Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng bàn luận về những khó khăn trong việc huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn hiện nay; vai trò, tầm quan trọng của thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh) đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng; vấn đề cán cân chênh lệch giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ (vốn tín dụng ngân hàng); tính cấp thiết của việc khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản; giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh, ổn định, minh bạch và bền vững...
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho hay, để thực hiện các dự án, đảm bảo nguồn cung bất động sản đưa ra thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp bất động sản rất cần đến nguồn vốn lớn và được huy động từ nhiều kênh để đảm bảo có dòng tiền bền vững.
“Để doanh nghiệp bất động sản không ngừng lớn mạnh, tham gia vào nhiều dự án, vai trò của dòng vốn rất quan trọng. “Sự sống" của doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc vào dòng vốn”, PGS. TS. Ngô Trí Long khẳng định.
Theo các chuyên gia, ở Việt Nam, vốn đầu tư vào thị trường bất động sản trong thời gian qua gồm 5 nguồn: Vốn tự có của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản trong nước, vốn đầu tư nước ngoài, vốn huy động từ các nhà đầu tư trực tiếp thông qua hình thức mua bán bất động sản hình thành ở tương lai, nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng (chủ yếu là từ các ngân hàng thương mại) và vốn huy động từ thị trường chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu).
Dù các kênh vốn trên thị trường đang khá đa dạng, nhưng từ trước đến này, hầu hết các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước có những động thái siết tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản, hàng loạt doanh nghiệp đã chủ động chuyển sang huy động vốn thông qua phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong 3 năm gần đây, trái phiếu trở thành công cụ gọi vốn hữu hiệu cho rất nhiều doanh nghiệp, khiến quy mô của thị trường này tính trên GDP cũng có sự tăng mạnh.
Tuy nhiên, bà Hoàng Hải Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cũng chỉ ra thực trạng, nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên thị trường trái phiếu khiến cơ quan quản lý có động thái thắt chặt hơn là do khung quy định pháp luật chưa thực sự đạt hiệu quả quản lý, giám sát và định hướng dòng vốn. Bên cạnh đó, cách thức triển khai phát triển thị trường trái phiếu chưa được đánh giá hết mức độ ảnh hưởng khi bắt đầu.
Ngoài ra, nhận thức của nhà đầu tư về rủi ro của các loại trái phiếu doanh nghiệp và thông tin cung cấp đến nhà đầu tư chưa thực sự minh bạch cũng là nguyên nhân dẫn đến những rủi ro không đáng có, làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường.
Chính vì vậy, bà Hoàng Hải Anh cho rằng, đối với mục tiêu trước mắt, ngay lập tức chúng ta cần phải có giải pháp để bảo vệ niềm tin của nhà đầu tư. Đây cần phải được đưa lên là giải pháp cấp bách hàng đầu song song với các giải pháp để điều chỉnh các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, cần đa dạng hóa các sản phẩm tài chính đặc thù cho thị trường bất động sản để nhà đầu tư có nhiều lựa chọn đặc biệt đối với những sản phẩm được tiêu chuẩn hóa trên thế giới và có sự quản lý sát sao của cơ quan quản lý Nhà nước nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Bình luận