• Zalo

Giám đốc Sở Văn hóa thừa nhận, 'của quý' trong lễ hội ở Lạng Sơn 'tả thực' quá

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 13/02/2017 19:31:00 +07:00Google News

Ông Nguyễn Phúc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn thừa nhận, "của quý" trong lễ hội ở Bắc Sơn được thực hiện thiếu mỹ quan.

Trước những chỉ trích dữ dội lễ vật cúng tiến gồm Tàng thinh (sinh thực khí nam) và Mặt nguyệt (sinh thực khí nữ) ở lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn dung tục, phản cảm; phóng viên VTC News có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phúc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn.

00

Nghi lễ rước Tàng thinh và Mặt nguyệt trong lễ hội Ná Nhèm

- Thưa ông, ông có thể cho biết sự ra đời của lễ hội Ná Nhèm?

Ná Nhèm (theo tiếng Tày có nghĩa là bôi mặt nhọ) là lễ hội truyền thống của làng Mỏ, xã Trấn Yên (Bắc Sơn - Lạng Sơn). Lễ hội này xuất hiện từ xa xưa, sau khoảng nửa thế kỷ thất truyền, được phục dựng vào năm 2012 và được tổ chức mỗi năm một lần vào đúng rằm tháng Giêng.

Lễ hội có nhiều hoạt động trong đó có việc rước các sản vật gồm những cây lương thực hoa màu như cây ngô, cây khoai, cây bông...Nhưng mọi người chú ý nhất vào màn rước mô hình Tàng thinh (sinh thực khí nam) và Mặt nguyệt (sinh thực khí nữ).

- Nhiều người cho rằng, màn rước mô hình Tàng thinh và Mặt nguyệt là "mượn" ý tưởng của một lễ hội rước sinh thực khí ở Nhật Bản. Ông nghĩ sao về ý kiến này?-

Tôi khẳng định, đây là hai hoạt động truyền thống của lễ hội và được dân làng phục dựng lại. Không hề có chuyện vay mượn ý tưởng từ các lễ hội khác.

 
1-1730

1-1730

Tàng thinh và Mặt nguyệt ở lễ hội Ná Nhèm tả thực quá.

Ông Nguyễn Phúc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn

- Nhiều người cho rằng, những hình ảnh rước Tàng thinh và Mặt nguyệt của lễ hội Ná Nhèm dung tục, phản cảm?

Tôi nghĩ, đó là do cách thể hiện các Tàng thinh (sinh thực khí nam) và Mặt nguyệt (sinh thực khí nữ) chưa được mỹ quan nên vấp phải ý kiến trái chiều từ phía công chúng.

Theo tôi được biết, ở một số bảo tàng tại Việt Nam có trưng bày ngoài trời sinh thực khí nam nhưng được làm cách điệu, công chúng dễ chấp nhận hơn.

Còn Tàng thinh và Mặt nguyệt ở lễ hội Ná Nhèm tả thực quá. Tuy vậy, ban tổ chức lễ hội cũng đã dùng một tấm voan mỏng để che Tàng thinh cho tế nhị hơn.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn có ý kiến thế nào về lễ hội Ná Nhèm vừa qua? 

Trong hội nghị bàn về việc tổ chức lễ hội trong toàn tỉnh, lãnh đạo Sở đã nhắc nhở các địa phương thực hiện đúng quy định của nhà nước về tổ chức lễ hội.

Với những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của công chúng, Sở và Ban tổ chức lễ hội ghi nhận và sẽ nỗ lực để lần tổ chức lễ hội sau được hoàn thiện hơn.

01-1724

  Tàng thinh được ban tổ chức choàng bằng một tấm voan mỏng nhưng nhiều người cố tình kéo ra để chụp ảnh

Phản cảm quá, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ cấm

Trong khi đó, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ với phóng viên VTC News, ông đang đi công tác nên chưa đọc báo và chưa nắm được thông tin lễ hội Ná Nhèm diễn ra như thế nào.

Tuy nhiên, ông cho biết, Bộ đã nhiều lần ra tay chấn chỉnh các lễ hội, và: "Những gì tốt đẹp, chúng ta nên duy trì, những lễ hội phản cảm ít, Bộ sẽ chấn chỉnh, còn phản cảm nhiều, Bộ sẽ cấm".

Ngày rằm tháng Giêng hàng năm, ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn diễn ra lễ hội Ná Nhèm. Lễ hội có nhiều hoạt động quan trọng, trong đó có nghi thức cung tiến lễ vật gồm Tàng thinh (sinh thực khí nam) và Mặt nguyệt (sinh thực khí nữ) để cầu mong con đàn cháu đống, sinh sôi nảy nở.

Năm 2016, Tàng thinh có kích thước dài hơn 1m, nặng hơn 1 tạ, sơn màu hồng rực rỡ, bị nhiều người nhận xét giống một lễ hội ở Nhật Bản. Năm nay Tàng thinh được thay mới, có kích thước nhỏ hơn và phủ tấm voan mỏng. Tuy vậy, những hình ảnh được chụp lại trong lễ hội vẫn vấp phải ý kiến chỉ trích dữ dội vì sự dung tục, phản cảm.

Video lễ hội rước "của quý" gây tranh cãi ở Lạng Sơn

Thu Giang
Bình luận
vtcnews.vn