• Zalo

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại mới

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 26/07/2018 15:31:00 +07:00Google News

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI) đã thiết lập Cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp, công cụ khai thác nhằm giúp doanh nghiệp Việt phát triển lợi thế cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Nhu cầu bức thiết về thông tin sở hữu công nghiệp

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng thông tin sở hữu công nghiệp (SHCN) - nguồn dữ liệu hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, phát triển, xác lập quyền, quản trị và khai thác các tài sản trí tuệ để duy trì và phát triển lợi thế cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ của mình.

Tuy nhiên, hiện nay, việc cung cấp, tạo điều kiện tiếp cận thông tin SHCN được tổ chức thực hiện còn bị hạn chế, chưa kịp thời, chưa đầy đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”, GS. Hoàng Văn Phong, Nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN, Đại diện Hội đồng quản lý Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia nhận định.

Cụ thể, cơ sở dữ liệu (CSDL) về SHCN thiếu các thông tin liên quan đến xử lý đơn đăng ký, thông tin cập nhật về tình trạng đơn, tình trạng văn bằng, tình trạng kỹ thuật liên quan đến đối tượng SHCN, thông tin phục vụ khai thác quyền SHCN, quản trị, phát triển tài sản trí tuệ.

Đế đáp ứng được yêu cầu đó, việc xây dựng các CSDL, công cụ khai thác thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin SHCN đã được Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đặt ra trên cơ sở kinh nghiệm rút ra từ mô hình khai thác thông tin sở hữu trí tuệ phục vụ công chúng của các nước tiên tiến trong khu vực cũng như trên thế giới.

Với những kinh nghiệm quốc tế đó, Bộ KHCN đã đặt hàng, giao Viện Khoa học sở hữu trí tuệ nhiệm vụ “Thiết lập, duy trì và phát triển CSDL thông tin trực tuyến về đối tượng SHCN và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Dự án thuộc Chương trình Phát triển thị trường KHCN đến năm 2020, được thực hiện từ tháng 2/2017 đến tháng 1/2019 với sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ và Công ty MITEC thuộc Bộ KHCN.

1

 “Thông tin kịp thời là tiền của, là thứ có giá trị nhất hiện nay. Nếu không khai thác thông tin SHCN được, chúng ta sẽ đi chậm rất nhiều thứ” - Ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI)

“Sản phẩm của hệ thống SHCN không chỉ là những văn bằng bảo hộ các đối tượng SHCN được cấp bằng bảo hộ mà nó còn là một hệ thống thông tin SHCN rất quý báu, cần phải được phổ biến, tạo điều kiện cho tất cả công chúng khai thác, sử dụng một cách thuận lợi nhất, hiệu quả nhất. Thông tin kịp thời là tiền của, là thứ có giá trị nhất hiện nay. Nếu không khai thác thông tin SHCN được, chúng ta sẽ đi chậm rất nhiều thứ”, ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI) khẳng định.

Do đó, mục tiêu của dự án là đánh giá thực trạng nhu cầu, tác động của việc cung cấp thông tin đối tượng SHCN đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó thiết lập được CSDL về đối tượng SHCN, các công cụ để quản lý cập nhật và khai thác phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách thuận lợi, dễ dàng nhất, phục vụ nhiều đối tượng, đối tượng chưa có kỹ năng cũng có thể tra cứu được và đối tượng có kỹ năng có thể tra cứu nâng cao.

Giải pháp cung cấp thông tin sở hữu công nghiệp

Để thực hiện được mục tiêu đó, VIPRI xây dựng 4 module chính là module CSDL về thông tin SHCN của VIPRI được gọi là CSDL+; Module cập nhật CSDL từ người sử dụng – đối tượng quan trọng nhất của việc duy trì cập nhật thông tin; Module tiếp nhận, xử lý dịch vụ,xử lý cập nhật thông tin; và Module tra cứu thông tin sở hữu công nghiêp.

Trong đó, Module CSDL+ được cấu thành từ 4 yếu tố: Một, CSDL do Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp cho Viện Khoa học sở hữu trí tuệ hàng tháng. Hai, CSDL do công chúng, người sử dụng cập nhật. Ba, những thông tin từ khảo sát, nghiên cứu và phân tích kinh nghiệm nước ngoài về việc xây dựng, duy trì và phát triển hệ thống thông tin trực tuyến về SHCN như WIPO của Thụy Sỹ hay JPO, INPIT… của Nhật Bản. Bốn, dữ liệu xử lý dịch vụ của VIPRI.

