Giải Sư tử vàng vừa gọi tên Faust, bộ phim nặng nề và khó xem bởi tính ẩn dụ triết học trong câu chuyện nhà giả kim bán linh hồn cho quỷ.
Bỏ lại tất cả những tác phẩm đình đám nhờ “sao” như Tinker, Tailor, Soldier, Spy (Thợ hàn, thợ may, người lính, gián điệp); Contagion (Bệnh truyền nhiễm) hay Carnage (Cuộc tàn sát), LHP Venice lần thứ 68 – diễn ra từ ngày 31/8 đến 10/9 tại Venice, Ý – gây bất ngờ lớn cho thế giới điện ảnh bằng quyết định chọn Faust của đạo diễn Nga Aleksander Sokurov cho giải Sư tử vàng.
Đạo diễn Aleksander Sokurov, 60 tuổi, người Nga, lần đầu thắng giải Sư tử vàng nhờ bộ phim mới nhất Faust. |
Tuy nhiên, trước thềm lễ trao giải vào tối ngày 10/9 (giờ địa phương), lời hé lộ “đang tìm những phim mang lại nhiều xúc cảm và trí tuệ” của vị chánh chủ khảo – đạo diễn Darren Aronofsky đã khiến danh sách các phim có khả năng đoạt giải chỉ còn lại ba cái tên: Roman Polanski và Carnage, Steve McQueen và Shame (Sự hổ thẹn), Aleksander Sokurov và Faust.
Và Faust, bộ phim ít được nhắc tới do xuất hiện vào những ngày cuối của liên hoan,đã được gọi tên. Với lựa chọn này, ban giám khảo của LHP Venice có thể tránh được những thị phi kiểu như “trao giải cho bồ cũ” hồi năm ngoái nhưng dự báo để lại không ít tranh cãi bởi phim nặng nề và khó xem.
Nam diễn viên người Đức Johannes Zeiler trong vai Faust. |
Faust là phần cuối trong bộ bốn phim khám phá bản chất quyền lực của đạo diễn Aleksander Sokurov, người từng có phim bị gây khó dễ ở Nga. Loạt phim bắt đầu từ Moloch (Hỏa thần Moloch, năm 1999) về chân dung Hitler, Taurus (Kim ngưu, năm 2000) về lãnh tụ Vladimir Lenin và The Sun (Mặt trời, năm 2005) về Nhật hoàng Hirohito.
Nếu những nhân vật chính trong ba phần đầu tiên đều dựa trên nguyên mẫu có thật trong lịch sử, thì Faust hoàn toàn là nhân vật hư cấu, được đạo diễn khai thác như một hình ảnh biểu tượng để kết thúc hành trình khám phá bằng điện ảnh về bản chất quyền lực, cũng như mối quan hệ giữa đàn ông và quyền lực.
Bộ phim được đặt trong bối cảnh nước Đức thế kỷ thứ 19, mở màn bằng cảnh tượng khủng khiếp, Faust (Johannes Zeiler đóng) giải phẫu một tử thi, khán giả nhìn thấy cả vùng kín lẫn ruột gan. Khi đã cắt rời mọi thứ, anh tranh cãi với người phụ tá về vị trí chính xác của linh hồn và quả quyết một cách tự hào: “Thượng đế, người lay động tôi bên trong, hoàn toàn mất quyền lực khi ở ngoài tôi”.
Cây viết phê bình Deborah Young của tờ Hollywood Reporter cho rằng Faust khuấy động bản chất quyền lực trong cuộc chiến mang tính sử thi giữa người đàn ông đang khát khao thống lĩnh tri thức và con quỷ trong chính anh ta. Cách làm phim theo chủ nghĩa biểu hiện mang lại sự phóng túng trong phong cách hỗn độn đặc trưng, trong lối diễn xuất cường điệu tương phản với những khuôn hình bị méo mó, mà có khi chỉ vừa đủ chỗ cho các diễn viên.
Đạo diễn Aleksander Sokurov cho biết ông đã có một trải nghiệm thú vị khi chỉ đạo diễn xuất cho dàn diễn viên không phải người Nga mà là người Đức. |
Thật khó để nói bộ phim dựng lại câu chuyện dân gian của nước Đức về nhà giả kim Faust, người không thỏa mãn với thành tựu của mình, đã chấp nhận bán linh hồn cho quỷ Mephistopheles để đổi lấy tri thức và những hạnh phúc trần gian. Chính xác hơn, bộ phim đang cố gắng đi tìm những ẩn dụ nằm ngoài ngôn từ của vở kịch thơ Faust của Goethe.
Với nội dung nghiêm túc và trí tuệ như vậy, Faust của Sokurov xem như đã chọn cách đứng ngoài những giá trị thương mại trong ngành công nghiệp điện ảnh. Và để làm một cuộc chơi thuần khiết với nghệ thuật, không cách gì hơn là ông cần có…nhà tài trợ.
Có thể hiểu điều này trong phát biểu của ông sau buổi lễ nhận giải. Ông bày tỏ sự khẩn nài các chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho các quỹ văn hóa và nói “văn hóa không phải là hàng xa xỉ! Nó là nền tảng phát triển của xã hội”. Thậm chí còn chua thêm: “sẽ khuấy động vấn đề này tới Thủ tướng Nga Vladimir Putin bằng một cuộc điện thoại sau chiến thắng”.
Theo VNN
Bình luận