Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, GS.TS.BS Bùi Đức Phú đã chia sẻ nhiều tâm sự trong suốt cuộc đời hành nghề của ông.
Bác sĩ, nếu không làm việc 18 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần, thì cần xem lại chọn nghề có đúng không
- Bước chân vào nghề y từ rất lâu, dành trọn tâm huyết cho nghề, nhận hai kỉ lục trong phẫu thuật tim mạch, tôi có thể mạo muội hỏi Giáo sư, ngành y đối với ông đặc biệt như thế nào để ông nỗ lực cống hiến không ngừng nghỉ, không mệt mỏi như vậy?.
Với tôi, nghề y là một nghề rất đặc biệt vừa mang tính khoa học chính xác, vừa mang tính nghệ thuật. Chính vì hai điểm đặc điểm đó nên có một người thầy thuốc giỏi, một điều dưỡng giỏi... đó là sự tổng hợp của tài năng, giáo dục và kinh nghiệm.
Kinh nghiệm đó ngắn hay dài phụ thuộc vào môi trường, điều kiện làm việc. Có một vị tiền bối nói rằng: "Bác sĩ làm việc 18 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần, thật chăm chỉ và cần cù, nếu không làm được điều đó thì cần phải xem lại chọn nghề có đúng không".
Nghề y - người ta gọi nó là nghề, nhưng với tôi, nó không đơn thuần chỉ là nghề nghiệp thiết thân nữa. Mà ở đó còn có sự hạnh phúc trong công việc tôi làm.
Niềm hạnh phúc đó đến từ rất nhiều yếu tố, từ những lần vượt qua rào cản về vật chất, điều kiện thiếu thốn, vượt qua những khó khăn cá nhân,… để hoàn thành nhiệm vụ, mà không phải công việc nào cũng cho ta niềm hạnh phúc như vậy.
- Được biết, ông là chuyên gia hàng đầu Việt Nam về phẫu thuật tim mạch và ghép tạng, từng có 9 năm giữ cương vị Giám đốc Bệnh viện TW Huế. Trong nhiều năm làm nghề như vậy, có khi nào ông cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thất vọng hay không?
Nghề y là một nghề cao quý, nhưng nghề nào cũng vậy, đều có những buồn, vui trong nghề, không thể tránh được.
Niềm vui đến khi chính mình vượt qua được khó khăn, thách thức tìm ra cách cứu chữa cho bệnh nhân.
Niềm vui đến còn bởi vì, mình có thể tạo dựng được, cho những học trò của mình tiếp nối công việc, tiếp cận được nền y học thế giới trong điều kiện Việt Nam, đi hết cả chặng đường dài mình chọn, đến khi nghỉ rồi mà vẫn còn có thể làm được điều gì đó có ích cho người bệnh.
Niềm vui thì nhiều, song nỗi buồn cũng luôn thường trực, nhất là khi những ca điều trị của mình thất bại. Tôi không nhớ và cũng không cho rằng bác sĩ nên nhớ những trường hợp điều trị thành công. Tôi thường hay nhớ những lần mình điều trị thất bại nhiều hơn.
Sẽ có thất bại chứ, bác sĩ không phải thần thánh và mất mát nào của người bệnh cũng đều đáng tiếc. Dù cho trong thâm tâm tôi nghĩ, tôi biết năng lực của mình, tôi đã làm hết sức, hết khả năng rồi.
- Vì sao bác sĩ nhớ những lần mình điều trị thất bại? Cảm giác của ông khi đó như thế nào?
Bởi vì khi đó, những mất mát của người bệnh trở thành sự dằn vặt đối với người thầy thuốc. Khi thất bại, tôi luôn có cảm giác một cái gì đó không còn trọn vẹn.
Cảm giác dằn vặt đó trở lại nhiều lần, bởi sức khỏe tính mạng con người rất quý. Cái mà bác sĩ làm được đối với bệnh nhân là chuyện bình thường, nhưng những cái làm không được thì phải xem lại.
GS.TS.Bùi Đức Phú
Tôi luôn tự hỏi: "Có phải do sự hạn chế về năng lực mình không đủ, hay là do sai sót của mình, hay do điều kiện thực tế không cho phép, phải bất lực nhìn bệnh nhân trôi đi?".
Mặc dù tôi chưa bao giờ bị người nhà bệnh nhân phản đối, sỉ nhục hay chửi mắng nhưng lời cảm ơn của họ càng khiến tôi cảm thấy day dứt hơn.
Người nhà bệnh nhân họ rất thấu hiểu những gì mà các bác sĩ đã làm. Khi họ đặt bút ký đồng ý cho bác sĩ điều trị thì họ đã biết hết tất cả những tình huống có thể xảy ra rồi.
Đối với những trường hợp nặng, khó, phức tạp như thế, tôi đều có sự chuẩn bị, sự tiên liệu, tìm mọi cách để điều trị. Nhưng phạm vi, điều kiện y học nó chỉ có giới hạn mà thôi.
Rồi khi nhận sự cảm ơn của người nhà trong trường hợp mình không thành công, tôi còn thấm thía hơn nữa. Nhưng rồi đó cũng là động lực để vươn lên, làm gì đó, nỗ lực hơn nữa để vượt qua cái sự hữu hạn khiến tôi bất lực ấy.
Mừng nhất là sức khỏe người bệnh hồi phục
- Vậy khi đứng trước những ca phẫu thuật, ông lo lắng nhất điều gì?
Nỗi lo lắng lớn nhất chắc là khi người cho tạng đồng ý rồi, mọi thứ đều chuẩn bị xong, mọi bác sĩ, cán bộ có mặt hết ở đó, nhưng mà phản ứng đo chéo lại cho kết quả phần tạng hiến dương tính.
Mà phản ứng dương tính tức là không phù hợp. Kết quả phản ứng phải là âm tính thì mới có thể ghép tạng. Mỗi lần như vậy, mọi công sức của cả bệnh nhân, bác sĩ, người nhà bệnh nhân thực hiện bấy lâu đều đổ xuống sông xuống biển.
Dù cho thực hiện bao nhiêu ca phẫu thuật, làm việc bao nhiêu năm đi nữa, nỗi lo đó vẫn luôn thường trực.
Gần đây, rất nhiều bệnh nhân được Vinmec phẫu thuật miễn phí thông qua quỹ Thiện Tâm. Vinmec có trang thiết bị máy móc, điều kiện vật chất hiện đại, chỉ còn trở ngại tâm lý của người bác sĩ là chúng tôi cần phải vượt qua.
Video: Bác sĩ chuyên nhận tạng hiến bị mang tiếng 'buôn bán nội tạng'
Khi vượt qua rồi, người bác sĩ nắm chắc trong tay ca phẫu thuật thành công. Mừng nhất là sức khỏe của người bệnh hồi phục và tiến triển tốt, người nhà bệnh nhân được nhẹ lòng, bác sĩ cũng hoàn thành vai trò của mình, thế là đủ".
Cảm ơn GS.TS.BS Bùi Đức Phú về cuộc trò chuyện này!
GS.TS. Bùi Đức Phú sinh năm 1956, nguyên là Phó Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế. Ông được biết đến qua ca phẫu thuật ghép tim trên người đầu tiên do chính ê kíp người Việt Nam thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Huế - ca phẫu thuật đưa Việt Nam lên bản đồ ghép tim thế giới.
GS.TS Bùi Đức Phú giữ cương vị Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City từ tháng 1/2017. Đồng thời, ông cũng đảm nhận thêm trọng trách Phó Tổng giám đốc chuyên môn Hệ thống y tế Vinmec.
Bình luận