Trước khi nghỉ việc tại Yamaha Việt Nam, Hoàng Hà đã có 18 năm làm việc tại đây mà như anh chia sẻ: "Cả tuổi thanh xuân của mình là ở công ty này". Khi mới gia nhập Yamaha, gia đình ở Hà Nội nhưng Hà được cử vào Đà Nẵng khi doanh số của công ty chỉ đạt mức 20 xe/năm.
Vậy mà mục tiêu mà anh chàng bán hàng "mới toanh" cùng đồng đội tại Đà Nẵng là phải bán được 500 xe/tháng mới quay lại Hà Nội. Và chàng thanh niên Hà ngày đó cùng nhiều đồng nghiệp khác miệt mài gõ cửa nhà dân ở thành phố biển để giới thiệu về những điều tuyệt vời của Yamaha, giúp người Đà thành dần thay đổi suy nghĩ "xe máy nghĩa là Honda".
Phải hơn 3 năm sau, mục tiêu 500 xe /tháng mới trở thành hiện thực, và Hà trở thành một chiến binh thực thụ của Yamaha Việt Nam. Từ Đà Nẵng, Hà cùng "đồng bọn" đưa Yamaha mở rộng dần tầm ảnh hưởng ra toàn thị trường miền Trung – nơi trước đó chỉ biết đến xe máy Honda.
Thế nhưng, sau 18 năm làm việc tại đây, trải qua nhiều vị trí khác nhau, Hoàng Hà quyết định nghỉ việc tháng 9/2016 khi đang làm Giám đốc marketing và bán hàng của Yamaha Việt mam - một vị trí có quyền lực bậc nhất tại công ty xe máy số 2 Việt Nam. Trao đổi với chúng tôi, anh nói: "Mình muốn làm một cái gì đó riêng từ lâu lắm rồi nhưng không đủ dũng cảm và cơ hội cứ thế trôi đi. Còn lần này khi mình thấy cơ hội thì quyết định làm thôi".
Khởi nghiệp ở tuổi 45 lại ở một ngành chẳng liên quan gì đến lĩnh vực từng có kinh nghiệm hàng chục năm, Hà nói: "Nếu startup thì đừng quan tâm đến tuổi nữa mà quan tâm mình còn nhiều năng lượng không, còn nhiều nhiệt không bởi tất cả các ông đều xuất phát từ con số 0 hết!".
Trong thời gian làm việc tại Yamaha, Hoàng Hà tình cờ gặp người sáng lập Golden Trust (đơn vị duy nhất được Gong Cha Đài Loan cấp phép nhượng quyền thương hiệu độc quyền tại Việt Nam). Hà tìm thấy cơ hội với trà sữa – một lĩnh vực không liên quan gì đến ngành mà anh có kinh nghiệm nhiều năm. Và giám đốc sales & marketing của Yamaha Việt Nam đi tới một quyết định khá bất ngờ: nghỉ việc để khởi nghiệp với trà sữa.
Chưa hết, Hà cũng không chọn Hà Nội làm nơi bắt đầu mà là Đà Nẵng. Anh chia sẻ: "Mình ở Hà Nội nhưng có duyên với Đà Nẵng - đó cũng là nơi mình cảm thấy tự tin nhất với nhiều mối quan hệ tốt, hiểu thị trường để có thể bắt đầu những dự án riêng".
Anh cũng cho biết thêm: "Golden Trust có nhiều lựa chọn. Có những đối tác khác lớn hơn nhưng mình ở trong lĩnh vực sales & marketing hàng chục năm, hiểu cách nắm bắt nhu cầu của khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố nên có lợi thế. Nhưng quan trọng hơn là mình thể hiện được niềm đam mê, quyết tâm thực hiện cùng với việc chứng minh năng lực tài chính nên đã thuyết phục được họ".
Tháng 9/2016, Hà quyết định rời "cái nôi êm ái" Yamaha Việt Nam để trở thành "anh bán trà sữa Gong Cha" tại Đà Nẵng. Giải thích thêm về địa điểm chọn để khởi nghiệp, Hà nói: "Gong Cha Việt Nam có những quyết sách kinh doanh riêng của họ nên không lựa chọn BCI (Business Concept Innovation) để nhượng quyền tại Hà Nội, hay Tp. HCM còn ở Đà Nẵng và nhiều tỉnh khác thì thị trường trà sữa còn trống, chưa ai khai thác. Đà Nẵng là một thành phố du lịch, mức sống cũng cao và đang phát triển mạnh. Đó là một cơ hội lớn dù không dễ".
Nếu những "người anh em" Gong Cha tại Hà Nội và TPHCM có diện tích quán hẹp hoặc vừa (từ 50-70m2) thì cơ sở của Hoàng Hà tại Đà Nẵng khá rộng: 235m2. Những quán được xây dựng sau còn có diện tích rộng hơn nhiều - khoảng 400m2, cá biệt tại Huế lên tới 550m2.
Hà giải thích: "Mình muốn tạo không gian cho khách được ngồi, thưởng thức thay vì phải ‘take away’ và cũng có thời gian để phục vụ họ. Ở Hà Nội hay TPHCM cuộc sống tấp nập quá nên thời gian người ta ngồi chờ cũng không có hoặc không có không gian để chờ do chi phí mặt bằng quá đắt đỏ. Đây cũng là một trong những điểm khác biệt khi mình mở Gong Cha ở các tỉnh".
