• Zalo

Giải pháp để ngành dược phát triển lớn mạnh

Tin tứcThứ Sáu, 01/12/2023 11:37:00 +07:00Google News
(VTC News) -

TS. Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế nêu 4 giải pháp để ngành dược Việt Nam phát triển lớn mạnh.

Theo TS. Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế, thị trường dược ở Việt Nam là thị trường được đánh giá là lớn thứ hai ở Đông Nam Á và có nhiều tiềm năng để phát triển.

Thu nhập người dân ngày càng được nâng cao, ô nhiễm môi trường dẫn tới nhiều bệnh tật, dân số Việt Nam đang ngày càng già hóa, tỷ lệ người già ngày càng gia tăng, nên nhu cầu được chăm sóc và điều trị bằng thuốc và dược phẩm ngày càng cao hơn.

Nhược điểm lớn nhất của ngành dược là quy mô quá nhỏ và phân tán cao. Các nhược điểm khác đã dẫn đến nhiều hệ quả về công nghệ sản xuất, khả năng nghiên cứu và sản xuất, đầu tư vùng trồng dược liệu, chất lượng nhân lực.

Thị trường dược ở Việt Nam là thị trường được đánh giá là lớn thứ hai ở Đông Nam Á. (Ảnh minh hoạ)

Thị trường dược ở Việt Nam là thị trường được đánh giá là lớn thứ hai ở Đông Nam Á. (Ảnh minh hoạ)

Để ngành dược Việt Nam phát triển lớn mạnh, cần thực hiện những giải pháp sau. 


Thứ nhất, cần sáp nhập các doanh nghiệp dược với nhau. Để gia tăng quy mô nhanh nhất, việc hiệp thương giữa các doanh nghiệp dược với nhau để diễn ra các thương vụ sáp nhập một vài doanh nghiệp dược, hình thành vài tập đoàn dược quy mô lớn gấp nhiều lần hiện nay là hết sức cần thiết.

Việc sáp nhập các doanh nghiệp dược sẽ tạo lợi thế gia tăng tiềm lực tài chính, tận dụng cơ sở vất chất, vùng trồng dược liệu và công nghệ sẵn có và mạng lưới hoạt động.



Bên cạnh đó, với cơ cấu tài chính an toàn với tỷ lệ nợ vay thấp của hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm, sau quá trình hợp nhất có thể tăng vốn thêm bằng cách gia tăng nợ vay. Khi tỷ suất lợi nhuận ở mức cao, tỷ lệ nợ ở mức thấp, các doanh nghiệp cần vay nợ thêm để tận dụng lợi ích của đòn bẩy tài chính nhằm nâng cao tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu.

Nguồn lực tài chính từ nợ vay có thể giúp các doanh nghiệp ngành dược đầu tư vào các công nghệ mới, tuyển dụng được những chuyên gia trong ngành và phát triển được mảng nghiên cứu sản phẩm cũng như là dự án trồng dược liệu để tăng hiệu quả kinh doanh.



Thứ hai, triển khai liên kết với vài đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài để có thể nâng nhanh quy mô tổng vốn, tài sản và tận dụng năng lực công nghệ sản xuất, kinh nghiệm của họ để tạo tiền đề cho phát triển các công ty trong ngành dược.



Thứ ba, các tập đoàn dược cần mở rộng vùng trồng nguyên liệu sạch, chuẩn hóa và đầu tư các máy móc hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia có trình độ cao liên quan đến khâu chế xuất, sản xuất dược liệu để mang những sản phẩm thực sự an toàn, chất lượng và hiệu quả tới tay người tiêu dùng.



Thứ tư, các doanh nghiệp dược Việt Nam cần chú trọng đầu tư nâng cấp nhà máy hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn, như: EU-GMP, PIC/S. JAPAN-GMP. Các chuỗi dược phẩm bán lẻ cũng cần tích cực hoàn thiện chuỗi phân phối, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 trong các hoạt động.



Để phát triển công nghiệp dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới cần tập trung đầu tư phát triển các vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế.

Tăng cường nghiên cứu nhu cầu thị trường quốc tế, xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá thương hiệu dược liệu Việt trên trường quốc tế. Thực hiện hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và chính sách tín dụng ưu đãi cho nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

AN BÌNH
Bình luận
vtcnews.vn