũng phải quy trách nhiệm cụ thể đối với những đơn vị không thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

Chính phủ đã quyết tâm mạnh mẽ

Đồng quan điểm với bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo nhận định, Chính phủ đang thực hiện ngày càng tốt hơn việc tinh giản biên chế.

“Hiện vấn đề cắt giảm biên chế đã có chủ trương, nghị quyết của Đảng. Quốc hội cũng đã trao đổi, thảo luận và Chính phủ cũng đã có báo cáo cụ thể về vấn đề này. Theo kế hoạch, từ nay tới năm 2020, mỗi năm phải giảm tối thiểu 10% biên chế công chức.

So với giai đoạn trước, hiện nay chúng ta đang thực hiện tốt hơn, quyết liệt hơn. Trước đây, quy định thì đã có, nhưng có thể do nể nang, do chưa cương quyết, quyết liệt trong việc đánh giá cán bộ. Tiêu chí đánh giá cán bộ cũng chưa rõ ràng nên việc thực hiện cũng khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay quy định đã rõ ràng. Đảng, Quốc hội cũng như Chính phủ đã quyết tâm thực hiện.

Chính vì thế, việc tinh giản bắt đầu được thực hiện và đã có những kết quả nhất định. Việc Chính phủ quyết định biên chế công chức năm 2016 giảm hơn 4 nghìn chỉ tiêu so với năm 2015 rõ ràng là thể hiện quyết tâm mạnh mẽ để giảm biên chế, sắp xếp lại lực lượng lao động khối công chức viên chức”, ông Thảo nói.

 
Việc Chính phủ quyết định biên chế công chức năm 2016 giảm hơn 4 nghìn chỉ tiêu so với năm 2015 rõ ràng là thể hiện quyết tâm mạnh mẽ để giảm biên chế, sắp xếp lại lực lượng lao động khối công chức viên chức.
Ông Đinh Xuân Thảo
 
Trước câu hỏi, nếu chúng ta giảm quá nhiều chỉ tiêu biên chế thì có thể dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ trong bộ máy Nhà nước hay không, ông Thảo cho biết:

“Cắt giảm không có nghĩa là tất cả các cơ quan tổ chức nào cũng thực hiện như nhau. Điều chỉnh chung là như thế, nhưng đi vào cụ thể thì những lĩnh vực nào cần thiết, chẳng hạn như lĩnh vực vực an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường thì vẫn phải tăng. Những cơ quan mới, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn thì vẫn phải đảm bảo số người để làm việc.

Chúng ta cũng căn cứ vào công việc cụ thể của từng cơ quan tổ chức mà cắt giảm, bổ sung phù hợp. Chẳng hạn, một cơ quan trước đây có 10 người, mỗi người làm 10 công việc khác nhau. Tuy nhiên, thực tế 10 công việc này chỉ cần 5 người có năng lực là có thể làm được hết. Như vậy, 5 người con lại phải chuyển công tác, hoặc nếu thiếu năng lực, không hoàn thành công việc theo quy định thì phải cho nghỉ.

Hơn nữa, cắt giảm biên chế ở đây là cắt giảm những vị trí không thực sự cần thiết, cắt giảm những công chức làm việc không có hiểu quả. Tức là, nếu cắt giảm vị trí này cũng không ảnh hưởng tới hoạt động chung của tổ chức.

Bên cạnh đó, tinh giản biên chế còn liên quan đến chỉ tiêu thay thế công chức đến tuổi nghỉ hưu. Nếu trước đây, cứ 2 người nghỉ hưu thì chúng ta lại tuyển vào 2 người. Tuy nhiên, hiện nay, cứ 2 người nghỉ hưu thì chỉ được tuyển thêm 1 mà thôi. Điều này sẽ làm giảm một số lượng đáng kể biên chế công chức.”

Trước ý kiến lo ngại về khả năng việc tinh giản biên chế chỉ là trên giấy tờ, ông Thảo nói: “Khi Chính phủ đã cho chỉ tiêu bao nhiêu thì có nghĩa là quỹ tiền lương là bấy nhiêu. Nếu không có chỉ tiêu biên chế thì rõ ràng anh không thể tuyển vào được. Nếu nhận ngoài chỉ tiêu biên chế mà cấp trên cho phép thì anh lấy gì mà trả lương. Đó là cơ quan hành chính, còn đối với các đơn vị sự nghiệp, khi họ có nguồn thuà cần nhân sự thì việc tuyển người vào lại là vấn đề khác.”

Về vấn đề làm sao để tránh được tình trạng nể nang mà một số công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” vẫn không bị đưa và diện tinh giản, ông Thảo bày tỏ quan điểm:

“Như tôi đã nói, hiện chúng ta đã có quy định rõ ràng, cụ thể. Trong Luật cán bộ công chức, viên chức cũng đã quy định rõ, hàng năm chúng ta cũng có nhận xét, phân loại công chức. Nếu một công chức mà 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì phải xem xét cho nghỉ.

Anh đã được là công chức viên chức thì phải đảm nhiệm những công việc cụ thể. Nếu anh không làm được thì anh phải nghỉ thôi. Chẳng hạn, đối với vị trí biên dịch, phiên dịch chẳng hạn thì một anh không biết ngoại ngữ thì không thể ngồi vào vị trí đó được.”

Video: Sắp tăng lương công chức vào tháng 5/2016

Hữu Lê
Bình luận
vtcnews.vn