Hệ thống IoT chuyên cho lĩnh vực nông nghiệp với tên gọi D-tech là dự án nằm trong một dự án lớn hơn là xây dựng một Nền tảng kết nối giữa người mua , người bán và nhà sản xuất trong Nông nghiệp của Demeter đã được thực hiện trong vòng 2 năm nay.
Hệ thống này gồm có các bước như giám sát, phân tích, điều khiển và chia sẻ. Người dùng có thể giám sát quá trình làm nông nghiệp của mình thông qua dữ liệu thu thập được nhờ hệ thống cảm biến hiện đại được cài đặt trong các ứng dụng web, smartphone.
Các dữ liệu này sẽ được phân tích để đưa ra những cảnh báo kip thời, giúp người dùng tối ưu việc canh tác.
Ngoài ra, hệ thống điều khiển tự động sẽ giúp cho người dùng tiết kiệm chi phí và tăng năng suất, chất lượng nông sản, đồng thời kết nối, chia sẻ thông tin hiệu quả giữa nhà nông, nhà nghiên cứu, các chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp, doanh nghiệp và người dùng, từ đó giải quyết các bài toán nuôi trồng và kinh doanh thông suốt và hiệu quả.
Điểm hấp dẫn của giải pháp này đó là nó phù hợp với hầu hết tất cả các mô hình trong ngành nông nghiệp, từ những cánh đồng rộng lớn đến những vườn cây quy mô nhỏ hay mô hình nuôi trồng trong nhà kính, từ hồ nuôi thủy hải sản đến mô hình chuồng trại, chăn nuôi gia cầm, gia súc…
Giải pháp nông nghiệp của Demeter có rất nhiều tính năng, trong đó nổi bật là điều khiển tự động như tưới nước, bón phân, cho thức ăn… ở bất kì đâu, sau đó giám sát bằng hệ thống hình ảnh, video qua camera.
Bên cạnh đó còn nhiều tính năng hữu ích khác như thông báo mùa vụ, cảnh báo sâu bệnh tức thời qua ứng dụng, tin nhắn; theo dõi, dự đoán năng suất mùa vụ; hiển thị thông tin môi trường, trạng thái vùng canh tác; cài đặt tự động kịch bản theo từng thuộc tính cây trồng, vật nuôi…
Để giúp độc giả hiểu thêm về giải pháp công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp mới này, phóng viên VTC News đã có buổi phỏng vấn anh Phạm Ngọc Anh Tùng – CEO start up Demeter – đơn vị sở hữu công trình khoa học Hệ thống giám sát và điều khiển qua internet 4.0 trong nông nghiệp.
- Thưa anh, xuất phát từ đâu khiến anh nghiên cứu về sản phẩm này? Sản phẩm được đưa ra thị trường từ khi nào?
Tôi tham gia lĩnh vực Nông nghiệp CNC được 3 năm.
Trước đây, tôi từng là Giám Đốc Nông Trại lớn ở Đà Lạt, sản xuất nhiều loại mặt hàng nông sản.
Từ thực tế sản xuất cho thấy, nông nghiệp ở Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung còn nhiều mặt hạn chế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Đăc biệt, khâu giám sát sản xuất sao cho chặt chẽ, tăng tính ổn định và chất lượng của sản phẩm còn rất yếu.
Đó là lý do vì sao Demeter ra đời để tập trung nghiên cứu các giải pháp tự động hóa và giám sát trong Nông nghiệp. Dự án này nằm trong một dự án lớn hơn , đó là xây dựng nền tảng kết nối toàn bộ chuỗi cung ứng trong nông nghiệp và minh bạch hóa thông tin trong nông nghiệp cho cả người dùng lẫn nhà sản xuất .
Dưới sự hỗ trợ của Intel và các đối tác, Demeter đã nghiên cứu hệ thống IoT trong nông nghiệp được hơn 2 năm nay.
Sản phẩm hiện được đưa ra thị trường từ tháng 06/ 2017, nhưng trước đó đã được ứng dụng ở nhiều nông trại khác.
- Ưu điểm của giải pháp này là gì thưa anh? Những lợi ích mà nó mang lại cho khách hàng là gì?
Giải pháp của Demeter giúp người trồng dễ dàng giám sát cũng như quản lý trang trại, nhà máy hiệu quả hơn, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng cũng như tạo độ tin tưởng cho sản phẩm thông qua truy suất nguồn gốc, giá thành phù hợp với điều kiện ở Việt Nam nếu so sánh với các hệ thống nhập khẩu khác.
- Trong quá trình nghiên cứu và sáng lập ra hệ thống giải pháp cho nông nghiệp bằng công nghệ, anh đã gặp phải những khó khăn gì?
Đó là 1 quá trình dài đòi hỏi sự bền bỉ và quyết tâm. Nếu cần ai đó động viên thì không nên khởi nghiệp. Môi trường khởi nghiệp là môi trường không ổn định, nguồn vốn ít, do vậy mình luôn phải linh hoạt và sáng tạo.
Điều may mắn là trong hành trình đó, mình nhận được sự hỗ trợ và sát cánh rất nhiều từ tập đoàn Intel về giải pháp cũng như giới thiệu các partner trong suốt 02 năm.
- Giải pháp này tập trung vào những đối tượng khách hàng như thế nào, thưa anh?
Hiện tại, các giải pháp và các thiết bị IoT trong nông nghiệp của Demeter tập trung vào các nông trại vừa và nhỏ, cũng như các hộ gia đình.
- Theo anh, chi phí đầu tư ban đầu so với lợi ích của mô hình kinh doanh hệ thống này hiện nay như thế nào?
Tùy theo quy mô trang trại mà tỉ lệ chi phí đầu tư / lợi ích sẽ khác nhau. Đối với mô hình trung bình thì tỉ lệ khá thấp, không đáng kể.
Ví dụ về giải pháp trong thủy sản Demeter làm với 1 đối tác Malaysia thì trung bình tiết kiệm khoảng 15-20% chi phí , trong 1 năm là đã hoàn vốn đầu tư ban đầu.
- Đánh giá của khách hàng với sản phẩm công nghệ mới này như thế nào, thưa anh?
Rất tích cực và họ hào hứng để triển khai
- Sắp tới, dự kiến hệ thống sẽ tập trung vào thị trường và đối tượng như thế nào, thưa anh?
Sắp tới, thị trường thiết bị IoT Demeter nhắm tới không chỉ ở Việt Nam mà còn mở rộng tới các nước Đông Nam Á.
- Thưa anh, hiện nay nhà nước có những cơ chế gì để khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng sản phẩm vào thực tiễn?
Nhà nước có những ngân sách và Quỹ khá lớn để hỗ trợ nghiêm cứu, khởi nghiệp cũng như có các chương trình đào tạo ở nước ngoài để tạo cho người khởi nghiệp, nhà nghiên cứu có cơ hội tiếp xúc với các mô hình mới, các phương thức quản trị cũng như cách thức thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường .
Đây là những tín hiệu rất tốt từ phía nhà nước. Tuy nhiên. các quỹ khá khó tiếp cận và quy trình cần được tinh gọn hơn để phía nhà nghiên cứu, khởi nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn
- Xin cảm ơn anh!
Bình luận