Cửa hàng đầu tiên ở Đà Nẵng là một thành công lớn với "cựu chiến binh" của Yamaha Việt Nam. Vào những ngày cao điểm cửa hàng Gong Cha Đà Nẵng đón tiếp cả ngàn lượt khách và luôn có một hàng người dài xếp hàng. Từ Đà Nẵng, Hà cùng các cộng sự đã mở thêm được 6 cửa hàng Gong Cha khác tại Hải Phòng, Huế, Vinh (Nghệ An), Hội An, Thanh Hóa và một quán nữa cũng tại Đà Nẵng sau không đầy 1 năm.
Giải thích việc mở rộng cửa hàng Gong Cha tại các tỉnh trong khi đây là loại trà sữa khá đắt đỏ (trung bình 40.000-50.000 đồng/cốc), Hà cho biết: "Nhu cầu về trà sữa đang phát triển mạnh và sẽ lan rất nhanh ra các tỉnh mà chưa ai thoả mãn điều đó. Nhu cầu của thị trường thì không phải nhìn và suy đoán được, mà phải có kinh nghiệm thực tế".
Riêng với "siêu cửa hàng" Gong Cha rộng 550 m2 tại Huế, Hà giải thích: "Đó là một thị trường rất lớn, ẩn dưới lớp áo trầm lặng". Anh bổ sung thêm: "Không thể áp dụng chung một chính sách bán hàng và marketing được mà phải tùy biến cụ thể cho từng địa điểm".
Khẳng định trà sữa giờ đây không chỉ là ăn theo trào lưu như trước mà đã trở thành một ngành kinh doanh bền vững, ông chủ quán Gong Cha này cho biết: "Ở Đài Loan, trà sữa là một thức uống mang tính văn hóa, ngành trà sữa ở Hàn Quốc có quy mô hàng trăm triệu USD mỗi năm… Đó không còn là một trào lưu nhất thời nữa".
Chỉ sau gần 2 năm khởi nghiệp, Công ty BCI do Hà làm chủ đã có những bước tăng trưởng nhảy vọt. Từ chỗ chỉ có 9 người (Hà và 8 anh em cùng nghỉ việc ở Yamaha Việt Nam), giờ đây BCI có hơn 200 người, và hoạt động ở địa bàn 6 tỉnh thành phố.
Chia sẻ về việc tăng trưởng và mở rộng rất nhanh, ông chủ của "Gongcha ở tỉnh" tiết lộ: toàn bộ cửa hàng ở Đà Nẵng được thiết kế, xây dựng từ một mảnh đất trống, xong toàn bộ chỉ mất 34 ngày (diện tích 235m2). "Siêu cửa hàng" Gong Cha tại Huế cũng chỉ mất hơn 50 ngày cho toàn bộ việc thiết kế, xây dựng, trang trí... Hoàng Hà tâm sự: "Khởi nghiệp mà cứ chạy chậm như đi làm thuê thì chết chắc!".
Xuất phát chỉ là chuỗi trà sữa Gong Cha, Hà cùng các cộng sự bắt đầu thử thêm nhà hàng bia có tên Kool Klub và bắt đầu cũng từ Đà Nẵng. Không giống với nhượng quyền thương hiệu của Gong Cha, việc mở Kool Klub hoàn toàn do Hà và cộng sự lên ý tưởng cho mô hình kinh doanh, thiết kế, quy trình…
"Bọn mình không chọn đoạn thị trường dành cho giới trẻ kiểu Vuvuzela (Hà Nội) hay Kingdom (Sài Gòn). Đó không phải là một beer club đến để xem nhảy nhót hay nghe nhạc ầm ĩ của giới trẻ mà dành cho dân kinh doanh đến đó giao lưu", Hà cho biết.
Thế nhưng, khi đi vào hoạt động, điều bất ngờ là Kool Klub lại thu hút khá nhiều khách du lịch châu Âu và Hàn quốc. "Có lẽ do họ thích phong cách thiết kế khác biệt của bọn mình và quán nằm trên đường Nguyễn Văn Linh – nơi sầm uất khách du lịch bậc nhất của Đà Nẵng", ông chủ của Công ty BCI chia sẻ.
Thiết kế của Kool Klub (Kool là biệt danh trước đây của Hà trên facebook) là các thùng container được sắp xếp thành những khối phòng khác nhau, trông khá lạ mắt.
Tâm sự về những ngày nghiên cứu, xây dựng Kool Klub, Hà nói: "Nhiều người cứ nghĩ là mấy anh em trước đây chỉ làm xe máy, giờ chuyển sang làm hàng ăn, trà sữa, ở một thị trường cạnh tranh rất khốc liệt thì làm sao mà tồn tại được? Nhưng mình thấy nếu đủ đam mê và đủ liều thì sẽ làm được". "Chiến binh" này bổ sung: "Trước đây, ở Yamaha Việt Nam, tôi luôn có cảm giác thừa năng lượng mà chưa dùng tới, bây giờ đúng là lúc dùng thoải mái (cười)".
Khởi nghiệp với chuỗi trà sữa Gong Cha và giờ đây có thêm Kool Klub, "tính ngang tàng có phần hơi kiêu của anh Hà giờ có vẻ mềm hơn trước nhiều", một người từng làm việc với Hà nhận xét. Nếu trước đây anh từng tự hào nói "tuyển được nhiều nhân viên trên sân bóng và bàn nhậu" (Hà rất mê bóng đá) thì giờ "đó là những người cộng sự phù hợp".
Video: 3 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt 2017
Bình luận