Đó là: PGS.TS Trần Vân Khánh (sinh năm 1973, Trưởng bộ môn Sinh học phân tử, Khoa kỹ thuật Y học, PGĐ Trung tâm nghiên cứu Gen - Protein, Trường Đại học Y Hà Nội) và PGS.TS Đinh Thị Bích Lân (sinh năm 1960, Giảng viên cao cấp, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế).
Giải thưởng Kovalevskaia bắt đầu từ năm 1985 và trở thành giải thưởng cấp quốc gia có uy tín dành cho các nhà khoa học nữ.
Trong giai đoạn 1985-2016, giải thưởng đã được trao cho 18 tập thể và 45 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin. GS.TS Nguyễn Thị Doan – Nguyên Phó chủ tịch nước - hiện là Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng.
PGS.TS.BS Trần Vân Khánh, PGĐ Trung tâm nghiên cứu Gen – Protein, Trường Đại học Y Hà Nội, đã đạt nhiều thành tích cao trong nghiên cứu Gen – Protein với các nghiên cứu liệu pháp điều trị gen, chẩn đoán trước sinh một số bệnh lý di truyền, chẩn đoán tiền làm tổ một số bệnh lý di truyền, bệnh lý ung thư, hướng nghiên cứu về tế bào gốc và tổng hợp protein tái tổ hợp ứng dụng trong dược liệu.
Trong 10 năm trở lại đây, chị đã chủ trì và tham gia thực hiện 29 đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ, công bố 170 bài báo khoa học trong và ngoài nước, hướng dẫn 15 nghiên cứu sinh. Bên cạnh đó, chị còn là Ủy viên BCH Hội nữ trí thức Việt Nam và đã vinh dự nhận danh hiệu Nữ trí thức tiêu biểu năm 2015.
Còn PGS.TS Đinh Thị Bích Lân, Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế đã đạt nhiều thành tích trong các công trình nghiên cứu về các loại kháng nguyên tái tổ hợp của một số mầm bệnh, các loại KIT chẩn đoán nhanh các bệnh truyền nhiễm, vắc xin tái tổ hợp phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn, chế phẩm sinh học chứa kháng thể lòng đỏ trứng gà và các tổ hợp lợn lai có tỷ lệ nạc cao.
Các kết quả nghiên cứu này cũng đã và đang được chuyển giao cho địa phương và các doanh nghiệp sản xuất chế phẩm sinh học thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh việc tổ chức trao Giải thưởng Kovalevskaia, Quỹ giải thưởng còn tổ chức cuộc giao lưu giữa các nhà khoa học nữ và các nữ sinh viên xuất sắc các ngành khoa học tự nhiên của các trường đại học.
Trả lời sinh viên trong buổi giao lưu về nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, Nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia, GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh:
“Nhà trường cần tạo môi trường tốt nhất cho sinh viên; đội ngũ thầy giáo phải giỏi, tận tâm tận lực, hết lòng vì sinh viên, coi sinh viên là bạn, là đối tác trong quá trình giảng dạy; cần định hướng đúng ngành nghề cho sinh viên, đồng thời bản thân sinh viên cần định hướng đúng cho bản thân mình; nhà trường cần có trang thiết bị đầy đủ cho sinh viên khối khoa học tự nhiên; bên cạnh đó nhà trường cần đánh giá đúng và công bằng về năng lực của các em, đồng thời các em cũng cần thể hiện mình, rèn luyện các kỹ năng khi có cơ hội”.
Cũng tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, Học viện Nông nghiệp VN, giải thưởng Kovalevskaia năm 2000, chia sẻ:
“Để các sản phẩm nghiên cứu khoa học ứng dụng thành công trong thực tiễn, bên cạnh việc sản phẩm đó đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thì các nhà khoa học cần nhiều hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước, cụ thể cần có hệ thống truyền thông cho các các kết quả khoa học, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật nhanh các kết quả mới, đẩy nhanh việc chuyển giao bản quyền công nghệ, ứng dụng vào thực tiễn”.
Video: Kết nối chuyển giao công nghệ: Tinh chất nghệ Nacumin
Từ năm 2016, hàng năm Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia trao học bổng cho 01 nữ sinh chuyên Toán, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội trong 3 năm học với số tiền là 500 USD/năm.
Bình luận