Giết mổ gia súc là một khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất chăn nuôi, góp phần kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Đảm bảo điều kiện giết mổ sẽ góp phần quan trọng kiểm soát và cung cấp thực phẩm sạch cho cộng đồng, nếu các điều kiện giết mổ không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, dẫn đến ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
TS. Nguyễn Văn Hưng cho biết: Trước thực trạng, các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh đều giết mổ thủ công nên chất lượng thịt sau giết mổ khó kiểm soát để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường. Vì vậy, giải pháp “Xây dựng mô hình giết mổ gia súc tập trung theo công nghệ sạch, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái” là giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm thịt từ giết mổ theo công nghệ sạch, ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm ở gia súc, đặc biệt các bệnh truyền lây từ động vật sang người; góp phần tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nâng cao giá trị gia tăng và thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững và hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong số các bệnh nhân bị ngộ độc thịt, thì có đến 90% là do thịt bị nhiễm bẩn trong quá trình giết mổ và chỉ 10% là do thịt gia súc bị bệnh. Điều đó chứng tỏ trong quá trình giết mổ và chế biến thịt còn chưa đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm.
Giải pháp xây dựng mô hình giết mổ gia súc tập trung theo công nghệ sạch, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái đã góp phần hoạt động giết mổ lợn đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y, xây dựng được quy trình vận hành tại cơ sở giết mổ, nâng cao nhận thưc cho các chủ kinh doanh, công nhân giết mổ, người vận chuyển sản phẩm động vật về an toàn thực phẩm.
Theo đánh giá của Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017, việc xây dựng “Mô hình giết mổ gia súc tập trung theo công nghệ sạch, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái” có tính sáng tạo cao và đặc biệt khả năng ứng dụng rộng rãi và hiệu quả.
Bình luận