2

  Lễ Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa VIPRI và INPIT

Khi người sử dụng cung cấp thông tin theo mẫu qua module cập nhật dữ liệu đến bộ phận xác nhận thông tin, thông tin sai sẽ được hệ thống báo về người sử dụng. Những thông tin đúng sẽ được tự động cập nhật vào CSDL+, CSDL+ báo về cho người sử dụng về số lượng cập nhật và mức phí được hưởng từ việc cung cấp dịch vụ. Đây chính là Module cập nhật CSDL mà VIPRI thiết lập.

Với Module tiếp nhận và xử lý dịch vụ SHCN, có 9 loại dịch vụ cho người sử dụng lựa chọn và gửi yêu cầu đến VIPRI, VIPRI tiếp nhận, xử lý yêu cầu và phê duyệt kết quả xử lý trên hệ thống rồi gửi lại người sử dụng yêu cầu bổ sung thông tin nếu thiếu. Đồng thời, kết quả dịch vụ sẽ được lưu lại và gửi cho người yêu cầu dịch vụ thông qua hệ thống và yêu cầu người sử dụng dịch vụ trả phí cho việc cung cấp các dịch vụ.

Ở Module tra cứu thông tin trong CSDL, người sử dụng có hai cách tiếp nhận thông thi là tra cứu bình thường, không mất phí với những thông tin trong CSDL do Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp; và tra cứu nâng cao, có tính phí cho ra toàn bộ thông tin có trong CSDL+.

Kết quả ban đầu của dự án

Nhận định về Dự án, ông Yoshitaka Enomoto, Giám đốc, Trưởng Ban Khai thác và Phát triển nguồn nhân lực, Trung tâm Quốc gia về Đào tạo và Thông tin Sở hữu Công nghệ Nhật Bản (INPIT) cho rằng: Đây là một dự án rất quan trọng cho Việt Nam trong thời gian sắp tới. CSDL này sẽ là nền tảng để phát triển KHCN, dẫn tới phát triển kinh tế của quốc gia.

Trong đó, ông đánh giá cao sự phát triển của Module tiếp nhận và xử lý dịch vụ SHCN với số lượng dịch vụ phong phú, giống như dịch vụ một cửa, mà thậm chí Nhật Bản hiện nay cũng chưa thực hiện được việc này. Khi triển khai được Module CSDL như trên sẽ rất có ích cho người sử dụng bởi nhiều doanh nghiệp mới phát triển công nghệ, mới nộp đơn thì rất dễ dàng để có những thông tin cần thiết, đây cũng là tính năng rất ưu việt.

3 3

 “CSDL này sẽ là nên tảng để phát triển KHCN, dẫn tới phát triển kinh tế của quốc gia” - Ông Yoshitaka Enomoto, Giám đốc, Trưởng Ban Khai thác và Phát triển nguồn nhân lực, Trung tâm Quốc gia về Đào tạo và Thông tin Sở hữu Công nghệ Nhật Bản (INPIT)

Bên cạnh đó, ông Norihisa Kato, Trưởng Ban Sở hữu trí tuệ khu vực Đông Nam Á, Đại diện JPO tại Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng góp ý: “Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, Dự án cần thực hiện thêm một giai đoạn nữa để cung cấp, chia sẻ thông tin cho cả người dùng nước ngoài bởi có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung quan tâm đến các thông tin về sở hữu trí tuệ của Việt Nam”.

Dự kiến CSDL về SHCN của VIPRI sẽ có giao diện hiện lên như một cổng thông tin, trong đó có các thành phần nhất định: module tra cứu (tra cứu sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng), module dịch vụ, module sàn giao dịch, module cập nhật CSDL và module công bố trong tháng. Ngoài ra còn có cả phần hỏi đáp về kỹ năng tra cứu, về SHCN; phần tin tức; phần giới thiệu, hướng dẫn…

Nói về dự định trong thời gian tới của VIPRI đối với dự án, ông Minh cho biết: VIPRI sẽ triển khai vận hành thử hệ thống CSDL về SHCN, hiệu chỉnh và hoàn thành CSDL, xây dựng quy trình cung cấp dịch vụ khai thác thông tin về đối tượng SHCN theo yêu cầu của doanh nghiệp và nghiệm thu dự án, từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại mới.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn