13h30 ngày 3/3, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đi bộ ra trạm xe buýt trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa để đón xe buýt tuyến số 36 xuống trạm Bến Thành.
Từ đây, Giám đốc Sở tiếp tục đón tuyến số 39 (Võ Văn Kiệt - Bến xe Miền Tây) để đi họp tại Công ty Xe khách Sài Gòn.
Trên xe số 39, tiếp viên và tài xế không ai biết Giám đốc Sở GTVT đi tuyến xe buýt này. Ông cũng mua vé xe buýt 5.000đ như các hành khách khác và chứng kiến nhân viên xe buýt phục vụ hành khách khá niềm nở, tận tình.
Khi xuống trạm xe buýt Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), phía đường Võ Văn Kiệt, ông Cường phải đi xuống lòng đường vì không có lối đi cho người đi bộ.
Ngay lập tức, ông Cường gọi điện cho Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (đơn vị quản lý tuyến đường trên) yêu cầu bổ sung lối đi cho người đi bộ.
Do không có chỗ cho người đi bộ bắt xe buýt, hành khách phải đi xuống lòng đường hoặc dẫm lên thảm cỏ.
Giám đốc Sở cũng đề nghị bổ sung vạch sơn cho người đi bộ sang đường đón xe buýt được an toàn tại trạm xe buýt trên đường Hải Thượng Lãn Ông.
Tại cuộc họp với Công ty Xe khách Sài Gòn, Giám đốc Sở GTVT đã nghe ông Đoàn Minh Tâm, Giám đốc Công ty báo cáo về khó khăn trong đầu tư xe buýt CNG vì giá nhiên liệu tăng.
Theo ông Tâm, năm 2016 đơn vị đã thay mới 212 xe buýt chiếm hơn 50% tổng số xe buýt trên toàn tuyến.
Ông Tâm đề xuất TP.HCM cho phép trợ giá và đưa rước sinh viên như đã từng tổ chức phục vụ công nhân. Đồng thời cho phép một phương tiện được hoạt động được nhiều tuyến.
Sau khi nghe báo cáo của đơn vị, ông Cường đề nghị Công ty Xe khách Sài Gòn phấn đấu vận chuyển 70 triệu hành khách năm 2017.
"Việc cần làm tới đây là ứng dụng công nghệ thông tin để điều hành quản lý vận tải hiệu quả. Nhân viên xe buýt phải phục vụ khách tận tình, chu đáo. Tháng 6 năm nay, Công ty phải thay 153 xe buýt cũ còn lại. Bên cạnh đó, đơn vị phải rà soát, tăng cường các lối đi bộ hành khách tiếp cận các trạm dừng", ông Cường yêu cầu.
Video: Ma trận xe máy bủa vây xe buýt nhanh ngày đầu hoạt động
Bình luận