• Zalo

Giải quyết bài toán ‘sợ đấu thầu thuốc, vật tư y tế’ ở các bệnh viện

Tin tứcThứ Ba, 05/12/2023 13:19:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương cố gắng đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế đảm bảo khám chữa bệnh cho nhân dân.

Sau 3 năm đại dịch COVID-19, ngành y tế gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao, trong khi giá cả biến động trên quy mô toàn cầu, nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm…đặt lên trách nhiệm của mỗi giám đốc bệnh viện phải vừa duy trì tốt khám, điều trị và không để thiếu thuốc, vật tư y tế.

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế ra nhiều văn bản gỡ vướng trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế từ đó giúp địa phương bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.

BS Diêm Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái hiểu rằng, khó khăn trong đấu thầu thuốc và thiết bị y tế là không tránh khỏi. Nhưng dù khó đến đâu, lãnh đạo bệnh viện vẫn phải cố gắng vượt qua, hạn chế đến mức thấp nhất việc thiếu thuốc cho người bệnh. 

Bệnh viện đa khoa Yên Bái luôn xác định tập trung nguồn nhân lực tốt nhất cho phòng, ban chuyên môn đảm trách công tác đấu thầu, cùng với hỗ trợ từ công nghệ thông tin để dự báo sát nhu cầu thuốc điều trị cũng như tính toán được  tình hình thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế hiện có. 

Các bệnh viện nỗ lực trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Các bệnh viện nỗ lực trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

“Không để thiếu thuốc mới làm thầu, đó là quán triệt xuyên suốt đến Khoa Dược - đơn vị được giám đốc bệnh viện giao thực hiện làm thầu mua sắm thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế", BS Sơn thẳng thắn nói.

Tính riêng năm 2023 Khoa Dược đã tham mưu xây dựng gần 30 gói thầu, trong đó có nhiều gói phải thực hiện đến 4 lần mới lựa chọn được nhà thầu. Lỗi không phải từ bệnh viện và các cơ quan quản lý nhà nước mà thực tế có những gói không không có nhà thầu tham dự hoặc không có nhà thầu cung ứng, và có nhiều mặt hàng không có trên thị trường.

Để thực hiện thành công các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

"Bệnh viện thực hiện bệnh án điện tử hoàn toàn, kiểm soát số lượng vật tư y tế, hóa chất qua công nghệ thông tin. Đồng thời dự báo sát nhu cầu điều trị, dự đoán vật tư y tế sắp hết. Thuốc hiếm, thuốc đắt tiền đều phải có các phương án mua sắm khi cần thiết. Hóa chất, vật tư y tế trong kho chỉ còn 50%, Khoa Dược phải làm dần đúng quy trình các bước mua sắm, không đợi đến hết mới xây dựng gói thầu...", BS Diêm Sơn quả quyết.

Giám đốc Đào Xuân Cơ nêu rõ, từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện Bạch mai riêng đối với thiết bị vật tư đã trúng thầu hơn 1.700 tỷ đồng, thuốc là 2.000 tỉ đồng. Để có được kết quả đấu thầu kịp thời, theo ông Cơ, đó là đoàn kết trong nội bộ và công tác phòng chống tham nhũng.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ: "Bạch Mai với cương vị là tuyến cuối, nơi tiếp nhận bệnh nhân nặng nhất, khó nhất ở tất cả tỉnh thành phía Bắc và Hà Nội, lại liên quan đến các vấn đề tư pháp - có những vụ án liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, nên nếu các bệnh viện khác đã khó khăn 1 thì Bạch Mai khó 10.

Do vậy, sau khi hoàn thành chống dịch, chúng tôi hết sức khó khăn khi bệnh nhân tăng lên đột biến, đặc biệt đầu 2022 đến nay khi dịch COVID-19 được kiểm soát, số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tăng lên đột biến khiến khó khăn chồng chất khó khăn".

Trong khó khăn, tập thể Bệnh viện xác định luôn đặt mục tiêu phải cố gắng nỗ lực vì người bệnh. Bệnh viện đã đoàn kết, thống nhất, tập trung vào mua sắm, đấu thầu.

"Những gì làm được chúng tôi đều thực hiện. Những khó khăn vướng mắc chúng tôi báo cáo cơ quan có thẩm quyền, Bộ Y tế để cùng tháo gỡ cho bệnh viện. Chính phủ, Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Y tế, trực tiếp là Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã có những chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ.

Nghị quyết 30 của Chính phủ đã tháo gỡ được những khó khăn cơ bản, Nghị định 07 giúp thông quan trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất thuận lợi hơn. Sau đó là Thông tư 14 của Bộ Y tế đã giúp tháo gỡ khó khăn của Bạch Mai nói riêng và của cả hệ thống các BV trong cả nước nói chung", PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.

PGS.TS Đào Xuân Cơ thông tin, từ tháng 1/2023 đến nay, cơ sở y tế này đã đấu thầu, trúng thầu với số lượng khá lớn thiết bị, vật tư tiêu hao, cũng như thuốc để phục vụ khám chữa bệnh.

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã trúng thầu gói thiết bị như gói thiết bị 4 máy cộng hưởng từ và 2 máy CT. Với các thiết bị mới này và các máy đang sửa chữa đến năm 2024, Bệnh viện có gần chục máy cộng hưởng từ bệnh nhân đến khám vừa tiết kiệm thời gian, chi phí rất lớn.

"Chúng tôi cũng trúng thầu mua sắm được 2 gói thiết bị hệ thống nội soi đường tiêu hóa, đã có được gói thầu máy siêu âm X quang phục vụ công tác chiếu chụp. Tuần trước chúng tôi đã hoàn thành mua sắm 7 hệ thống phẫu thuật nội soi.

Số bệnh nhân cần nội soi từ 600 – 800 ca/ngày, thậm chí cả nghìn ca nếu đủ thiết bị bệnh nhân không phải chờ. Trước đây 7- 8h sáng đã hết số nội soi nhưng hiện tại không còn người bệnh phải chờ", PGS.TS Đào Xuân Cơ thông tin.

Ông khẳng định, từ nay đến cuối năm, các thiết bị này được lắp đặt xong thì người bệnh đến Bạch Mai không phải chờ đợi khám chữa bệnh, đặc biệt là vấn đề chụp chiếu.

Song song với đó, các cơ quan chức năng cũng đã giúp bệnh viện thực hiện các thủ tục để đưa các thiết bị trước đây "đắp chiếu" do liên quan đến các vụ án vào tiếp tục sử dụng. Hiện nay, hầu hết các thuốc thiết yếu cơ bản đã đảm bảo.

Ông Cơ cũng thẳng thắn cho biết: "Tại Bạch Mai không thể tránh khỏi đôi lúc thiếu cục bộ vật tư tiêu hao, thiếu thuốc mang tính chất cục bộ do nhiều nguyên nhân khách quan như đứt chuỗi cung ứng. Một số thuốc trúng thầu rồi nhưng nhà thầu không cung ứng được do đứt chuỗi cung ứng tại nước sản xuất…"

Luật Đấu thầu mới giúp cho các đơn vị y tế giải quyết tốt việc mua sắm, đấu thầu.

Luật Đấu thầu mới giúp cho các đơn vị y tế giải quyết tốt việc mua sắm, đấu thầu. 

Chia sẻ về kinh nghiệm trong mua sắm, đấu thầu tại đơn vị mình, PGS.TS Đào Xuân Cơ khẳng định có các yếu tố cơ bản sau:

Thứ nhất, bên cạnh việc đoàn kết, thống nhất, tập trung của tập thể bệnh viện, chúng tôi đã kiện toàn Ban Phòng chống tham nhũng và giáo dục công tác phòng chống tham nhũng đến cán bộ làm công tác đấu thầu, mua sắm, để có thể tự tin mua sắm, không vướng vào vấn đề 'hoa hồng' với các nhà thầu.

Thứ hai, trong các hợp đồng thầu, Bệnh viện đưa hẳn vào bài thầu vấn đề phòng chống tham nhũng với các công ty tham gia mua sắm. Bệnh viện luôn tạo điều kiện bình đẳng, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp đủ điều kiện tư pháp tham gia đấu thầu, nhưng cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng, không mua chuộc cán bộ của Bệnh viện.

Nếu chúng tôi phát hiện các doanh nghiệp mua chuộc cán bộ, sẽ dừng hợp đồng, báo các cơ quan chức năng hỗ trợ Bệnh viện về vấn đề tư pháp. Khâu này hết sức quan trọng, tránh tình trạng cán bộ thông đồng với các doanh nghiệp. Đặc biệt, chúng tôi có thương thảo hết sức chặt chẽ với các doanh nghiệp về vấn đề này.

Thứ ba, Bệnh viện giáo dục cán bộ tránh tình trạng thông đồng với doanh nghiệp. Vì vậy, một loạt gói thầu của bệnh viện đã giảm được giá so với giá kế hoạch giảm từ 15 – 30%, nhờ đó giảm được ngân sách của nhà nước và ngân sách từ quỹ phát triển bệnh viện.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng mong muốn các cơ quan hữu quan, đặc biệt là cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ Bệnh viện tạo môi trường trong sạch, công khai, minh bạch để hoạt động mua sắm, đấu thầu diễn ra một cách thuận lợi. 

Ông Hoàng Cương - Trưởng phòng Chính sách đấu thầu, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn vừa qua, thách thức rất lớn về lĩnh vực đấu thầu thuốc và vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh đã nhận được sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ cùng các Bộ, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương nhằm nỗ lực tập trung tháo gỡ những vướng mắc và mở ra rất nhiều chính sách cho ngành y tế trong Luật Đấu thầu  sửa đổi 2023, có hiệu lực từ 1/1/2024.

Đặc biệt, Luật Đấu thầu sửa đổi 2023, đã bổ sung hàng loạt nội dung liên quan đến việc đấu thầu của ngành y tế và dành hẳn chương 5 cho việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Bên cạnh việc điều chỉnh 8 hình thức trong luật trước đây như: Đấu thầu tập trung, chỉ định giá, đàm phán giá, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt …thì lần này chúng ta còn mở rộng thêm 2 hình thức (Đấu thầu ngược và mua sắm trực tuyến) cho các đơn vị. Hay Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 cũng phân định rõ các tình huống cấp bách, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa… cũng như quy định rõ những nội dung hình thức nào phải đấu thầu hay mua sắm theo các hình thức khác.

"Về cơ bản thì các khó khăn vướng mắc đấu thầu trong y tế đã được nhận diện và xem xét trong Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 này. Sắp tới cùng với các thông tư hướng dẫn thì chắc chắn là việc đấu thầu y tế sẽ được sẽ hiệu quả hơn", ông Hoàng Cương khẳng định.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn